Diễn đàn Sinh vật rừng Việt Nam https://vncreatures.net/forum/ |
|
60 niềm kiêu hãnh voọc Cát Bà. https://vncreatures.net/forum/viewtopic.php?f=16&t=92 |
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang |
Người gửi: | Tre xanh [ Thứ 4 Tháng 3 30, 2005 10:37 am ] |
Tiêu đề bài viết: | 60 niềm kiêu hãnh voọc Cát Bà. |
60 niềm kiêu hãnh voọc Cát Bà Voọc Cát Bà được nuôi tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng ở Vườn Quốc gia Cúc Phương Ngày 1/4, TP Hải Phòng vinh dự đón nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới (biosphere reserve) cho Vườn Quốc gia Cát Bà. Một trong những lý do để UNESCO công nhận Cát Bà là vì ở đây có loài voọc đầu trắng duy nhất trên toàn thế giới. Khi tôi đến cổng Vườn Quốc gia Cát Bà thì bà Rosi Stenke - Giám đốc dự án Bảo tồn voọc Cát Bà - và người trợ lý tên Cảnh đang ăn trưa ở một nhà dân trong vườn quốc gia. Mâm cơm đạm bạc chỉ gồm rau luộc, lạc rang và đĩa cá kho. Ông Hanh chủ nhà thản nhiên: "Bà ấy ăn như thế bốn năm rồi, chẳng sao cả, vẫn đi được rừng ngày này qua ngày khác". Rosi và trợ lý Chu Xuân Cảnh tiếp tôi ngay sau bữa ăn, trong văn phòng Vườn Quốc gia Cát Bà. Căn phòng của dự án "có yếu tố nước ngoài" này rộng chục mét vuông, chỉ có sách và bộ bàn ghế. Phòng ngủ của giám đốc ngay phía sau tủ sách. Mất điện. Hai người cùng cười ầm khi tôi hỏi dự án có ô tô hay không. Cảnh nói có xe máy, bà Rosi từng đi, nhưng bị ngã, sợ quá nên thôi. Có nhà vệ sinh khép kín không? Không! Máy giặt? Không! Nước máy cũng không, chỉ có nước giếng. Ti vi không thu được sóng, chỉ xem được băng. Cứ mười ngày, Cảnh về Hà Nội thăm nhà một lần, một năm, bà tiến sĩ về Đức hai lần. Nhưng tôi bất ngờ trước tình yêu của hai con người này với loài voọc. "Lúc mới ra đời, màu vàng của nó rất tuyệt vời, khi nó ngồi yên, trông như một pho tượng, còn lúc nó di chuyển thì cực kỳ linh động" - Rosi nói. Còn 60 con voọc đầu trắng của toàn thế giới đang sống ở Cát Bà. "Sao biết có mấy con?”. Cảnh nói: "Biết chứ, chúng tôi đến từng cánh rừng, hỏi từng người dân, rồi mai phục, ghi chép, chụp ảnh. Biết cả đàn nào có mấy con đực, mấy con cái". Voọc sống trên núi đá, con đực, con cái khác nhau chỉ một vệt lông đuôi, rình cả ngày, cả tuần mới biết. Quăng mình trên những mỏm đá nhọn hoắt để đi ăn từ 6h00 sáng, 6h00 chiều voọc về ngủ trong hang. Muốn theo dõi chúng, có khi phải nằm cả tuần trong rừng. Một cái nồi nấu cơm, bên trên hấp rau cỏ, trứng, cá khô, hết nước ngọt thì hứng nước mưa trên mái lều. Có hôm 7h00 tối về, sáng hôm sau lại đi từ 3h00 sáng trước khi voọc dậy để đếm từng con. Có như thế, cả Cảnh lẫn Rosi mới có thể kể vanh vách: "Tất cả có 60 con, chia làm 16 đàn, hai con mới đẻ hồi đầu tháng 3". Thông tin về voọc chi chít trong máy tính của Rosi: Chỉ còn 9 con đực, nếu nhiều hơn thì chỉ là 13 con. Một số đàn chỉ toàn con cái. "Sao chúng không nhập lại?", tôi hỏi. "Mất cơ hội, Cát Bà nay bị chia cắt bởi đường giao thông, bởi các đầm hồ thủy sản. Có khi một đàn vừa đi ăn qua một khe núi độc đạo, thì hôm sau chỗ ấy một cái đầm nuôi thủy sản mọc lên, kèm vài con chó chẳng hạn, thế là xong" - Cảnh nói. Mỗi đàn voọc chỉ một con đực, một con đực mới sinh sẽ bị đuổi đi khi trưởng thành. Tự nó phải tìm một nhóm con cái khác để trở thành con đầu đàn và duy trì nòi giống. Voọc đực thường bị bắn trước tiên vì nó luôn đứng trên những mỏm đá