Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Chủ nhật Tháng 11 24, 2024 9:20 pm



Gửi bài trả lời  [ 2 bài viết ] 
 Săn tìm "Cụ tổ của khủng long" ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Săn tìm "Cụ tổ của khủng long" ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng
Ghi chú: Bài viết nguyên thuỷ có tựa đề là: (Săn tìm "Hậu duệ khủng long" ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng) tuy nhiên chúng tôi xin chỉnh lại là "Săn tìm "Cụ tổ của khủng long" ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng" vì "Ếch nhái tiến hóa cách nay gần 400 triệu năm trong khi Khủng long tiến hóa cách nay có khoảng 200 triệu năm"

Bài báo của tác giả Hải An đăng trên báo Quảng Ninh - http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/20140 ... g-2232173/

Kỳ 1: Niềm vui khi tìm thấy "Cụ tổ của khủng long"...
Năm 2012, Đoàn cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) phối hợp với các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne (CHLB Đức) phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Hoành Bồ) có loài cá cóc hiện đang được đề nghị đưa vào sách đỏ Việt Nam. Đây là loài sinh vật được coi là “cụ tổ khủng long”, rất có giá trị về nghiên cứu khoa học và cho đến nay mới chỉ tìm thấy ở Việt Nam...

Hình ảnh
Cả Marta và Mona đều không ngại ngần khi lội trong bùn lầy hôi hám để săn tìm cá cóc.

Từ phát hiện đó, IEBR cùng các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne đã có dự án khảo sát, nghiên cứu một cách đầy đủ về loài cá cóc đặc hữu này. Chuyến đi của chúng tôi vào dịp cuối tháng 5 vừa qua chính là nhằm phục vụ cho mục đích này. Một chuyến đi thật thú vị và bổ ích đối với tôi, bởi nó không chỉ cho tôi thêm sự hiểu biết về một loài sinh vật quý hiếm, mà còn thêm nhiều trải nghiệm khác nữa...

Hình ảnh
Trông các cô gái người nước ngoài này chẳng khác gì những thợ sơn tràng vùng sơn cước.

Đúng 7 giờ sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trụ sở của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Đoàn gồm 7 thành viên, đó là 3 cô gái: An Thị Hằng, cán bộ nghiên cứu của IEBR, Mona Van Schingen (người Đức) và Marta Bernardes (người Bồ Đào Nha) đến từ Đại học Clogen; cả ba đều thuộc thế hệ 8x. Ngoài ra còn 4 “đấng mày râu” mà trong chuyến đi chúng tôi hay nói đùa là “các vệ sĩ”, là tôi cùng 2 cán bộ kiểm lâm và 1 lái xe của Ban Quản lý khu bảo tồn. Cả đoàn đi ô tô vượt qua đoạn đường quanh co chừng hơn 30km, tới khu vực vùng lõi của Khu bảo tồn thuộc Tiểu khu 58 thì bắt đầu hành trình đi bộ xuyên rừng.

Hình ảnh
Marta khoe với mọi người những chú cá cóc vừa mới tìm thấy trong vũng lầy.

