vietnguyen
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 10 31, 2007 6:21 am Bài viết: 5 Đến từ: VN
|
VN - (bài 3) CON CÁ CỦA BÉ KHÔI.
*Vì đây là mục nói về môi trường. Kính xin quý vị và các bạn đọc và hiểu ý chính của bài viết này chỉ là nói về môi trường. Người viết không lên án, ám chỉ ai cả. Đây là chuyện có thật theo bối cảnh môi trường thực tại nơi người viết tham quan. Không nhất thiết là nói về tất cả các vùng khác trong nước.
Trong bài có những đoạn đối thoại có khi không phù hợp cho các em nhỏ. Kính xin quý vị phụ huynh lưu ý.
* Tặng bé Khôi, Cà Rốt và NDD
CON CÁ CỦA BÉ KHÔI
Việt Nguyễn
- Mai đi câu cá. Chú hứa với con rồi nhá.
Nhóc Khôi leo vào lòng tôi. Nó kéo cổ áo tôi muốn bức cả khuy nút. Hôn tôi chùn chụt.
- Con làm gì thế này? Hư áo của chú rồi.
Tôi vừa nói vừa cười vừa gỡ tay nó ra. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của nó. Tôi đăm chiêu. Thằng nhóc nhớ dai ghê. Hứa với nó mấy tuần trước. Hôm nay mẹ nó chở qua nhà thăm. Nó vẫn nhớ. Đúng là đừng hứa gì với con nít mà nếu hứa thì đừng quên vì chúng nó nhớ dai lắm.
Không biết ngày mai sẽ đưa nhóc đi đâu để câu. Câu ở đâu bây giờ? Hồ thiên nhiên thì xa mà sát xuất có cá … nhỏ cho nhóc câu thì như sát xuất …rớt may bay í. Trứng cá, lăng quăng, nòng nọc còn bị điện dí cho banh xác huống gì cá nhỏ. 5 tuổi đi câu gì và ở đâu nhỉ? Tôi nhức đầu. Lỡ hứa với nó rồi biết làm sao đây? Định gọi cho Hoài Linh cầu cứu, bắt hắn kể chuyện hài chọc cho nhóc vui nhưng cái anh bạn thân nghệ sỹ này đi đền không thua gì đi diễn. Suốt ngày ở trên mây, bay khắp thế giới để lưu diễn. Nhưng tôi biết thế nào hắn cũng nói:
- Linh hỏi ông Trời rồi. Ổng nói ổng còn không biết huống chi là tụi mình.
Tôi không muốn chuyến đi câu cá đầu tiên của nhóc Khôi không ấn tượng vì không có cá rồi nhóc lại bị mệt, đổ ốm vì đường xá xa xôi.
Đi xe máy thì bụi bặm, nguy hiểm dễ bị hưởng quả phạt đền bằng bịch nước mía của khách trên xe buýt (họ hút hết nước rồi chỉ còn đá) thẳng tay làm ảo thuật Elvis Công hoặc của Đây Vít Cóp Pờ Phiêu…phiêu thẳng qua cửa sổ không một chút nghĩ suy là cái bịch còn những cục đá đấy khi bay vèo qua cửa sổ xe buýt thì có đập vào mặt người người lái xe cùng xa lộ với mình không.
Đi bằng xe hơi thì có nơi xe hơi không vào được. Hay là, mà đúng rồi, đưa nó đến ao XX (xin dấu tên) ở An Phú Đông. Chắc nó sẽ khoái. Cũng như bao nhiêu cái ao tư nhân khác, người ta cấu tạo cái ao này như cái hồ bơi. Hình chữ nhật. Bề dài ba bốn chục mét gì đấy. Bề ngang khoảng năm đến mười mét nếu tôi không lầm. Như hồ bơi? Nhóc có nghĩ gì không? Ngại thật. Ồ nhưng mà không sao. Có thể đối với nhóc cách nhìn của nó sẽ khác.
Như tôi hồi còn bé --5 tuổi, cỡ tuổi của nhóc Khôi bây giờ-- mỗi độ xuân về, Tết đến, cây mai của Bố tôi thật to lớn thật hoành tráng. Hoa mai vàng nở rộ. Tôi đứng dưới nhìn lên cứ như là đang đứng dưới một rừng mai. Tôi sung sướng và hạnh phúc lắm. Bây giờ thành danh thành nhân, tôi trở về tìm lại cây mai đấy. Nó không còn nữa. Gọi điện về Mỹ hỏi Bố tôi thì ông ấy bảo:
- Con cứ ra bất cứ vườn trồng cây cảnh nào, xem cây mai nào lớn nhất thì cây mai của nhà mình cũng cỡ như thế.
Tôi đi khắp, lục lạo khắp. Kể cả cây mai mà người ta bán ba bốn trăm triệu gì đấy tôi cũng đến ngắm. Lạ thật, chẳng có cây mai nào to lớn hoành tráng cho bằng cây mai nhà tôi lúc tôi còn bé.
Tôi gọi ngay cho thằng em kết nghĩa:
- Đông em gọi cho Mxxx nói với Mxxx ngày mai anh em mình ghé câu nhé.
- Mai em kẹt học thi rồi anh ạ nhưng Mxxx nó nghỉ rồi.
- Trời đất! Sao nghỉ?
