|
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
|
[ 12 bài viết ] |
|
Những loài chuồn chuồn Odonata ở Việt Nam
Người gửi |
Nội dung |
Pmytrung
Site Admin
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am Bài viết: 715 Đến từ: Hải quan Đồng Nai
|
Những loài chuồn chuồn Odonata ở Việt Nam
Chào mọi người !
Website Sinh vật rừng Việt Nam xin giới thiệu 1 chuyên gia trog lình vực Odonata ở Việt Nam và xin gửi đến các bạn thành viên những loài Chuồn chuồn ở Việt Nam để chúng ta cùng học tập và tham khảo
Mọi người vào comment cho xôm tụ nhé
_________________ Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...
Sửa lần cuối bởi Pmytrung vào ngày Thứ 3 Tháng 5 11, 2010 9:20 am với 1 lần sửa trong tổng số.
|
Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:13 pm |
|
|
toan_odovn
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:25 pm Bài viết: 7 Đến từ: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
|
Tìm hiểu và khám phá các loài chuồn chuồn ở Vi
_________________ Yêu thiên nhiên
|
Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:41 pm |
|
|
felis bengalensis
Site Admin
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 9 01, 2003 9:33 am Bài viết: 94 Đến từ: School of Chemical and Bioengineering, Ulsan University, Korea
|
Chào anh chuồn chuồn , rất vui khi anh tham gia diễn đàn!!! .
|
Thứ 3 Tháng 5 11, 2010 2:27 pm |
|
|
azit
Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 8 25, 2007 10:49 pm Bài viết: 118 Đến từ: nước mặn đồng chua
|
có thấy con chuồn chuồn nào đâu anh " chuồn" !
a mà chuồn luôn thì thật là uổng lời giới thiệu hoành tráng của bác chủ thớt
ý tôi là bạn odonata....đưa tất tần tật các loại chuồn chuồn của việt nam lên đây đi, dĩ nhiên là hình ảnh, thông tin về chúng, chi chi tiết tiết chút nhé, vô cùng biết ơn bạn!
_________________ ngồi buồn mà trách ông Xanh
khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
kiếp sau xin chớ làm người
làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
|
Thứ 7 Tháng 5 22, 2010 12:45 am |
|
|
toan_odovn
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:25 pm Bài viết: 7 Đến từ: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
|
Anh chuồn chuồn không "chuồn" đâu !!!
Hiii, thành thật xin lỗi các bạn trong diễn đàn, quả thật sau khi tham gia diễn đàn thì tớ bận đi công tác, liên tục từ hôm đó tới giờ, đi từ Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Phú Tho..) vào miền Trung (Hà Tĩnh) tới gần miền Nam (Nha Trang, Tây Nguyên) để thu thập mẫu chuồn chuộn nên không có thời gian tham gia diễn đạn Thành thật xin lỗi Kết quả chuyến đi thật mỹ mãn, rất nhiều loài được thu thập và chụp hình, về có thời gian tớ sẽ gửi tới các bạn sau. Thân ái
_________________ Yêu thiên nhiên
|
Thứ 7 Tháng 6 05, 2010 3:26 pm |
|
|
minhphuong
Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 5 11, 2010 8:11 pm Bài viết: 2
|
chuồn chuồn
chào bạn , hình như bạn công tác tại BTTN việt nam phải không , mình cũng rất yêu thích động vật hoang dã , thỉnh thoảng mình cũng sang bên bảo tàng ,mình có quen cậu tạo nghiên cứu về lưỡng cư bò sát bên đó,rất hân hạnh được làm quen với bạn
|
Chủ nhật Tháng 6 06, 2010 9:52 am |
|
|
toan_odovn
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:25 pm Bài viết: 7 Đến từ: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
|
Một số loài Chuồn chuồn cánh màu (P1)
Thế giới của các loài Chuồn chuồn cũng nhiều màu sắc và rực rỡ không kém so với các loài bướm đâu nhé. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài loài chuồn chuồn ở Việt Nam thường gặp.
