Hoàng hôn trên Vườn quốc gia Bù Gia MậpKhám phá những vùng đất mới, để trải nghiệm và học hỏi được kiến thức mới về phong tục tập quán của người dân địa phương, chiêm ngưỡng những phong cảnh đẹp luôn là một đề tài cuốn hút với hầu hết chúng ta, nhất là những bạn trẻ. Mỗi nơi đi qua chúng ta đều để lại những kỷ niệm đẹp về vùng đất đó và mang về những tấm hình làm hành trang cho cuộc sống. Để một ngày bình yên bất chợt ta ngắm lại những thành quả mà mình đã làm được dù đó là những điều nhỏ nhoi giản dị. Cuộc sống là vậy mỗi khám phá mới sẽ là những điều diệu kỳ nhất mà ta hằng mong ước cũng như ta ước mơ một lần đến thăm Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Vườn quốc gia Bù gia mập nằm ở phía Tây - Bắc tỉnh Bình Phước trên địa bàn hành chính các xã Đắc Ơ, Bù Gia Mập huyện Phước Long tỉnh Bình Phước. Phía Tây và Tây bắc là suối Đăk Huýt, đường ranh giới Việt Nam - Cambodia. Phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Đắc Nông. Tổng diện tích Vườn là 26.032 ha. Vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập có diện tích 15.200 ha (7.200 ha thuộc tỉnh Bình Phước và 8.000 ha thuộc Đắc Nông) ở toạ độ địa lý từ 12 độ 8' đến 12 độ 17' vĩ độ bắc và từ 10 độ 03' đến 107 độ 17' kinh độ đông.
Cơn mưa đầu mùa ào át đổ xuống khi chúng tối bắt đầu bước chân vào rừng, nó chợt đến cũng chợt đi nhanh chóng để lại làn hơi nước mờ mịt trên các dãy núi thấp, con đường trơn trượt như báo hiệu một hành trình gian khổ và khó khăn khi khám phá Vườn quốc gia Bù gia mập. Nhưng cơn mưa dịu mát cũng hứa hẹn một đêm thu hoạch nhiều mẫu vật mà chúng tôi cần nghiên cứu.
Trên con đường ngoằn ngoèo từ ngoài vùng đệm để tiến vào vùng lõi của Vườn quốc gia, những người phụ nữ dân tộc stiêng đang trở về nhà sau một ngày mệt nhọc làm rẫy mưu sinh và tìm kiếm thức ăn cho gia đình. Trên khuôn mặt họ hằn những nét mệt mỏi với chiếc gùi nặng trĩu gồm rau rừng, măng, củi, nhưng vẫn vui vẻ nhìn vào ống kính của chúng tôi.a
Cư dân đầu tiên của Vườn quốc gia đón chào chúng tôi là một chú chim Diều hâu
Milvus migran dũng mãnh, dưới chân nó là kẻ chiến bại trong cuộc đấu tranh sinh tồn của thế giới tự nhiên, một con rắn Cạp nong vàng
Bungarus fasciatus loài rắn cực độc và là mối đe doạ đối với rất nhiều loài rắn khác nhưng với những chiếc móng vuốc sắc và chiếc mỏ nhọn giờ đây nó trở thành miếng mồi ngon cho lũ con non đang chuẩn bị bữa điểm tâm mà diều hâu mẹ mang về trên cây cao gần đó.
Cơn mưa nặng hạt đầu mùa vừa dứt, ánh mặt trời buổi chiều lấp ló trên ngọn cây, cả khu rừng như chợt tỉnh giấc sau một mùa khô khô hạn. Giọt mưa như tắm gội, gột rửa bụi bặm từng chiếc lá xanh, còn những nhiều chiếc lá già sau năm tháng hoàn thành nhiệm vụ của mình chúng rơi xuống cuốn theo dòng nước và trở thành thức ăn cho các loài côn trùng đất, để tiếp tục nốt sứ mệnh tạo ra tầng mùn cho cánh rừng nơi đây trở nên tốt tươi.
