Vẫn biết rằng thực vật không thể nào sống được ở trong hang bởi không có ánh sáng thì thực vật không tồn tại được, đó là một định luật của cuộc sống. Tuy thế, tôi vẫn bất ngờ khi nhận được lời đề nghị của các nhà khoa học ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đoàn nghiên cứu hang động thuộc hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, khám phá và lý giải sự tồn tại của thực vật ở hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới vừa được khám phá tại Quảng Bình.
Câu chuyện tưởng chừng như vô lý nhưng lại hình thành trong tôi một mối hoài nghi và quan tâm sâu sắc. Tôi đã gác hết công việc để tham gia cùng đoàn khảo sát, đó có lẽ là đoàn khảo sát lớn nhất mà tôi đã từng tham gia, với sự có mặt của các nhà khoa học địa mạo Trường ĐHKH Tự nhiên (PGS.TS. Vũ Văn Phái, TS. Nguyễn Hiệu), nhà hang động học Mỹ (TS. Darryl R.), các nhà sinh vật từ Newzeland (TS. Annete B.) và Viện Địa lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (CVC. Nguyễn Hữu Tứ, ThS. Vũ Anh Tài), các nhà khám phá hang động (Howard L., Deb L., Paul I., Robine G.S., Jonathan S., Howard C.) các nhà làm phim (Chủ nhiệm James K., đạo diễn Patrick K., quay phim Simon R., trợ lý quay phim Dan E., âm thanh Paul R.) và phóng viên (nhà văn Mark D., nhiếp ảnh Carsten P., trợ lý chụp ảnh Robert S.) của kênh truyền hình và tạp chí nổi tiếng National Geographic (N.G.). Cùng với sự tham gia, giúp đỡ của 23 người dân địa phương trong đó có anh Hồ Khanh – người phát hiện ra hang Sơn Đoòng, cán bộ của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Mr.Hiền), Phòng Xuất nhập cảnh Quảng Bình (Mr. Dương) và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Mr.Long).
Tôi đã gác lại toàn bộ công việc để tham gia đoàn khảo sát Phong Nha - ngày 11/3/2010Một ngày trước chuyến hành trình, tại Phong Nha, gặp PGS. TS. Lê Duy Ngà của Trường ĐH KHTN - ĐHQGHN, được ông mô tả lại theo lời giới thiệu của Howard, trưởng đoàn nghiên cứu - người có công khai phá và công bố về hang Sơn Đoòng, “có một khu rừng nhiệt đới, một jungle forest, ở trong hang Sơn Đoòng, đường đi cực kỳ vất vả, hiểm trở, trải qua nhiều sông sâu, vách đứng, vực thẳm trong hang mới tới được”. Lời giới thiệu đó càng làm cho tôi thêm quyết tâm phải tới được cái được gọi là “jungle forest in the cave” đó.
Đoàn khảo sát hơn 50 thành viên trên hành trình tới hang Én và hang Sơn ĐoòngRồi cuộc hành trình cũng bắt đầu như bao cuộc hành trình khác mà tôi đã trải qua, tôi đã nhiều lần ngủ võng, băng rừng, lội suối mùa nước lũ của Trường Sơn, vì vậy, cái sự khởi đầu có lẽ nó cũng sẽ bình thường như những lần khởi đầu khác. Với nhiều người, hành trình 11km đường rừng có lẽ sẽ là một nỗi sợ hãi, nhưng với tôi nó đã trở nên hết sức bình thường, đặc biệt là với khát khao khám phá những bí mật của “đệ nhất hang”, bỗng nhiên tôi chẳng thấy mệt mỏi tí nào trên suốt cuộc hành trình đó. Tuy nhiên, đi cùng với đoàn cũng có những nhà khoa học lão niên nên chắc chắn tốc độ di chuyển không được nhanh, và đó là cơ hội để tôi luôn mải mê với việc khám phá hoa lá dọc lộ trình. Lúc thì dừng lại ngắm bông hoa, lúc thì dừng lại chụp hình ven bờ suối rồi có lúc lại reo to vì sự kỳ vĩ của các khối núi đá vôi ở khu vực Hang Én, những mép nước thơ mộng nhưng đầy hiểm nguy dưới vòm hang đá.
Mép nước dưới vòm hang đá vôi, thơ mộng và hiểm nguyĐêm đầu tiên, chúng tôi tập kết ở vòm ngoài của Hang Én, một vòm hang rất rộng với dòng suối chảy xung quanh. Với chút ít thực phẩm mang theo phục vụ đoàn, cùng với mớ cá vừa có được từ mấy tay lưới mang theo, các bác phu khuân vác đã chế ngay được mấy món nhậu làm nức lòng những anh thợ trẻ sau một ngày khuân đồ mệt mỏi. Đến cả mấy bạn ngoại quốc cũng muốn tham gia, đó là lý do tại sao mấy chai rượu của hai chuyên gia người Việt bị cạn ngay đêm đầu tiên.