Đầu tiên phải kể đến các loài Chuồn chuồn trong họ Libellulidae. Đây là họ có số lượng loài và số lượng cá thể lớn nhất trong bộ, bởi vì khả năng thích nghi cao đối với nhiều loại môi trường khác nhau, kể cả ở những ao tù, rãnh nước bẩn bạn vẫn có thể bắt gặp một số loài trong họ này. Đặc điểm đặc trưng là hai mắt không cách xa mà gắn sát với nhau; mép sau của mắt không có mấu lồi lên như ở các loài thuộc họ Cordullidae; cánh có màu sắc rất đa dạng và mép dưới ở gốc cánh sau tròn, không có dạng góc vuông như ở các loài Gomphidae; mắt cánh hình tam giác (triangle) ở gốc của cánh trước và cánh sau không tương đồng. Các loài trong họ này phân bố hầu như ở khắp các vùng trong cả nước.
Loài Rhyothemis variegata (Linnaeus, 1763) là một loài tương đối phổ biến ở các vùng trung du và miền núi. Cánh trước và cánh sau có các vệt đen và vàng xen kẽ nhau ở vùng gốc cánh. Chúng chủ yếu hoạt động ở gần các con suối nhỏ có nhiều cây thủy sinh, mực nước cạn, ở gần các ao hồ, ruộng rau muống...
Loài Rhyothemis triangularis Kirby, 1889 phân bố rộng ở vùng Nam Á như Guangdong (Trung Quốc), Đài Loan, Thái Lan, Singapo, Philippin... ở Việt Nam loài này chỉ phân bố ở vùng phía Nam Việt Nam. Trong chuyến công tác ở xã Ka Nak, huyện K'Bang (Gia Lai) tôi đã rất may mắn phát hiện được loài này trong một đầm lầy sâu trong rừng.
Loài Neurothemis fluvia (Drury, 1773) đặc trưng bởi đôi cánh màu đỏ nổi bật, thường thấy ở gần các ao hồ, ruộng nước, thậm chí ở gần các con suối trong rừng.
Loài Neurothemis fluctuans (Fabricius, 1793) nhìn bề ngoài khá giống với loài N. fluvia ở đôi cánh màu đỏ. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ phần trong suốt ở mút đôi cánh sau thì sẽ thấy rõ sự khác biệt giữa hai loài này: Loài N. fluvia có dạng tròn trong khi phần này ở loài N. fluctuans thì lại vát về phía mép sau của cánh. Đây cũng là loài tương đối phổ biến.
Con đực của loài Neurothemis tulia (Drury, 1773) thì lại sở hữu đôi cánh màu đen đặc trưng. Chúng thường bay rất thấp, cách mặt đất không quá 1m và đậu vào các đám cỏ, cây ven ao, suối... con cái có đôi cánh gần như trong suốt với các vệt màu vàng.
_________________ Yêu thiên nhiên
|
Chủ nhật Tháng 6 06, 2010 10:09 am |
|
|
toan_odovn
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:25 pm Bài viết: 7 Đến từ: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
|
Re: chuồn chuồn
minhphuong đã viết: chào bạn , hình như bạn công tác tại BTTN việt nam phải không , mình cũng rất yêu thích động vật hoang dã , thỉnh thoảng mình cũng sang bên bảo tàng ,mình có quen cậu tạo nghiên cứu về lưỡng cư bò sát bên đó,rất hân hạnh được làm quen với bạn
Chào bạn Phương, trước đây mình làm cùng phòng với anh Tạo, sau này vì một số lý do mình đã chuyển sang làm ở cơ quan khác, tuy nhiên cái nghiệp đi rừng, ăn rừng và ngủ rừng nó đã "lỡ" bám vào người rồi nên vẫn tiếp tục làm công việc này. Sắp tới mình có một vài chuyến đi KBTTN Hữu Liên (Lạng Sơn), Hòn Bà (Nha Trang) và Cúc Phương (Ninh Bình), hy vọng sẽ có thêm nhiều loài thú vị được phát hiện và ghi nhận. Nếu bạn nào có hứng thú và yêu thích thiên nhiên thì có thể tham gia với mình.