cao để quan sát, báo động cho cả đàn. Cấu trúc của cộng đồng voọc Cát Bà đang bị phá vỡ nghiêm trọng là vì vậy. "Sao lại gọi là voọc?", tôi hỏi. "Có thể vì tiếng kêu. Nghe lạ lắm, cứ hoọc hoọc trong cổ, còn tiếng kêu báo động thì vang xa cả cây số" - Rosi trả lời, xong bà rụt cổ mô tả tiếng kêu của voọc. Voọc con sinh ở Vườn Quốc gia Cúc Phương Tôi theo Rosi và Cảnh để đi chụp ảnh voọc vào sáng hôm sau. Chiếc tàu của kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà hướng ra biển khi trời đầy sương mù. Nó dừng lại, thả neo bên cạnh một quả núi có tên, nhưng Rosi yêu cầu không đăng báo. "Các bác du lịch tinh lắm, thấy báo đưa tin là copy và đem chào bán tour ngay, sau đó là tàu cao tốc, là lều trại để cho khách đi xem voọc" - Cảnh nói. 5 con voọc cái sống trên quả núi này. Nó ngăn cách với đảo Cát Bà bằng một khe nước. Một ngày nào đó trong năm, thủy triều xuống thấp nhất, voọc lội qua bãi đi ăn, nhưng sau đó nước lên, chúng không thể về được nữa. Một cây cầu tre được Cảnh bắc qua khe núi, với hy vọng đàn voọc tìm được lối về. "Có thể săn bắt và nhập các đàn lại, nhưng đó là một công việc rất khó khăn, phải có ý kiến của Chính phủ, có sự hỗ trợ lớn về tài chính và kỹ thuật. Đó là một hoạt động tầm cỡ quốc tế" - Rosi nói. Nửa buổi sáng trôi qua, 5 “chị” voọc vẫn không trình diện, tàu đi vào khu bảo vệ đặc biệt của Vườn Quốc gia Cát Bà. Một tổ kiểm lâm đón chúng tôi trên chiếc bè neo trong khe núi. Đây là một điểm gác rừng của kiểm lâm, với hỗ trợ của Dự án bảo tồn voọc. Ba cán bộ kiểm lâm với 4 con chó và một khẩu AK đã làm việc hết mình để giữ loài thú quý: Tháng 10/2004, 34 người dân địa phương đi 3 thuyền, mang theo gậy gộc, dao búa, tấn công khu vực này để đánh cá, săn thú. Người cầm đầu sau đó bị khởi tố, lãnh án 2 năm tù giam nhưng đến nay chưa... thi hành! Giương ống nhòm lên vách núi, không thấy con voọc nào dù 10 cái hang đánh số theo quy ước của chúng rõ mồn một. "Vách núi dựng đứng, voọc chạy nhảy như không, chúng bám vào vách đá như thạch sùng bò trên tường. Có khi lại ngồi bất động cả giờ, nhìn tuyệt đẹp" - Tổ trưởng kiểm lâm Nguyễn Huy Cầm nói. Dãy núi dài tới 8 km, rộng 2 km có 5 đàn voọc với 20 cá thể, 2 con voọc non cũng chào đời ở đây. Nhưng lũ voọc đi vắng cho đến chiều tối, không thấy con nào. Một đồng nghiệp trẻ nói anh ta sẽ viết là thấy voọc rồi, núi cao biển sâu, ai biết mà sợ! Hôm sau nữa, tôi vào Việt Hải, một xã nằm gọn trong Vườn Quốc gia Cát Bà với hy vọng sẽ gặp voọc. Một trong những người cao tuổi nhất ở đây, bà cụ 86 tuổi tên là Vũ Thị Huấn kể: "Khi tôi còn trẻ, khỉ đen xuống đầy đồng, đầy nhà". "Khỉ đen" là tên mà người dân Cát Bà gọi loài voọc quý hiếm. Từ năm 1970 đến 1999, gần nghìn con voọc bị bắn nên voọc mới hiếm hoi như bây giờ. Hy vọng được nhìn thấy loài voọc kết thúc, tôi tìm về Vườn Quốc gia Cúc Phương, ở đây có Trung tâm Cứu hộ linh trưởng do một tổ chức nước ngoài tài trợ. 14 con voọc Cát Bà bị bắn, bẫy đã được đưa về đây, nhưng chỉ có 2 con còn sống sót để tôi chụp ảnh. Đôi voọc Cát Bà đẹp một cách kiêu hãnh trong chuồng sắt, không biết rằng có bao nhiêu người đang lo lắng và hy vọng vào sự có mặt của chúng trên đời này! Lưu Quang Phổ |
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang | Thời gian được tính theo giờ UTC + 7 Giờ |
Powered by phpBB © 2000, 2002, 2005, 2007 phpBB Group http://www.phpbb.com/ |