Qua trò chuyện với các “người đẹp”, tôi biết họ đã đến Hoành Bồ từ vài ngày trước. Hai ngày vừa qua họ vào Kỳ Thượng săn tìm loài thằn lằn cá sấu và hôm nay thì sang Đồng Sơn săn tìm cá cóc. Họ bảo, cả hai loài sinh vật này đều là những “Cụ tổ” của khủng long thời tiền sử. Hiện chúng gần như đã tuyệt chủng, chỉ còn rất ít sống ở Khu bảo tồn này và một vài nơi khác trên đất nước ta. Và vì thế, nó rất có ý nghĩa về mặt khoa học để đánh giá và phục vụ cho công tác bảo tồn sinh vật của Việt Nam… Cả đoàn cứ nối gót nhau đi theo lối mòn khá dốc và ngoằn ngoèo, nắng lên một cách gay gắt hơn. Tuy mới quen nhau, ngôn ngữ lại bất đồng, nhưng 2 cô bạn người nước ngoài tỏ ra rất thoải mái, tự nhiên. Các cô không ngừng pha trò khiến tôi cảm thấy sự mệt mỏi do nắng nóng giảm đi rất nhiều. Vừa đi Hằng vừa nói: “Công việc của bọn em là thế này đấy, cứ lang thang trong rừng cả ngày, xó xỉnh nào cũng rúc vào, ngó nghiêng… Vậy nên, anh đừng nghĩ tụi con gái “yểu điệu thục nữ” nhé; bọn em đi rừng không kém một anh chàng vùng sơn cước nào đâu! Mà quả đúng thế thật. Tôi đã xài hết vèo chai nước mang theo, lại còn “xin viện trợ” của hai anh cán bộ kiểm lâm nữa, nhưng vẫn thấy cổ họng khô khốc, đôi chân cứ như đeo bao cát, nặng trình trịch… Vậy mà 3 cô nàng đi cứ thoăn thoắt, chẳng thấy dấu hiệu mệt nhọc gì cả.
Đi độ vài tiếng thì Hằng bỗng dừng lại, chỉ tay xuống một vũng nước nhỏ toàn bùn, bảo gì đó với 2 cô bạn gái người nước ngoài. Họ dừng lại. Rất nhanh chóng, Marta và Monna lôi từ chiếc ba lô ra đủ thứ dụng cụ lỉnh kỉnh, bày ra một khoảnh đất cao ráo; sau đó cả hai nhảy ngay xuống đám bùn lầy nhầy mà không một chút ngại ngần, mặc dù từ đó bốc lên một thứ mùi thật khó chịu do lá cây mục và sinh vật đang phân huỷ… Mò mẫm dưới khu đầm lầy một lúc, cả ba cô gái trở lên. Lần này họ không thu được kết quả gì, có thoáng chút thất vọng nhưng họ nhanh chóng lấy lại tinh thần và tiếp tục cuộc hành trình. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, Mona nhiệt tình giải thích bằng tiếng Anh mà tôi chỉ hiểu lõm bõm, rằng họ nghĩ ở dưới đó có cá cóc đang sống vì loài này mùa đông thì rúc vào trong đất; chỉ khi đến mùa hè, tới thời điểm sinh sản chúng mới chui ra, xuống các vũng nước hay đầm lầy nhiều bùn… Nhưng rất tiếc là ở vũng lầy này lại không có!
Có thể nói tuy mệt, nhiều đoạn lại phải đi men theo con đường mòn chỉ đặt vừa bàn chân vắt ngang đỉnh núi khiến người không quen đi rừng như tôi cũng thấy hơi rờn rợn, nhưng bù lại, cảnh vật ở Khu bảo tồn đẹp mê hồn. Cô nàng Mona bảo: “Tôi cùng Marta đến Việt Nam nghiên cứu lần này là lần thứ 4 rồi mà mỗi lần vẫn không khỏi thích thú trước cảnh vật của đất nước các bạn. Mỗi chuyến đi là mỗi lần chúng tôi có trải nghiệm mới, được hiểu hơn về văn hoá dân tộc Việt Nam qua mỗi vùng miền. Quảng Ninh thật sự tuyệt vời, bên cạnh kỳ quan Vịnh Hạ Long lại còn có cả những cánh rừng nguyên sơ đẹp kì vĩ như thế này nữa…”. Nghe tôi với Mona “nói chuyện” với nhau, bằng cả lời nói lẫn ngôn ngữ cử chỉ hỗ trợ, Marta cũng góp vào; cô bảo: Hãy cứ coi những chuyến đi làm việc thực địa thế này như một cuộc Trekking (hình thức du lịch bằng cách đi bộ trong rừng) thưởng thức cảnh đẹp của tự nhiên, có như thế mới tạo được tinh thần thoải mái để có thể làm việc một cách có hiệu quả được…
Rồng rắn đi mãi, đến xế trưa, nắng dội gắt cả đỉnh đầu, những bước chân của mọi người trong đoàn đã có vẻ chậm lại, thì thật may mắn, chúng tôi gặp một vũng lầy cũng không khác mấy vũng lầy lúc nãy. Thế nhưng Hằng bảo, đây là nơi mà lần khảo sát trước cô đã tìm thấy giống cá cóc Việt Nam. Chẳng ai bảo ai, 3 cô nàng cứ thế trầm mình xuống bùn như trâu đầm. Mona, Marta và Hằng phân chia nhau ra mỗi người một khu vực, dùng những chiếc vợt như vợt bắt cá để sục từng tảng bùn lầy nhầy, tanh hôi lên và cẩn thận dùng tay kiểm tra xem có chú cá cóc nào không. Mỗi lần các cô sục bùn, cái mùi tanh tanh, lờm lợm xộc lên khiến tôi thực sự rất khó chịu, chỉ muốn nôn, nhưng phải cố giấu, bởi thấy họ hầu như chẳng để ý gì tới điều đó, chỉ mải mê làm việc…
Vừa kiên trì “mò cá”, Hằng vừa kể cho chúng tôi nghe về cái công việc mà tôi gọi vui là “nghịch bẩn” này. Cô bảo, để tiến hành một lần nghiên cứu sinh vật tại Việt Nam thế này thì các cô bạn người nước ngoài phải hết sức vất vả mới thực hiện được. Đó là những khó khăn về chi phí khá tốn kém, họ phải không ngừng đạt kết quả tốt trong công việc thì mới có thể xin các quỹ hỗ trợ dành cho nghiên cứu khoa học, nếu thiếu kinh phí thì chính bản thân họ phải bù thêm vào. Bởi thế, họ quý trọng từng giây phút làm việc… “-Nếu ngại bẩn thì lặn lội vào đây làm gì cho mất công!” - Hằng nói. Sục sạo gần tiếng đồng hồ, ai cũng bê bết bùn sình, thì bỗng chợt Marta reo lên: “Hey,one”! Thì ra cô nàng đã tóm được một chú cá cóc. Phía bên này Mona và Hằng cũng không kém khi liên tục tóm liền lúc 3, 4 chú và còn phát hiện ra cả những ổ trứng của chúng nữa. Tôi tiến lại gần để quan sát chú cá cóc trên tay của Marta. Có thể thấy loài cá ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có hình dạng khá giống thằn lằn, dài khoảng 7-8cm, đầu rộng, tuyến mang tai gồ cao, phình rộng, hơi xiên về phía sau, gờ giữa sống lưng có những cái u lồi khá lớn chạy dọc hai bên sườn từ phía sau chi trước đến gốc đuôi. Da lưng, sườn và vùng dưới cằm có những nốt sần nhỏ, bụng có những nếp nhăn chạy ngang. Đuôi dẹp theo chiều thẳng đứng, mút đuôi nhọn. Mặt lưng và bụng có màu nâu sẫm. Mép bàn chân, bàn tay, mép bụng và riềm dưới đuôi có màu cam. Theo các cô gái cho biết, đây là loài chỉ có ở một số tỉnh phía bắc Việt Nam, như Quảng Ninh, Bắc Giang; trong đó số lượng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là nhiều hơn cả…

