Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Chủ nhật Tháng 12 22, 2024 12:48 pm



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 VQG Núi Chúa – Một nửa châu Phi, một phần châu Á 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài VQG Núi Chúa – Một nửa châu Phi, một phần châu Á
VQG Núi Chúa – Một nửa châu Phi, một phần châu Á

Có thể bạn cũng như tôi, chưa một lần đến thăm châu Phi rộng lớn, với những Vườn quốc gia trải dài nhiều ngàn km, qua nhiều quốc gia, cùng nhiều loài động vật hoang dã sinh sống đông đúc nơi đây lên đến hàng triệu cá thể... Hay, bạn chưa bao giờ tận mắt chứng kiến những cánh rừng khô hạn, nghèo kiệt vì thiếu nước trong mùa khô, những chuyến hành trình gần như bất tận của các bầy thú tìm kiếm vùng đồng cỏ mới và nguồn nước uống... Nhưng đâu đó ở Việt Nam, cũng có những vùng khô hạn và các nhà khoa học đã kinh ngạc khi thấy khí hậu ở nơi này một nửa khô hạn không khác gì châu Phi - nửa còn lại là những cánh rừng mưa nhiệt đới, thường xanh tốt tươi với hàng trăm loài sinh vật sinh sống. Hãy thử một lần, một lần thôi đến thăm Vườn quốc gia khô hạn và thường xanh độc đáo nhất Việt Nam – Vườn quốc gia Núi Chúa - để khám phá những loài sinh vật, để cảm nhận khí hậu khắc nghiệt và chinh phục đỉnh cao, để hoà mình cùng với thiên nhiên hoang dã và học hỏi nhiều điều từ người dân Raglay hiền hoà, thân thiện sinh sống nơi đây.

Từ trụ sở Vườn quốc gia, phải mất đến 30 phút, chiếc xe bus mới đưa chúng tôi đến được khu vực nghiên cứu. Trên con đường ngoằn ngoèo ven theo sườn núi sát biển qua nhiều đoạn đốc đứng, Mặt trời đã thức dậy ửng hồng rực rỡ phía chân trời. Những tia nắng đầu tiên vàng nhạt chiếu vào những vách núi đá trơ trọi, dựng đứng ở vùng đệm của Vườn quốc gia. Phía dưới, biển xanh rì rào sóng vỗ đón chào một ngày mới và đón chào những bước chân chúng tôi khám phá vùng đất có một không hai ở Việt Nam.
Hình ảnh

Cư dân đầu tiên của Vườn quốc gia chào đón chúng tôi là một nàng chim Bói cá Ceryle lugubris đang đứng chót vót trên một mỏm đá chênh vênh cao ngất. Mắt nhìn ra hướng biển, nơi đem lại cho dòng họ nhà bói cá một cuộc mưu sinh đầy khó khăn - nhất là vào những kỳ biển động. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội được tận hưởng những làn gió sớm mai mát lạnh thổi vào ở vị trí cao ngất, đầy dũng mãnh như loài chim này.
Hình ảnh

Mùa này, những bông hoa Mà ca Buchanania reticulata - một loài thực vật chịu hạn rất giỏi và phổ biến nơi đây khoe sắc. Những chùm hoa màu trắng ngạt ngào hương thơm lan toả được mang đi khắp nơi. Nhờ gió biển, mật hoa đã khiến loài ong mật tìm đến , thụ phấn cho cây trong ánh bình minh chói lọi. Chỉ vài tiếng nữa, khi mặt trời lên cao, chùm hoa Mà ca cũng sẽ cụp lại để tránh thoát nước. Vì thế, mật ngọt của hoa này chỉ dành cho những loài cần mẫn, biết thức dậy từ rất sớm như loài ong.
Hình ảnh

