Có vòi mà chẳng phải là voi
CÓ VÒI MÀ CHẲNG PHẢI LÀ VOI Trong rừng mưa nhiệt đới Việt Nam, có một loài động vật rất kỳ lạ vì chúng có cái vòi giống vòi voi nà lại chẳng phải voi. Cái vòi của chúng cũng do môi trên và lỗ mũi cấu tạo thành nhưng ngắn hơn vòi voi. Đó là loài
Heo vòi, có tên khoa học là
Tapirus indicus. Heo vòi được các
nhà khoa học người Pháp Nicolas Desmarest (1725–1815) phát hiện và công bố từ năm 1819. Lần đầu tiên ông ta nhìn thấy loài này ở Ấn Độ nên Desmarest đã đặt tên loài này thuộc về Ấn Độ “indicus”. Hình dáng Heo vòi gần giống heo rừng, nhưng cỡ lớn hơn. Trọng lượng cơ thể 250 - 300kg. Mũi và môi trên kéo dài thành vòi ngắn. Toàn thân phủ lông ngắn dầy có hai mầu rõ rệt. Từ đầu cổ, ngực tới ngang vai lông mầu đen; từ ngang vai tới mông, bụng mầu trắng bạc. Bốn chân mầu đen. Bàn chân trước 4 ngón, bàn chân sau 3 ngón. Heo vòi con khi còn nhỏ toàn thân mầu đen điểm các vết lông trắng, khi trưởng thành Bộ lông chuyển sang hai mầu đen trắng.
Thức ăn chủ yếu là cỏ, cành lá cây, quả cây rụng, giun đất.... Heo vòi sinh sản vào tháng 4, 5. Con sơ sinh có trọng lượng 6 - 7kg. Heo vòi sinh sống ở những vùng rừng ngập nước, ẩm thấp rậm rạp ven các sình lầy. Sống đơn độc, thích ngâm mình trong bùn nước. Hoạt động kiếm ăn nơi rừng thưa có thảm thực vật đa dạng.
Ở Việt Nam loài này rất hiếm và gần như bị tuyệt chủng nên các bạn có thể hiếm có cơ hội được nhìn thấy chúng trong Vườn thú hay Thảo cầm viên. Hy vọng vào sự hợp tác giữa các Vườn thú châu Á chung ta có thể có cơ hội nhìn thấy loài động vật ngộ nghĩnh này. Nhưng trước mắt các em hãy xem chúng trên những tấm hình của các đồng nghiệp chụp được nhé.