Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 7 Tháng 11 23, 2024 5:07 pm



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Sơ lược về cá hổ Datnioides 
Người gửi Nội dung

Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 9 21, 2006 1:37 pm
Bài viết: 14
Gửi bài Sơ lược về cá hổ Datnioides
Sơ lược về cá hổ Datnioides

Cá hổ là loài cá săn mồi kích thước lớn. Những sọc đen nổi bật trên nền thân màu vàng nhạt trông giống như da hổ là đặc điểm mang lại tên gọi cho loài cá này. Cá hổ là đối tượng sưu tầm của những người nuôi cá lạ và nhất là những người nuôi cá rồng bởi việc sở hữu một hồ cá "long hổ hội" uy nghi thực sự là mơ ước đối với nhiều người. Hình dáng ngắn và tròn của cá hổ là bổ sung hoàn hảo cho hình dáng thon dài uyển chuyển của cá rồng.

Bài viết dưới đây không chỉ giới thiệu về các loài cá hổ trong tự nhiên hay cách nuôi dưỡng chúng mà còn cung cấp một số thông tin giúp các bạn chơi cá phân biệt được cá thái hổ tức Siamese tigerfish (Siamese= thái, tiger= hổ) với những loài cá hổ khác xuất xứ từ sông Mekong hay Indonesia.


Giới thiệu
Một nghiên cứu của Roberts và Kottelat về chi cá hổ Datnioides vào năm 1994 đã liệt kê các loài cá hổ campbelli, microlepis, quadrafasciatus, và phát hiện thêm một loài mới là undecimradiatus. Loài Datnioides quadrifasciatus sau đó được đổi tên thành Datnioides polota. Nghiên cứu cũng ghi nhận có một số khác biệt giữa nhóm "microlepis" phân bố ở Borneo và Sumatra với nhóm cùng tên phân bố ở lưu vực sông Mekong và Chao Phraya nhưng họ không khẳng định chúng là hai phân loài hay hai loài khác biệt. Tuy nhiên, trong tài liệu sau đó (Kottelat, 1998), nhóm "microlepis" phân bố ở lưu vực sông Mekong và Chao Phraya được công nhận là một loài mới Datnioides pulcher dựa trên hàng loạt dữ liệu thu thập từ nghiên cứu trước đó vào năm 1994, và nâng tổng số các loài cá hổ lên thành 5 loài. Kottelat phát biểu rằng mặc dù không có khác biệt bề ngoài đáng kể nào giữa hai nhóm cá nhưng bởi vì chúng là những "thực thể đặc trưng" (dựa trên đặc điểm của các sọc) với nguồn gốc tiến hóa khác biệt, nên chúng được xem như là những loài khác biệt.

Hình ảnh
Các loài cá hổ (nguồn http://www.youfish.com)
Hàng trên (từ trái qua phải): cá thái hổ (Datnioides pulcher), cá hổ Indonesia (Datnioides microlepis) và cá thái hổ bắc (Datnioides undecimradiatus).
Hàng dưới (từ trái qua phải): cá hổ New Guinea (Datnioides campbelli) và cá hổ bạc (Datnioides polota).


Chi cá hổ Datnioides vốn thuộc họ Lobotidae. Năm 1994, tên chi được đổi thành Coius và tách ra làm một họ riêng Coiidae. Năm 2000, Maurice Kottelat sử dụng lại tên chi cũ Datnioides và vì họ cá hổ chỉ có một chi duy nhất nên họ cũng phải đổi theo thành Datnioididae. Bởi vì việc điều chỉnh liên tục nên nên một số tài liệu hay trang web ngày nay không kịp cập nhật thông tin mới và vẫn sử dụng:
- Tên chi cũ Coius (tên mới là Datnioides).
- Tên họ cũ Coiidae, Datnioidae, Lobotidae (tên mới là Datnioididae)
- Tên khoa học của cá thái hổ (siamese tiger fish) Datnioides microlepis (tên mới là Datnioides pulcher).
- Tên khoa học của cá hổ bạc Datnioides quadrifasciatus (tên mới là Datnioides polota).
Thậm chí cách viết sai thiếu một chữ "i" ở tên chi (Datnoides) hay ở tên họ (Datnoididae) cũng rất phổ biến trên mạng.

