Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Chủ nhật Tháng 11 24, 2024 7:08 am



Gửi bài trả lời  [ 3 bài viết ] 
 Đa dạng các loài chuồn chuồn ở Việt Nam 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Đa dạng các loài chuồn chuồn ở Việt Nam
ĐA DẠNG CÁC LOÀI CHUỒN CHUỒN Ở VIỆT NAM
Phan Quốc Toản. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Chuồn chuồn là nhóm côn trùng bán thủy sinh, giai đoạn ấu trùng chúng sống hoàn toàn dưới nước, đến thời kỳ sinh sản, ấu trùng lột xác thành dạng trưởng thành sống trên cạn, thực hiện quá trình giao phối và sinh sản. Chuồn chuồn hiện nay được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm chuồn chuồn ngô (dragonflies) với các đặc điểm cánh trước và cánh sau khác nhau về hình dạng và hệ thống gân cánh; cánh sau rộng ở phần gốc và luôn mở cánh khi đậu; hai mắt kép sát nhau (trừ các loài ở họ Gomphidae hai mắt cách xa nhau); ấu trùng có dạng ngắn, mập mạp, đốt bụng cuối có các cấu trúc hình tam giác quanh lỗ hậu môn. Nhóm chuồn chuồn kim (damselflies) thì thường khép cánh khi đậu (trừ một số loài); cánh trước và cánh sau giống nhau về hình dạng và kích thước, cấu tạo gân cánh; hai mắt cách xa nhau; ấu trùng mảnh, đốt bụng cuối mang 2-3 lá mang. Chuồn chuồn trưởng thành sinh sống xung quanh khu vực nguồn nước, cánh và cơ thể con đực có màu sắc sặc sỡ để hấp dẫn con cái. Tập tính giao phối ở chuồn chuồn khá phức tạp và lý thú. Các con đực “chiến đấu” với nhau để bảo vệ vùng lãnh thổ của mình, khi con cái xuất hiện, con đực bay xung quanh “ve vãn” và ngăn không cho các con đực khác đến gần. Khi giao phối, phần phụ sinh dục đực (appendages) ở đốt bụng cuối của con đực “khóa” chặt vào phần trên của ngực trước ở con cái, trong khi đó con cái đưa máng đẻ của mình áp chặt vào phía dưới đốt bụng thứ hai của con đực, nơi mang cơ quan sinh dục đực để nhận tinh trùng; tư thế này tạo thành dạng tương tự như một cái “bánh xe” (wheel) giúp chúng có thể vừa bay vừa thực hiện hành vi giao phối. Ở một số loài, con đực bay xung quanh hoặc đứng gần nơi con cái đẻ trứng để làm nhiệm vụ “cảnh giới”, hoặc con đực vẫn “khóa” chặt con cái cho đến khi đẻ trứng xong.

Hình ảnh
Tư thế giao phối ở loài Noguchiphaea yoshikoae Asahina, 1976

Chuồn chuồn là nhóm côn trùng ăn thịt, cả ở giai đoạn ấu trùng và trưởng thành. Chúng thường bay lượn để săn tìm các loài côn trùng khác nhỏ hơn, thậm chí là các loài chuồn khác. Ấu trùng chuồn chuồn của một số loài có kích thước lớn thậm chỉ còn bắt cả cá nhỏ để ăn thịt.
Hình ảnh
Một con Acisoma panorpoides đang ăn thịt loài khác (giống Ceriagrion)