Tác giả và "Mr Four" ở hang Én, ngày 12/3/2010Ngày thứ hai cuộc hành trình, vượt Hang Én, nơi mùa xuân có hàng vạn con chim Én về đây làm tổ để đến nỗi trên nền cát chúng tôi đi qua, phân chim xếp thành từng lớp và rải rác đâu đó có mấy xác én già không muốn tha hương. Bắt đầu mường tượng về hình trình trong lòng hang Sơn Đoòng qua Hang Én, suối - đồi cát - vách đá rồi lại đồi cát - suối, nhiều chỗ phải dùng đèn pin… nhưng TS Nguyễn Hiệu, phó chủ nhiệm Khoa Địa lý, trường ĐHKHTN - ĐHQGHN, phó đoàn nghiên cứu bảo với tôi rằng, với hang Sơn Đoòng thì khó khăn hơn nhiều vì ở đó tối hoàn toàn, trơn và ẩm hơn so với Hang Én. Điều đó càng làm tôi thêm phấn chấn và vì vậy, cùng với hứng thú mê say với cỏ cây hoa lá, mấy km đường suối và dốc sau đó dường như bị tôi quên mất, chân đi mà tưởng là bay vậy.
Mr Five - PGS. TS. Vũ Văn Phái, chuyên gia địa mạo Hang Én, ngày 12/3/2010Đoàn nghiên cứu vượt hang Én (ảnh tư liệu của TS. Nguyễn Hiệu)Hang Én, nơi hàng vạn con chim én mùa xuân thường về đây làm tổ khiến cho lớp cát bên bờ suối đáy hang bị phủ tầng, lớp phân chimTiến sĩ Nguyễn Hiệu cho biết đường đi trong hang Sơn Đoòng còn khó khăn hơn so với hang Én nhiều lần vì hoàn toàn tốiĐoàn làm phim trên đoạn đường suối qua hang ÉnRồi cái gì phải đến sẽ đến, chúng tôi đã tới được cửa hang Sơn Đoòng, đúng như những gì tôi được nghe, được đọc về nó, vào buổi chiều, gió từ trong hang, trong lòng đất thổi ra hun hút tạo cảm giác rợn người. Tôi chắc rằng, nếu không có phương tiện trợ giúp chuyên nghiệp thì không ai có thể xuống được đáy hang vì từ trên miệng, nhìn xuống đó chỉ thấy một hố sâu thẳm thẳm, trơn tuột và ẩm ướt. Tham gia dẫn đường cho đoàn nghiên cứu lần này vẫn là cái tên quen thuộc với hang Sơn Đoòng, anh Hồ Khanh đã kể với chúng tôi toàn bộ giai thoại và việc khám phá, phát hiện được cái hang này. Quả đúng là như nhận định của tôi, anh Khanh cũng chưa từng vượt qua cái cửa cho đến khi đi cùng Howard và với sự trợ giúp của dụng cụ leo núi chuyên nghiệp.
anh Hồ Khanh (ngồi ngoài cùn bên phải), người phát hiện ra Sơn Đoòng, thành viên tích cực của mối cuộc hành trình tới thiên hạ đệ nhất hang, đang đăm chiêu kể lại toàn bộ câu chuyện cho chúng tôi ngheĐêm đó, chúng tôi đóng lán trên miệng hang còn những bạn ngoại quốc thì đóng lán ở bên trong hang, bên cạnh dòng sông ngầm dưới đáy. Không phải vì chúng tôi sợ, cũng không phải vì bất đồng ngôn ngữ mà chúng tôi tách ra khỏi đoàn, đơn giản vì công việc, tôi sẽ khảo sát phần thực vật - chắc chắn chỉ có ở nơi sáng trong khi đó, kế hoạch của cả đoàn ngày hôm sau lại hoàn toàn trong khu vực tối nên tôi ở lại cửa hang, nơi luôn có ánh sáng mặt trời mỗi sớm mai thức dậy với tư tưởng, hãy tận hưởng nốt cái dương quang ấy đi bởi mấy hôm nữa ta phải làm bạn với bóng đêm mà thôi. Cùng chung tư tưởng với tôi là mấy bạn nhà văn, nhiếp ảnh gia của National Geographic, họ ở lại đây cùng chúng tôi và liên lạc với đoàn còn lại bằng bộ đàm trong khi các bác thợ khuân vác và dẫn đường thì đóng lán, mắc võng ở lại bên bờ suối, ngay dưới chân núi dẫn lên miệng hang Sơn Đoòng. Cũng từ đây, nhóm của chúng tôi được nhà văn Mark gọi thân mật là nhóm Sky, còn nhóm kia được gọi là nhóm Base và hai cái tên rất dễ nhớ, rất thân thương ra đời. Chả là tên người Việt thường khó đánh vần và phát âm với đa phần các bạn ngoại quốc nên cái tên của các chuyên gia Nguyễn Hữu Tứ và Vũ Văn Phái đã được các bạn ấy gọi thân thương là Mr Four and Mr Five. Bây giờ nó là một nickname gắn với kỷ niệm của cả đoàn về những ngày khám phá hang Sơn Đoòng.
