Huyện Điện Biên : Cháy rừng vẫn xảy ra
Rừng thông bị cháy tại bản Há Tầu, xã Tỏa Tình (Tuần Giáo). Ảnh: Nguyễn Hoàng
Chỉ trong 2 tháng đầu mùa khô năm 2005 trên địa bàn huyện Điện Biên đã xảy ra 34 vụ cháy rừng thiệt hại 126,5ha. Cháy rừng gây thiệt hại về vật chất tương đối lớn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con nhân dân các dân tộc, môi trường sinh thái.
Huyện Điện Biên có diện tích tự nhiên 161.411ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 138.377ha, gồm rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, đồi trọc; được phân bố trên địa bàn 18 xã của huyện, nhưng tập trung chủ yếu ở các xã vùng ngoài và biên giới.
Những năm gần đầy nhờ có sự đổi mới về chính sách lâm nghiệp nên công tác trồng khoanh nuôi bảo vệ rừng đã đem lại hiệu quả rõ nét. Trước năm 2000, độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện dưới 30% đến năm 2004 đạt 43%. Đây là cố gắng lớn của người dân, đồng thời khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ về chính sách lâm nghiệp. Nhưng do tập quán của nhân dân các dân tộc thói quen làm nương rãy nên diện tích nương trồng lúa, ngô, khoai sắn còn khá cao (trên 4.000ha). Đây là nguyên nhân tiềm ẩn gây cháy rừng. Để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây nên, hàng năm vào đầu mùa khô huyện Điện Biên ra chỉ thị triển khai thực hiện phương án phòng chống cháy rừng; kiểm lâm huyện thường xuyên củng cố hoạt động ban lâm nghiệp các xã cùng 300 tổ PCCR tại thôn bản. Kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy được tập luyện bằng nhiều phương án khác nhau với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Với phương châm 4 tại chỗ, phân cấp quản lý trực tiếp dưới sự chỉ đạo thống nhất ở chính quyền xã. Mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo nhưng mới trong hai tháng đầu mùa khô năm 2005, huyện Điện Biên đã xảy ra 34 vụ cháy rừng trên địa bàn 18 xã làm thiệt hại 126,5ha. Các xã vùng ngoài như: Mường Pồn, Mường Phăng, Mường Nhà nhiều vụ xảy ra cháy rất lớn; có vụ thiêu trụi trên 30ha rừng. Phần lớn rừng bị cháy là rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi bảo vệ và rừng trồng của các dự án. Thiệt hại vật chất lớn, ngoài ra còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, là nguyên nhân gây ra lũ ống, lũ quét mà trong các năm qua con người đã được chứng kiến. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết, ngoài các yếu tố khách quan đem lại là nắng kéo dài rừng bị khô kiệt nên dễ cháy khi có lửa, còn nguyên nhân chính do con người gây nên như: đốt nương làm rẫy bất cẩn và trẻ em chăn trâu nghịch lửa. Trường hợp chị Lò Thị Biên, bản Mường Pồn II, ngày 14/3/2005 đốt nương vào giờ cao điểm làm cháy 11,5 ha rừng của bản Mường Pồn. Hơn nữa nhiều vùng khi xảy ra cháy công tác cứu chữa dập lửa chưa kịp thời theo phương án được diễn tập hoặc chỉ đạo huy động lực lượng chậm nên cháy xảy ra diện rộng. Trong khi đó biên chế của kiểm lâm huyện mỏng không thểbám sát địa bàn, không nắm được tình hình để trực tiếp chỉ đạo khi có cháy xảy ra. Mặt khác nhiều dự án đang thực hiện, trồng khoanh nuôi bảo vệ cũng không có phương án phòng chống cháy rừng, mà chỉ quan tâm đến công tác trồng và nghiệm thu...
Từ thực tế các vụ cháy rừng xảy ra trong thời gian qua, huyện Điện Biên cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo về công tác phòng chống cháy rừng. Nghiêm minh xử lý những người thiếu trách nhiệm gây cháy rừng. Kiểm điểm trách nhiệm liên đới đối với chính quyền các xã để xảy ra cháy nhiều vụ và cháy lớn diện tích rừng xã quản lý. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng tốt hơn nữa đến địa bàn dân cư và các gia đình phải ký cam kết không vi phạm nội quy PCCR, làm được như vậy mới từng bước ngăn chặn cháy rừng.
Dương Thu Hương (Công an huyện Điện Biên)