Diễn đàn Sinh vật rừng Việt Nam https://vncreatures.net/forum/ |
|
Hương trầm Bảy Núi. https://vncreatures.net/forum/viewtopic.php?f=16&t=75 |
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang |
Người gửi: | Tre xanh [ Thứ 5 Tháng 3 17, 2005 9:27 am ] |
Tiêu đề bài viết: | Hương trầm Bảy Núi. |
Tương truyền vào thời xa xưa, nơi vùng “Thất Sơn huyền bí” có nhiều người lên núi hái thuốc đã bắt gặp một nguồn dược liệu quí hiếm, mùi thơm ngào ngạt, có thể trừ được sơn lam chướng khí và trị được một số bịnh thông thường. Người ta đã dùng nó làm loại hương liệu để đốt xông nơi các đình chùa vào những ngày lễ hội tôn nghiêm. Lâu dần bà con đã hiểu ra đó là trầm tóc (gọi tắt là cây tóc, nhiều nơi gọi là cây dó hoặc dó bầu), một loài cây có hương trầm, mọc rải rác trên các đỉnh núi cao ở vùng Bảy Núi. ƯỚC MƠ LÀM GIÀU TỪ CÂY TÓC Rừng tóc của anh Lê Hoàng Vĩnh trên Ô Sình (đỉnh núi Dài - Tri Tôn). Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm An Giang thì hiện nay có trên 500 ha rừng phòng hộ trên núi Cấm, núi Dài, núi Tượng và núi Cô Tô đã được trồng xen cây tóc nhằm đa dạng hóa mô hình vườn đồi, vườn rừng và đang tiếp tục phát triển với qui mô rộng lớn hơn. Ông Phan Văn Nghiệp, Hạt phó Kiểm lâm huyện Tịnh Biên, nay là Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tri Tôn cho tôi biết đa số nông dân ở Bảy Núi từ lâu đã hiểu rõ giá trị kinh tế của cây trầm tóc nên họ đã tự lực gieo ươm cây giống và trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn. Tại thị trấn Chi Lăng cũng đã thành lập một vườn ươm với tổng số vốn đầu tư trên 500 triệu đồng, khả năng cung cấp mỗi năm trên 100 ngàn cây giống. Ngoài ra còn có một số cơ sở tư nhân cũng chuyên cung cấp cây giống với giá rẻ, tạo nên một luồng sinh khí phấn khởi đối với những hộ trồng rừng đang ước mơ làm giàu từ cây tóc. Nhiều cán bộ ở Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết : Qua khảo sát địa bàn vùng Bảy Núi – An Giang, các chuyên gia thuộc Tổ chức “Dự án rừng mưa nhiệt đới” nói rằng từ xa xưa tại vùng Bảy Núi đã có cây tóc bản địa và được phân bố đều trên các dãy núi nhưng do khai thác bừa bãi ngày càng khan hiếm. Giáo sư – Tiến sĩ Lê Công Kiệt, qua khảo sát thực tế đã cho biết cây tóc ở vùng Bảy Núi – An Giang, có tên khoa học là Aquilaria Crassna có khả năng tạo trầm rất tốt, chất lượng không thua kém các loại trầm trên thế giới. Trong những chuyến tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên trên Vồ Đầu (núi Cấm) và Vồ Cờ (núi Dài, còn gọi là Giài) tôi đã được các chủ rừng hướng dẫn đi xem một số mô hình khai thác trầm trên các đỉnh núi thật vô cùng hấp dẫn. Đầu tiên là anh Ba Ban, Tổ trưởng Tổ liên kết hợp tác sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng (núi Cấm); kế đến là ông Nguyễn Văn Y, 87 tuổi, hiện sống tại Vồ Đầu, là một trong những người đầu tiên lên núi Cấm hái thuốc, dọn rừng, phát rẫy từ nhỏ đã cho biết trên đỉnh núi Cấm có rất nhiều thảo dược quí hiếm nhưng nay chỉ còn lại một số ít danh mộc, trong đó có cây tóc, người dân địa phương gọi là trầm tóc. Ông Nguyễn Văn Y dẫn tôi ra vườn chỉ cho xem 12 cây tóc đã được các chuyên gia của dự án Tạo nguồn cung cấp trầm mua để đặt ống “kích thích tạo trầm” thí nghiệm, mỗi cây đều được mang một mã số riêng để theo dõi, nghiên cứu. Đối với ông, những cây tóc còn sót lại trong vườn nhà là một tài sản quí giá, một niềm tự hào vì đã giữ được của báu trời cho. TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN Sau Tết Ất Dậu 2005 tôi lại lần theo dấu vết một con đường mòn để chinh phục Vồ Cờ trên đỉnh núi Dài cao 450 mét. Đây là địa giới giữa thị trấn Ba Chúc – xã Lê Trì và xã Lương Phi (Tri Tôn). Vừa tới khu vực Ô Sình, tôi đã gặp ngay anh Lê Hoàng Vĩnh và một số anh em đang chăm sóc rừng. Sau một hồi thăm hỏi, anh Vĩnh dẫn tôi đi xem khu vườn tóc, rộng trên 4 ha với gần 10 ngàn cây đủ cỡ, từ vài ba năm đến mười hai năm tuổi. Anh cho biết xung quanh khu vực này còn có ba chủ hộ khác cũng trồng tóc xen lẫn với cây rừng và cây ăn trái. Mới đây đã có nhiều công ty nội địa đến hỏi mua với giá từ 350.000đ đến 700.000đ/cây để kích thích tạo trầm. Sợ tôi không tin, anh