Có lẽ mải mê kiếm ăn và không kịp trú mưa, loài Nhông xám
Calotes bachae – (một loài bò sát mới được các nhà khoa học phát hiện ở nơi đây) đang phơi mình trên gốc cây mục bên ven đường nhằm điều hoà thân nhiệt và cảm nhận làn hơi nước mát mẻ của mùa mưa đang đến gần. Ánh mắt láo liên của nó rất cảnh giác với những đe doạ xung quanh và chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng đủ để cho nó ba chân bốn cẳng chạy trốn vào bụi cây rậm rạp gần nhất.
Khi chúng tôi đến Trạm kiểm lâm số 2 bóng tối đã bắt đầu bao trùm lên khu vực vườn quốc gia, những tia nắng cuối ngày rực cháy như muốn xuyên thủng từng đám rừng rậm rạp không lối đi. Từng đàn chim cất tiếng rủ nhau, gọi bầy về nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn mệt nhoài trong ngôi nhà bình yên của chúng
Hoàng hôn lặng lẽ buông xuống trên khắp các cánh rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập nhìn xa mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ trước khi để lại màn đêm lặng lẽ và không chút bình yên của thê giới muôn loài đáng đấu tranh sinh tồn và duy trì nòi giống cho đời sau hữu thụ. Cuộc sống vốn vẫn vậy, tạo hoá đã sinh ra muốn loài để tạo nên một chuỗi mắt xích sinh học, để cân bằng sinh thái, để loài này cộng sinh vào loài khác nếu chúng muốn tồn tại và phát triển.
Đâu đó trên những thân cây cổ thụ xù xì, thi gan cùng tế nguyệt loài Ve sầu vòi voi Pyrops sp. cất lên bản nhạc rừng cuối ngày hoà quện vào tiếng gió, tiếng lá rơi xào xạc. Bản giao hưởng gần như bất tận ấy càng làm cho không gian của rừng vốn dĩ nó đã tĩnh mịch từ bao đời thêm một chút náo nhiệt trước khi bản hợp ca của muôn loài bò sát, ếch nhái lưỡng cư, chim, thú rừng ăn đêm cùng cất tiếng gọi bầy, gọi bạn tình, gọi một mùa mưa mới, gọi những mầm non mới nhú lên và gọi những bông hoa đầu mùa khoe sắc trên vùng đất bình yên của Vườn quốc gia Bù gia Mập
Khi ánh đàn Flash của chiếc máy chụp hình “Cùi bắp” của tôi loé lên, chú ve sầu vòi voi tội nghiệp cất cánh vụt bay. Có thể đây là lần đầu tiên trong đời nó cảm nhận thứ ánh sáng có cường độ mạnh như vậy. Đây cũng là khoảnh khắc hiếm hoi trong cuộc đời nghiên cứu Đa dạng sinh học của tôi bắt được góc cánh trong của nó - dù đã nhiều lần ước mơ những bức ảnh để đời chỉ cho riêng mình
Chúng tôi chuẩn bị đèn dụng cụ bắt mẫu, và một số đồ dùng chuyên dụng cho công việc buổi tối đầy thách thức và gian nan, giờ này bọn Vắt rừng đói khát cũng đã tỉnh thức để kiếm ăn. Chúng thèm thuồng những giọt máu của các loài máu nóng để có cơ hội đẻ trứng và sinh tồn. Da thịt chúng tôi cũng là món ăn khoái khẩu của hàng ngàn con Vắt đang chờ đợi dưới thảm mục của Vườn quốc gia. Tuy nhiên càng nhiều loài hút máu này xuất hiện, tồn tại trong rừng có nghĩa là các khu rừng ở đây còn nhiều các loài thú, môi trường còn rất tốt vì chúng là con vật chỉ thị của môi trường rừng. Nếu các cánh rừng bị tác động cũng có nghĩa là loài hút máu ấy sẽ là loài đầu tiên vĩnh viễn không còn tồn tại.