- Ai bảo anh xúi nó bảo vệ môi trường làm gì. Chủ ao cho nghỉ rồi.
- Sao lạ vậy? Thôi được mai anh ghé xem như nào. Em có số nó không?
- Không anh ạ. Hôm kia em có ghé. Mxxx không làm đó nữa. Không biết đi đâu.
Tôi cho máy di động vào túi. Ngồi thẫn thờ. Cái thằng em mới quen làm quản lý ở đó dễ thương vô cùng. Quản lý nhưng tự tay lấy cho tôi sô nước rửa tay để tay khỏi phải bị tanh trùng huyết. Mxxx nhận ra được tôi thấy tôi giống cái anh chàng hát dở ca dở trên truyền hình. Những hôm tôi ghé chơi, Mxxx hỏi tôi như tôi là mc trả lời tư vấn của đài phát thanh:
- Anh Tèo (tên tôi thường cho người ngoài mỗi khi có người ngờ ngợ khi nhìn tôi), tại sao cá biếng ăn; có cách nào cho cá ăn tham không, nước như vậy đủ độ sâu chưa v.v…
Mxxx cũng thường hay ngắm nghía cần câu …tôm của tôi. Trầm trồ mỗi khi tôi câu được cá và nhất là cá chim. Vui lắm! Vui nhất là mỗi khi tôi dính cá chim hầu như các cần thủ ATN (ao tư nhân) nhiệt tình góp ý, láo nháo cả lên:
- Kéo mau lên coi chừng nó cắn đứt dây!
- “Bíp bíp” (xin thay bíp bíp cho 2 chữ …rất phổ biến và thông dụng ở VN, đi đâu cũng nghe) câu kéo kiểu gì thế? Cần gì bé tí thế kia sao mà câu?
- Đứt chỉ là cái chắc. Chỉ gì mà mỏng như tóc thế. “Bíp bíp” chẳng thấy dây nhợ đâu cả. Câu vậy không được đâu.
- Kéo lên lẹ đi cha nội. “Bíp bíp” vướng cần người khác bây giờ.
- “Bíp bíp” ! Khùng quá. Chắc Việt kiều.
Kệ. 10 năm dai dẳng về quê hương tôi sở hữu được cái tánh… kiên trì và …chai lì. Kiểu gì thì kiểu… đoàn lữ hành vẫn đi. Tôi vẫn từ từ duy trì cái thú tưng tưng cá giật đấy. Càng lâu càng sướng. Giây phút giải trí là đây. Thích vì dính được cá. Hồi hộp vì nhợ mảnh cá lại là cá …chim “pờ ra nà” không biết nó cắn dứt dây khi nào. Tất cả còn lại nằm ở kinh nghiệm và sự cảm thông của các cần thủ ATN bằng cách là kéo cần của mình vào tránhcho khỏi vướng cần của tôi.
Có hôm đứt dây (nói thật, không đổ thừa, vì không còn chỗ để dìu cá vào, toàn là những Cần Ngư Phủ Đủ cao thủ phao nổi phao chìm đầy cả hồ nên phải kéo cá vào hơi mạnh tay và hơi nhanh) thì tôi tha hồ mà nghe:
- “Bíp bíp” cái thằng Việt kiều này câu như con …”bíp”.
- Câu gì ngu như “bíp”.
Có hôm kéo được chú cá chim bằng cái chảo vào thì đâu đấy có tiếng xì xào nhỏ to:
- Mẹ thằng này hên.
- “Bíp bíp” . 10 con thì may ra bắt được một con.
Kéo lên con thứ 2 cũng bằng cái chảo:
- “Bíp bíp”. Thằng này hôm nay hên thật.
Bỗng nhiên có tiếng hét xé không gian:
- Thả cá ra đi chủ hồ ơi!
Kéo lên con thứ 3 nhỏ hơn xí:
- Ớ cái thằng này sát cá quá ta…
Đến lúc này Mxxx không chịu được nữa:
- Cao thủ đấy mấy cha.
Chết! Không lẽ vì nói như thế mà Mxxx bị nghỉ việc sao? Không. Đông nói Mxxx nghỉ việc là vì nghe theo lời khuyên bảo vệ môi trường của tôi là cấm nhà bếp rửa chén bát ngay bên cạnh ao. Không cho nước rửa chén xuống ao. Không cho quăng đồ nhậu dư thừa, bịch ni lông xuống ao. Không cho cá trong ao gặm xương gà hoặc xơi gà nướng cơ mà.
Nhưng tôi phải công nhận. Nếu như giải Guiness, Book of Records có mục: kéo cá nhanh nhất, thì tôi tin chắc những cần thủ ATN của chúng ta sẽ đoạt danh hiệu đấy.
Hãy tưởng tượng cá vừa cắn phải câu của một cần thủ ATN. Trước hết bạn sẽ nghe một tiếng “chạch” của đọt câu quất mạnh vào mái nhà làm chuột, cắc kè, thằn lằn, chuồn chuồn, chó, mèo kể cả người hết hồn rồi sau đấy trong tích tắc, chỉ mấy mươi giây, chú cá khốn khổ xui xẻo đấy đã được kéo phăng lên bờ, (bạn nào có xem phim cao bồi miền viễn Tây của Mỹ nhớ cảnh người bị ngựa kéo lê lết không? Cá cũng bị kéo như vậy đấy), hai là nếu vì lý do nào đấy bị tuột hay bị đứt dây thì các cần thủ ATN lại lao xao không kém:
- “Bíp bíp” kéo chậm quá!