Đặc điểm
Hai loài cá hổ nước lợ Datnioides campbelliDatnioides polota có thể được phân biệt một cách dễ dàng. Datnioides campbelli hay còn gọi là cá hổ New Guinea (New Guinea tigerfish) phân bố ở vịnh Papua, New Guinea; chúng thường có đầu rất đậm màu với những đốm đen lấm tấm trên nền thân màu vàng, đôi chỗ hơi ánh xanh. Viền của các sọc trên mình cá không rõ ràng như ở các loài cá hổ khác. Kích thước tối đa của loài này lên đến 45 cm hay hơn. Loài này ít khi xuất hiện trên thị trường cá cảnh và giá bán cũng rất cao. Datnioides polota hay còn gọi là cá hổ bạc (silver tigerfish) là loài cá phổ biến hơn (ít ra chúng cũng thường xuất hiện trong các tiệm chuyên bán cá lạ). Loài này có màu bạc và đầu rất thuôn. Thân thường có các sọc không đầy đủ. Kích thước tối đa của loài này nhỏ nhất trong số các loài cá hổ, khoảng 30 cm. Địa bàn phân bố của chúng rộng hơn rất nhiều so với Datnioides campbelli, trải dài từ Ấn Độ qua Indonesia đến New Guinea.

Hình ảnh Hình ảnh
Hai loài cá hổ nước lợ: cá hổ New Guinea (các sọc bị lem) và cá hổ bạc (màu bạc, 4 sọc trên thân và chấm ở gốc đuôi).

Loài Datnioides microlepis vốn được gọi là cá hổ vảy nhỏ (fine-scale tigerfish). Tên này được sử dụng để phân biệt với các loài cá hổ vảy to là cá hổ New Guinea và cá hổ bạc. Tuy nhiên, các loài cá hổ mới được mô tả gần đây là pulcherundecimradiatus cũng có vảy tương đối nhỏ vì vậy đặc điểm vảy nhỏ không thể dùng để phân biệt ba loài cá hổ này. Datnioides microlepis từng được biết là loài cá hổ có thân rộng nhất (khoảng cách từ bụng đến lưng) nhưng đó là khi các cá thể thuộc loài pulcher ngày nay vẫn được coi là microlepis. Do đó, đặc điểm thân rộng không thể sử dụng để phân biệt microlepis với pulcher. Tuy nhiên, cả hai có thân rộng hơn so với loài undecimradiatus.

Một đặc điểm khác thường được sử dụng để phân biệt các loài cá hổ đó là các sọc trên thân. Gần đây, các nhà ngư loại học quan tâm nhiều đến màu sắc và hoa văn trên mình các loài cá hổ. Chẳng hạn, vị trí của các sọc so với các gai vây lưng có một ý nghĩa quan trọng vì vậy việc chụp hình cá với các vây trương thẳng là rất cần thiết.

Khảo sát trên một số lượng lớn cá thể ở mỗi loài cho thấy hình dạng và số lượng các sọc có thể thay đổi tùy từng cá thể. Tuy nhiên, dù cho điều này tồn tại, trong hầu hết trường hợp, người ta có thể dựa vào các sọc để phân biệt các loài Datnioides microlepis, Datnioides pulcherDatnioides undecimradiatus với nhau.

Hình ảnh
Phân biệt các loài cá hổ dựa trên các sọc ở gốc đuôi (nguồn http://www.waterwolves.com)
1- Cá thái hổ (Datnioides pulcher): gốc đuôi có hai sọc, sọc trước lớn hơn nhiều so với sọc sau.
2- Cá thái hổ bắc (Datnioides undecimradiatus): gốc đuôi có hai sọc nhỏ và khá đều.
3- Cá hổ Indonesia (Datnioides microlepis): gốc đuôi có ba sọc, hai sọc sau nhỏ và đều.
4- Cá hổ bạc (Datnioides polota): gốc đuôi có hai chấm.
Nếu kết hợp đặc điểm này với số lượng và độ rộng của các sọc, và màu sắc của cá thì chúng ta có thể phân biệt được các loài cá hổ một cách chính xác. Loài cá hổ New Guinea không được nhắc đến bởi vì chúng rất dễ phân biệt dựa trên các sọc bị lem.


