Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 7 Tháng 12 21, 2024 6:37 pm



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Chuyện "Nobel gia" 102 tuổi vẫn làm khoa học 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Chuyện "Nobel gia" 102 tuổi vẫn làm khoa học
Chuyện "Nobel gia" 102 tuổi vẫn làm khoa học

Có những con người mà sự lao động đối với họ không chỉ là công việc để mưu sinh. Câu chuyện về sự lao động miệt mài không ngừng dù đã ngoài trăm tuổi của nữ Nobel gia Rita Levi-Montalcini là một ví dụ.

Vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước (22/4/1909) tại thành phố Turino, Italia, có hai cô bé sinh đôi ra đời trong một gia đình gốc Do Thái (ông Adamo Levi và bà Adela Montalcini) có 4 người con, 3 gái 1 trai mà hai cô là út. Ông bố tuy là một kỹ sư điện đồng thời là nhà toán học, song coi “chức phận của con gái là ở trong gia đình”, nên chẳng chăm lo gì đến việc học hành của các cô, thậm chí còn không muốn các cô học quá trung học. May mà ý định của ông không thành, vì nếu được thực hiện, nước Ý đã bị thiếu đi một nữ hoạ sĩ tài danh (cô chị) và nhân loại thiếu một nữ bác học xuất sắc, đóng góp lớn vào kho tàng tri thức (cô em).
Hai cô gái sinh đôi Paola và Rita bề ngoài giống nhau như hai giọt nước, số phận khá tương đồng, cùng là những người nổi tiếng, cùng không hề tiếc nuối rằng mình đã chọn cuộc sống đơn thân đến suốt đời, nhưng sở thích lại khác nhau.
Trong khi Paola say mê hội họa thì Rita lại yêu thích văn học, ước mơ trở thành một nhà văn và nữ văn hào Thuỵ Điển là Selma Lagerlf (giải Nobel văn học) là thần tượng của cô. Nhưng khi người nữ gia sư thân thiết nhất của gia đình bị chết vì ung thư, Rita liền đổi ý. Cô thuyết phục bố mẹ cho cô thi vào trường y ở thành phố quê hương.