Thân,
_________________ Yêu thiên nhiên
|
Chủ nhật Tháng 6 06, 2010 10:14 am |
|
|
felis bengalensis
Site Admin
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 9 01, 2003 9:33 am Bài viết: 94 Đến từ: School of Chemical and Bioengineering, Ulsan University, Korea
|
Cảm ơn anh toan_odovn đã đăng rất nhiều ảnh đẹp về chuồn chuồn ở VN, cho thấy được sự đa dạng và phong phú của loài này. Anh có thể cho biết để phân loại chuồn chuồn thường dựa vào các đặc điểm nào ko ạ?
|
Chủ nhật Tháng 6 06, 2010 12:18 pm |
|
|
toan_odovn
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:25 pm Bài viết: 7 Đến từ: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
|
meo`con đã viết: Cảm ơn anh toan_odovn đã đăng rất nhiều ảnh đẹp về chuồn chuồn ở VN, cho thấy được sự đa dạng và phong phú của loài này. Anh có thể cho biết để phân loại chuồn chuồn thường dựa vào các đặc điểm nào ko ạ?
cảm ơn bạn meocon. Thực ra với câu hỏi thế này thì rất khó trả lời một cách cụ thể cho bạn được, bởi vì trong hệ thống phân loại của bộ Chuồn chuồn hay bất kỳ một bộ côn trùng nào khác, thì nhiều khi đặc điểm phân biệt giữa loài này với loài khác hay giữa họ này với họ khác nhiều khi chỉ qua những đặc điểm rất nhỏ, phải sử dụng kính lúp quan sát mới thấy rõ được. Tuy nhiên tớ có thể trả lời bạn một số ý chính như sau:
Thứ nhất, chúng ta có thể phân biệt hoặc nhận ra chính xác một vài loài dựa vào màu sắc trên cánh và trên cơ thể chúng, ví dụ như các loài Orthetrum sabina (loài cực kỳ phổ biến, thân có các vệt màu xanh như da hổ) hay Brachythemis contaminata hay Neurothemis tulia chẳng hạn, rất dễ dàng nhận ra chúng bằng mắt thường. Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi bạn phải có một chút kinh nghiệm và chịu khó tìm hiểu.
Thứ hai, đối với hầu hết các loài chuồn chuồn được phân biệt và mô tả qua cấu tạo của con đực. Đặc điểm phân loại quan trọng trong chuồn chuồn là hình dạng và màu sắc vân trên ngực, cấu tạo penis (cơ quan sinh dục đực), cấu tạo và hình dạng phần phụ sinh dục đực (appendages) và quan trọng hơn cả là cấu tạo vân cánh. Sự phân chia giữa các họ nhiều khi cũng chỉ dựa vào cấu tạo của vân. Một số loài có thể phân biệt dưa vào cấu tạo và màu sắc của anten, môi trên, môi dưới... Cấu tạo vân của cánh trước và cánh sau của các loài chuồn chuồn kim (Zygoptera) khác giống nhau, tuy nhiên ở các loài chuồn chuồn thực (Anisoptera) thì lại hoàn toàn khác nhau.
Thân,
_________________ Yêu thiên nhiên
|
Chủ nhật Tháng 6 06, 2010 1:42 pm |
|
|
toan_odovn
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 5 10, 2010 9:25 pm Bài viết: 7 Đến từ: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
|
Các loài chuồn chuồn Cánh màu (Calopterygidae)
Họ Chuồn chuồn cánh màu (Calopterygidae) bao gồm các loài chuồn chuồn mà hầu hết đều có đôi cánh có màu sắc rực rỡ, từ Calopteryx xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ, “кαλοσ + πτερον” có nghĩa “cánh đẹp” (beautiful wings). Đầu tiên giới thiệu một chút về lịch sử phân loại của họ này. Năm 1758, Carl Linnaeus - ông tổ của ngành phân loại học đã lần đầu tiên sắp xếp 18 loài chuồn chuồn vào 2 nhóm: “alis patentibus acquiescentes” (cánh mở khi đậu) và nhóm “oculi distantes remotique” (mắt cách xa nhau), tất cả chúng đều thuộc giống Libellula. Năm 1775 Fabricius, một học trò của Linnaeus đã sắp xếp các loài sau này vào giống Agrion mà sau này thành nhóm Chuồn chuồn kim (Zygoptera) hiện nay; Sau này Leach (1815) đã phân chia giống Agrion của Fabricius thành và giống là Agrion, Lestes và Calepteryx (chính là họ Calopterygidae) ngày nay.