Khu hệ chuồn chuồn Việt Nam được biết đến từ những năm đầu của thế kỷ 19 bởi các nhà nghiên cứu người Pháp. Sau đó, mặc dù có một vài ghi nhận về khu hệ Việt Nam nhưng mới chỉ công bố rải rác ở các tạp chí khác nhau. Vì tình hình chiến tranh kéo dài, mãi đến sau này, trong vòng 10 năm trở lại đây, khu hệ chuồn chuồn ở Việt Nam mới được biết đến nhiều hơn, có hơn 20 loài mới cho khoa học đã được công bố, trong đó có nhiều loài đặc hữu và quý hiếm. Năm 2006, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 235 loài chuồn chuồn ở Việt Nam, tuy nhiên theo ước tính Việt Nam phải có khoảng hơn 400 loài, thậm chí là lên đến 500 loài. Nếu so sánh với số lượng loài chuồn chuồn ở các nước khác, như Thái Lan (gần 400 loài), Lào (khoảng 300 loài), Campuchia (gần 100 loài), Malaysia (400 loài), Singapore (126 loài), Trung Quốc (gần 600 loài) hay toàn bộ Châu Âu (trên 100 loài)… thì Việt Nam là một trong những nước có sự đa dạng chuồn chuồn cao nhất trên thế giới.
Trong tổng số 17 họ Chuồn chuồn được biết ở Việt Nam hiện nay, có 11 họ chuồn chuồn kim (Zygoptera) và 6 họ chuồn chuồn ngô (Anisoptera). Một trong những họ chuồn chuồn kim có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái, đồng thời cũng là nhóm có màu sắc đẹp nhất là họ Chuồn chuồn cánh màu (Calopterygidae). Có 16 loài được biết hiện nay ở Việt Nam, phổ biến nhất là loài Neurobasis chinensis (Linnaeus, 1758). Con đực của loài này có đôi cánh trước có màu vàng nhạt và trong suốt, khoảng 3/4 của cánh sau màu xanh biếc, phần còn lại của cánh có màu đen sẫm. Với cơ thể hoàn toàn màu xanh, chúng có thể dễ dàng hòa lẫn vào các đám lá ở gần suối để trốn tránh kẻ thù.

Hình ảnh
Con đực Neurobasis chinensis (Linnaeus, 1758)
Con cái cơ thể có màu xanh nhạt hơn, cánh có màu cam nhạt và hai điểm cánh màu trắng ở mép trên của cánh có thể dễ dàng quan sát. Loài rất phổ biến và phân bố ở khắp các vùng núi trong cả nước.
Hình ảnh
Con cái Neurobasis chinensis (Linnaeus, 1758)

Giống như loài N. chinensis, loài M. basilaris Selys, 1953 có cơ thể màu xanh biếc óng ánh, với đôi cánh màu xanh đen ở nửa đầu cánh, phần gốc còn lại có màu xanh sáng. Ở Việt Nam, chúng phân bố chủ yếu ở các khu vực miền núi phía Bắc như Lạng Sơn (Lộc Bình), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hoà Bình (Thượng Tiến, Kim Bôi), Cao Bằng (Trùng Khánh) và Phú Thọ (Xuân Sơn).
Hình ảnh
Con đực Matrona basilaris Selys, 1953

Loài Vestalis gracilis (Rambur, 1842) phân bố rộng ở vùng Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Với cơ thể màu xanh biếc, chúng có thể dễ dàng ẩn nấp trong các tán lá cây rậm rạp xung quanh bờ suối, và chỉ xuất hiện và bay lượn ra ngoài khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Cánh của chúng thường phản chiếu màu xanh biếc óng ánh.
Hình ảnh
Con cái Vestalis gracilis (Rambur, 1842)

Một trong những loài có kích thước cơ thể to lớn và hiếm gặp là loài Calopteryx coomani (Fraser, 1935), với chiều dài sải cánh và cơ thể trên 100mm. Trái ngược với những loài trên, loài coomani mang một đôi cánh xanh đen to lớn và khỏe mạnh. Chúng thường sinh sống gần những con suối ở vùng núi, nơi mà có hệ sinh thái rừng rậm rạp và gần nguyên vẹn.
Hình ảnh
Con đực Calopteryx coomani (Fraser, 1935)

Con cái có màu nâu sẫm, mang một đôi đốm màu trắng trên cả hai cánh. Là loài đặc hữu của miền Bắc Việt Nam, mới chỉ tìm thấy loài này ở Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Tây (Tản Viên), Hà Giang (Việt Vinh) và Phú Thọ (Xuân Sơn).
Hình ảnh
Con cái Calopteryx coomani (Fraser, 1935)

Mặc dù loài Vestalis miao (Wilson & Reels, 2001) khá phổ biến ở Nam Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận được ở hai địa điểm là Khu bảo tồn Thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn) và Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Cánh của con trưởng thành vừa lột xác từ ấu trùng có màu cam đặc trưng, và trở thành trong suốt không màu khi thành thục. Phần mút đuôi của con đực có màu trắng đặc trưng cho loài.
Hình ảnh
Con cái Vestalis miao (Wilson & Reels, 2001)

