Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 5 Tháng 11 21, 2024 11:04 pm



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Được trả tiền mới hót thì đâu còn là chim ? 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Được trả tiền mới hót thì đâu còn là chim ?
Được trả tiền mới hót thì đâu còn là chim ?

GS Hoàng Xuân Phú, nhà khoa học vừa có tên trong danh sách "viện sĩ hàn lâm thế giới" chia sẻ những câu chuyện "khó tin nhưng có thực" trong chế độ đãi ngộ đối với người làm nghiên cứu ở Việt Nam.

Lương nhà Toán học thấp hơn lương giáo viên
“Nhiều người hỏi tôi, tại sao lại cắm đầu vào làm khoa học. Cố giải thích mãi mà người ta vẫn không thể hiểu nổi. Rồi đâm ra lúng túng, thấy mình cũng ngu... Hoặc là ngu vì không lý giải nổi sự cao sang của nghề mình theo đuổi. Hoặc là ngu vì đã chọn một cách sống lập dị chẳng giống ai. Bình tĩnh lại, chỉ tìm được cách an ủi kiểu “AQ”: Mình đã chọn kiếp làm chim thì phải cố mà hót chứ sao? Nếu được trả tiền mới hót thì đâu còn là chim nữa?
Thực ra, như mọi viên chức khác, “chim làm Toán” cũng được nhà nước trả lương. Có lần tham gia một cuộc đối thoại, mấy bạn trẻ đặt câu hỏi là “lương giáo sư được bao nhiêu”, thì cụ Hoàng Tụy trả lời đại ý là “cũng đủ để trả tiền điện nước và điện thoại”.

Hình ảnh
GS Hoàng Xuân Phú. Ảnh: Đất Việt

Tôi không thích cách trả lời đó, vì sợ người ta lại hiểu lầm là gia đình Cụ quen xài sang nên mới tốn kém. Sao Cụ không nói thẳng xem lương nhà nước cấp cho các giáo sư là bao nhiêu? Hay Cụ coi đó là “bí mật quốc gia”, vì nếu lộ ra, để bọn trẻ biết được, thì chẳng còn đứa nào dại dột mà theo chân Cụ chui vào khoa học cơ bản nữa?
Cụ không muốn kể về thu nhập của mình thì tôi cũng không thể viết liều, nhưng xin tả chút cảnh hậu trường để dân tình chia sẻ. Tất nhiên, tôi sẽ tránh nêu những con số cụ thể, kẻo nhỡ sau này Chính phủ chỉnh lương (cho tất cả mọi người) thì thiên hạ lại tưởng là tôi bịa đặt.
Ai cũng biết lương của giáo viên phổ thông là thấp, nên thông cảm với việc dạy thêm. Mấy lần tôi đến thăm một thầy giáo cũ thì lại hay trùng với lúc thầy phải dạy thêm ở nhà dưới. Biết tôi là giáo sư và tiến sĩ khoa học đã lâu, chắc thầy nghĩ là lương tôi cao lắm, nên có lẽ không thông cảm được. Vì thế, thầy thường ám chỉ về đồng lương “quá đói” của mình. Tôi cũng thành tâm tin là vậy. Nhưng do chưa biết cách thể hiện sự đồng tình tuyệt đối nên có lẽ thầy nghĩ tôi vẫn “chưa thủng”.
Rồi một lần, như muốn làm rõ trắng đen, thầy hỏi thẳng: “Lương giáo sư của cậu được bao nhiêu?” Tôi thành thật trả lời... Khi biết lương tôi còn “đói” hơn thì thầy bỗng chựng lại, rồi... quay sang nói chuyện sức khỏe. Và từ đó, không bao giờ thầy bàn với tôi về chuyện lương lậu nữa.
Nhiều người biết là lương của các giảng viên đại học và của cán bộ các viện nghiên cứu cũng thấp, nhưng cứ tưởng là thấp như nhau. Nếu như thế thì cũng phải thôi, vì cùng một đẳng cấp chất xám, lại làm việc trong cùng một chế độ, trên cùng một xứ sở, nên cứ ke bằng cấp và thâm niên công tác vào bảng lương ắt phải thu được những đại lượng tương đương.
Song chẳng hiểu vì sao mà lương của cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản được nâng rất chậm, đến nỗi khi giảng viên của các trường đại học đến làm nghiên cứu sinh thì có thể hơn thầy hướng dẫn mấy bậc lương, mặc dù họ kém thầy về học vị, về học hàm và cả về tuổi tác.
Một anh bạn tôi, khi làm thủ tục chuyển công tác từ viện về trường đại học, đến cấp nào của cơ quan mới cũng phải giải đáp câu hỏi:
“Có bị kỷ luật không mà bằng nấy tuổi đầu mới lên được bậc lương ấy?” Anh giải thích thế nào cũng xa lạ với họ như chuyện cổ tích Nam Cực. Nhưng rồi “ở hiền gặp lành”, sau hơn một năm “chuyển khẩu” cũng chứng tỏ được rằng xét cả “hồng” lẫn “chuyên” thì quả thật là anh “vô tội”. Vậy là họ thông cảm, linh động chỉnh bù lên cho mấy bậc lương.
Đấy là mới nói về bậc lương theo ngạch. Ngoài ra, còn có khoản cộng thêm phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, bằng 25% đến 50% của mức lương theo ngạch. Khoản này thì các cơ sở giáo dục công lập đều được hưởng, còn các viện lại không, mặc dù các viện cũng tham gia công tác giáo dục “như ai”. Nếu bỏ qua những giờ mà từng người tự động làm với các trường thì vẫn còn nhiều thời gian giảng dạy cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh, được thực hiện trong chương trình chính thức của các viện.
Bản thân GS Hoàng Tụy đã nhiều năm giảng dạy phổ thông và đại học, đã từng 8 năm (1961-1968) làm Chủ nhiệm Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ khi chuyển về Viện Toán học, Cụ vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy ở trong và ngoài viện. Dạy sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Dạy cho trò, cho thầy và cho cả thầy của thầy nữa. Vậy mà Cụ cũng không nằm trong diện được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và không được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân hay Nhà giáo Ưu tú. Tại sao?
Ai cũng quen biết một vài giáo viên, không dạy đại học thì cũng dạy phổ thông, nên cũng có thể tìm hiểu mức lương của họ. Có dữ liệu rồi thì cứ áp vào những thông tin vừa kể, chắc đoán được GS Hoàng Tụy và các đồng nghiệp ở các viện nghiên cứu cơ bản được trả lương thế nào. Nhớ là phải trừ đi các khoản phụ cấp, như phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo mà cán bộ ở viện nghiên cứu không được hưởng.

