Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 3 Tháng 11 26, 2024 5:32 pm



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Thịt rừng món ăn bổ ngửa 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Thịt rừng món ăn bổ ngửa
Thịt rừng món ăn bổ ngửa
Bài viết của Đoàn Đạt - đăng trên báo mạng Sài gòn tiếp thị

Câu chuyện về một chuyến “đi săn” của P. được đưa ra như một lời cảnh báo, không chỉ cho những người làm công tác bảo vệ rừng mà cho cả các “dân nhậu” vốn khoái khẩu các món thịt rừng
P. – một nhà phân loại học chuyên nghiên cứu các loài sinh vật rừng. Thỉnh thoảng anh có những chuyến đi rừng cùng những tay săn trộm mà anh hay gọi nôm na là những “sát thủ rừng xanh”.

Chân dung “sát thủ”
Một phương cách khá hữu hiệu trong điều kiện hiện tại để một nhà khoa học nghiên cứu, chụp ảnh các sinh vật rừng là phải dựa vào những tay săn trộm. Họ là những người quá thông thuộc đường đi nước bước và những thói quen, tập tính của các động vật rừng. Đi với họ, cơ hội để săn được những bức ảnh đẹp về thú rừng là rất cao.
Phải tốn khá nhiều công sức làm quen, thuyết phục P. mới được T. vui vẻ chấp nhận cho theo trong một chuyến đi săn. T. 33 tuổi nhưng trông như đã qua tuổi 40. Anh là một trong những tay săn trộm “chuyên nghiệp” của vườn quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận.
T. chuẩn bị khá kỹ cho một chuyến đi săn dài ngày. Ngoài những dụng cụ đi rừng, thức ăn, anh còn mang theo những lọ hoá chất mà tò mò hỏi, anh chỉ cười bí hiểm: “Cứ đi rồi sẽ biết”. Một cây súng săn tự chế cực kỳ “cổ lỗ sĩ” với nòng của súng R-15, mỗi lần chỉ bắn được hai phát và có cả một thanh sắt để móc vỏ đạn ra sau khi bắn.
Họ xuất phát vào lúc… một giờ khuya. Cả hai cứ lầm lũi đi trong bóng đêm của rừng, không dám bật đèn vì sợ lực lượng bảo vệ rừng phát hiện. T. cắt rừng, leo dốc cực giỏi. Anh không bao giờ đi vào các con đường mòn trong rừng. Khoảng 4 – 5 giờ lặn lội, họ mới đến được chỗ có thú rừng.
Vài con chồn đầu tiên xuất hiện. Anh không bắn mà nhường cho P. chụp ảnh. P. hỏi sao không bắn, anh bảo rằng chúng chẳng được bao nhiêu tiền. Đến sáng, họ tới được một cái lán trại nằm heo hút trong rừng sâu, nghỉ lại trại để đến tối sẽ thực sự bắt đầu đi săn.
Thuật... ướp xác động vật
Họ quần thảo xung quanh khu vực lán trại. P. đi sau anh, giữ một cự ly cách khoảng bốn mét, theo ánh sáng của chiếc đèn săn trên đầu anh ta. Cả đêm, duy nhất một con thú có “giá trị kinh tế” xuất hiện, một con cầy hương. Một phát súng “đoàng” gọn ghẽ vang lên, con thú ngã vật ra đám cỏ.
Tay thợ săn nhanh chóng xách con cầy về, mổ bụng bỏ hết lòng ruột. Anh mở ba lô lôi ra một cái túi nylon có dây kéo, rồi xuống suối múc gần đầy nước. Một dúm bột hoá chất mà P. đồ rằng là formol, được hoà vào nước suối. T. bỏ cả con cầy hương vào túi nước, kéo dây kéo lại rồi đem đến một bụi cây chôn giấu. Anh cẩn thận đánh dấu nơi đã giấu con vật, mà đúng hơn là xác ướp của con vật.
Trời đã sáng. Họ lần đến một trảng cỏ rộng lớn. Đến trưa, T. bất ngờ rút bật lửa ra đốt cỏ! Ngọn lửa nhanh chóng lan ra khắp trảng cỏ tranh. Sợ cháy rừng, P. sốt ruột hỏi thì anh ta bảo sẽ không sao, chỉ cháy cỏ mà thôi. Cỏ tranh khi bị đốt, sẽ nhanh chóng “tức” mà nảy những mầm non mới, và đó là thứ cỏ mà bọn thú móng guốc như nai rất mê ăn. Lúc đó, chỉ cần ngồi rình một chỗ là đã có thể bắn được thú, không cần phải đi đâu xa.
Buổi chiều, anh dẫn P. đi chụp hình các loài phong lan. Sau đó, chúng tôi nghỉ ngơi một lát để dành sức cho đêm rình săn. Chín giờ tối, họ xuất phát đến bãi săn. Mỗi người chọn một cái cây nhỏ ngồi rình thú. Cả ngày dầm nắng, phơi sương, cái “mùi người” của họ cũng đã mất. Lần lượt những con chồn, con mễn, con cheo xuất hiện, nhưng T. vẫn ghìm súng, không bắn. Anh kiên nhẫn ngồi im chờ những con thú lớn. P. mệt mỏi, ngủ thiếp đi lúc nào không hay…