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 6 17, 2014 1:56 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Re: Săn tìm "Cụ tổ của khủng long" ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng
Kỳ 2: Phòng thí nghiệm giữa rừng già

Trong số báo trước (QNCT, 8-6-2014), chúng tôi đã kể về chuyến đi khảo sát, tìm kiếm loài cá cóc đặc hữu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ). Phải vất vả lắm, Đoàn cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) phối hợp với các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne (CHLB Đức), gồm An Thị Hằng, cán bộ thuộc IEBR và hai sinh viên đến từ Đại học Clogen là Mona Van Schingen (người Đức), Marta Bernardes (người Bồ Đào Nha), mới tìm được 10 chú cá cóc hiếm hoi. Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để họ vui mừng rồi...

Hình ảnh
Các sinh viên đang làm thí nghiệm tại chỗ để xác định các đặc tính của loài cá cóc đặc hữu ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

...Những chú cá cóc được 3 cô gái gom lại, tất cả là 10 chú. Tôi cứ nghĩ sau khi đã có chúng thì họ sẽ cho vào một cái hộp hay cái gì đại loại để mang về nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm ở nhà. Thế nhưng tôi đã nhầm! Mona và Marta lôi từ trong chiếc ba lô của 2 người ra đủ thứ dụng cụ, máy móc lỉnh kỉnh và một “phòng thí nghiệm di động” đã được dựng lên ngay tại chỗ. Đầu tiên, Marta đội lên đầu chiếc camera nhỏ để ghi lại hình ảnh trong khi làm việc, rồi cẩn thận đo lại các số liệu kích cỡ, cân nặng của từng con bằng một chiếc thước đo điện tử khá lạ mắt và một chiếc cân điện tử tiểu ly (loại mà các cán bộ ngành Công an hay dùng để đo số lượng trong các vụ bắt ma tuý). Kết quả của mỗi lần đo đều được Mona ghi ngay lập tức vào một bản báo cáo số liệu và đọc lại để ghi luôn vào chiếc máy ghi âm đeo trước ngực.