Hiện nay trên thế giới ước tính có khoảng gần 5000 loài chuồn chuồn, trong đó riêng họ Calopterygidae có khoảng 105-110 loài, chúng phân bố rộng khắp thế giới. Ở Việt Nam, theo Do Manh Cuong (2006) có khoảng 12 loài chuồn chuồn Cánh màu, đến hiện nay đã bổ sung thêm 3 loài mới, bao gồm loài Noguchiphaea yoshikoea Asahina, 1976 ở Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc); loài Noguchiphaea matti Do Cuong, 2007 từ Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Nha Trang) và loài Vestalis miao Wilson & Reels, 2001 từ Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn) ghi nhận năm 2008 và ở Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) tháng 12 năm 2009, nâng tổng số loài Chuồn chuồn cánh màu của Việt Nam lên đến 15 loài, tuy nhiên theo ước tính phải có ít nhất có khoảng 20 loài phân bố ở Việt Nam. Sau đây xin giới thiệu tới các bạn một vài hình ảnh về các loài Chuồn chuồn cánh màu ở Việt Nam.
Neurobasis chinensis (đực)
Neurobasis chinensis (cái)
Đầu tiên phải kể đến loài Chuồn chuồn cánh màu Neurobasis chinensis (Linnaeus, 1758). Có 14 loài thuộc giống này trên thế giới, ở Việt Nam chỉ có mỗi một loài. Là loài phân bố cực kỳ rộng ở vùng Nam và Đông Nam Á. Loài này có một lịch sử phân loại khá thú vị: năm 1758 Linnaeus đã mô tả và đặt tên cho nó dựa trên một hình ảnh minh họa từ một cuốn sách về chim. Đây có lẽ là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử ngành phân loại học khi mà tác giả mô tả loài mới không dựa trên mẫu vật thật. Năm 1750, nhà tự nhiên học người Anh George Edwards đã xuất bản tập 3 cuốn sách “A natural history of birds” và ở trang 112 của cuốn sách ông có vẽ một con chuồn chuồn cánh xanh để minh họa cho môi trường sống của một loài chim, và ông chú thích ở dưới là nó được mang về từ Trung Quốc. Mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy vật mẫu thật nhưng Linnaeus đã mô tả và đặt tên loài này là chinensis. Đặc điểm của loài N. chinensis là con đực có cơ thể màu xanh lá cây, đôi cánh trước trong suốt, màu vàng nhạt và đôi cánh sau xanh biếc, 1/3 phía mút cánh có màu đen. Loài phân bố rộng, có thể dễ dàng bắt gặp dọc các con suối sạch miền núi.
Con cái đang đẻ trứng
Loài Matrona basilaris Selys, 1853 nổi bật với đôi cánh màu xanh đậm, gốc cánh xanh sáng đặc trưng. Loài này phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn (Lộc Bình), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hòa Bình (Thượng Tiến), Phú Thọ (Xuân Sơn) và Cao Bằng (Trùng Khánh) và xuất hiện khá muộn, vào thời điểm cuối năm. Có khoảng 7 loài thuộc giống này trên thế giới, bao gồm M. basilaris và M. nigripectus phân bố rộng ở Đông Nam Á; M. kricheldorffi Karsch, 1892 và mới nhất là M. placida Hämäläinen, Yu & Zhang, 2010 ở Trung Quốc; M. cyanoptera Hämäläinen & Yeh, 2000 ở Đài Loan; M. japonica Foerster, 1897 ở Nhật Bản và sắp tới là loài M. taoi Phan & Hämäläinen, 2010 do chính tác giả phát hiện và mô tả trên mẫu vật thu thập từ VQG Xuân Sơn, Phú Thọ.