Đi được một quãng ngắn loài đầu tiên chúng tôi phát hiện là một chú Thằn lằn lá xiêm
Dixonius siamensis đây là một loài thằn lằn rất hiếm vì chúng có kích rhước rất nhỏ và rất nhanh nhẹn trong bóng đêm nên để bắt được chúng là một công việc khó khăn. Có thể nó vừa mới chén một bụng căng những con mối non béo ngậy dưới thảm mục nên bước chạy của nó có vẻ chậm hơn thường này
Nằm chất đống dưới mặt đất là những chiếc vỏ cây Bằng lăng đang mùa thay lớp vỏ xù xì, chật chội và khoác lên mình chiếc áo mới. Bất chợt tôi nghe thấy âm thanh văng vẳng tiếng gọi bạn tình của loài Ênh ương nâu
Calluella guttulata đây là loài rất hiếm vì chúng chỉ được ghi nhận mới đây ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập và đây là loài nhỏ nhất trong các loài ễnh ương được tìm thấy ở Việt Nam. Dù bị kéo ra khỏi lớp vỏ cây nhưng chàng ta vẫn không ngớt cất tiếng gọi người tình trong mùa giao phối. Sau khi chụp một vài tấm hình ở nhiều góc độ chúng tôi tiếp tục công cuộc tìm kiếm bỏ lại chàng Ễnh ương si tình bên gốc bằng lăng già nua và cảm nhận về một thời trai trẻ của mình…
Vượt qua một cành cây đổ chắn ngang lối đi ven đường, tôi đưa máy chụp hình bấm liên tiếp, anh chàng đồng nghiệp một thời Kiểm lâm của tôi cũng reo lên như nhận thấy được vẻ đẹp mê hồn của loài Lan dực giác sừng dài -
Macropodanthus alatus đang treo mình trên một nhành cây nhỏ. Những bông hoa đầu mùa rực rỡ trên cành cây khô, mùi hương toả khắp cả một góc rừng như muốn mời chào những loài côn trùng ăn đêm về thưởng lãm và thụ phấn.
Không kém cạnh với nữ hoàng Lan dực giác sừng dài ở một góc khuất và tối hơn chùm Lan kiếm vàng
Cymbidium finlaysonianum cũng e lệ buông mình trong bóng đêm. Đâu đó trên những chiếc lá giọt mưa đầu mùa còn đọng lại phản chiếu với ánh đèn đêm giống như những viên ngọc sáng lấp lánh
Sau những ngày mùa khô khô hạn loài Cóc mắt đó
Leptobrachium sp. giật mình tỉnh giấc kiếm ăn để lấp đầy chiếc dạ dày rỗng tuếch của nó trong kỳ “ngủ khô” gần 6 tháng đã qua. Loài này thường sống trong các ống cây lồ ô còn đọng nước và chúng ở đó trong suốt những ngày tháng khô hạn và chỉ hoạt động kiếm ăn, giao phối vào mùa mưa hằng năm.
Đã quá nửa đêm chúng tôi vẫn tiếp tục đi ngược dòng suối Dakar, mùa này dòng suối chỉ còn là những khe nước nhỏ rất hiền hoà chảy và không hung dữ, đục ngàu như những ngày cuối tháng mùa mưa. Tuy nhiên chúng tôi cũng hết sức cảnh giác với những cơn lũ đầu nguồn bất ngờ vì chỉ trong vài phút mực nước có thể dâng lên đến vài mét và cuốn phăng những vật cản đường chảy của nó.
Trên một tảng đá gần bờ loài thực vật sách đỏ Việt Nam – cây ổ kiến
Hydnophytum formicarum đang khoe khoang chùm quả đỏ rực đưới ánh đèn và những chú kiến cộng sinh vào phần phình lên của gốc đang náo nhiệt hoạt động để giúp cho cây sống được nhờ vào dưỡng chất thải thức ăn thừa của lũ kiến tha về làm thức ăn dự trữ. Những phát hiện nho nhỏ và thú vị về loài thực vật này cũng có thể trở thành tư liệu hữu ích cho những bộ phim khoa học mà cuộc đời tôi ấp ủ trong tương lai gần.
