Núi rừng giận dữ !
Bài của: Tạ Văn Sỹ - trích nguồn từ báo tiền phong (
www.tienphong.com.vn)
TP - Mới rồi, dịp cuối năm, hơn hai tháng sau cây bão số 9, chúng tôi về huyện Tu Mơ Rông, vùng rốn lũ kinh hoàng trăm năm có một của tỉnh Kon Tum nơi cực bắc Tây Nguyên.
Sau hai tháng, đường vào huyện Tu Mơ Rông vẫn chưa khôi phục xong. Ảnh: T.V.S
Ấy là nơi bà con cả nước đã rùng mình xa xót khi xem thấy những hình ảnh phóng sự trên Truyền hình Việt Nam vào những ngày đầu tháng 10 sau đó. Nhưng, từ bấy đến nay, hậu quả chưa khắc phục được bao nhiêu...
Nếu không thấy tận mắt khó ai có thể tưởng tượng và tin có cảnh núi rừng lở sụt đến như thế!
Các cầu xây, cầu treo đa phần bị cuốn mất nên đường Tu Mơ Rông gần như đều phải qua ngầm. Đèo Văn Loan trên đường vào xã Đăk Na tận cùng phía tây huyện, “cái rốn của rốn lũ”, bị băm vằm thê thảm.
Suốt hai tháng qua một đội giao thông với nào xe ủi xe san xe xúc làm việc ngày đêm mà đến giờ đường vẫn chỉ dành cho người… đi bộ và xe máy là thuận tiện nhất!
Lại gặp một nơi có mấy chiếc máy san ủi đang hộc tốc làm việc như khẩn trương giải phóng mặt bằng cho một công trình quy mô bề thế. Khó ai biết đó là nền của làng Mô Pành 2 đông đúc dân cư thanh bình sung túc trước đây.
Đêm 29-09, núi Đăk Pạ như con thú hoang gầm lên giận dữ với tiếng nổ “pục” rúng động đất trời, chiếc lưỡi đỏ ngòm của nó ào ra liếm chửng nguyên làng Mô Pành 2 đưa xuống lòng suối Đăk Rép đang ào ào cuộn xiết.
Trong tích tắc, mấy chục mái nhà, (kể cả ngôi nhà xây kiên cố trị giá trên 300 triệu đồng của A Loan, Bí thư Đảng ủy xã vừa khánh thành chưa đầy tháng), biến mất ! Làng xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn trơ mỗi chiếc nhà rông đứng chơ vơ ngẩn ngơ trầm mặc giữa trời như chưa hết nỗi bàng hoàng kinh ngạc rằng chuyện gì đã xảy ra cho bà con dân làng mình?
Chuyện làng Mô Pành 2 có lẽ còn kể hoài không hết. Chỉ xin nhắc đôi chuyện: Chuyện nhà A Nhau 6 người, hai cha con lên đồi lùa bò, khi về, làng đâu không thấy, nhà đâu không thấy, vợ và 3 con nhỏ cũng… đâu không thấy, chỉ thấy đất bùn hòa theo nước suối Đăk Rép réo sôi sùng sục!
Chuyện chị Y Mai cõng người cha già yếu ra khỏi căn nhà ọp ẹp, phủ tạm tấm tôn lên người cha cho đỡ ướt mưa, quay chân chạy tìm người nhờ chuyển hộ, vừa chạy mấy bước, ngoảnh lại trông chừng thì... miếng tôn và xác người cha già đã bỏ chị mà phăng phăng theo dòng đất đỏ!
Chuyện chị Y Giỏi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chưa hết nỗi kinh hoàng của ngày 29 tháng 9 thì 4 giờ chiều ngày 4 tháng 10 đi mở dây bò bên suối Đăk Tạ, bất ngờ đất dưới chân rung lên bần bật, bùn đá ập về chôn ngang đến cổ.