Đây có thể được xem như biểu tượng độc đáo nhất của tạo hoá đã ban tặng cho Vườn quốc gia Núi Chúa và cho con người chúng ta: Một một tảng đá chồng khổng lồ đứng trên một tảng đá nhỏ hơn như một lời thách thức ngạo nghễ với thời gian, thách thức những cơn gió cát, bão biển để đứng vững nơi đây từ ngàn đời và tạo nên một nét chấm phá độc đáo cho thiên nhiên nơi đây. Bao quanh “kỳ quan” này là cả khu rừng khô hạn trải dài với nhiều loài thực vật đầy gai sinh tồn. Phía xa, những dãy núi mờ sương cao ngất đang vừa như mời gọi, lại như đang thách thức bước chân của chúng tôi.
Hình ảnh

Mặc cho ánh nắng đã bắt đầu thiêu đốt, chúng tôi khởi bước tiến về phía trước. Dẫu biết rằng những cơn nắng gay gắt, đổ lửa và bóng đêm lạnh lẽo bao trùm, sự mệt nhoài sẽ theo cùng những khám phá khoa học đang chờ đón chúng tôi.

Hầu hết các loài thực vật ở đây, phần nửa khô hạn như sa mạc là những bụi cây thấp gốc to, tạo thành những tán rất rộng để chống chọi với những cơn gió khô và mạnh mẽ. Các loài thực vật đều có lá dày, hay thân hình xù xì, gai góc rất đặc trưng cho thực vật biển khô hạn. Ẩn mình trong đám lá xanh là loài rắn roi mũi Ahaetulla prasina đang ngon giấc sau một đêm mệt nhoài tìm kiếm thức ăn. Món khoái khẩu của gã thân dài này là thằn lằn, chim non và trứng chim... Bị kích động vì những tiếng màn chập liên tiếp của máy chụp hình, gã chủ nhà giật mình thức giấc, nhìn chúng tôi với cắp mắt đầy ắp đề phòng. Cái lưỡi dài và chiếc đầu nhọn cứ ngo ngoe như muốn doạ nạt những vị khách không mời dám phá bĩnh giấc ngủ ngon lành. Đây là loài rắn có thân hình khá kì dị nhằm thích nghi với việc leo trèo săn mồi trên cây. Dù chỉ to bằng chiếc bút chì nhưng với chiều dài gần 1,5m khiến nó trở nên “dị hợm” so với các loài rắn thường sống trên mặt đất.
Hình ảnh

Vượt lên qua 2 ngọn núi thấp, đến độ cao 180 mét so với mực nước biển, chúng tôi đã bắt đầu cảm nhận được sự rát bỏng của ánh nắng gay gắt. Những giọt mồ hôi không ngừng lăn dài trên má mọi người. Hàng trang lỉnh kỉnh thiết bị nghiên cứu như càng nặng hơn và một nửa số nước uống dùng trong ngày đã được tiêu thụ.
Bên dòng suối nhỏ, nơi cây dẻ già nua khoe khoang bộ rễ xù xì cùng năm tháng vô tình tạo cho chúng tôi một chỗ ngồi tránh nắng. Từ đó ngước nhìn lên, chúng tôi bắt gặp một chùm Lan môi trắng Christensonia vietnamica đặc hữu - Loài lan được nhà khoa học người Hà Lan “Hagger” phát hiện mới đây năm 2001 - đang khoe sắc trong sự khô cằn và nóng bỏng. Đây là loài lan phụ sinh duy nhất có thể sinh sống tươi tốt đến không ngờ trong điều kiện khắc nghiệt như thế này.
Hình ảnh