Năm cạnh một thác nước nhỏ, khu vực này rất nhiều cây gỗ thuộc họ Dầu
Dipterocaspaceae có đường kính rất lớn. Tôi dừng lại săm soi chiếc đèn đội đầu rực sáng từng gốc cây trong bóng đêm dày đặc của khu rừng và hét lên một cách sung sướng, đôi tay run lên chi đưa chiếc máy chụp hình liên tục ngắm và chụp loài thằn lằn ngón. Trong đầu nghĩ đến chỉ vài tháng nữa thôi các nhà khoa học trên nghiên cứu về bò sát lưỡng cư ở Việt Nam và thế giới sẽ được ghi tên loài này vào danh lục các loài mới phát hiện ở Việt Nam và đây cũng là một trong những tấm hình sẽ được công bố. Những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc đời làm khoa học của chúng tôi sẽ được đền đáp mặc dù đôi dày dưới chân và trên ống quần vài chục con vắt khát máu đang bò lổm ngổm vượt lên tìm nơi hút máu.
Trên đường trở về trạm kiểm lâm số 2, một bất ngờ nữa lại đến với chúng tôi loài lan
Brachypeza laotica cho đến nay vẫn là loài lan được nghi ngờ có vùng phân bố ở Việt Nam. Nhiều năm qua các nhà khoa học đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn chưa có bất cứ bằng chứng chính xác nào về sự hiện diện của loài lan này ở nước ta. Giờ đây nó đang khoe sắc rực rỡ trước ống kính máy chụp hình, bất ngờ nối tiếp bất ngờ trong nỗ lực không mệt mỏi.
Việc tìm thấy vùng phân bố mới của loài lan này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà nghiên cứu vì chắc chắn chúng sẽ được đưa vào danh lục lan Việt Nam. Tuy nhiên việc bảo vệ loài hoa lan tuyệt đẹp này không bị đe dọa bởi những kẻ săn tìm các loài lan quí hiếm phải là công sức, nỗ lực của cả cộng đồng chúng ta…
Sau một đêm mệt mỏi tìm kiếm những loài mới, chụp hình, thu mẫu những loài chưa được cập nhật lên web. Chúng tôi lê bước trở về nhà khi bình minh của Vườn quốc già Bù gia Mập đang ứng dần ở phía chân núi xa mờ. Bầy chim rừng cũng bắt đầu thức giấc đón chào một ngày mới, từng bầy, từng bầy gọi nhau chuẩn bị thưởng thức bữa sáng. Nhiều nàng lưỡng cư đang thực hiện nốt thiên chức làm mẹ trên những đám lá cây gần bờ nước hay những hố nước nhỏ trong rừng và những quí ông lưỡng cư lịch lãm trong một đêm giao hoan mệt nhoài cũng lặng lẽ chia tay bạn tình tìm nơi ẩn náu. Bất chợt một tiếng hú dài gọi bầy của loài Chà vá chân đen
Pygathrix nigripes vang vọng hoà âm củng bản đồng ca của rừng xanh nơi đây - Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Còn rất nhiều điều muốn chia sẻ cùng bạn đọc về cuộc sống hoang dã nơi đây, đặc biệt là những khám phá về loài mới cho khoa học sẽ được công bố trong một thời gian rất gần nữa. Nhưng cần phải có nhiều bằng chứng, so sánh, đo đếm… và nhiều đêm dài thức trắng trong phòng thí nghiệm của các thành viên Sinh vật rừng Việt Nam mới có thể chia xẻ cùng mọi người. Tam biệt nhé Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tạm biệt những giây phút mệt nhoài nhưng lãng mạn bên những cánh rừng mưa nhiệt đới đầy ắp những khám phá bất ngờ thú vị, tạm biệt ánh hoàng hôn buông dài trên từng đám lá xanh và tạm biệt những nơi dấu chân của kẻ lữ hành cô độc chốn nhân gian chưa ghi dấu lần này.