Datnioides undecimradiatus thường có ba sọc nhỏ trên thân và thường được gọi là cá hổ sọc nhỏ (thin bar tigerfish) hay cá thái hổ bắc (Northern Thailand tigerfish). Địa bàn phân bố của chúng là ở lưu vực sông Mekong và có kích thước tối đa 40 cm.

Datnioides pulcher là loài cá ấn tượng nhất với những sọc rất to nên còn được gọi là cá hổ sọc to (wide bar tigerfish) hay cá thái hổ (Siamese tigerfish). Địa bàn phân bố của chúng là ở lưu vực sông Mekong và Chao Phraya ở Thái Lan. Kích thước tối đa của loài này lên đến 60 cm.

Hình ảnh Hình ảnh
Cá thái hổ (2 sọc gốc đuôi, 3 sọc to trên thân) và cá thái hổ bắc (2 sọc gốc đuôi, 3 sọc nhỏ trên thân).

Datnioides microlepis hay còn gọi là cá hổ Indonesia (Indonesian tigerfish) phân bố ở Borneo và Sumatra. Các sọc ở loài này thay đổi tùy từng cá thể nhưng chúng thường nhiều hơn so với Datnioides pulcher. Với những cá thể mà thân cũng có ba sọc như Datnioides pulcher thì phải dựa trên các sọc nhỏ ở gốc đuôi để phân biệt. Datnioides microlepis có ba sọc ở gốc đuôi, hai sọc phía sau bằng nhau trong khi Datnioides pulcher chỉ có hai sọc, sọc trước lớn hơn rất nhiều so với sọc sau. Kích thước tối đa của loài này lên đến 60 cm.

Hình ảnh Hình ảnh
Cá hổ Indonesia (3 sọc ở gốc đuôi): cá thể có 3 sọc to trên thân (rất giống với cá thái hổ) và cá thể có 4 sọc trên thân.

Hình ảnh
Địa bàn phân bố của các loài cá hổ theo hình vẽ đăng trên một tạp chí cá cảnh ở Nhật Bản (nguồn http://www.waterwolves.com)
- Cá hổ bạc (vòng xanh lá cây): phân bố trải dài từ Ấn Độ, qua Đông Nam Á đến tận New Guinea.
- Cá thái hổ bắc (vòng xanh dương): phân bố ở lưu vực sông Mekong.
- Cá thái hổ (vòng đỏ): phân bố ở lưu vực sông Mekong và Chao Phraya. Lưu ý rằng vòng đỏ được chia ra làm hai khu vực riêng biệt. Bởi vì theo người Nhật, cá hổ ở lưu vực sông Chao Phraya mới là cá thái hổ chính hiệu và có thể lớn đến 60 cm còn cá hổ ở lưu vực sông Mekong (gồm Việt Nam và Campuchia) được gọi là cá hổ Campuchia nhỏ con hơn. Dẫu sao đi nữa, cả hai đều thuộc về một loài duy nhất Datnioides pulcher.
- Cá hổ Indonesia: phân bố ở lưu vực sông Musi, đảo Sumatra (vòng nâu) và lưu vực sông Kapuas, đảo Borneo (vòng tím).
- Cá hổ New Guinea (vòng hồng): phân bố ở vịnh Papua, New Guinea.
Có hai loài cá hổ nước lợ là cá hổ bạc và cá hổ New Guinea, chúng sống nơi các cửa sông, đầm lầy ven biển và các nhánh sông, hồ bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Trái với suy nghĩ của nhiều người, các loài cá thái hổ, cá thái hổ bắc và cá hổ Indonesia là những loài cá thuần nước ngọt, chúng sống trong các nhánh sông nhỏ, đầm lầy và ao hồ nằm sâu trong nội địa, nơi nước tĩnh hay có dòng chảy nhẹ.