- Giật nhẹ quá.
- Bao nhiêu lần tao nói thay dây lớn đi. “Bíp bíp” cái thằng không chịu nghe lời.
Rồi lại:
- Thả cá đi chủ hồ ơi.
À câu này mới là lạ. Lần đầu tiên được nghe và được biết:
- Cho bớt nước trong hồ ra đi ông chủ ơi. Nước sâu quá cá hổng ăn.
Thế là sao? Còn có cái vụ thoát nước ra cho nước còn thật thấp để câu cá nữa à? Chuyện này mới! Tự nhiên, như viên đá bay ra khỏi cây ná tôi hưởng ứng phát biểu luôn, một cách rất… vô tội vạ:
- Đúng rồi đó ông chủ, bỏ hết nước trong ao ra đi. Để mọi người nhảy xuống chơi trò “tát đê bắt cá”. Câu kéo gì nữa.
Tự nhiên, bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào tôi làm tôi có cảm giác mình là quái vật lạ ngoài hành tinh. Được rồi, được rồi. Tôi biết tôi vô duyên. Người ta chỉ muốn cho nước trong ao ít thôi để họ câu chứ không phải để bắt.
Nhắc đến câu nói của cần thủ nào đấy:
- “Bíp bíp” ! Khùng quá. Chắc Việt kiều.
Tôi sực nhớ cách đây không lâu tôi có câu cạnh một anh Việt kiều Mỹ tên Bobby (anh bạn này có vô tình đọc được bài này ghét tôi, tôi cũng chịu). Chúng tôi ngồi kế bên nhau. Thấy tôi anh ta hất hất đầu như chào. Tôi mỉm cười gật đầu chào lại. Bobby đi câu mà đem theo hai người làm, đem theo cả cô bạn gái ăn mặc làm tôi tưởng họ đi vũ trường.
Cô nàng không câu. Chỉ ngồi đấy gọi chai nước suối nhưng cũng chẳng ưống. Qua gọng kính đen bóng, tôi thấy cô có đôi mắt đẹp nhưng vô cảm với tất cả những gì xung quanh. Cả buổi anh Bobby chê bai đủ thứ. Nào là nước ao dơ quá, câu cá lên không thể ăn được nên ai muốn lấy cá sẽ cho người đấy. Chỗ nào cũng thấy đầy rác. Nào là, đồ ăn ở đấy không sạch sẽ (gọi ra đầy bàn) không ăn được gì. Nào là đĩa trái cây không đủ chất lượng.
Quên, anh ấy chê luôn cái cần câu Trung Quốc anh đang dùng mà anh ta mua ở VN. Tôi không hiểu được. Chê mà vẫn mua. Mua rồi vẫn chê. Sao không đem cần của mình bên kia về?
Biết là anh ấy bức xúc nhưng cái cách nói hoài mà nói to muốn cho mọi người cùng nghe của anh ấy khiến tôi bực mình. Tôi hỏi nhẹ:
- Bobby, tôi biết anh không hài lòng nhưng thấy anh toàn chê không. Nhột quá. Anh đã có làm điều gì đấy để giúp khắc phục chưa?
Bobby vừa chấm miếng thơm vào đĩa muối ớt, cho vào miệng vừa ăn vừa nói vừa nhai nhồm nhoàm:
- Làm cái gì mà làm. Làm cũng vô ích thôi. Everything is bullshit! Như vậy sẽ là như vậy. Nhập gia tùy…tiện you ơi.
Bobby nhổ cái cùi thơm xuống bàn rồi với tay lấy miếng dưa hấu:
- Ở Vn chỉ có café, vũ trường và gái thôi.
Như một người mới vừa bị đấm một cú trời giáng vào mặt, tôi choáng váng nhưng kịp thời lấy lại bình tĩnh:
- Anh nói quá đáng. Nào phải thế. Anh chưa làm gì đã vội kết luận rồi. Chẳng qua anh không chơi sổ số thì làm sao trúng mà có chơi thì cũng đâu phải là đòi hỏi phải trúng liền.
- Sổ số gì you ơi. Ờ mà you là ai vậy? Ghệ tôi nó nói you là Jimmii Nguyễn gì đó. Phải hông? Xin lỗi tôi hổng biết, hổng nghe nhạc Jimmii Nguyễn. Nhưng thôi you câu đi. You cũng tám quá ha.
Đột ngột cũng như Bobby bắt chuyện hỏi tôi câu mồi gì rồi cũng đột ngột tắt đài tôi bằng câu nói kia làm tôi chưng hửng. À tôi đã hiểu rồi. Tôi đã nói chuyện nhầm người Việt kiều mà tôi xếp họ vào hạng “cần được thanh lọc”.
Tôi cho rằng chính họ là những người đã gây khó khăn cho chúng tôi, chính họ là tấm gương xấu khiến cho chúng tôi có lúc bị anh em chú bác trong nước hiểu lầm. Không gì xót xa, tủi hờn bằng sự hiểu lầm đối với những người xa quê hương tha phương cầu thực, gói ghém, đau đáu trở về muốn được đóng góp, muốn được làm một cái gì đấy tốt đẹp cho quê hương và đất nước của mình.
