Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 6 Tháng 11 22, 2024 2:26 am



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Rừng Sóc Sơn đang biến mất như thế nào? 
Người gửi Nội dung

Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 2 28, 2005 9:45 am
Bài viết: 67
Đến từ: Rừng xanh
Gửi bài Rừng Sóc Sơn đang biến mất như thế nào?
Hình ảnh
Đất rừng được xẻ thành từng mảnh, rào thép gai để rao bán.

Đứng trên đường băng dã chiến, phóng tầm mắt về phía Lâm trường Sóc Sơn, thấy vài chục biệt thự cao tầng mọc trồi lên khỏi những tán rừng ngút ngàn. Dọc ven đường, nơi xưa là rừng phòng hộ, giờ loang lổ như bãi chiến trường vì xe xúc, xe ủi đang cải tạo mặt bằng để dựng trang trại, xây nhà.

Đất rừng ở đây đều đã được khoanh ra từng mảnh, chạy dài từ ven những con đường đất đỏ gập ghềnh đến tận lưng chừng núi.

Theo dân “cò” đất rừng thì đất ở khu vực Lâm trường Sóc Sơn (trên địa phận xã Minh Phú) và khu vực xã Minh Trí là có giá nhất, bởi vì nơi đây đang được quy hoạch thành những khu nghỉ mát với sân golf, làng sinh thái, cáp treo, thác nước... Đất rừng ở khu vực này có giá cao còn là vì việc mua bán đã từng có xác nhận của chính quyền xã, thậm chí còn có sổ đỏ, cả sổ giả lẫn sổ thật.

Ông Đào Xuân Tân, Phó chủ tịch xã Minh Phú cho hay, những năm 1998 -1999, khi dân Hà Nội lên đây hỏi mua đất rừng, công nhân lâm trường đua nhau bán sạch với giá rẻ như cho, chỉ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, cũng mảnh đất ấy, giờ đây đã có giá 180 triệu/sào, tính ra là gần 5 tỉ đồng/ ha. Một số mảnh đất rừng ở gần hồ nước thì có giá tới 250 triệu đồng/sào, tức là trên 6,7 tỉ đồng/ha. Số tiền chênh lệch khổng lồ này, đám “cò” đất và các đầu nậu dưới Hà Nội bỏ túi cả.

Điều đau xót là sau khi bán sạch đất, 600 hộ dân lâm nghiệp ở đây vẫn nghèo xác nghèo xơ, ngoại trừ mấy ông được phân đất sâu trong rừng và được phân nhiều đến nỗi bán đến bây giờ vẫn chưa hết thì giàu có không kể xiết. Theo ông Vũ Văn Hòa, Giám đốc lâm trường, hiện có 10 người trong lâm trường nhận trên 30 ha rừng làm trang trại và tất nhiên họ đã và sẽ trở thành đại tỉ phú.

Con đường đất đỏ hun hút dẫn vào sâu trong rừng. Ngay sườn núi là một “lâu đài” trị giá bạc tỉ, cửa đóng im ỉm, bên ngoài có một ông già ngồi vui vầy với đàn khỉ. Đi chừng 1 km thì hiện ra một biệt thự khổng lồ, xây kiên cố 4 tầng, trên nóc có tấm biển lớn ghi: Nhà nghỉ Phú Lâm. Trước cửa có đôi sư tử bằng đá to tướng. Sau ngôi nhà nghỉ hoành tráng này là khu vui chơi giải trí rộng mênh mông, gồm bể bơi, cầu trượt, chuồng nuôi thú, vườn cây cảnh, nhà sàn và một khu nhà cao tầng đang tiếp tục hoàn thiện mãi tít trong rừng. Cạnh đó là hồ nước đang được cải tạo, kè đá, chiếc cầu gỗ đã lắp xong, kéo dài ra tận giữa hồ. Khu nghỉ ngơi này đã ngốn của ông chủ vài chục tỉ đồng.

Theo Phó chủ tịch xã Đào Xuân Tân thì vài năm trước, trang chủ của “lâm trang” này còn là lão nông nghèo kiết xác, rách rưới nhất xã, sống tít tận trong rừng sâu. Đùng một cái đất rừng thành vàng, anh ta xẻ ra bán xả láng. Tiền bán rừng anh ta đầu tư mua ôtô, xây nhà nghỉ và khu vui chơi này để kinh doanh cho... đỡ buồn. Thế mà nghe đâu gia đình vẫn còn tới 200 ha nữa. Bán hết từng ấy rừng, chắc không có chỗ để tiền nữa.

Có hay không đường dây làm giả giấy tờ, mua bán đất rừng trái phép?

Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra của Công an thành phố Hà Nội đã thu giữ hai bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên Đặng Thị Như và Ngô Quốc Tuấn, với tổng diện tích gần 5.000m2, ở khu Ban Tiện, xã Minh Trí. Hai mảnh đất này nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ, hiện chưa có trên bản đồ địa chính.