Sơ đồ hang Sơn Đoòng (ảnh tư liệu của TS. Nguyễn Hiệu)Đoàn nghiên cứu trước cửa hang Sơn Đoòng (ảnh tư liệu của TS. Nguyễn Hiệu)Nơi đóng trại của nhóm Sky là miệng hang Sơn Đoòng, ngày 13/3/2010Sau một ngày khảo sát lối đi trong lòng hang với liên tục vách đá, dốc núi, lòng suối, cánh đồng cát…, rất dễ bị lạc đường mặc dù cứ khoảng 10-20m lại có một đoạn dây buộc phản quang làm dấu, có những đoạn phải buộc dây leo để vượt vách hang cao đến hơn 50m, vừa trơn lại vừa ướt nên đoàn chúng tôi quyết định chỉ có hai chuyên gia trẻ người Việt tiếp tục đi hết cuộc hành trình, những chuyên gia khác sẽ ở lại cửa hang phụ trách những công việc khác. Tôi và TS Nguyễn Hiệu đã kề vai, sát cánh với nhau trong suốt cuộc hành trình sau đó.
Hóa thạch trên mặt đá vôi trong lòng hang Sơn Đoòng
Tiến sĩ Nguyễn Hiệu và vết hóa thạch trong lòng hang Sơn Đoòng, ngày 14/3/2010Hành trình đi tìm các hố sụt (doline) trong lòng hang Sơn Đoòng bắt đầu bằng việc vượt qua lòng sông chảy xiết bằng dây nối néo chắc hai bên bờ do các chuyên gia của đoàn vừa tạo nên. Lòng sông thì tối, nước lại chảy xiết, rõ ràng, nếu không có đèn pha, dây nối thì khó ai có thể vượt qua được. Qua mấy chỗ như thế, rồi đến cánh đồng cát, đến một đoạn vách hang chỉ có các nhũ đá xếp lớp, xếp tầng. Qua những lần nổ đèn chụp toàn cảnh trong hang của các chuyên gia nhiếp ảnh, tôi đã nhìn thấy có rất nhiều “nấm”, “tháp”, “măng” nhũ đá các loại, cùng với nhiều hồ, ao ở dưới đáy hang, lòng sông thì sâu thăm thẳm, lại khúc khuỷu, gập ghềnh, liên tục có thác. Vì vậy, đi trên sườn vách hang mà cứ như là leo núi ở bên ngoài vậy. Một số chỗ khi vượt qua, bằng ánh sáng ngọn đèn trên đầu, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hóa thạch trên các mặt đá vôi, đa số chúng là hóa thạch của giáp xác và trùng ba lá. Đôi chỗ ở gần những nơi có lỗ hổng và có chút ít ánh sáng lọt vào, đa phần là ánh sáng tán xạ, vi khuẩn và nấm, tảo kết hợp với nhau thành địa y phát triển trên bề mặt các khối nhũ có khả năng phản quang tạo ra thứ ánh sáng yếu ớt, có lẽ đó là cách tốt nhất để các sinh vật tự dưỡng có thể tồn tại được ở nơi đây. Vượt qua 4km đường đi như thế, qua hàng chục đoạn nguy hiểm, nhiều đoạn phải đóng đinh, buộc dây ròng qua các hòn đá tảng, vách núi, làm thang dây… chúng tôi mới đến được hố sụt thứ nhất, ở đó có nhiều loài cây mọc lên và đa số chúng là trảng cỏ, trảng cây bụi có xen một số cây thân gỗ nhỏ, là các cây non của các loài cây gỗ ở bên ngoài hố sụt phát tán tới. Vách hố sụt cao hàng trăm mét, trong hố xụt còn có những quả đồi, vách núi… Qua một vòm hang tối nữa, chúng tôi mới tới được hố xụt thứ hai, nơi đây quả là một khoảng rừng nhiệt đới với nhsều cây gỗ to, rừng có cấu trúc phân tầng…
Đi hơn 3km trong lòng hang tối chúng tôi mới nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm", một lỗ hổng nhỏ của trần hangVà đây là hố sụt đầu tiên của hang Sơn ĐoòngMột "ngọn núi" tạo nên bở nhũ đá ở hố sụt thứ nhấtBàn bạc và giải thích một số thắc mắc về sinh thái và sinh vật với TS, nhiếp ảnh gia Peter Casten của National Geographic, ngày 14/3/2010Những bậc thang tự nhiên này đưa chúng tôi đến hố sụt thứ hai của lòng hangĐêm tiếp theo chúng tôi ở lại vòm hang ngay cạnh hố sụt thứ hai. Nền hang này có lớp bột cát phong hóa từ đá vôi rất dày, lụt cả ống chân người nên trại của chúng tôi ở đây cứ như trên bãi biển vậy. Một lần nữa nhà văn Mark lại đặt cho nhóm tôi một cái tên rất hay khác là Beach. Đêm đó, bên cạnh bếp lửa nhóm lên từ những cành củi khô to mà chúng tôi cùng với các bạn dẫn đường cũng như các bạn phóng viên ngoại quốc lấy về, cùng trò chuyện, ăn Én nướng, uống café… chả khác gì một buổi cắm trại trên bãi biển thực thụ.