Sự mệt mỏi không chỉ “thăm hỏi” chúng tôi mà còn hiện rõ trên khuôn mặt anh chàng dẫn đường người Raglay “Cao văn Thăm”. Mặc dù đã quen với thời tiết ở đây từ khi mới cất tiếng khóc chào đời nhưng anh chàng vẫn ngồi phịch xuống đất ngay khi chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ giải lao. Leo dốc trong cái nắng gay gắt với khối hành lý khổng lồ không phải là một công việc dễ dàng, ngay với cả người bản xứ.
Hình ảnh
Tiếp tục vượt qua một vài đỉnh núi thấp nữa. Phía trước chúng tôi hiện ra một thung lũng nhỏ với nhiều cây cối rậm rạp và xanh tươi. Dòng suối khá lớn với nhiều tảng đá mẹ rất to nằm chất đống. Chảy ngầm bên dưới là dòng suối đủ để những người dân Raglay đắp thành một chiếc đập nhỏ. Nước được dẫn vào đám ruộng lúa đang thì con gái xanh rờn. Nơi này trước kia là một ngôi làng nhỏ của đồng bào Raglay sinh sống và trồng tỉa, nhưng từ khi nhà nước có chính sách di dời, họ được chuyển đến sống trong những ngôi nhà mới khang trang và tiện nghi hơn nằm sát bờ biển. Hiện nay, Ban Quản lý Vườn quốc gia vẫn cho phép đồng bào Raglay canh tác trên đám ruộng này để cải thiện đời sống.
Hình ảnh

Chúng tôi quyết định nghỉ ăn trưa để lấy sức đi tiếp. Bữa trưa được dọn ra khá thịnh soạn nhằm bù đắp sực lực tiêu hao. Nhưng có lẽ vì sức nóng của mặt trời nên mọi người chỉ ăn rất ít và rồi mạnh ai nấy tìm một bóng mát để ngả lưng. Tiếng suối chảy róc rách cùng những cơn gió rừng khiến cả đoàn chìm vào giấc ngủ rất nhanh...
...Đang chìm trong giấc ngủ mệt nhọc, chúng tôi bị đánh thức bởi lũ chim gõ kiến ồn ào gọi bầy, kiếm ăn ngay trên cây si già nua. Đồng hồ chỉ 1h45’, chúng tôi chuẩn bị hành lý để tiến lên độ cao 480m. Đó là nơi cả đoàn đã chọn làm điểm tập kết qua đêm và bỏ lại sau lưng tiếng gõ vào thân cây lốp cốp vang xa giữ buổi trưa vắng lặng của lũ chim gõ kiến.

Để đối phó với cái nóng gắt, các loài sinh vật ở rừng đều có cách biến đổi để thích nghi. Những cây chòi mòi Andestima sp chỉ còn là những cành cây nhỏ khẳng khiu được bao quanh bởi những chiếc lá quăn queo. Một số thực vật họ Thị Ebenaceae với những chiếc lá cứng ngắc bạc màu vì nắng. Những cây găng trắng Catunaregam tomentosa trên thân hình chỉ còn những chiếc gai nhọn hoắt mọc tua tủa như thách thức khi hậu nơi đây. Dường như chúng đang cố chống chọi với sự khắc nghiệt mà tạo hóa đã giáng xuống vùng đất nơi chúng sinh tồn và rồi khi mùa mưa đến, những cơn mưa sẽ tắm mát đất trời, đánh thức các loài cây đã tồn tại vượt qua sự khắc nghiệt để bừng tình và bắt đầu ra lá non và sống trở lại.
Sức sống của những loài thực vật ở nơi khô hạn này rất dai dẳng và mãnh liệt. Không chỉ có các loài thực vật thân gỗ, mà ngay cả những loài cây thân thảo chỉ còn trơ lại tấm thân gầy héo mọc dọc hai bên đường đi cũng cố gắng tồn tại... Mùa khô đúng là mùa mà nhiều loài thực vật ở khu rừng bán hoang mạc này như chìm vào giấc ngủ vùi.
Hình ảnh