Chị hãi hùng chơi vơi giữa đống thụt lầy cho đến khi bà con phát hiện moi lên! Nơi chị Y Giỏi bị “chôn sống” ấy chính là điểm cơn rùng mình địa chấn đã xóa sổ gọn ghẽ một ngôi trường Tiểu học 9 phòng.
Không ai còn thấy nền móng công trình ấy đâu nữa ngoài một ngọn đồi từ trên phía núi cao đưa nguyên xuống tọa lạc sừng sững hiên ngang giữa nơi trước kia là bãi đất bằng.
Đường về xã Ngọc Yêu tận cùng phía đông huyện cũng không khác mấy. Giữa lưng chừng con dốc cao nơi làng Long Cho, một cái trang thờ mới toanh thoảng mùi nhang khói tưởng vọng 4 công nhân cầu đường không kịp thoát thân.
Nơi đầu xã, làng Tam Rin như những tổ chim câu lửng lơ trên lưng chừng triền đồi chen lẫn với những mảng núi sụt lở đỏ hoang hoác. Ở đó căn nhà của gia đình A Tép, Trưởng Công an xã, không còn thấy nữa, vì 8 giờ tối 29-09, A Tép cùng vợ Y Bôi và con trai A Bảo đã bị bứt ra khỏi sườn đồi cùng với kèo cột ngôi nhà ngập ngụa theo dòng bùn đất!...
Từ Đăk Na cực tây sang Ngọc Yêu cực đông, 11 xã của Tu Mơ Rông, không một xã nào còn nguyên vẹn như xưa. Với một huyện vùng xa vùng sâu đặc biệt khó khăn, lại mới vừa “sinh sau đẻ muộn” (tách lập chưa đầy 5 năm), kinh tế thuần nông, không kể đất rẫy, đã có trên 1.300 héc-ta ruộng nước bị bão lũ “ăn” mất, toàn bộ công trình thủy lợi thủy nông, nước sạch nông thôn… bị phá hủy hoàn toàn, hệ thống điện lưới chưa khắc phục được v.v… thì Tu Mơ Rông gần như đang trở lại… “thời kỳ đồ đá”!
Nhan nhản dọc các trục đường vừa được treo lên nhiều biển báo mới toanh “Đường sạt lở nguy hiểm”, “Coi chừng sạt lở”, “Khu vực lũ quét” v.v… Những cột cây số lật đổ ngả nghiêng…
Những bờ sông bãi suối từng nhóm người hì hụi cưa xẻ tận thu gỗ rừng trôi tấp. Có người nói vui: Trận lũ này đã tạo nên một nghề mới là nghề khai thác gỗ trên… sông! Mới hay “rừng chảy máu” là như thế nào! Xa xót quá!
Chúng tôi ngỡ ngàng, ngẩn ngơ giữa một Tu Mơ Rông vướng vất nét buồn vương khắc khoải. Tâm trạng ấy rất dễ bắt gặp nơi từng nét mặt bà con, trên từng nếp nhăn cán bộ, trong từng tâm tư của những người trách nhiệm…
Đồng chí Trần Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu rầu rĩ: “Cơn lũ đã kéo lùi địa phương chúng tôi về ngược vài mươi năm phát triển”!... Thầy giáo Lê Văn Hoàng, Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Ngọc Yêu “cười ra nước mắt”:
“Bão lũ không những cuốn trôi của cải và con người ở đây mà còn… cuốn luôn cả cái Dự án của trường chúng tôi! Đáng lý đã có thể tiến hành thi công thêm 4 phòng học và một nhà hiệu bộ theo kế hoạch, nhưng vì đường sá vào đây đã bị phá hỏng toàn bộ, vận chuyển vật tư khó khăn, nên dự án tạm thời chuyển qua đơn vị khác để đảm bảo kỳ hạn giải ngân. Thầy trò chúng tôi đã ngong ngóng đợi chờ, giờ lại phải chờ đợi tiếp”!...