Có sống được bằng lương?
Nếu bàn về lương, người ta hay bình luận: “Các anh đâu có sống bằng lương?!” Vậy những nhà khoa học chân chất, không chức, không quyền thì sống bằng gì? Một số nhà quản lý cấp tiến phán rằng phải sống bằng kinh phí đề tài và hợp đồng ứng dụng. Đây là câu chuyện rất dài, dài đến nỗi không thể gói vào bài viết này được. Chỉ xin đề cập một chút thôi.

Hình ảnh
Căn phòng khoảng 30 mét vuông, là nơi 4 nhà Toán học làm việc. Vượt qua những khó khăn về vật chất, GS Hoàng Xuân Phú cùng tập thể các nhà Toán học luôn gương mẫu trong nghiên cứu và trở thành một trong những cơ sở nghiên cứu uy tín nhất của Việt Nam, với những công trình tầm cỡ. Ảnh: VietQ

Đất nước mình nghèo nên kinh phí có thể dành cho nghiên cứu khoa học hiển nhiên là ít. Rồi dần dần, khi kinh tế phát triển và tỷ trọng ngân sách dành cho khoa học tăng lên thì kinh phí cũng nhiều hơn.
Tuy còn lâu mới đủ để cho các nhà khoa học sống và làm việc tử tế, nhưng cũng đã đến lúc những người nghiêm túc phải băn khoăn, so sánh với mức độ đóng góp của mình cho xã hội và với thu nhập của bà con nông dân vẫn một nắng, hai sương...
Đấy là bàn trên phương diện toàn cục, dưới giả thiết là kinh phí dành cho khoa học được phân bổ và sử dụng hợp lý, để thấm đều đến tất cả những người làm khoa học đích thực. Còn trên thực tế thì như... nước dội lá sen. Càng dội thì càng trơn tuột. Phần chảy trở về “nguồn” được coi là “lại quả”, chỗ nước dồn đọng được gọi là “trọng điểm đầu tư”, và nhiều khi cả “nguồn” lẫn “trọng điểm” đều chỉ là “họ hàng xa” của khoa học. Kết quả là tốn rất nhiều tiền để... gia tăng tha hóa. Còn những nhà nghiên cứu chất phát thì vẫn không có đủ tiền để sống và làm việc.
Bức tranh chung thì như vậy. Còn trong “làng Toán” thì, dù làm việc ở trường hay ở viện, những người nghiên cứu khoa học có thể đăng ký tham gia đề tài nghiên cứu cơ bản. Kinh phí của một đề tài nghiên cứu cơ bản với khoảng 10 thành viên, trong đó có cả giáo sư, phó giáo sư và đại trà là tiến sĩ, có thể chỉ tương đương với một đề tài dành cho 2 người (một tiến sĩ và một kỹ sư) ở một số ngành khác.
Nếu cộng cả lương cơ bản, lương điều chỉnh và các loại đề tài, thu nhập của một giáo sư ở một viện nghiên cứu cơ bản có khi chỉ bằng một người vừa tốt nghiệp cử nhân tin học và đi làm cho một công ty trong nước. Còn với con cháu mới làm việc cho các công ty nước ngoài đóng trên đất Việt thì chẳng đọ làm gì cho thêm khập khiễng. Cho nên, cái lý luận “sống bằng kinh phí đề tài” mà một số người đang cổ động nghe chừng còn “đuối” lắm.
Hơn nữa, xin nói nhỏ với mấy nhà quản lý quá cấp tiến rằng: Ở các nước tiên tiến mà tôi biết, các nhà khoa học chỉ được dùng kinh phí đề tài do mình lập ra để mua sắm thiết bị, vật tư... và trả lương cho những thành viên đề tài chưa được nhận lương từ nguồn khác, chứ không được phép dùng kinh phí đó để trả thù lao thêm cho bản thân, bởi họ đã được trả lương rồi, nghĩa là họ cũng phải sống bằng lương chứ không phải bằng thu nhập từ đề tài. Chính GS Hoàng Tụy đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này rồi.

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 5 Tháng 1 16, 2014 12:31 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010