Nơi dựng trại qua đêm đầu tiên của chúng tôi nằm bên một con suối với những tảng đá bằng phẳng và rợp bóng cây. Cây cối ở đây có phần xanh tốt hơn nhờ gần nguồn nước. Mặc dù rất mệt mỏi nhưng mọi người vẫn tranh thủ xếp dọn đồ đạc, dụng cụ để chuẩn bị cho khối công việc khổng lồ của buổi tối. Trong rừng, màn đêm buông xuống rất nhanh. Chỉ chờ có vậy, từng đàn muỗi rừng bắt đầu tấn công chúng tôi một cách điên cuồng. Vừa ăn chúng tôi vừa phải luôn tay xua đuổi lũ muỗi rừng đói khát. Những con muổi vằn to tướng có thể xuyên cái vòi dài qua lớp áo quần dày cộp và chỉ cần những chiếc vòi sắc lạnh ấy chạm nhẹ vào da thịt cũng đã khiến mọi người phải nhảy dựng.

Chúng tôi bắt đầu công việc của buổi tối bằng cách đi ngược theo dọc con suối. Nhiệt độ lúc này giảm xuống đáng kể và cũng là thời điểm các cư dân của rừng xanh náo nhiệt kiếm ăn sau một ngày lẩn trốn cái nắng. Vợ chồng nhà mèo rừng Felis bengalensis đang ngồi bên bờ suối săn mồi. Khi chiếc đèn pin cực mạnh quét qua, bốn con mắt sáng quắc nhìn thẳng về phía chúng tôi trước khi lẳng lặng bỏ đi vì biết sức mình không đủ doạ nạt. Gã rắn lục đuôi đỏ Trimesurus albicolais cuộn tròn trên nhánh cây sát bờ nước cũng lặng lẽ kiếm ăn. Ở một kẽ nứt lớn của tảng đá mẹ, loài Thằn lằn ngón cao văn sung Cyrtodactylus caovansungi - loài mới phát hiện năm 2005 ở Vườn quốc gia Núi Chúa - đang thưởng thức bữa tối bằng một con cào cào xanh béo ngậy...
Hình ảnh

Không kịp đưa chiếc máy ảnh lên để ghi lại khoảnh khắc có một không hai trong đời khi con tắc kè đá Gecko sp. - rất có thể đây sẽ là loài mới cho khoa học trong thời gian tới - đang rình bắt chú bọ ngựa cánh xanh Creobroter apicalis. Tôi gần như đứng ngây dại, không tin vào mắt mình, khi thấy loài bọ ngựa này có thể sống và phân bố ở độ cao thấp và khô hạn như thế này? Có lẽ đây là bất ngờ lớn nhất trong đêm đầu tiên ở vườn quốc gia Núi Chúa. Dù không có được khoảnh khắc kỳ diệu ấy nhưng sự may mắn cũng đủ để cho tôi ghi lại được “kiệt tác của tự nhiên”. Có lẽ đây sẽ là kiệt tác đẹp nhất trong hành trình làm khoa học của tôi từ trước đến nay cũng như sự ghi nhận vùng phân bố mới của loài bọ ngựa xinh đẹp này.
Hình ảnh

Sau khi thu hoạch được một số mẫu ếch bám đá, cóc nước, Thằn lằn ngón… và chụp hình mẫu vật để bổ sung vào bộ từ điển Sinh vật rừng còn thiếu (http://www.vncreatures.net/hinhanh.php?loai=1). Chúng tôi trở về trại - đồng hồ đã chỉ 3 giờ sáng, bụng đói cồn cào nhưng cơn buồn ngủ đã kéo sụp mí mắt của mọi người. Trong tiếng ru nhẹ nhàng của suối rừng, mọi người chìm vào giấc ngủ. Giờ này, các loài sinh vật cũng trở về nơi tổ ấm sau một đêm kiếm ăn đầy bất trắc.
Chỉ vài tiếng sau, khi bình minh còn chưa kịp thức giấc, bầy chim bồ chao đã đánh thức chúng tôi bằng tiếng gọi bầy ồn ào như chợ vỡ. Sau bữa sáng, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt dốc, lại hứng chịu những đợt nắng rang và gió phang để tiến tới đỉnh núi Chúa cao hơn 1000m. Ở độ cao 800m, các cánh rừng gỗ lớn trước đây đã bị tàn phá để làm rẫy, thế chỗ cho nó chỉ còn vài tảng đá mẹ trơ trọi, cây bụi lúp xúp và những đám cỏ tranh bạt ngàn. Bất chợt, cả đoàn không ai nói với nhau câu nào, mắt ngước nhìn cánh rừng biến mất, một cảm giác buồn nao nao, bất lực len lỏi vào tâm trí mọi người.
Hình ảnh