Những tấm gương rất xấu này họ cho rằng họ đem về được đôi ba đồng đô họ là thượng đế nhưng họ không biết chính họ cũng là một trong những yếu tố làm nghèo đi đất nước, làm ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường trong nước vì họ tiếp tay với cái xấu, dung thứ cho cái xấu và thậm chí chính họ đã tạo những làn sóng xấu mới có nguy cơ ảnh hưởng thế hệ mới trầm trọng nữa.
Trước đây, trong nước làm gì biết “lắc” hoặc “bay”.
Có những kiều bào vể thăm quê hương. Họ cũng tham quan khắp miền đất nước. Họ cũng vào những tụ điểm trong nước và thuần túy là để giải trí, tìm hiểu, học hỏi hoặc thấy gì cần được khắc phục, họ đưa ý kiến xây dựng, họ đóng góp, góp phần nhằm đưa quê hương xứ sở nơi chôn nhao cắt rốn của họ lến chỗ đứng cao hơn trong vị trí tầm nhìn của thế giới, cho đất nước đẹp hơn chứ không phải họ về đây duy nhất để hưởng thụ rồi lại chê bai.
Nêu ra cái xấu nhằm mục đích kêu gọi tìm cách bài trừ hoặc ngăn chận và ngăn chận nó ngay từ chính bản thân chúng ta chứ không phải nêu ra để vẫn tham gia “làm thế” nhưng mặt khác vẫn chê bai, vẫn chấp nhận dung túng cho cái xấu, vẫn làm việc xấu, vẫn là mầm móng của cái xấu. Điều đáng buồn là những người Việt kiều dạng này nhan nhản khắp nơi trên đường phố, trong những hộp đêm, nhà hàng, vũ trường, trong những bar cáfe sang trọng mục đích đến chỉ khoe hàng hiệu…nhái làm tại Hồng Kông, thậm chí làm tại Việt Nam mà họ vờ như không biết, cho mọi người thấy ta là Việt kiều. Để nói không với họ, tìm tôi ở những tụ điểm đấy rất hiếm. Đến càfe Trung Nguyên may ra, mới gặp tôi.
Chết, tôi lại quăng cần quá xa nữa rồi. Tôi xin trở lại với bé Khôi.
Tôi đưa nhóc Khôi đi ao XX bên An Phú Đông. Trên đường nó thích lắm. Hỏi suốt. Qua cái phà nhỏ, chỉ dòng sông (nước lúc này đang lên nên nước sông màu vàng đục, không có dấu hiệu của bùn đen) nó hồ hởi:
- Chú ơi chú ơi câu đây hả chú? Đã quá.
- Không con. Không phải chỗ này.
- Sao không phải hả chú? Sông như vậy cá chắc nhiều lắm phải không chú?
Nhóc Khôi hỏi tôi không biết làm sao để trả lời. Nếu trả lời sông không có cá cũng không được mà nói có cá nhưng ăn không được vì sông bị ô nhiễm cũng chẳng xong, tôi đành phải dạy thằng nhóc bài học nói láo vỡ lòng:
- Chưa câu được con ạ. Người ta đang làm sạch sông nên nhà nước khuyến khích khoan câu cá ở đây.
Nhóc Khôi xụ mặt như cái bong bóng xì:
- Kỳ quá. Sông lớn như vậy sao làm sạch được?
Tôi giật cả người. Con nít ở Việt Nam bây giờ sao chúng nó lanh thế? Nếu chúng ta không bắt kịp thời gian, khắc phục những hậu quả, chắc chắn chúng ta sẽ có vấn đề lớn với nhưng thế hệ rường cột mai sau này.
Đến ao XX, nhóc Khôi nhảy xuống xe. Nhóc đảo mắt một vòng, thắc mắc:
- Ủa câu ở đây hả? Đâu phải sông. Gì kỳ vậy? Sao nhỏ vậy?
Tôi lại dạy tiếp bài học nói láo thứ hai:
- Tạm thời thôi con ạ. Khi nào sông được làm sạch thì mình sẽ ra đó câu. Bây giờ câu tạm ở đây. Người ta thả cá ở đây bự lắm đó.
Trong phút chốc, thằng nhóc trở lại đúng cái tuổi thơ ngây của nó. Nó tung tăng chạy xem các cần thủ ATN. Chạy chỗ này, phóng sang chỗ nọ. Tôi hồi hộp mong nó đừng thắc mắc, đừng đặt ra câu hỏi con nít mà làm người lớn khó xử nữa. Tôi mong nó đừng hỏi tại sao cái hồ bơi ở nhà Phú Mỹ Hưng lớn hơn cái ao này. Tôi mong nó đừng hỏi tại sao nhiều người không ra sông ra hồ lại chen chúc nhau ở cái ao nhỏ với những cần câu to đùng dài ngoằn, nếu ở trên cao nhìn xuống tường như là hầm… chông.
- Con thích câu cá lớn hay cá bé?
- Cá lớn có cần phải mua cần khác không chú? Cần chú nhỏ không hà.
- Không con. Cần của mình câu tốt chán.