Loài Calopteryx coomani (Fraser, 1935), một trong những loài chuồn chuồn cánh màu có kích thước cơ thể lớn nhất trong họ này. Mặc dù không có màu sắc rực rỡ, nhưng lại đặc trưng bởi đôi cánh khổng lồ màu xanh đen với cơ thể màu xanh biếc. Loài phân bố hẹp, mới chỉ phát hiện ở Tam Đảo và núi Tản Viên (Hà Tây cũ); ở Hà Giang tôi cũng đã phát hiện được ở xã Việt Vinh (Vị Xuyên). Cũng là loài xuất hiện vào thời điểm muộn của năm, mặc dù trước đây phân bố ở Tam Đảo rất nhiều, tuy nhiên trong những năm gần đây, do tốc độ phá rừng trồng cây rau susu và xây dựng khách sạn mà bây giờ ở Tam Đảo cũng khó khăn để có thể phát hiện loài này gần các suối ven thị xã.
Loài chuồn chuồn cánh đỏ Mnais mneme Ris, 1916 là một trong những loài chuồn chuồn cánh màu có đôi cánh rực rỡ nhất. Đặc trưng bởi đôi cánh màu đỏ óng ánh dưới ánh nắng mặt trời đầy quyến rũ và cơ thể có màu trắng sữa mềm mại. Trước đây, Pritykina ghi nhận lần đầu tiên ở Ke Dao (tỉnh Quảng Ninh), sau này Jan Van Tol (Hà Lan) cũng phát hiện phân bố ở thung lũng A Shau (Huế); mới gần đây nhất trong chuyến công tác ở đỉnh Pioac (Cao Bằng) và Sơn Kim (Hà Tĩnh) tôi cũng phát hiện, bổ sung thêm vùng phân bố cho loài này.
Loài Vestalis gracilis (Rambur, 1842) trước đây mới chỉ phát hiện phân bố ở các tỉnh Trung và Nam Bộ. Năm 2008, trong chuyến công tác ở Hà Giang, tôi cũng đã phát hiện được loài này ở KBTTN Tây Côn Lĩnh thuộc huyện Vị Xuyên. Điểm đặc trưng của loài này là có đôi cánh trong suốt, với các vệt màu xanh óng ánh dưới ánh sáng mặt trời. Loài chủ yếu sống ở vùng suối nước sạch, hai bên có cây bụi phủ rậm rạp.
Cũng sỡ hữu đôi cánh màu đỏ, tuy không rực rỡ như loài Mnais mneme, nhưng loài Vestalaria vinnula do tiến sỹ người Phần Lan, Matti Hämäläinen phát hiện và công bố ở Bảo Lộc, Lâm Đồng năm 2006 cũng hấp dẫn không kém với đôi cánh màu cam trong suốt, phần ngực màu xanh biếc và mút đuôi được trang điểm bởi một đốm trắng đặc trưng. Mới chỉ phát hiện được loài này phân bố ở Lâm Đồng và gần đây là ở Hòn Bà (Nha Trang) mà chưa phát hiện thấy ở những nơi khác trên thế giới.
Với đặc điểm đặc biệt về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những trung tâm đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, trong đó có đa dạng các loài Chuồn chuôn. Ước tính có khoảng trên 300 loài Chuồn chuồn ở Việt Nam, trong đó còn rất nhiều loài chưa được phát hiện và mô tả. Qua bài viết này hy vọng giúp một số bạn yêu thích tìm hiểu và khám phá thiên nhiên thêm hiểu biết về sự đa dạng của các loài chuồn chuồn, qua đó càng thêm yêu thiên nhiên và góp sức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, cũng là môi trường xanh của chúng ta.
_________________ Yêu thiên nhiên
|
Thứ 2 Tháng 6 07, 2010 11:56 pm |
|
|
|
|
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
|
[ 12 bài viết ] |
|
Ai đang trực tuyến? |
Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách |
|
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này. Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này. Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này. Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này. Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.
|
|