Cá hổ ở Việt Nam?
Trong quyển Định loại cá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất bản năm 1993, các tác giả Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương liệt kê hai loài cá thuộc họ Lobotidae là cá hường Datnioides quadrifasciatus và cá hường vện Datnioides microlepis. Địa điểm thu thập các mẫu vật ở Cần Thơ. Các tác giả nhấn mạnh đây là những loài cá rất hiếm, màu sắc đẹp và có thể thuần hóa làm cảnh.

Thông tin trong Sách Đỏ Việt Nam đăng ở trang http://www.vncreatures.net ghi nhận loài cá hường sông Datnioides quadrifasciatus thuộc họ cá Lobotidae. Địa điểm thu thập các mẫu vật ở Kon Tum, sông Sa Thầy (vùng huyện Sa Thầy), Đồng Nai (sông Đồng Nai) và Đồng Tháp (Cao Lãnh, sông Tiền).

Thông tin trên http://www.fishbase.org liệt kê loài cá thái hổ bắc (Datnioides undecimradiatus) như là loài cá nội địa của Việt Nam. Nguồn tài liệu tham khảo “Kottelat, M., 1998. Fishes of the Nam Theun and Xe Bangfai basins, Laos. Ichthyol. Explor. Freshwat. 9(1):1-128”.

Căn cứ theo tên khoa học thì cá hường hay cá hường sông chính là cá hổ bạc, cá hường vện chính là cá thái hổ. Thông tin trên http://www.fishbase.org về sự hiện diện của loài cá thái hổ bắc ở Việt Nam dựa trên một nghiên cứu về cá ở Lào; cho nên, đây có lẽ chỉ là sự suy đoán của tác giả mà thôi và cần được chứng minh bằng mẫu vật thu thập thực tế. Như vậy, có ít nhất hai loài cá hổ trên tổng số ba loài cá hổ sông Mekong được phát hiện ở Việt Nam. Xin nói thêm rằng, nếu cá hổ là tên thông dụng trong lãnh vực cá cảnh thì "cá hường" lại là tên gọi của nhiều loài cá khác nhau; chẳng hạn, một loài cá biển cũng được gọi là cá hường hay loài Nandus nandus cũng được gọi là cá hường vện.

Cá hổ là loài cá đẹp và hiếm. Hơn nữa, chúng sinh sản rất khó, đến nay chưa có trường hợp sinh sản thành công nào của cá hổ trong môi trường nuôi dưỡng được ghi nhận. Bởi vậy mà giá cá hổ khá cao từ vài chục đến vài trăm đô la tùy theo kích thước và loài. Cá thái hổ là loài đẹp và đắt tiền nhất. Thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn cho thấy cá thái hổ gần như tuyệt chủng ở Thái Lan và đã bị chính quyền sở tại cấm xuất khẩu từ lâu, vì vậy cá thái hổ lưu hành trên thị trường cá cảnh thế giới chủ yếu có xuất xứ từ Việt Nam và Campuchia. Một số cá được gọi là “thái hổ” trên thị trường cá cảnh trong nước theo quan sát của chúng tôi chẳng qua là cá hổ Indonesia mà thôi. Cá thái hổ vốn đã rất hiếm thì nay hầu như cạn kiệt vì nạn săn bắt quá mức để phục vụ cho thị trường cá cảnh. Hy vọng rằng trong tương lai, các đơn vị nuôi trồng thủy sản trong nước quan tâm đến giá trị xuất khẩu của loài cá này và nghiên cứu cách lai tạo để phục vụ thị trường cá cảnh trong nước và xuất khẩu.

Chọn cá thái hổ
Theo Seiichi Hamada (http://www.waterwolves.com) thì không phải cá thể nào thuộc loài Datnioides pulcher cũng là được coi là cá thái hổ! Đối với người Nhật chỉ có những cá thể phân bố ở lưu vực sông Chao Phraya, Thái Lan mới là cá thái hổ đúng nghĩa bởi vì chúng có thể lớn đến xấp xỉ 60 cm. Họ gọi những cá thể cùng loài phân bố ở lưu vực sông Mekong là cá hổ Campuchia. Bởi vì cá thái hổ bị cấm xuất khẩu ở Thái Lan cho nên cá thái hổ mà chúng ta thấy trên thị trường cá cảnh thế giới và trong nước hầu như có xuất xứ từ Việt Nam và Campuchia (tức cá hổ Campuchia theo cách gọi của người Nhật). Như vậy, nếu xét theo tiêu chuẩn của người Nhật thì chúng ta hầu như không thể mua được cá hổ đúng nghĩa. Tuy nhiên, bề ngoài hai loại cá thái hổ này hoàn toàn giống nhau và theo chúng tôi thì kích thước tối đa của cá thái hổ phân bố ở Việt Nam và Camuchia (tức cá hổ Campuchia) cũng không thua sút bao nhiêu.