Hình ảnh
Chú cá cóc được đặt lên bàn cân để đo trọng lượng...

Riêng việc đo lại tỉ mỉ từng chú cá cóc cũng đã ngốn hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó là một loạt các công đoạn khá phức tạp, tỉ mẩn khác. Lúc này đã giữa trưa, ai cũng hơi đói nhưng công việc phải được ưu tiên lên hàng đầu. Ba cô gái say sưa, quên cả đói và nắng nóng. Họ lấy ra một đoạn ống cao su dài, một đầu có gắn vào một chiếc bơm kim tiêm đựng đầy nước sạch để bơm vào ruột của từng chú cá cóc để thu mẫu thức ăn của chúng. Marta nhẹ nhàng cầm một chú cá cóc đã trưởng thành lên lấy một chiếc bông thu mẫu vi sinh vật trên da (nhìn giống hệt mấy cái bông ngoáy tai) trải nhẹ khắp toàn thân con vật khiến chú cá cóc khẽ run lên vặn vẹo. Khi lấy mẫu trứng để thí nghiệm họ cũng chỉ lấy một phần rất nhỏ vừa đủ để nghiên cứu chứ không lấy hết cả đàm trứng. Sau đó là mẫu nước, mẫu lá cây, mẫu đất trong đầm lầy v.v.. cũng được cẩn thận lấy lại. Mata bảo làm vậy là để có thể đánh giá một cách tổng quát nhất về đặc điểm sinh học và sinh thái của loài cá cóc Việt Nam tại môi trường sinh sống trong khu bảo tồn này. Không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương và theo một trình tự bài bản khiến tôi ở giữa rừng mà cứ có cảm giác như đang được chứng kiến một buổi làm việc trong phòng thí nghiệm vậy. Từng mẫu vật lấy được đều được phân loại và đựng trong các ống nghiệm riêng, có ghi chú rõ ràng về thời gian, địa danh cụ thể… Kết thúc công việc, đồ đạc lại được cất gọn vào trong những chiếc ba lô chống va đập, có khoá chống nước hẳn hoi, cẩn thận đến thế là cùng…

Hình ảnh
Bữa trưa đạm bạc của các thành viên trong đoàn ở ngay tại nơi làm việc.

