Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 7 Tháng 11 23, 2024 4:42 pm



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Những câu hỏi thú vị về động vật (phần 2) 
Người gửi Nội dung
Site Admin

Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 9 01, 2003 9:33 am
Bài viết: 94
Đến từ: School of Chemical and Bioengineering, Ulsan University, Korea
Gửi bài Những câu hỏi thú vị về động vật (phần 2)
Những câu hỏi thú vị về động vật
Mèo con - Sưu tầm

Chết đói, mối lo không của... nhà rắn
Nếu có cuộc thi tuyệt thực trong vương quốc động vật, ứng cử viên sáng giá nhất cho giải quán quân có lẽ không ai khác ngoài họ nhà rắn. Người ta từng biết đến một con trăn bỏ bữa, nhịn đói đúng 2 năm 9 tháng mới chết. "Khai thác tối đa, tiết kiệm triệt để" chính là phương châm sống còn của chúng.
Rắn lao không ăn, không uống, trung bình sống được 78,2 ngày, con sống lâu nhất là 107 ngày, con sống ít nhất cũng được 34 ngày. Nếu cho chúng uống một ít nước, sức nhịn đói sẽ tăng lên trên dưới một lần, trung bình sống được 148 ngày, trong đó con nhịn đói giỏi nhất sống được 392 ngày, kém nhất cũng sống được 80 ngày.Tại sao rắn có bản lĩnh tuyệt thực giỏi như vậy? Mấu chốt là ở chỗ, chúng có “thuật tiết năng” đặc biệt (tiết kiệm năng lượng)."Khai thác triệt để"
Sở thích ăn uống của rắn cực lớn, có những con rắn chỉ một hơi có thể nuốt liền 4-5 con chuột bạch nhỏ, chim sẻ. Rắn lao có thể nuốt trôi con chim to gấp 10 lần đầu nó. Thức ăn vào đến bụng trong vòng 4-5 ngày đã bị tiêu hoá hết, không chừa cả xương. Trong phân của chúng chỉ sót lại một ít lông. Sau khi hấp thu hết dưỡng chất từ thức ăn, thể trọng của rắn tăng lên rõ rệt. Ví dụ, nếu rắn lao ăn 300 g, cân nặng của nó sẽ tăng trung bình 100 g, mức tăng cao nhất đạt tới 72,7% lượng thức ăn đưa vào cơ thể.
Cứ mỗi mùa thu đến, rắn lại bận rộn kiếm mồi để tích luỹ cho kho vật tư năng lượng, chuẩn bị cho nhu cầu lúc ngủ đông “không ăn không hoạt động”. Nếu mổ rắn trước thời kỳ này, ta sẽ thấy trên người chúng chứa rất nhiều mỡ. Đây là nguồn năng lượng dồi dào mà rắn sẽ "đốt" dần trong thời tiết giá lạnh của mùa đông.
"Tiết kiệm tuyệt đối"
Sờ vào mình của các loài chim như gà, bồ câu hay động vật có vú như mèo, chó và kể cả người, ta đều thấy rất ấm áp. Đây là các loài động vật đẳng nhiệt. Nhưng sờ vào mình rắn bạn sẽ thấy lạnh toát. Chúng là động vật biến nhiệt.
Động vật đẳng nhiệt luôn phải giữ cho thân nhiệt ổn định, vì vậy cần sử dụng nhiều năng lượng trong cơ thể để duy trì trạng thái này. Dùng hết thì phải bổ sung. Chẳng hạn mỗi ngày loài chim cần bổ sung một lượng thức ăn tương đương trọng lượng cơ thể mới đạt được mục đích đó. Còn như rắn, một năm bốn mùa, thân nhiệt của chúng không giống nhau, trong một ngày thân nhiệt cũng thay đổi rất lớn theo sự biến đổi nhiệt độ môi trường. Vì vậy, rắn huy động năng lượng trong cơ thể ít hơn rất nhiều so với động vật đẳng nhiệt.
So sánh giữa lợn và trăn có cùng thể trọng, nếu mỗi ngày lợn tiêu hao 150 phần vật tư năng lượng thì trăn chỉ cần một phần là đủ. Khi ngủ đông, chúng tiêu hao càng ít. Sau hơn 5 tháng nằm im, trọng lượng của trăn chỉ giảm có 2%. Trong giới động vật, rùa và chim cũng có thuật tiết kiệm năng lượng vào hàng cao thủ.