Những tảng đá mẹ trơ trọi, xám xịt và từng đợt, từng đợt những cơn gió cực mạnh như muốn xô ngược bước tiến chậm chạp của chúng tôi.
Hình ảnh

Tim tôi quặn lại như xót thương cho tiếng kêu ai oán của rừng xanh bạt ngàn một thuở. Mặc dù biết rằng cuộc mưu sinh nào cũng tàn khốc, nhưng nếu vượt quá giới hạn cho phép thì con người sẽ phải gánh chịu hậu quả. Có lẽ hậu quả ấy chẳng phải ai khác mà chính là con, cháu chúng ta sẽ được thừa hưởng trong tương lai rất gần.
Hình ảnh
Vượt qua 5 kiểu rừng khô hạn như một châu Phi thu nhỏ với thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, chúng tôi cũng đến được với một nửa “châu Á”: - đó là kiểu rừng thứ 6. Nơi đây rất đặc trưng cho kiểu rừng kín thường xanh hơi ẩm nhiệt đới. Độ ẩm ở đây rất cao vì những cơn gió biển thổi đến đây gặp lạnh, ngưng tụ lại thành những đám mây hơi nước, đem mưa đến tưới mát cho phần đất này. Hơn nữa do độ che phủ của rừng còn rất tốt nên thảm mục thực vật không bị bốc hơi, nước mưa được cây cối giữ lại trong rừng. Tổ thành của khu rừng thường xanh núi cao nơi đây là các loài cây gỗ lớn họ dẻ Fagaceae và cây gỗ lá kim như: kim giao, hoàng đàn giả, thông tre, thanh tùng… rất nhiều loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam và nhiều loài đặc hữu duy nhất chỉ mọc ở đỉnh núi thuộc Vườn quốc gia này.
Cả đoàn dừng lại và phóng tầm mắt để thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với nhiều gam màu của Vườn quốc gia Núi Chúa. Bao nhiêu nhọc nhằn, mệt mỏi gần như được bỏ lại ở vùng rừng khô hạn phía sau, cho dù mồ hôi vẫn ướt đẫm lưng áo mọi người. Đêm thứ hai trên Núi Chúa đã tới, chúng tôi chuẩn bị bữa tối, nghỉ ngơi để tiếp tục một đêm đầy hứa hẹn khám phá loài mới cũng như những khó khăn và hiểm nguy rình rập ở phía trước... Trong nỗi nhọc nhằn, những người làm khoa học như chúng tôi luôn tìm thấy niềm đam mê, hy vọng vào những thành công dù là nho nhỏ cho nhân loại, để khỏa lấp những thiệt thòi suốt ngày chỉ biết cặm cụi trong chốn rừng sâu nước độc so với cuộc sống phồn hoa phố thị đầy náo nhiệt và những bữa ăn chan hòa cùng nước mưa rừng khác lạ để giấc mơ về chiếc bàn ăn thức ăn nóng sốt trong nhà hàng rực rỡ ánh sáng đèn màu...
Hình ảnh