“Đặc sản” nhiễm độc
Hai phát súng bỗng vang lên phá tan sự yên tĩnh của núi rừng. P. giật mình thức giấc, không biết lúc ấy là mấy giờ. T. vội vã bỏ súng, chạy thục mạng lại phía con mồi đã bị hạ. Một con nai nhỏ, cỡ 50 – 60 ký, đang nằm giãy giụa. Anh nhanh chóng lấy ra một cái ống xylanh cỡ to, rút đầy một ống thứ hoá chất pha sẵn từ một cái hũ và tiêm lấy tiêm để vào những phần mềm khắp người con thú.
T. giải thích trong khi hồ hởi xả thịt con mồi: “Phải chích lúc nó còn giãy, máu còn chảy trong người, thuốc mới đi khắp toàn thân. Thịt rừng là loại thịt không mỡ, đạm cao, chỉ cần một ngày để trong rừng là đã thối rữa, nên phải chích hoặc ướp thuốc”. P. hỏi anh ta đó là loại thuốc gì, anh nói không biết loại gì, những người thu mua đưa bảo chích thì chích.
Những tảng thịt lớn được lèn vào ba lô mang về. Chuyến đi săn được kết thúc sớm hơn dự kiến. “Đâu phải lúc nào vô rừng cũng có thú để bắn, có khi đi một hai tuần mà không có con nào”, T. nói. Trên đường về, họ quay lại chỗ đã đánh dấu để lấy lại con cầy hương.
Một chuyến đi săn dài ngày không kém những người đánh bắt trên biển, lại không thể trữ theo nước đá, cách tốt nhất để giữ cho thịt được tươi là ướp hoá chất. Những tay thợ cứ săn được thú nhỏ nơi nào thì “ướp xác” và chôn giấu ở đó, đến khi quay về thì đi theo đường cũ để thu lượm lại toàn bộ thú đã săn.
Vì mê tín, T. không dám săn các loại linh trưởng như khỉ, vượn. Anh cũng không dám săn gấu vì sợ khi bị bắt thì ở tù lâu! Chỉ những con thú còn sống, các loài chồn, cheo bị bắn sát tai, sợ mà ngất, mới là loại có giá. Các loại thú đã chết, các chủ vựa thu mua chỉ bằng nửa giá so với giá thịt được bán ở các chợ, quầy.
Là một nhà bảo tồn động thực vật, lại sau các chuyến đi săn cùng các tay săn trộm, P. càng có những lý do để không dám đụng tới miếng “đặc sản” thịt rừng.
Theo P. ước tính, một miếng thịt đi từ rừng cho đến bàn ăn của các “dân nhậu” hẳn phải mất từ nửa tháng đến một tháng, qua nhiều công đoạn tẩm ướp hoá chất để giữ cho thịt được tươi lâu…

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 12 08, 2009 10:17 am
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010