Thân cá thái hổ có ba sọc đen lớn trên nền màu vàng cam. Cá thái hổ là loài đẹp nhất trong họ cá hổ mặc dù một số cá thể xuất sắc thuộc loài cá hổ Indonesia cũng có ba sọc lớn và tăng trưởng đến kích thước xấp xỉ 60 cm. Có hai điều rất quan trọng trong việc lựa chọn cá thái hổ:

- Xác định đúng cá thái hổ dựa trên các đặc điểm: 3 sọc lớn trên thân và 2 sọc trên gốc đuôi. Phân biệt cá thái hổ với cá hổ Indonesia mà một số cá thể cũng có 3 sọc lớn trên thân nhưng gốc đuôi lại có tới 3 sọc.

- Các sọc phải thẳng, không đứt khúc, không có sọc lem đứt quãng…

- Độ rộng của các sọc và khoảng cách giữa chúng tương đối đều.

Hình ảnh Hình ảnh
Ví dụ về các đặc điểm không đạt ở cá thái hổ: cá có sọc không thẳng và cá bị lem các sọc nhỏ (nguồn http://www.waterwolves.com).

Nuôi dưỡng
Không nuôi cá hổ với cá quá dữ, chẳng hạn như cichlid kích thước lớn. Mặt khác, cũng không nên nuôi cá hổ với cá nhỏ vì chúng có thể bị cá hổ ăn thịt - nên nhớ rằng miệng cá hổ có thể há ra rất to! Chúng thường được nuôi chung với cá hiền có kích thước lớn để không thể ăn được. Những loài có thể nuôi chung với cá thái hổ gồm cá khủng long (bichir), cá thát lát, cá rồng, các loài kích thước lớn thuộc họ cá chép như cá mập bạc (cá học trò) hay cá he đỏ, và cá nheo kích thước trung bình.

Cá hổ là loài xác định lãnh thổ và khá hung dữ so với đồng loại. Tốt nhất nên nuôi một con đơn lẻ hay nuôi một nhóm 5 con cá non trở lên. Nên nhớ rằng chúng cần hồ thật lớn. Loài cá hổ New Guinea Datnioides campbelli tốt nhất nên được nuôi riêng từng con.

Hình ảnh Hình ảnh
(Trái) Hồ nuôi cá thái hổ chung với ba ba - (Phải) Hồ nuôi cá hổ Indonesia với cá đuối nước ngọt.

Mặc dù lớn khá chậm nhưng tất cả các cá thể đều đạt kích thước xấp xỉ hoặc hơn 30 cm trong hồ cảnh, với loài Datnioides microlepis, có ghi nhận chúng đạt đến 60 cm trong môi trường tự nhiên. Nếu nuôi một con, hồ phải có kích thước tối thiểu 120 x 38 x 38 cm. Nếu nuôi một nhóm cá trưởng thành, hồ càng lớn càng tốt và phải có kích thước tối thiểu là 180 x 60 x 60 cm. Nền đáy nên trải một lớp cát mỏng hay sỏi để dễ làm vệ sinh. Cá trưởng thành có thể nuôi trong hồ trống nhưng cá non cần nơi trú ẩn. Cá non rất giỏi tận dụng địa hình để ẩn náu. Chúng có thể nằm nghiêng một bên trong khe hẹp hay treo thân hình thẳng đứng phía sau đầu nhiệt để ẩn náu. Hãy chọn đá trơn nhẵn hay những gốc cây lớn để trang trí hồ. Cây thủy sinh mọc cao như rong mái chèo Vallisneria hay cỏ lá nhọn Amazon sword đặc biệt thích hợp. Hay bạn cũng có thể thay thế bằng rong nhân tạo.