Hình ảnh
Con đực Vestalis miao (Wilson & Reels, 2001)

Loài Mnais mneme Ris, 1916 là một trong những loài chuồn chuồn cánh màu đẹp nhất, mang đôi cánh rộng màu đỏ tươi, óng ánh dưới ánh sáng mặt trời. Mới chỉ ghi nhận được ở Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.
Hình ảnh
Con đực Mnais mneme Ris, 1916

Họ Chuồn chuồn mũi cao (Chlorocyphidae), giống như tên gọi được đặc trưng bởi phần trước mặt của loài này lồi lên tạo thành một dạng “mỏ” (hoặc mũi) nhô lên cao. Có 13 loài được biết ở Việt Nam hiện nay. Là những loài có kích thước nhỏ, cơ thể nhiều màu sắc và thường sinh sống ở các con suối sạch ở trong rừng. Phổ biến và thường gặp nhất là loài Rhinocypha fenestrella (Rambur, 1842). Phần ngực và bụng của loài này có màu đen sẫm, mặt trên của ngực có đốm tím tam giác dễ nhận biệt, hai bên có các sọc nhỏ màu vàng; cánh hẹp và trong suốt ở gốc, rộng hơn về sau và có màu xanh đen xen lẫn với các mảng màu tím óng ánh. Mặt trước của các chân có vệt màu trắng, có chức năng giúp con đực “khoe mẽ” trong hoạt động ve vãn và giao phối với con cái.
Hình ảnh
Con đực Rhinocypha fenestrella (Rambur, 1842)
Con cái của các loài trong họ này thường có màu sắc và Ảnh dạng tương tự nhau, với phần bụng và ngực màu vàng, cùng đôi cánh trong suốt.

Loài Libellago lineata (Burmeister, 1839) lại chỉ sinh sống ở những con suối nhỏ hoặc đầm nước, nơi nền đáy có nhiều bùn và mùn bã thực vật, tốc độ dòng chảy chậm.
Hình ảnh
Con đực Libellago lineata (Burmeister, 1839)

Con đực của loài Heliocypha perforata (Percheron, 1835) thường đậu xung quanh nơi con cái để để làm nhiệm vụ bảo vệ.
Hình ảnh
Loài Heliocypha perforata (Percheron, 1835)

Thời gian gần đây, khi tiến hành điều tra về khu hệ chuồn chuồn ở miền Bắc Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận mới loài Rhinocypha arguta Hämäläinen & Divasiri, 1997 cho khu hệ Việt Nam từ Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và Xuân Sơn (Phú Thọ). Loài đặc trưng bởi mặt trên của các đốt bụng màu đỏ gạch, ngực màu đen với các sọc vàng xen kẽ.
Hình ảnh
Con đực Rhinocypha arguta Hämäläinen & Divasiri, 1997

Loài Euphaea masoni Selys, 1879 thuộc họ Euphaeidae khá phổ biến ở các vùng núi, với đôi cánh chắc khỏe màu xanh đen, mặt ngoài của đôi cánh sau có một mảng màu xanh óng ánh, mép trong có màu đỏ, phân biệt với loài Euphaea guerini Rambur, 1842) có hình dạng và màu sắc cơ thể tương tự, nhưng mép trong cánh sau màu xanh.
Hình ảnh
Loài Euphaea masoni Selys, 1879

Mặc dù mới chỉ có 2 loài thuộc họ Amphipterygidae được ghi nhận ở Việt Nam, tuy nhiên, chúng đều là những loài hiếm và phân bố hẹp, trong đó Devadatta cyanopcephala là loài đặc hữu của Việt Nam.
Hình ảnh
Loài Devadatta ducatrix Lieftinck, 1969

Hình ảnh
Loài Devadatta cyanocephala Hämäläinen, Sasamoto & Karube, 2006

Mặc dù là nhóm chuồn chuồn kim, nhưng các loài trong họ Synlestidae, Lestidae, Lestoideidae và họ Megapodagrionidae thường giang cánh khi đậu ở tư thế treo mình lên các cành cây ở gần suối.
Hình ảnh
Loài Orolestes selysi McLachIan, 1895