Đã quá nửa đêm, bên dòng suối nhỏ, mọi người vẫn săm soi từng gốc cây, ngọn cỏ để tìm kiếm mẫu vật. Ở độ cao này, càng về đêm thời tiết càng trở nên rất lạnh. Chiếc áo khoác không đủ cản nổi cái lạnh do những giọt sương đêm cùng những cơn gió ngấm sâu vào da thịt. Đôi giày ướt sũng sau nhiều tiếng đồng hồ bì bõm dưới dòng nước lạnh ngắt. Trên bờ, lũ vắt đói khát đang ngo ngoe chờ đợi. Có lẽ, đã quá quen thuộc với loài hút máu trên cạn này cộng với sự mệt mỏi xâm chiếm thể xác, tôi mặc kệ cho chúng bò lên giày, lên quần áo.
Đang đi, “Cao Văn Thăm” bỗng hét lên khi “chạm trán” với một con rắn bèn bẹt, bò sát mép nước vừa trơn, vừa nhũn. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời, "anh chàng cả đời đi chân đất này" đạp phải một thứ đen đen, bầy nhầy, biết chuyển động như thế. Tôi chạy đến, tay cầm cây kẹp sắt lôi sinh vật này ra khỏi khe đá hẹp. Đó là một con ếch giun khá lớn chứ không phải rắn. Mặc cho tôi giải thích đây chỉ là một loài lưỡng cư đẻ trứng trong các hốc đá và vô hại với con người nhưng chàng trai Raglay vẫn nhìn con ếch giun với ánh mắt đầy ngờ vực. Chỉ khi tôi lôi ổ trứng trong hốc đá và đưa tay sờ vào cái miệng xinh xinh của con ếch giun, “Cao Văn Thăm” mới thấy yên tâm phần nào nhưng vẫn giữ một khoảng cách an toàn khá xa với nó.
Hình ảnh

Sự khác biệt về thảm thực vật và khí hậu đã cho chúng tôi một đêm bội thu về mẫu vật. Có nhiều loài nghi ngờ vùng phân bố và rất nhiều loài cần được kiểm tra so sánh mẫu một cách chắc chắn mới có thể công bố. Trong số đó, đáng chú ý nhất là 2 loài ếch cây Rhacophorus sp rất đẹp. Chúng tôi bắt gặp khi chúng đang đẻ trứng trên tảng đá và trên một cây họ gừng mọc ven suối. Quá trình đẻ trứng của các loài ếch cây vào mùa này ở Vườn quốc gia Núi Chúa chắc chắn sẽ là một ghi nhận khám phá thú vị đối với các nhà nghiên cứu Bò sát, Lưỡng cư.
Hình ảnh

Sau nhiều ngày điều tra, nghiên cứu đã đến lúc chúng tôi phải chia tay Vườn quốc gia Núi Chúa đ trở về với cuộc sống nhộn nhịp thành phố, để bắt đầu công việc phân loại và đo đếm, kiểm tra, so sánh mẫu vật của chuyến đi. Đứng trên một mỏm đá cao ngất, cả đoàn ngoảnh lại ngắm nhìn cánh rừng bạt ngàn thân thương như một lời chào tạm biệt. Nơi đây đã mang đến cho chúng tôi một phần khí hậu châu Phi nóng bỏng và sự mát dịu của rừng mưa nhiệt đới trong lành vùng Đông nam Á. Điều tuyệt vời này sẽ tồn tại đến bao lâu ? Câu trả lời thuộc về các bạn và những người dân Raglay đang sống trong nhiều mái nhà san sát ở làng chài thuộc vịnh Vĩnh Hy xinh đẹp này.
Hình ảnh

Trên đường trở về, mặt trời như một quả cầu lửa nấp sau dãy núi xa tỏa mờ ánh đỏ cả một vùng trời. Trên mặt biển bao la, từng đoàn tàu đánh cá cũng đang rời bờ tìm luồng cá mới... còn chúng tôi với những hy vọng thành công cho khoa học sẽ được đền đáp bởi những siêng năng và quả cảm. Tạm biệt nhé Vườn quốc gia Núi Chúa, tạm biệt người dân Raglay hiền hoà, chất phác, giàu lòng nhân ái và sức mạnh để mưu sinh trong vùng đất khô cằn ... Hẹn gặp lại tất cả!
Hình ảnh