Nó quay sang nhìn mấy cần thủ khác. Không hiểu nó so sánh hay suy nghĩ gì trong đầu. Hay là nó sợ quê? Nhóc quay sang tôi:
- Thôi con thích câu cá nhỏ. Có cá nhỏ không chú?
Hú vía! Tôi chỉ chờ có thế. Trời ơi, nếu mà nó đòi câu cá lớn thì chắc tôi tiêu quá. Nhất là nó mà nghe những tiếng “bíp bíp” quen thuộc thì tôi ăn nói làm sao với Mẹ nó. Bản thân tôi còn bị phê bình kiểm điểm cho nghe đều chứ nó mà câu cá lớn kéo vào không được làm vướng cần các chú các bác cần thủ ATN khó chịu nào là không những nghe đủ những tiếng “bíp bíp” mà còn bị đề nghị đừng nên cho nhi đồng đi theo lần sau quá. Tôi hiểu, vì sân chơi này đâu phải dành cho thiếu nhi. Tôi loay hoay làm cần cho nhóc:
- Để chú xem. Cá nhỏ ở đây nhiều lắm. Cá điêu hồng nè.
Cả hôm đấy tôi chỉ câu cá điêu hồng con với nhóc cho nó vui. Tôi câu lên cả một sô nhỏ. Thằng nhóc láu cá. Không thèm lấy cá tôi câu. Nó đổ hết cá xuống ao. Nó đòi phải chính tay nó câu mới được. Nhóc mà câu cá lớn sẽ là vấn đề. Câu cá nhỏ hồng lại càng là vấn đề hơn mặc dù chúng đi từng bầy như đi hội, rúc rỉa mồi câu tưng bừng.
Trong khi chờ đợi nhóc câu được cá, tôi quay sang cụ cần thủ bên cạnh gạ chuyện. (Lần nào đi cũng thấy cụ. Hình như cụ là bạn thân của chủ ao thì phải.)
- Mxxx đâu rồi hả bác? Hôm nay cháu không thấy Mxxx
Cụ cần thủ ATN nhìn tôi. Cụ rít điếu thuốc. Hình như là thuốc con…mèo:
- Cái thằng khùng bị cho nghỉ rồi. Bày đặt chê bai. Bày đặt sửa sai này kia. Môi trường bệnh hoạn này nọ. Bố mẹ nó ngày xưa ăn gì chứ?
Tôi định hỏi cụ là ngày xưa Bố Mẹ ăn gì thì ngày nay chẳng lẽ con cái cũng phải nên ăn như thế hay sao nhưng không hiểu tại sao tôi im phắt.
Tôi đạp ga, bẻ vô lăng, cho xe thăm hỏi lủi sang … chuyện khác:
- Hôm nay bác câu khá không? Được mấy con rồi?
Cụ cần thủ ATN vò vò nắm cơm trộn với bánh mì rồi nhúng mẻ trả lời rất… thật:
- Khá gì mà khá. Sáng giờ mới có bốn năm con gì hà.
Nói đoạn cụ quay đầu vô trong, cụ hét lớn:
- Thả cá ra đi. Sáng giờ ăn chậm quá.
Tôi vờ gật gật đầu. Tôi quay sang nhóc Khôi. Ngồi ngắm nhóc câu rất chăm chỉ. Rất kiên trì. Ngắm nhóc câu kéo thế mà lại hay, giảm “xì trét xì”.
Cuối cùng nó cũng câu lên được một con cá hồng nhỏ. Nó la hét như được tiền lì xì hay được tặng quà siêu nhân. Cùng một lúc quay sang tôi nó bảo:
- Thôi đi về chú ạ. Con muốn về.
Tôi gỡ chú cá con cho vào cái sô:
- Trời đất. Sao không câu nữa. Con mới được có một con mà?
Nhóc quẳng cái cần câu của tôi (ở Mỹ dành dụm cả tháng mới mua được) xuống đất một cái chạch:
- Thôi đi về chú Jimmii ơi. Con muốn đem về … nuôi con cá này.
- Ừ thôi chú cháu mình về.
Trên đường về chúng tôi lại qua phà. Nước rút. Trời đổ về chiều nhưng chưa tối, đủ để nhóc nhìn địa hình và hỏi tôi một câu:
- Ủa mình đi đường khác hả chú Jimmii?
- Đâu có đâu con. Sao vậy?
- Ủa sao không giống hồi sáng vậy? Sông này đen thùi lùi và hôi thúi quá à. Sao kỳ vậy?
Thằng nhóc lại cho tôi hết nỗi lo âu này đến nỗi lo âu khác. Không biết hồi nhỏ tôi có nói nhiều, có thắc mắc nhiều như nhóc Khôi không chứ nó vặn vẹo tôi hoài kiểu này chết tôi mất. Tôi đành phải nói láo lần nữa, như thánh Phao Lô chối Chúa ba lần:
- Bởi thế chú nói con hồi sáng, sông dơ quá người ta đang cố gắng làm sạch đó con.
Chưa nói hết bỗng dưng trên phà tiếng la hét om xòm giữa bác bảo vệ mặc áo dân thường đứng trước mũi phà với tổ lái. Mà hình như bác ây bị… (xin lỗi) ngọng:
- Ụ ẹ ái ái ái on ẹ ì ì ậy?