Vĩnh đã chỉ những gốc cây vừa mới cắt đem đi đồng thời dùng tay khượi ra một ít trầm khô trong thân cây rồi dùng quẹt ga đốt lên bảo tôi ngửi, một mùi thơm ngào ngạt bốc lên làm tôi cảm thấy sảng khoái. Anh Lê Hoàng Vĩnh (bên phải) và ông Lê Hoàng Nam bên cạnh cây tóc đã đủ tuổi khai thác trầm. Ảnh: H.P Theo anh, đây là khu vực có trữ lượng trầm tự nhiên cao nhứt. Thời chống Pháp, ông nội anh đã từng lên đây để khai phá, đến thời chống Mỹ cha anh đi theo cách mạng nên cả nhà phải rút xuống núi. Mãi đến sau ngày hòa bình, khi có chương trình 327 anh mới trở lên khôi phục vườn rừng và biết rõ giá trị của trầm hương (nhờ nghe báo đài và các thông tin từ Hạt Kiểm lâm) nên mới hăng hái bắt tay vào việc phục hồi cây tóc mà anh rất kỳ vọng vào tương lai. Từ bao đời nay, trầm hương đã đi vào huyền thoại và được nhiều người coi là một báu vật của thiên nhiên, một loài kỳ hương. Chính vì thế mà trước kia người đi tìm trầm đã bày ra nhiều tục lệ kiêng cử rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn như trước khi vào rừng phải làm lễ “nhập rừng” rồi nào cúng Bà Cậu, nào nói năng phải hết sức cẩn trọng, tuyệt đối không được phát ngôn hỗn xược mà phải biết giữ lời và dùng những tiếng nhà nghề thay cho sự vật cụ thể, chẳng hạn như: Gặp cây có trầm gọi là “ăn trầm” hoặc “dính trầm”,... Gần đây, thị trường trầm hương lại trở nên khan hiếm nên thường diễn ra những cơn sốt săn trầm trên nhiều địa bàn khác nhau, ngay cả thân cây cũng được rao bán với giá thật hấp dẫn. Tại Phú Quốc (Kiên Giang) đã có nhiều người săn trầm bất hợp pháp từ Campuchia lén lút vượt biên kéo qua. Tại Quảng Nam, Bình Định cũng sôi sục hẳn lên nghề săn trầm, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các chủ rừng phía Nam, sôi động nhứt là vùng Bảy Núi. Tình trạng đó khiến cho trầm hương ngày càng khánh kiệt. Do vậy, vào năm 2002, Việt Nam đã đưa cây trầm hương vào nhóm thực vật hoang dã cần được bảo vệ nghiêm nhặt. Một khi cây tóc bị tổn thương do nhiều tác nhân như thân bị sâu đục, bị chặt, lâu ngày một loại nhựa tinh túy đặc biệt tiết ra để tạo thành trầm. Do đó cây càng nhiều sâu đục thân càng tốt, nhứt là những vùng rừng bị nhiều bom đạn thường có trầm nhiều hơn do những vết thương trên thân cây đã giúp cho nhựa chảy xuống đọng lại thành tinh dầu (giá 1kg tinh dầu loại tốt hiện nay là 5.000 USD). Chính vì vậy mà trước kia, muốn khai thác trầm, nhiều người đã dùng búa, đục tạo vết thương cho cây, một năm sau leo lên cưa đem về xẻ ra lấy trầm đặc hoặc nhựa (còn gọi là trầm non). Nhưng, làm kiểu đó, mỗi lần khai thác là chết mất một cây, nếu như không tiếp tục trồng cây mới, nguồn trầm sẽ cạn kiệt! Mục đích triển khai của Dự án “Tạo nguồn cung cấp trầm ở Việt Nam” được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu. Trước hết, qua tác động của khoa học kỹ thuật, các chuyên gia sẽ tạo ra nguồn trầm nhân tạo, cho sản phẩm nhanh, nhiều và chất lượng tốt hơn. Kế đến là góp phần bảo tồn thiên nhiên, tăng thêm màu xanh cho các huyện miền núi, đồng thời ra sức phục hồi cây bản địa, một loài cây quý hiếm, cũng là cây phòng hộ lâu năm và bền vững. Ông Nguyễn Văn Thiện, cán bộ phụ trách vườn ươm cho chúng tôi biết chương trình nghiên cứu đã bắt đầu từ năm 2001 và sẽ kéo dài trong 5 năm. Hiện nay, dự án “Tạo nguồn cung cấp trầm ở Việt Nam” nói chung và An Giang nói riêng đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng. Qua bước đầu nhân giống và “kích thích tạo trầm”, đa số bà con đã tỏ ra hy vọng và phấn khởi. Trước mắt, nhiều khu đất bỏ hoang nay đã được phủ xanh và một loài cây quý hiếm, giá trị cao đã được phục hồi. Ngoài ra, một số hộ còn giữ được những cây trầm tóc tự nhiên nay có thể vừa khai thác hạt giống bán cho vườn ươm, vừa mở rộng diện tích trồng, tạo ra sự phấn khích và niềm hy vọng đối với nông dân miền núi. Mai đây, hương trầm Bảy Núi sẽ lan tỏa khắp cả nước và còn hướng tới công nghệ chế biến để hòa nhập vào thị trường chung trên toàn thế giới. Hoài Phương |
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang | Thời gian được tính theo giờ UTC + 7 Giờ |
Powered by phpBB © 2000, 2002, 2005, 2007 phpBB Group http://www.phpbb.com/ |