Khi họ xong việc rồi, tôi hỏi sao không mang mấy chú cá này về nhà nghiên cứu có hơn không, Hằng bảo: “Không được đâu! Đây là những loài sinh vật đang có nguy cơ mất dần, phải cho chúng tồn tại nơi chúng đang thích nghi chứ!”. Hỏi 2 cô bạn người nước ngoài, họ cũng gật đầu xác nhận điều đó. Họ bảo, họ được dạy rằng phải coi trọng việc bảo vệ động vật, dù có nghiên cứu chúng thì cũng phải làm tại chỗ và sau đó là thả chúng về với môi trường tự nhiên, hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng tới môi trường sống tự nhiên và các tác động lên loài vật...
Lúc đã cùng nhau ngồi nghỉ ngơi và đánh chén bữa ăn dã chiến ngay tại chỗ, tôi hỏi Hằng rằng nghe nói loài cá cóc này nếu ngâm rượu còn có công dụng “một người uống hai người vui” phải không, cô bạn cười, bảo: “Ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, em thấy đồng bào dân tộc trên đấy cũng nói như vậy! Chẳng biết có đúng không? Hay anh thử xem sao!”. Tuy chỉ là chuyện vui nhưng khi Hằng dịch lại cho Mona nghe thì cô bạn nhăn mặt: “Tuyệt nhiên không được rồi! Cá cóc Việt Nam là loài động vật tự nhiên cần phải được bảo vệ, đừng vì những món ăn hay thứ thuốc do con người ngộ nhận là có công dụng đặc biệt nào đó mà ra tay bắt chúng mà làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái nói chung và nguồn gen quý để nghiên cứu. Các bạn hãy bảo vệ và bảo tồn mới là những hành động hữu ích cho sau này!”. Tôi phải giải thích mãi rằng đó chỉ là đùa thôi, nét mặt cô bạn người nước ngoài mới hết vẻ cáu giận…
Không chỉ có ý thức trong việc bảo vệ các loài sinh vật trong tự nhiên, tôi còn để ý thấy rằng những vỏ đồ ăn, chai rỗng v.v.. luôn được 2 cô bạn Marta và Mona thu gọn và cất vào ba lô vốn đã đủ thứ lỉnh kỉnh của mình. Không có bất kỳ một thứ đồ dùng gì sau khi sử dụng, kể cả mẩu giấy lau, mà các cô vứt lại tại chỗ. Đến cả những mẩu tàn thuốc lá Marta cũng có riêng hẳn một cái lọ như ống nghiệm để bỏ vào vì cô bảo thứ đó mình quăng bừa bãi sẽ rất dễ gây nguy cơ cháy rừng. Họ khiến tôi nhận ra rằng muốn bảo vệ một thứ gì đó, nhất là về vấn đề môi trường thì sự nâng cao ý thức, văn hoá ứng xử nơi công cộng một cách văn minh là điều mấu chốt và hết sức quan trọng.
Sau khi giải quyết cơn đói và nghỉ ngơi cho đỡ mệt, cả đoàn lại đi tiếp tới một đầm lầy nữa nằm giữa khu vực khe Kẻng và khe Trại. Các con đường mòn mà cả đoàn đang đi đã thuộc dạng dễ đi nhất mà vẫn phải chật vật mới vượt qua. Đoạn đường tiếp theo này chúng tôi phải xuyên tiếp qua một cánh rừng tre dày đặc, ban ngày mà muỗi bay vo ve, đốt khắp người. Rồi còn phải trèo lên một đoạn dốc gần như dựng đứng. Có lúc trên đầu tôi là gót chân của người đi trước, hai tay bám cành cây, còn hai chân mượn những gốc tre mọc choãi ra mà đạp vào lấy đà đu lên. Thế nhưng khi phờ phạc tới được điểm có cái đầm trên đỉnh dốc thì lại chẳng thu hoạch được gì. Thật chán! Thế mới biết, công việc đôi khi còn cần cả sự may mắn nữa. Vậy nên chỉ có kiên trì, nhẫn nại thì mới tới được thành công…
“Mona và Marta đang là sinh viên năm cuối rồi và đây là công trình nghiên cứu làm đề tài tốt nghiệp của họ. Họ phải rời xa gia đình, người thân hàng tháng trời để lang thang trong rừng núi Việt Nam bất kể đêm ngày, nhiều khi công việc không thuận lợi, các bạn ấy cũng suy sụp đến phát khóc. Em nhớ có lần mệt quá khi về phòng, muốn rủ hai cô nàng đi chơi để giải toả căng thẳng một chút thì thấy Mona sau khi gọi điện cho người thân liền khóc nức nở, hỏi ra mới biết là mệt mỏi quá rồi lại bị áp lực công việc nên chán nản, chỉ muốn buông xuôi và thèm cái cảm giác có ai đó bên cạnh động viên an ủi…” - Hằng ngồi tâm sự với tôi trong khi hai cô bạn người nước ngoài vẫn quyết tâm xuống cái đầm lầy mới với hy vọng may ra sẽ có chút kết quả cho khỏi uổng công chuyến trèo dốc này.
Sau một ngày mệt nhoài làm việc, lang thang giữa cánh rừng già của Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng, chúng tôi trở về đến trụ sở của Ban Quản lý Khu bảo tồn thì trời đã nhá nhem tối. Tuy mệt song ai cũng vui dẫu sao công việc cũng có thể coi là có chút thành công. Còn riêng tôi, tôi thực sự chỉ muốn nói lời cảm ơn với những người bạn mới. Chính họ đã cho tôi một chuyến đi với rất nhiều trải nghiệm…
Hải An
,

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 6 17, 2014 1:57 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 2 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010