Vì sao ngỗng trời bay thành hình mũi tên?
Ngỗng trời là loài chim di cư trú đông. Mùa thu hằng năm, từ quê hương Siberia, chúng kết thành đám lớn, bay đến phương Nam ấm áp. Trong hành trình dài, chúng tổ chức đội hình rất chặt chẽ, xếp thành hình mũi tên hoặc dàn hàng ngang, vừa bay, vừa không ngừng kêu “cạc, cạc”. Chúng làm gì thế nhỉ?
Thực ra, đây là một tín hiệu. Chúng dùng tiếng kêu này để chăm sóc lẫn nhau, kêu gọi nhau cất cánh bay hay hạ cánh nghỉ ngơi. Tốc độ bay đường xa của ngỗng trời rất nhanh, có thể từ 69 đến 90 km/giờ.
Tuy ngỗng trời bay rất nhanh, nhưng thời gian đi về phương Nam cần khoảng 1-2 tháng. Trong cuộc phi hành đường dài, ngoài việc vẫy cánh, chúng còn biết lợi dụng luồng không khí chuyển vận tăng lên để bay lượn trong không trung, như vậy sẽ tiết kiệm được sức lực. Khi con ngỗng bay ở phía trước vỗ cánh tạo ra luồng không khí yếu, con ngỗng phía sau sẽ lợi dụng xung lực của luồng không khí này mà lượn trên không trung. Như vậy, từng con nối đuôi nhau, xếp thành đội hình mũi tên hoặc xếp thành hàng ngang ngay ngắn.
Ngoài ra, sự xếp hàng như trên của ngỗng trời cũng là một biểu hiện của bản năng hợp quần, có lợi cho việc phòng ngự kẻ địch. Đàn ngỗng trời lúc nào cũng do con ngỗng già có kinh nghiệm làm “đội trưởng” bay ở phía trước hàng ngũ. Những con ngỗng non hoặc yếu ớt đều xen vào giữa đội hình. Khi nghỉ ngơi bên vực nước tìm ăn cỏ, lúc nào cũng có một con ngỗng già có kinh nghiệm giữ vai trò “lính gác”. Nếu ngỗng bay đơn lẻ về phương Nam rất dễ gặp nguy hiểm do bị địch hại ăn thịt.

Tại sao chồn hôi?
Nếu đến vườn bách thú, vào khu vực của lũ chồn, bạn sẽ ngửi thấy một mùi khủng khiếp, chao ôi là hôi! Điều gì khiến chồn mang theo thứ mùi "đuổi khách" như vậy?
Toàn thân chồn sẽ chẳng có mùi gì lạ nếu không có hai tuyến dịch hôi ở phía dưới đuôi. Đây chính là vũ khí tự vệ của chồn. Gặp kẻ thù, nó chỉ cần phóng ra một tia chất dịch "quý hoá" đó, địch thủ chịu hết nổi, đành phải... ù té quyền.
Một tia bảo vệ như vậy có thể bắn xa 3 m. Chồn bắn lúc tia này, lúc tia kia, thậm chí cả hai tia cùng lúc. Mỗi tuyến hôi có thể bắn 5-6 phát về phía kẻ thù. Sức mạnh của các tia mang mùi khó chịu đó không hề gây thương tích, cũng không có sức thẩm thấu vào cơ thể địch thủ, nhưng chúng sẽ khiến đối phương ngạt thở. Nếu bị bắn trúng mắt, địch thủ có thể bị sức mạnh của tia làm mù tạm thời. Tuy nhiên, chồn hôi thường cảnh báo đối phương trước rồi mới ra tay. Trước khi "phóng hoả tiễn", chồn cong đuôi và giậm chân để kẻ lạ mặt có thời gian rút lui.
Chồn rất có lợi cho mùa màng bởi nó bắt toàn những con vật gây hại như châu chấu, dế, chuột... Mặt khác, chồn có bộ lông dày, có thể làm áo ấm rất tốt. Bởi thế, người ta thường lập trại nuôi chồn.

Quả tim nặng trên... 2 tấn
Có lẽ bạn sẽ kêu lên: Làm gì có chuyện như vậy! 2 tấn gần bằng khối lượng một con voi rồi còn gì. Thế nhưng loài khủng long Barosaurus có quả tim như vậy thật. Cũng vì tim quá to, nên khủng long phải giành đến một nửa lượng thức ăn chỉ để... nuôi tim.
Theo ông Roger Seymour, Đại học Adelaide (Australia), chuyên gia nghiên cứu sự tiến hoá của hệ tim mạch của các loài động vật không xương sống, loài khủng long Barosaurus có lẽ đã mắc chứng huyết áp cao dị thường, gấp 7 lần so với của con người, do phải đưa các chất dịch lỏng từ phần dưới cơ thể lên trên cái đầu ở vị trí quá cao của chúng. Với mức huyết áp như vậy, loài Barosaurus hẳn phải có một quả tim cực lớn. Chỉ riêng tâm thất trái của chúng đã nặng đến... 2 tấn, bằng 5% trọng lượng cơ thể và gấp 15 lần trọng lượng tâm thất trái của một con cá voi bướu. Một nửa lượng thức ăn hấp thu chỉ đủ cho quả tim khủng long có thể đập một cách bình thường. Có lẽ như vậy vẫn còn chưa đủ, nên thỉnh thoảng khủng long lại phải cúi thấp đầu để máu dồn xuống não, nhằm tiết kiệm... năng lượng cho tim.