Bên trên tổ lại có giọng hét xuống:
- “Bíp bíp” máy tắt rồi kỳ cái gì mà kỳ. Ông hay là thằng (? Xin lỗi quên tên) nhảy lặn xuống coi. Chân vịt bị rác dính kẹt rồi.
Mọi người thì nhớn nhơ nhớn nhác trong đó có tôi. Tôi định trấn an nhóc Khôi. Tôi sợ nó lo lắng ai ngờ nhóc nhúng nhúng người nhảy nhảy vỗ tay tưng bừng:
- De de (phiên âm của yeah yeah, tiếng Mỹ)! Chúng ta sẽ lạc vào đảo hoang.
- Đúng rồi đó con. Chúng ta sẽ đi thăm những đảo hoang. Coi chừng, trên đó có cướp biển nhé Khôi.
- Con sẽ bắn chúng nó.
Tôi giấu nhóc Khôi tiếng thở dài của tôi nhưng rồi lại lóe chút vui. Ít ra, nhóc Khôi nó vui. Đúng là con nít. Ngây thơ trong sáng. Chúng có thể dạy chúng ta sự điềm nhiên, vô tư trước khó khăn. Chúng nó đâu biết chúng ta làm sao vô tư được. Với ngàn cái khó khăn thử thách trước mắt của nhân tạo và thiên tạo. Và nhất là lúc này, lúc phà bị kẹt máy phà theo con nước trôi ngược, mỗi phút mỗi xa bến.
Tôi lo lắng. Tội nghiệp cho bác bảo vệ phà phải nhảy xuống cái sông đen xì để kéo rác ra khỏi chân vịt. Không biết ở trên tổ lái đã có tắt máy tàu chưa hay là vẫn để máy chạy vì cứ nghĩ là máy chết cứng là máy không chạy, là …không sao. Vẫn thấy “phà” trưởng vô tư ngồi chờ. Bác bảo vệ phà chưa bị chân vịt nó cắt bay cánh tay, chưa sao. Kiểu như chưa hư sửa làm gì. Bảo trì là chuyện nhỏ, làm chi cho mệt.
Tôi lo lắm. Chỉ mong là họ biết họ đang làm gì thôi. Mong rằng họ đã quen với tình huống này. Tôi thắc mắc mỗi ngày biết bao nhiêu người qua lại con sông này, đông như vậy sao không tìm cách xây một chiếc cầu. À nhưng tình trạng tàu bè ra vô mà dòng sông thì nhỏ như cái nhánh sông thì xây làm sao cho ổn đây. Với lại tài chánh nữa chứ. Chẳng lẽ luôn tiện bắt công ty xây cầu gì đấy của Nhật bồi thường thiệt hại vụ sập cầu Cần Thơ, yêu cầu kèm thêm cái cầu cho bến phà An Phú Đông? Càng suy nghĩ tôi thấy tôi lung tung quá, nhiều chuyện quá.
Bỗng nhiên tiếng hét của nhóc Khôi kéo tôi về thực tại:
- Chúng ta đã tấp vào đảo hoang
Thì ra phà bị dạt vào bờ cũng may cái đầu phà, nơi chúng tôi đứng bị tấp vào chứ nếu cái đuôi phà mà tấp vào thì chỉ có nước kêu tàu ra kéo về lại bến. Mà thiệt con nít chúng nó dễ thương quá. Vừa mới chê sông đen xì, chê mùi bùn sao hôi thúi, lấy cả hai bàn tay bịt lấy mũi thế mà chỉ mỗi sự cố phà tắt máy, phà trôi, phà tấp vào cũng cái bãi đất tanh hôi đấy, đầy rác rưỡi vậy mà nó cũng có thể biến xung quanh thành một đảo hoang cho được. Nếu tôi có thể nhìn được những gì nhóc Khôi đang tưởng tượng và hình dung ở trong đầu nó, chắc chắn cái đảo hoang của nó sẽ cực kỳ đẹp và hết sức thu hút.
Tôi cũng tham gia hội khoe trí tưởng tượng phong phú của nhóc Khôi:
- Wow, nhiều cây dừa qua Khôi ơi.
- De (yeah)! Chú thấy cá sấu không?
- Thấy thấy. Ơ Khôi kìa con có thấy con voi của bà Triệu không? Đằng kia kìa.
- Thấy con thấy. Nó to qua chú Jimmii ơi. Có mấy con khỉ nữa kìa chú Jimmii.
Nó đưa tay chỉ vào mấy lùm cây trên bờ. Tôi cũng gật gù ra vẻ ngạc nhiên:
- Thấy thấy. Wow nhiều quá Khôi ơi. Nhưng sao không thấy cướp biển đâu cả. Chúng nó núp đâu hết rồi?
Nhóc khôi nhìn dáo dác. Nó nhìn đây nhìn kia rồi chỉ vào một cái thùng phi rỉ sét nằm lồi lõm trên bãi bùn:
- Kìa kìa chúng nó kìa, chúng nó núp dưới cái thùng đấy chú Jimmii.
- Trời đất sao chúng nó lại núp dưới bùn con?
- Chú hổng biết đâu, cướp biển chúng nó ở dơ lắm.
Rồi nó chỉ vào mấy ụ rác:
- Đó đó nữa kìa.