Chị Y Xê, Thôn trưởng thôn Tam Rin thì nóng ruột: “Mong sao kế hoạch dời làng mau mau thực hiện để bà con được về nơi ở mới. Ở đây sợ lắm rồi! Hàng ngày nhìn những “miệng đất” đỏ hỏn của núi rừng lửng lơ trên đầu nơi rìa làng kia, sợ lắm”!...
“Dời làng”! Vâng, đây là cuộc dời làng quy mô xưa nay chưa hề có ở Tu Mơ Rông. Ngày trước bà con chỉ dời làng theo phong tục tập quán, là một việc làm hệ trọng, phải có ý kiến Già làng, phải cúng Giàng, cầu xin trời đất…
Nay thì 21 làng thuộc các khu vực nguy hiểm trong trường hợp bão lũ đều được dời về nơi ở mới. (Có 3 làng khác cũng được di dời theo Chương trình 33 của Chính phủ để lập làng Văn hóa). Bà con ủng hộ hết mình, mong ngóng từng ngày để thoát nỗi kinh hoàng đè nặng trong tâm trí.
Mà đâu chỉ dời làng là xong? Bài toán lớn đặt ra là phải giải cho ra đất sản xuất. Địa thế Tu Mơ Rông liên hoàn đồi núi, độ chia cắt mạnh, đất bằng đất trũng thậm khó. Có được ít nhiều lâu nay bà con khai vỡ làm ăn, nay đã trôi lấp gần hết.
Đất mới khó tìm, ruộng cũ cần thời gian dài khắc phục. Cái thiếu, cái đói đã thấy rõ nhãn tiền! Đơn giản cái uống ở Tu Mơ Rông hôm nay cũng là vấn đề nan giải.
Nhìn cảnh bà con dân làng, giáo viên, học sinh nội trú bán trú… ở các làng các xã lội bộ lên xuống những con dốc đứng của những dòng suối hun hút dưới sâu lấy từng can nước mang về dùng tiết kiệm đã thấy xót xa! Tất cả mọi đầu mối công trình nước sạch đều đã tan hoang… Sực nhớ có tư liệu bảo rằng ý nghĩa của từ “Tu Mơ Rông” theo tiếng Xê-đăng ở đây là “một giọt nước”.
Ngày xưa, khi tổ tiên tìm đến đây định cư đã đặt vấn đề “nước” lên hàng đầu nên mới gọi tên làng như thế. Bây giờ mới thấy cái ý nghĩa đó đúng là chuyện sống còn! Rồi còn hệ thống điện lưới, điện thoại chưa khôi phục...
Vẩn vơ nghĩ ngợi và tự “đặt vấn đề” về công tác phòng chống bão lũ. Dường như lâu nay ta quá chú trọng việc ngẩn mặt ra biển đông chống bão hơn là ngoảnh lui về rừng núi sau lưng để đề phòng lũ? Địa hình nước ta thì quá rõ, mưa gió từ biển đông ập về là trùm chụp ngay xuống rừng núi phía tây.
Chống bão đằng đông cấp thiết thế nào thì phòng lũ đằng tây cũng ngang hàng như vậy! Nhớ lại năm ngoái, được dịp ra Tây Bắc sau bão số 4, số 5. Dọc từ Yên Bái, Lao Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… cũng cảnh tượng tương tự thế này đây: Các cung đường băm vằm, các bản làng tan hoang, ruộng nương xơ xác… Tây Bắc - Tây Nguyên xa xôi ngàn dặm mà có khác gì nhau?
Lại nghĩ rộng ra hơn, đến vấn đề biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu. Bà con TuMơ Rông đang phải gánh trả món nợ lớn của loài người đang đua nhau làm cho tác hại khí quyển, thay đổi khí hậu, hủy hoại sinh thái, ô nhiễm môi trường.
Biển cả trút hờn, núi rừng giận dữ, ruột đất gầm rung… Tất cả cũng bởi sự vô tâm của con người!...