Từ vụ việc này, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về tội làm giả con dấu, giấy tờ, cấp sổ đỏ trái pháp luật:

Trần Văn Thảo, lợi dụng chức vụ là Phó chủ tịch UBND xã, Ủy viên thường trực Hội đồng xét duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã Minh Trí đã ký xác nhận vào các giấy tờ mua bán đất, mặc dù biết rõ đó là đất lâm nghiệp, biết rõ Hội đồng xét duyệt chưa họp để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không những thế, vị Phó chủ tịch xã này còn làm cả biên bản xét duyệt và tờ trình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Như, làm biên bản xét duyệt hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Thảo và người mua. Ngoài ra, ông Thảo còn ký xác nhận khống vào nhiều tài liệu thu được khi khám xét nhà Dương Đoàn Thịnh.

Là cán bộ địa chính của Phòng Địa chính – Nhà đất và Đô thị huyện Sóc Sơn, Nguyễn Văn Sơn được phân công nhiệm vụ phụ trách việc kiểm duyệt các hồ sơ, giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và chuyển nhượng đất đai ở xã Minh Trí để trình lãnh đạo. Thế nhưng, Sơn lại mắt nhắm, mắt mở để các cán bộ xã Minh Trí làm liều. Liều lĩnh hơn, Sơn còn trực tiếp ra tay lập: “Biên bản kiểm tra chuyển nhượng nhà đất” trong hồ sơ và tự “sáng tác” ra chữ ký hai bên chuyển nhượng để hợp thức hóa hồ sơ cấp sổ đỏ, trình lãnh đạo và lãnh đạo “tin tưởng” cán bộ dưới quyền nên sẵn sàng... ký duyệt.

Phùng Minh Gần, khi đó với tư cách là cán bộ địa chính xã Minh Trí, Ủy viên Thường trực Hội đồng xét duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy biết rõ hai mảnh đất của ông Đông và bà Như là đất lâm nghiệp, song vẫn ký xác nhận vào các giấy tờ thủ tục trong hồ sơ của bà Như và ông Đông. Phùng Minh Gần còn tự vẽ, viết trích lục bản đồ trong hồ sơ của bà Như để hợp thức hóa. Có lẽ là kẻ điếc không sợ súng nên Gần dám liều lĩnh trực tiếp xác nhận một số vụ mua bán trái phép hàng ngàn mét vuông đất lâm nghiệp thành đất thổ cư. Là cán bộ địa chính, Gần biết chắc chắn không có hội đồng nào của xã xét duyệt cấp sổ đỏ riêng biệt cũng như hồ sơ không đủ tiêu chuẩn cấp sổ đỏ nhưng vẫn cứ... kính chuyển lên lãnh đạo huyện. Và để các cơ quan cấp trên mắt nhắm, mắt mở ký duyệt, Gần bịa ra những trích lục bản đồ vào sổ đỏ. Có điều lạ là những trích lục này tuy rởm 100%, song vẫn được các cơ quan chức năng duyệt và ký. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Gần và Sơn dám liều lĩnh như vậy, có những ai đứng đằng sau vụ việc này?

Ngoài ra, Công an còn khởi tố bị can đối với Tạ Đình Bằng, cán bộ văn phòng UBND, HĐND huyện Sóc Sơn, Vũ Hùng Thắng, công tác tại Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Hà Nội và Dương Đoàn Thịnh, cán bộ giao thông thủy lợi xã Minh Trí. Tạ Đình Bằng và Dương Đoàn Thịnh đều từng là cán bộ của Phòng Địa chính - Nhà đất và Đô thị huyện Sóc Sơn. Khám xét nơi ở của 3 đối tượng trên, Cơ quan công an đã thu giữ rất nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng đất rừng tại huyện Sóc Sơn, trong đó có nhiều giấy tờ có dấu và chữ ký khống của đại diện chính quyền và một số sổ đỏ đã ký và đóng dấu. Từ năm 2001 đến nay, ba đối tượng này đã làm bản đồ trích lục giả, chuyển các mảnh đất lâm nghiệp thành đất thổ cư rồi cấp sổ đỏ cho đất rừng, biến các mảnh đất rừng chỉ có giá vài triệu lên đến vài trăm triệu đồng một ha, thậm chí, có mảnh lên đến vài tỉ để mua bán trao tay, thu lợi bất chính.

Qua đây, người ta đặt câu hỏi, liệu Dương Đoàn Thịnh là kẻ cầm đầu đường dây làm giả hồ sơ, biến đất rừng thành đất thổ cư để kiếm hoa hồng hay chính gã là ông chủ buôn bán đất, chỉ biết rằng Dương Đoàn Thịnh là một đại gia giàu có nhất nhì xã Minh Trí. Ngôi nhà của Thịnh hiện tại sang trọng và to nhất xã, có cả khuôn viên, khu vui chơi và bể bơi hoành tráng. Công việc hằng ngày của Thịnh là gặp gỡ các tay đầu cơ đất đai ở dưới Hà Nội, xong việc thì đi nhậu nhẹt, chơi tennis. Khám nhà Thịnh, công an đã thu giữ được trên 100 triệu đồng tiền mặt, gần 50.000 USD và vàng với tổng trị giá trên 1 tỉ đồng.




Phạm Ngọc Dương


Thứ 2 Tháng 3 21, 2005 6:34 pm
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010