Thấy bé Khôi nó tưởng tượng phong phú quá tôi quên cả lo âu. Tự nhiên tôi thấy lòng mình nhẹ đi, bồng bềnh bởi niềm hy vọng. Hy vọng về những thế hệ mới tuổi trẻ con cháu VN. Ít ra chúng nó còn được trí tưởng tượng và sau này nếu như chúng nó vẫn đau đáu ôm lấy cái tưởng tượng tuyệt vời đấy, chính chúng nó sẽ thay đổi hết tất cả cho phù hợp với trí tưởng tượng cao đẹp của chúng nó cũng như tôi đang tranh đấu tìm lại những hình ảnh mộc mạc nhưng êm đềm, nhẹ nhàng nhưng thanh thoát của thời ấu thơ của tôi. Đừng để con em chúng ta như trẻ em bên nước Phi Luật Tân, đứng trên núi rác khổng lồ mọc ngay thành phố Manila, núi rác càng cao, trí tưởng tượng của tuổi trẻ nước Phi càng thấp và thậm chí có nguy cơ bị rác chôn vùi tương lai.
Cuối cùng phà cũng khởi động được máy. Cám ơn sự cố chêt máy để thấy được nhóc Khôi, nhóc VN của tôi vẫn còn hồn nhiên, vẫn còn trí tưởng tượng phong phú.
Hai chú cháu về đến nhà. Việc đầu tiên là bỏ con cá điêu hồng con của nhóc Khôi vào trong cái chậu cá lúc nãy mua ở tiệm bán cá kiểng. Tiệm cá người ta bán đủ thứ loại cá. Cá La Hán, Cá xiêm, Cá lia thia, cá bảy màu, cá vàng v.v…Con nít vào đấy thì như bị nam châm hút lấy mấy con mắt, tha hồ mà ngắm nghía, chỉ trỏ. Nhóc Khôi thì không. Nó chỉ đòi mua ngay cái chậu cá làm bằng thủy tinh. Tô ăn phở cũng lớn như thế là cùng:
- Để con lấy nước cho nó nhé.
- Không con ạ. Chưa được đâu. Nó sẽ chết đấy. Cứ đổ nước của nó vào rồi ngày mai mình từ từ thay nước.
Khôi trố mắt, không đồng ý:
- Sao được? Nước đục ngầu à. Nước này nó mới chết đó chú ạ. Chú cho nó nước mới đi.
Tôi phải giải thích mặc dù tôi biết nhóc chẳng muốn nghe và chẳng thèm hiểu vì nó chỉ muốn con cá ở nước sạch.
- Con à. Mấy con chó ở Phú Quốc người ta đem về cũng phải cho nó một chút cát chút đất và một chút nước của Phú Quốc. Cho nó uống rồi từ từ nó mới quen. Con cho cá của con nước phong tên thì chết cá đó con ạ. Nước máy người ta bỏ thuốc sát trùng nên sẽ làm chết cá. Cứ bỏ tạm rồi từ từ chú bảo Mẹ thay nước cho.
- Sao nước của mấy cái hồ cá lúc nãy mình mua cái chậu này nè. Mấy cái hồ cá nước trong veo à?
Tôi cố gắng dỗ nhóc. Có gắng thuyết phục. Cố gắng … cứu nguy chú cá nhỏ trước lòng tốt quá chân thành và nhiệt tình của nhóc Khôi. Lúc mẹ nó đến đón. Nó ôm cái chậu với cái mặt không được vui lắm vì tôi vẫn để y nước zin vàng khè đục ngầu của ao vào chậu. Tôi dặn mẹ nó là mỗi ngày lấy bớt nước trong chậu ra một chút rồi cho thêm nước máy vào. Trong vòng một tuần sẽ ổn.
Thật ra cá điêu hồng là một loại cá sống khỏe. Có thể thay nước ngay mà nó sẽ không bị gì nhưng tôi không thích bất cứ sự rủi ro nào mà mình có thể ngăn chận trước mà vẫn cứ để nó xảy ra thì nhóc Khôi sẽ buồn hơn. Tôi không muốn sự rủi ro lấy đi niềm vui nhỏ của nhóc. Nó đã phải đánh lộn với bọn khỉ, vật lộn với cá sấu, chỉ huy con voi của bà Triệu, chạy trốn bọn cướp biển để cứu chú cá con này. Không thể để chú cá này chết được. Của nhóc Khôi đấy. Tối nay nhóc sẽ có nhiều giấc mơ đẹp nữa và có thể tối nay nhóc sẽ mơ thành Đinh Bộ Lĩnh.