Hình ảnh

Chăm chỉ, học rất giỏi và say mê đọc sách, năm 1936, Rita Levi-Montalcini đậu xuất sắc bằng tiến sĩ y khoa tại Đại học Turino và làm trợ lý về Sinh học thần kinh cho giáo sư giải phẫu học Giuseppe Levi (một ông thầy rất uyên bác, và đã có tới 3 “đệ tử chân truyền” đoạt giải Nobel là Salvador Luria – 1969, Renato Dulbeccco - 1975 và Levi-Montalcini – 1986) cho tới năm 1938. Khi Mussolini lên cầm quyền, y ra một bộ luật phân biệt chủng tộc, đuổi những người Do Thái ra khỏi các trường đại học và viện nghiên cứu, Rita phải sang Bỉ làm việc một năm tại Viện thần kinh Brussels.
Sau đó, để tiếp tục làm công việc nghiên cứu sự phát triển của tế bào thần kinh trong phôi gà mà mình đang theo đuổi, Rita trở về Ý, biến phòng ngủ của mình thành phòng thí nghiệm ở ngoại ô thành phố và miệt mài trong đó suốt ngày.
Khi phát xít Đức chiếm đóng miền bắc nước Ý, Rita tạm rời phòng nghiên cứu riêng của mình, tuy trang thiết bị nghèo nàn và thiếu thốn nhưng rất thành công, để tham gia kháng chiến chống phát xít ở Florence trong Lực lượng Đồng minh. Bà tham gia quân đội với tư cách một thầy thuốc quân y, xông xáo nơi chiến trường cứu chữa thương bệnh binh, dập tắt các đợt dịch bệnh lan truyền ở các trại tị nạn.
Chiến tranh kết thúc, bác sĩ Rita Levi quay trở lại với nghề nghiệp xưa, tiếp tục làm trợ lý cho giáo sư Juseppe Levi, nuôi cấy các tế bào thần kinh trong ống nghiệm. Mùa thu năm 1946, giáo sư Viktor Hamburger từ Mỹ sang Ý tìm đến người đàn bà khiêm nhường Rita Levi-Montalcini, mời bà sang Mỹ làm việc ở phòng thí nghiệm của ông một học kỳ. Hamburger lúc đó là nhà khoa học hàng đầu trong ngành phôi học, đã từng làm trợ lý cho Hans Sperma, giải thưởng Nobel y học năm 1935, bỏ Đức sang Mỹ định cư và làm việc tại Đại học Washington ở St Louis, bang Missouri.
Sở dĩ ông cất công sang Ý mời bằng được Rita Levi-Montalcini sang hợp tác vì là một người hết sức cầu thị, ông rất ấn tượng về một bài báo khoa học của bà về cấy ghép tế bào thần kinh đã công bố, phản đối giả thuyết ông đưa ra về sự phát triển tế bào thần kinh. Ông đề nghị bà cùng hợp tác trong việc nghiên cứu cơ chế điều khiển sự phát triển và biệt hoá tế bào thần kinh vận động và cảm giác.
Tưởng đâu chỉ làm việc ba tháng, nhưng thành công nối tiếp thành công, nữ tiến sĩ Rita Levi-Montalcini đã bị công việc lôi cuốn nên đã ở lại đây tròn 30 năm liền. Đây là giai đoạn phát triển tài năng rực rỡ nhất của bà. Bà làm được biết bao nhiêu việc đầy sáng tạo trong nghiên cứu hệ thần kinh, khai phá những vấn đề mới chưa ai nghĩ đến và đạt được những thành tựu lớn.
Từ nghiên cứu các mô ung thư lấy từ chuột ghép sang bào thai gà - nơi tế bào phát triển rất nhanh - cùng với một nhà sinh hoá Stanley Cohen, bà phát hiện ra tuyến sản sinh ra nọc ở rắn và tuyến nước bọt ở chuột là những nguồn rất phong phú chứa một chất protein gọi là “yếu tố tăng trưởng thần kinh” (nerve growth factor viết tắt NGF), có vai trò cơ bản trong việc biệt hoá và phát triển các tế bào cảm giác, mở ra nhiều hướng mới trong Y sinh học trong những năm sau này cũng như tìm hiểu cơ chế các bệnh rối nhiễu thần kinh như bệnh Alzheimer, ung thư, khuyết tật ở trẻ sơ sinh. Chính nhờ nó, bà trở thành người phụ nữ thứ tư được trao tặng giải Nobel về Sinh lý học/Y học vào năm 1986.
Năm 1961 Levi-Montalcini được bổ nhiệm làm giáo sư trường Đại học Washington mà từ năm 1958, đã hình thành mối quan hệ mật thiết giữa Trung tâm Sinh học thần kinh do chính bà thành lập tại Roma với vai trò giám đốc và trường đại học mà bà đang giảng dạy. Thời gian làm việc của bà chia đôi giữa hai nơi và nơi nào cũng đứng ở tuyến đầu của ngành nghiên cứu thần kinh học thế giới.

Hình ảnh
Rita Levi-Montalcini vừa tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 102 của mình.