Hình ảnh
Loài Rhinagrion hainanensis Wilson & Reels, 2001

Các loài trong họ Coenagrionidae, Platycnemididae và Protoneuridae có kích thước rất nhỏ, phổ biến ở xung quanh các ao, hồ, đầm lầy, ruộng lúa, sông, suối… Chúng đồng thời cũng là các loài thiên địch đối với một số côn trùng gây hại cho nông nghiệp.
Hình ảnh
Loài Copera marginipes (Rambur, 1842)

Hình ảnh
Loài Prodasineura autumnalis (Fraser, 1922)

Trong số các họ chuồn chuồn ngô được biết ở Việt Nam, các họ có số lượng loài nhiều nhất là họ Chuồn chuồn ngô Gomphidae (24 loài) và họ Chuồn chuồn mương Libellulidae (48 loài); các họ này bao gồm nhiều loài phổ biến có thể bắt gặp ở khắp nơi, từ ao, ruộng nước, kênh mương..., thậm chí là ở các vũng nước đọng sau mưa.
Hình ảnh
Loài Acisoma panorpoides Rambur, 1842

Hình ảnh
Loài Brachythemis contaminata (Fabricius, 1793)

Hình ảnh
Loài Neurothemis fluvia (Drury, 1773)

Hình ảnh
Loài Neurothemis tulia (Drury, 1773)

Hình ảnh
Loài Nannophyopsis clara (Needham, 1930)

Với đặc điểm vị trí địa lý của mình, Việt Nam là một trong những khu vực có sự đa dạng về thành phần loài động thực vật nói chung, và đa dạng thành loài chuồn chuồn nói riêng. Khu hệ chuồn chuồn miền Bắc tương đồng với khu hệ Nam Trung Quốc và Bắc Lào; khu hệ miền Nam lại có thành phần loài tương tự với khu hệ bán nhiệt đới như ở các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore; và khu hệ miền Trung là sự giao thoa giữa hai khu hệ trên, đồng thời cũng khá phân tách với khu hệ Nam và Trung Lào bởi dãy núi Trường Sơn. Bởi vậy, ngoài sự đa dạng và phong phú về thành phần loài, khu hệ chuồn chuồn Việt Nam đồng thời cũng bao gồm rất nhiều loài đặc hữu và quý hiếm. Do đời sống của chúng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nước và hệ sinh thái rừng xung quanh, cho nên bất kỳ một tác động nào cũng gây biến động lớn đối với khu hệ chuồn chuồn ở vùng đó. Việc bảo vệ các hệ sinh thái rừng và nguồn nước là điều kiện tối quan trọng cho việc bảo vệ các loài chuồn chuồn. Trong tương lai, cần có những chương trình, chính sách cùng với việc tuyên truyền cho cộng đồng nhận thức được những giá trị về đa dạng sinh học nói chung, xây dựng ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 2 15, 2011 7:31 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi

Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 8 23, 2011 10:49 am
Bài viết: 6
Gửi bài Re: Đa dạng các loài chuồn chuồn ở Việt Nam
cho hỏi anh modz, có loài chuồn chuồn nào đẻ trên cạn không ạ
sinh vật tôi cần hỏi là con này http://www.vncreatures.net/forum/viewtopic.php?f=3&t=7932&p=11168#p11168


Thứ 3 Tháng 8 23, 2011 3:33 pm
Xem thông tin cá nhân
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Re: Đa dạng các loài chuồn chuồn ở Việt Nam
Chào bạn tuan142kb !

Câu hỏi của bạn đã được chuyên gia về chuồn chuồn Đỗ Manh Cương trả lời tại địa chỉ

viewtopic.php?f=3&t=7932&p=11168#p11168

Chúng tôi thành thật xin lỗi vì bài viết của bạn chưa được trả lời sớm và hy vọng lần sau sẽ khắc phục để trả lời sớm hơn. Rất mong bạn tiếp tục tham gia diễn đàn và gửi những câu hỏi thú vị cho chúng tôi

Cám ơn bạn

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 8 23, 2011 5:01 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 3 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010