Đèn mờ rất thích hợp còn nếu để đèn sáng thì phải trồng nhiều rong nổi để tạo bóng râm. Hồ trồng nhiều rong không thích hợp đối với cá hổ trưởng thành.

Tầm nhiệt độ thích hợp 24-28 độ C. Nước từ mềm đến cứng, độ pH trung hòa hay hơi có tính kiềm rất thích hợp với các loài cá hổ nước ngọt nhưng nước cứng và kiềm hay nước lợ lại thích hợp đối với các loài Datnioides campbellipolota. Độ mặn không thực sự bắt buộc nhưng nếu tỷ trọng là 1.005 (sử dụng muối hột) thì tốt hơn. Thay nước thường xuyên để duy trì chất lượng nước. Nồng độ nitrate và các chất thải khác cao sẽ làm cá kén ăn và suy giảm chất lượng nước. Cá hổ rất nhạy cảm với ammonia và nitrite vì vậy đừng thả cá vaò hồ mới chưa qua quá trình khởi động.

Cá hổ rất háu ăn, thức ăn và chất thải sẽ làm ô nhiễm nước rất nhanh nếu không sử dụng một bộ lọc thích hợp. Không cần thiết phải tạo dòng nước mạnh nhưng xục khí nhiều cũng tốt. Hai điều này có vẻ mâu thuẫn nhưng hướng đầu xả của bộ lọc gần mặt nước (hay xử dụng tấm lái dòng) sẽ làm xáo động mặt nước và gia tăng sự trao đổi khí mà không cần phải tạo ra dòng nước quá mạnh khiến cá phải luôn chống chọi. Đầu xục khí cũng là một lựa chọn khác. Chọn bộ lọc với ngăn lọc sinh học lớn chẳng hạn như bộ lọc thùng hay (canister hay sump filter). Về việc cho cá ăn, nên nhớ chúng là cá săn mồi. Chúng không thích thức ăn khô dù có thể ăn chút ít. Cá non có thể ăn trùn đỏ đông lạnh hay tươi và artemia. Chúng cũng có thể ăn các loại thức ăn dành cho cá lớn như coc-lết, sò, cá nhỏ, tép và trùn đất.

Một số cá bắt đầu ăn ít đi, đặc biệt là cá hoang được bắt khi đạt kích thước trung bình. Thông thường, chúng cần vài ngày để làm quen với môi trường mới. Thức ăn tươi như trùn đỏ hay trùn đất có kích thích cá ăn. Một cách khác là đặt một mẩu cá vụn hay sò ở đầu xả của bộ lọc và để dòng nước cuốn đến chỗ cá. Sự di chuyển của mồi sẽ kích thích cá đớp. Cá có thể phun ra nếu chúng chưa quen với thức ăn nhưng với một chút kiên nhẫn, bạn có thể tập cho chúng làm quen với thức ăn.

Cá hổ không nhạy cảm với một loại bệnh đặc biệt nào và là loài cá giỏi chịu đựng. Chúng không có đặc điểm phân biệt giới tính và cũng chưa có trường hợp lai tạo thành công trong hồ cảnh nào được ghi nhận. Hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi một khi những nhà nuôi cá tâm huyết nghiên cứu thêm về chúng.

Hình ảnh
Hồ "long hổ hội" - giấc mơ của nhiều người nuôi cá rồng (thêm vài con cá đuối nước ngọt và sấu hỏa tiễn làm "hộ vệ").

Tham khảo
A fishkeeper's guide to Datnioides (Sean Evans) và Siamese tigerfish, Datnioides microlepis (Kerry Hulme) - nguồn http://www.PracticalFishKeeping.com
Tiger Fish , Datnioides /Datnoids - http://www.youfish.com
http://www.waterwolves.com
Định loại cá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long - Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993
http://www.datnioides.co.uk
http://www.fishbase.org

_________________
www.diendancacanh.com


Thứ 2 Tháng 8 13, 2007 5:45 pm
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010