Tiếng chuông điện thoại nhà reo in ỏi làm tôi thức giấc. Không ai ngoài gia đình người thân nhất mới có số nhà của tôi. Điện thoại cầm tay thì đã bị tôi cho câm nín từ tối hôm qua. Cám ơn các hãng điện thoại cũng hiểu ý người tiêu thụ nên mới cài thêm cái chế độ… câm. Tắt thì không biết ai gọi, và gọi lúc nào. Chỉ có chế độ câm là vẫn ghi lại đầy đủ mà không làm phiền chủ máy. Máy vẫn âm thầm làm việc nguyên đêm. Trời ơi. Mới có sáu giờ sáng mà chuông điện thoại nhà đã reo. Chỉ có Bố Mẹ tôi mới gọi giờ này. Chắc phải có sự cố gì. Tôi nhấc máy. Giọng tôi ồ ồ như ông già tám mươi:
- A lô
Tiếng của Thu, mẹ nhóc Khôi bên đầu dây cũng trọng tình trạng ngái ngủ không kém:
- Em Thu đây. Xin lỗi đánh thức anh dậy giờ này. Anh nói chuyện với Khôi chút nhé. Con cá nó câu hôm qua với anh chết rồi. Hôm qua nó hỏi em uống nước suối là tốt nhất phải không. Em nói phải thế là tối nó rình mọi người ngủ hết nó xuống thay nước cá. Nó bỏ toàn nước suối vào trong chậu.
Trời đất. Thằng nhóc thiệt tình nghĩ sao mà cho cá sống bằng nước suối tinh khiết. Chắc tại tôi cấm nó không được dùng nước máy vì có thuốc diệt trùng. Cuộc đời thật là lạ. Tinh khiết quá cũng hủy diệt cuộc sống mà dơ bẩn quá thì nuôi dưỡng mầm bệnh, sống cũng như chết. Tôi nhớ có ai đấy dạy tôi:
- Nguyễn nhớ nhé. Khôn quá cũng chết mà ngu qua cũng chết. Biết thì sống.
Vì thế chúng ta nhìn xung quanh, giật mình đến thót cả người, đến lạnh cả từng đốt xương sống, tỉnh ngay giấc nam kha vì chúng ta không còn nhiều thời gian nữa. Nhưng thật lạ lùng, chúng ta vẫn phải cho nhau thời gian. Không biết đến khi nào nhưng chắc chắn là phải có cho thời gian. Không thể thay đổi bất cứ cái gì một sớm một chiều được mặc dù đã là muộn lắm rồi, mặc dù đã là quá chậm, là lùi lại về sau. Hãy cho 30 năm chậm chạp thêm thời gian nữa.
Có thể thế hệ của nhóc Khôi sẽ có cách để đưa cái danh dự, cái sống còn của chúng ta vượt lên trên hoặc ít ra bắt kịp được những kẻ xung quanh đang chạy đua rất đổi bình thường thậm chí còn chậm hơn rất nhiều nhưng vì chạy theo được thời gian nên lại về trước.
Có thể thế hệ nhi đồng sau này sẽ lấy lại được cho chúng ta những gì đã mất. Mất tiền mất của, mất tình yêu còn lấy lại được, mất 30 năm là cả một vấn đề thật nan giải, vì biết bao nhiêu con người trong cái mất này lại mất luôn cả cha, mất hẳn cả mẹ, cả anh em và mất cả tương lai.
Vấn đề không nhỏ thế mà có người vẫn cứ cho rằng “chuyện nhỏ như con thỏ”.
Người ta không biết rằng một đất nước phát minh bom nguyên tử, chế cả phi thuyền lên cung trăng, bay lên bay xuống như đi chợ, thế mà họ vẫn phải giật mình và vẫn phải sục sạo đi tìm lại đạo lý, vẫn phải nghiên cứu triết lý của Á đông, phải làm sao cho đúng để quân bình lại tâm lý quần chúng, làm sao để tương lai con cháu của nước họ còn biết tiên học lễ hậu học văn, còn biết tình người trong cuộc sống giàu có, đầy đủ tiện nghi khoa học kỹ thuật tiên tiến nhưng lại quá thiếu thốn và cằn cỗi đạo đức.
Tội nghiệp cho nhóc Khôi. Thương cá quá, cho cá sống bằng nước suối. Thế là niềm vui nhỏ của nhóc chết. Tôi nghe tiếng nhóc thút thít đầu dây bên kia. Nhóc không nói gì.
- A lô Khôi đó hả? Sao vậy con? Chú Jimmii nè.
Nhóc khôi thút thít và thổn thức một chặp lâu. Tôi tôn trọng giây phút đau buồn của nhóc, tôi vẫn để yên máy. Tôi biết đây là giây phút mà nó cần sự cảm thông của tôi.
- Nói chú nghe đi Khôi. Chú nghe nè.
Giọng nó lè nhè đứt quảng:
- Hic, hic! Cá.. của con chết rồi.
Tôi lặng người. Nhóc Khôi gác máy trong tiếng nấc thổn thức. Niềm vui mong manh nho nhỏ thật dễ thương của nhóc đã chết. Cái niềm vui tưởng như dễ có vậy mà nhóc phải bị trôi dạt vào đảo hoang, phải bỏ đến hằng giờ để có được ở một cái ao câu cá tư nhân, cái sân chơi mà người ta chỉ làm cho người lớn. Con voi của bà Triệu đã chết. Sự tinh khiết của nước và sự ngây thơ chân chất của nhóc Khôi đã giết con cá nhỏ sống trong nước ao đục ngầu đầy ô nhiễm.
Nỗi đau của bé Khôi cũng đã giết luôn cả giấc ngủ muộn ngày Chủ Nhật của tôi hôm đó.
Việt Nguyễn
_________________ Hãy bảo vệ môi trường,
Vì môi trường là bạn (chúng ta).
Nếu môi trường hết hạn
Thế gian sẽ không còn (tồn tại).
|