Năm 1969, Hội đồng khoa học quốc gia Italia đã nâng cấp trung tâm thành phòng thí nghiệm quốc gia về Sinh học tế bào, bao gồm cả các khoa Sinh học tế bào, Di truyền học sinh lý và Miễn dịch học. Năm 1979, khi đến tuổi về hưu, bà ở hẳn quê hương, tiếp tục cương vị giám đốc phòng thí nghiệm. Tại đây, bà vẫn say mê nghiên cứu, đồng thời vẫn là giáo sư danh dự (emeritus professor) Đại học Washington và Viện sinh học thần kinh ở Roma, gắn bó với việc giảng dạy đến năm 1989, khi đã 80, việc đi lại bắt đầu cảm thấy khó khăn.
Các nhà khoa học đánh giá rất cao những cống hiến của Levi-Mantalcini vào khoa học. Bà được mời làm công dân danh dự của rất nhiều thành phố châu Âu và châu Mỹ; viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Mỹ (1968), Viện Hàn lâm quốc gia Italia (1976), Viện Hàn lâm Y học Bỉ (1979), Viện Hàn lâm khoa học Pháp (1989)... cũng như nhiều học vị danh dự của trường Đại học Upsala, Thụy Điển, Viện Khoa học Weitzman, Israel, trường Đại học London, trường Đại học Brazil, Đại học Harvard và nhiều trường Đại học danh tiếng khác. Năm 1987, Levi-Montalcini được trao bằng danh dự cao nhất dành cho một nhà khoa học Mỹ.
Cho đến nay, Levi-Montalcini vẫn hiện diện trong giới khoa học quốc tế, vẫn có những đóng góp xuất sắc vào nền khoa học Ý về định hướng nghiên cứu và các chương trình khoa học cấp nhà nước. Bà vẫn thường xuyên đến Viện nghiên cứu tế bào tại Roma góp ý cho các đề tài hoặc chấm các luận án tiến sĩ. Người ta thường nói bà là người “có ảnh hưởng sâu rộng đến 3 thế hệ các nhà khoa học Ý”.
Cùng với người chị sinh đôi của mình, bà lập ra những chương trình giáo dục cho thanh niên, truyền cho họ niềm say mê khoa học và nghệ thuật. Hai chị em đã thành lập một Quỹ riêng, cấp học bổng cho trên 7.000 nữ sinh châu Phi được cắp sách tới trường.
Dành thời gian cho các hoạt động xã hội, bà Levi-Moncalcini còn là một chính khách. Năm 2001, bà được Tổng thống Carlo Ciampie chỉ định làm “nghị sĩ trọn đời” tại Thượng viện Italia. Mặc dù vì công tác khoa học phải bỏ nhiều thời gian đi khắp thế giới bà vẫn là một nghị sĩ thuộc cánh tả năng nổ, một nhà tranh đấu cho nữ quyền và những vấn đề đạo dức sinh học. Những khi nghỉ ngơi, để giải toả căng thẳng sau thời gian đắm chìm trong phòng thí nghiệm, bà viết sách về chuyên môn, viết hồi ký… và có những quyển đã trở thành “best-seller” một thời.
Năm 2009, sống tròn một thế kỷ, Levi-Mantalcini nghiễm nhiên là một “Nobel gia” thọ nhất trong số những nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Ngoài lễ mừng thọ rất long trọng tại toà thị chính Roma do Chính phủ và Quốc hội Ý đứng ra tổ chức, Viện nghên cứu não châu Âu (European Brain Research Institute, viết tắt ERBRI) mà bà là sáng lập viên khi đã 95 tuổi đã kỷ niệm sinh nhật nhà khoa học hàng đầu về bộ não này bằng một hội nghị chuyên đề rất lớn mang tên “Não với sức khoẻ và bệnh tật” với sự tham gia của những đại diện ngành khoa học về não trên toàn thế giới.
Trong một bài phỏng vấn, bà cho biết bộ não của bà còn hoạt động rất tốt ở tuổi 100: “Tôi vẫn có những phát minh xung quanh chất NGF mang đến cho tôi giải Nobel mà tôi đã phát hiện 50 năm về trước”. Được hỏi về bí mật của sự trường thọ, bà tiết lộ: “Đó là luôn luôn suy nghĩ. Có điều, đừng nghĩ đến tuổi tác, đừng nuối tiếc điều gì và đừng nghĩ đến bản thân mình. Đó là thông điệp duy nhất mà tôi muốn gửi đến mọi người”.
Bà nhắc nhở những người trẻ: “Tôi muốn nói với các bạn trẻ: Đừng nghĩ đến mình, mà hãy nghĩ đến những người khác, nghĩ đến tương lai đang chờ đợi phía trước, nghĩ đến những gì mình có thể làm được và chẳng có bất cứ điều gì làm mình phải sợ hãi”.
Cuối tháng tư vừa qua, bà đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 102. Tất nhiên, thời gian đã làm mắt đã mờ, tai đã nghễnh ngãng, chân tay đã chậm chạp, nhưng mỗi lần nói về khoa học, bậc “đại lão Nobel gia” sống quá giới hạn của một đời người theo lẽ thường, vẫn sôi nổi, say mê.
Chẳng thế bà quên cả xây dựng một mái ấm riêng tư để dành trọn đới cho “Nó”. Hàng ngày, bà vẫn dậy vào 5 giờ sáng, cả ngày chỉ ăn một bữa trưa, tối nhấm nháp một ly cam vắt hoặc súp loãng. 11 giờ đêm lên giường ngủ. Và suy nghĩ, suy nghĩ không ngừng.

Theo Vietnamnet

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Chủ nhật Tháng 7 03, 2011 6:00 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến5 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010