Hố sụt thứ hai (ảnh của Howard Clarke)Đoàn thám hiểm người Việt Nam ở hố sụt thứ hai, ngày 14/3/2010Chân chúng tôi thường bị thụt trong lớp bột cát như thế nàyCác bạn hỏi tôi Én lấy từ đâu, café lấy từ đâu ư? Chả là tôi cố gắng dành dụm được 2 lon birdy để “đề phòng”, biết đâu có lúc lãng mạn sẽ đem ra thưởng thức, sẽ là “hàng độc” mà lị. Và quả đúng là tôi đã may mắn có được hai đêm thơ mộng bên bếp lửa hồng trên “bãi biển”. Còn với Én nướng thì tôi sẽ bật mí cho các bạn một chiêu bắt én hết sức độc đáo của dân bản xứ và anh Hồ Khanh chính là người học được bí kíp đó để truyền lại cho anh em. Chiều tối hôm đó, có hai cặp én đánh nhau và rơi xuống nền “bãi biển”. Én vốn ngắn chân nên không thể cất cánh được, chúng buộc phải “bò” lên những chỗ cao hơn rồi thả mình vào không chung thì mới bay được. Thật không may cho mấy chú én này, khi vừa “tiếp đất” chúng đã bị mấy bác thợ khuân vác tóm được, vặt lông và đưa lên bếp lửa. Tuy nhiên, chừng đó có vẻ là quá ít nên tối hôm sau anh Hồ Khanh đã bắt chước chiêu bắt én của mấy “chú” Vân Kiều, rủ anh em di gom cành lá tươi, chất đống ở trong hang, chọn vòm có nhiều én đậu. Khi trời tối hẳn, đốt lửa và tạo khói thật nhiều lên vòm hang, én sẽ sặc khói mà bay nháo nhác, cộng với những tiếng vỗ tay, đập gậy và hô, hú liên tục, bị phản xạ âm thanh liên lu bất tận qua các vòm hang, én sẽ giật mình mà rơi xuống đất. Anh em chỉ cần thính tai nghe nơi có tiếng chim rơi “bộp” một cái thì chạy lại mà tóm. Tiếc là đêm đó, các anh chỉ thu được mấy chú én non vì hang quá cao lại quá rộng, theo lời khuyên của chúng tôi, mấy chú én non đó lại được trả tự do và anh em thì chỉ ngồi uống trà và nhấp chút café rồi kể chuyện tầm phào hết đêm.
Đoạn hang cuối cùng của hệ thống hang Sơn Đoòng (ảnh của Howard Limbert)Những ngày sau đó, TS Hiệu cùng với Howard tiếp tục khám phá đoạn cuối cùng của hang, nơi có thác nhũ cao hơn 80m không thể vượt qua của lần khảo sát trước, còn tôi cùng với đoàn làm phim khảo sát và quay phim cảnh rừng nhiệt đới ở trong hang. Hoàn thành nhiệm vụ, hành trình trở về thật dễ dàng với tôi, một phần vì tôi đã nắm bắt được toàn bộ gian nan, hiểm trở, thuộc những chỗ nguy hiểm, yêu những cảnh thơ mộng - một kinh nghiệm cho những người thám hiểm, điều tra, một phần vì kết quả mĩ mãn từ công việc, tôi đã có kết quả khám phá về khu rừng mà PGS. TS. Lê Duy Ngà vẫn muốn gọi là “jungle forest in the cave”.
Một cây Móc trong khu rừng được gọi là "jungle forest in the cave"Bản quyền Bài và ảnh của anhtai.bvn,
không được phép copy, sao, chụp khi chưa được phép của tác giả
email: [email protected]Xem bản gốc tại đây:
http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=1234