Vì sao rùa biển mau nước mắt?
Cứ khoảng giữa tháng 6-7, rùa biển lại bơi lên bờ, đào một cái hố, đẻ trứng vào đó rồi phủ cát lên trên. Những lúc đó, người ta thường thấy hai hàng lệ ròng ròng từ mắt nó. Có người nói chúng đau đẻ quá, người khác thì cho rằng ra chúng làm thế để mắt khỏi khô. Thực tế thì sao?
Rùa biển ăn rong và uống nước biển, mà nồng độ muối trong nước biển cao hơn rất nhiều so với nồng độ muối trong thể dịch và máu của bất kỳ loài động vật nào. Vì thế chúng ắt phải có cách để bài tiết số muối quá lớn đó ra khỏi cơ thể chứ?
Thí nghiệm cho thấy, khi người ta lấy một ống dẫn thông qua thực quản của rùa biển, bơm vào dạ dày một lượng nước biển bằng một nửa thể trọng của nó, sau 3-4 giờ, 90% lượng muối vào cơ thể nó đều được thải ra ngoài nhờ nước mắt.
Tuyến thể nằm sau hốc mắt của rùa biển là cơ quan bài tiết ra ngoài lượng muối thừa trong cơ thể. Các nhà động vật học gọi cơ quan này là “tuyến muối”. Rùa biển có tuyến muối nên nó mới có thể nuốt những động vật và thực vật ở biển có hàm lượng muối tương đối cao, cũng như uống nước biển để chống khát.

Vì sao vịt không sợ nước mùa đông?
Đông đến, nước lạnh buốt, thậm chí đóng băng. Thò chân xuống là rụt lên ngay như phải bỏng, nếu ngâm lâu, nó tím tái như màu cà. Thế mà đàn vịt vẫn ung dung ngang dọc trên hồ. Chúng có thủ thuật gì mà tài vậy?
Quanh năm, quá nửa thời gian vịt sống trong nước. Vì lâu ngày tồn tại trong môi trường này nên cơ thể vịt đã tiến hoá nhiều điểm để thích nghi, như có nhiều mỡ trong cơ thể và chung quanh các nội tạng, phao câu có một đôi tuyến mỡ rất phát triển, bên ngoài cơ thể phủ một lớp lông vũ dày, khó thấm nước.
Khi từ nước đi lên bờ, vịt quay đầu về phía đuôi rỉa lên tuyến mỡ ở phao câu, rồi rỉa lên lông, khắp cơ thể, chải sửa các lông tơ bị ướt, rũ hết nước trên lông, rồi bôi lên đó một lớp mỡ, làm cho lông không bị thấm nước.
Về mùa đông, nhiệt độ không khí ngoài phòng nhìn chung thấp hơn nhiệt độ nước hồ một chút, hơn nữa vịt hoạt động bơi lội liên tục, nhờ vậy thân nhiệt tăng lên, cũng có tác dụng chống rét. Đồng thời, năng lượng mà cơ thể vịt toả ra, được lớp lông khá dày bao bọc, có khả năng chống mất nhiệt. Vì vậy vịt không sợ rét.
Thân nhiệt bình thường của vịt là trên dưới 42 độ C. Bản thân vịt cũng có khả năng điều tiết thân nhiệt. Mức độ trao đổi chất của vịt tương đối cao. Thêm vào đó, ở các loài chim sống trong nước (vịt, hoặc chim) điểm đông đặc của tuỷ trong xương sống chân, xương cổ chân, xương bàn chân rất thấp, vì vậy vịt đứng lâu trong nước đóng băng dịch thể trong chân vẫn lưu thông, bàn chân không bị cóng.