Vườn quốc gia Núi Chúa là khu rừng khô hạn tự nhiên nằm trong vùng khô hạn nhất của Việt Nam, có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy ở nước ta với nhiều tập đoàn sinh vật quần tụ rất phong phú và đa dạng về số lượng cũng như chủng loài. Có 1.265 loài thực vật, 306 loài động vật, đặc biệt có nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Năm 1993 trở về trước, tài nguyên khu rừng thường xuyên bị tàn phá làm cho diện tích rừng ngày càng suy giảm, môi trường sinh thái của nhiều loài động thực vật bị thu hẹp, nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Hậu quả đó làm cho môi trường tự nhiên vốn đã khắc nghiệt càng có nguy cơ “hoang mạc hoá”.
Sau khi được thành lập tháng 7/2003, lâm phần của Vườn Quốc gia nằm trên địa giới của 5 xã thuộc huyện Ninh Hải. Tổng diện tích tự nhiên là 29.865 ha, trong đó: diện tích trên đất liền: 22.513 ha, diện tích trên biển: 7.352 ha và vùng đệm là 7.350 ha.
Vườn quốc gia Núi Chúa (http://www.vncreatures.net/mapnc.php) có tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng với diện tích rừng khô hạn rộng lớn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và diện tích rừng thường xanh cây lá rộng xen kẽ cây lá kim đặc trưng của vùng khí hậu á nhiệt đới ẩm còn mang tính chất nguyên sinh. Hệ thực vật rừng khá phong phú đa dạng và mang tính khô hạn rõ rệt với các kiều rừng chính
1/ Kiểu thực vật trên cát biển
2/ Kiểu rừng thưa cây lá rộng hơi khô nhiệt đới
3/ Kiểu truông gai hạn nhiệt đới
4/ Kiểu trảng cây to cây bụi cỏ cao khô nhiệt đới
5/ Kiểu rú kín lá cứng hơi khô nhiệt đới
6/ Kiểu rừng kín thường xanh hơi ẩm nhiệt đới núi thấp

Qua điều tra đã ghi nhận được 1.265 loài thực vật bậc cao có mạch trên cạn nằm trong 85 bộ, 147 họ và 596 chi thuộc 7 ngành thực vật khác nhau (Việt Nam có 08 ngành thực vật bậc cao có mạch hiện hữu thì có tới 07 ngành chiếm 87%, chỉ thiếu ngành Cỏ tháp bút).
Động vật phân bố theo nhiều sinh cảnh khác nhau. Mỗi sinh cảnh đặc trưng cho 1 tập đoàn động vật thường trú ngụ và kiếm ăn. Có thể chia thành 3 sinh cảnh chính. Đây là dạng sinh cảnh tập trung trên các triền núi như Chúa Anh, Chúa Em, Đá Vách. Nơi đây tập trung nhiều loài thú nhất (khoảng 51 loài, chiếm 82,25% tổng loài thú trong Vườn). Đặc trưng là: cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), báo gấm (Neofelis nebulosa), sơn dương (Capricornis sumatraensis)... Bên cạnh đó, có khoảng 97 loài chim, chủ yếu là các loài thuộc họ chèo bẻo, quạ, khướu, cu cu... và một số loài quý hiếm đang bị đe dọa như khách đuôi cờ, niệc nâu... Ngoài ra, sinh cảnh này còn có khoảng 36 loài bò sát, lưỡng cư, đặc trưng là: rồng đất (Physignathus cocincinus), kỳ đà vân (Varanus nebulosus), rắn lục xanh (Trimeresurus stejnegeri) và trăn đất (Python molorus)…

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 2 Tháng 2 28, 2011 12:01 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến5 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010