Giấc ngủ "ngược" của dơi
Màn đêm buông xuống, trong các hang động cao ráo hay trong gác xép nhà kho, lũ dơi tấp nập vào ra. Chúng treo ngược mình lên, đầu chúc xuống, chỉ dùng vuốt của hai chi sau móc vào khe đá. Không ai làm tình làm tội, mà sao chúng phải ngủ trong trạng thái khổ sở thế?
Thực ra, kiểu ngủ kiểu trái khoáy này rất phù hợp với cấu tạo cơ thể dơi. Nếu bạn bắt một con dơi, đặt nó xuống đất, sẽ thấy dơi dùng vuốt của ngón thứ nhất chi trước và 5 ngón của chi sau bò lê lết, cho đến khi trèo được lên một cây gỗ thẳng đứng hoặc vách tường rồi từ đây lại bắt đầu bay tiếp. Nếu đặt dơi vào một cái sọt bằng dây thép, nó sẽ trèo lên chung quanh sọt, giống như con khỉ, lên đến đỉnh sọt thì treo ngược mình lên đó.
Dơi là loài thú duy nhất biết bay thực sự, sẵn có màng cánh vừa to vừa rộng. Chân sau thì vừa ngắn, vừa nhỏ, lại còn bị nối liền với màng cánh. Cho nên khi bị rơi xuống đất, dơi còn mỗi cách nằm phủ phục, thân thể và cánh đều dán trên mặt đất, không thể đứng lên được, cũng không đi lại được, càng không thể giang rộng cánh màng mà bay lên, đành lết chậm chạp từng bước nhỏ.
Chính vì thế dơi chỉ thích hợp với việc trèo lên một nơi cao, treo ngược mình, khi gặp nguy hiểm mới có thể kịp thời giang rộng hai màng cánh mà bay lên, hoặc nhờ cơ hội rơi xuống để bay lên thật nhanh nhẹn.
Ngoài ra, khi gió rét đến, dơi cũng ngủ đông trong tư thế treo ngược mình, như vậy sẽ giảm được sự tiếp xúc trực tiếp với trần hang lạnh giá, hoặc có một số thì vùi đầu và thân vào trong màng cánh, cùng với bộ lông nệm mọc dày trên mình nó, có tác dụng ngăn cách hẳn với không khí lạnh bên ngoài.
Tập tính sống này và bản năng phòng ngự của dơi đều là kết quả của sự tiến hoá lâu dài của động vật.

Điều gì giúp cá heo bơi cực nhanh?
Cá heo là tay bơi lặn cừ khôi ở biển cả. Với tốc độ lên tới 15 m/giây, nó có thể bỏ xa các loại tàu thuỷ, tàu lặn thông thường. Cơ chế nào đã gắn "động cơ" cho chúng vậy?
Một vật thể muốn bơi nhanh phải có hình giọt nước, giảm tối đa lực cản do nước gây ra. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, bề mặt tiếp xúc vẫn nảy sinh ma sát. Nếu vật chuyển động chậm, lực cản của nước còn nhỏ. Nhưng khi nó chuyển động nhanh, mức độ hỗn loạn của nước trên bề mặt tiếp xúc cũng gia tăng, lực cản cũng vì thế mà tăng vọt. Khi chạy với tốc độ cao, một tàu lặn vỏ bọc thép phải chi tới 90% năng lượng cho việc khắc phục sức cản của nước.
Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, nếu bề mặt vật thể có độ mềm phù hợp, với những chỗ lồi lõm nho nhỏ, hấp thu và triệt tiêu một cách khéo léo những hỗn loạn trên mặt tiếp xúc, thì vật có thể chuyển động nhanh được. Vì vậy họ giả thuyết, sở dĩ cá heo bơi nhanh vì lớp da của nó có cấu tạo đặc biệt, làm giảm tối đa lực cản của nước.
Khi giải phẫu cá heo, các nhà khoa học phát hiện bề mặt da của nó chia làm 3 lớp: màng ngoài làm bằng chất sừng nhẵn rất mỏng, rồi đến biểu bì và chân bì. Trên chân bì mọc ra vô số mấu ruột rỗng, tựa như những ống tròn nhỏ "cắm" trong lớp biểu bì màu đen. Những ống này đàn hồi rất tốt, có thể triệt tiêu phần lớn lực cản của nước, do đó cá heo có thể di chuyển dưới đại dương với tốc độ đáng nể.
Mô phỏng cấu trúc da cá heo, người ta đã chế tạo ra loại cao su đặc biệt, giàu tính đàn hồi. Bên trong có vô số ống ruột rỗng nhỏ và có đường ống thông giữa các ống rỗng này, dẫn một loại dịch nhớt chảy lên bề mặt. Kết quả là trên bề mặt cao su có một màng mỏng, trơn nhẵn, có sức co dãn, làm giảm bớt lực ma sát với nước. Nhờ vậy, tàu ngầm phủ loại màng mỏng này có thể giảm bớt lực cản do dòng nước sinh ra.


Thứ 5 Tháng 9 06, 2007 12:59 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010