Diễn đàn Sinh vật rừng Việt Nam https://vncreatures.net/forum/ |
|
Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng https://vncreatures.net/forum/viewtopic.php?f=15&t=695 |
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang |
Người gửi: | vnreddevil [ Thứ 2 Tháng 11 05, 2007 11:19 am ] |
Tiêu đề bài viết: | Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng |
Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng Đây là lần thứ hai tôi về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng. Vào thời điểm này năm ngoái, tôi đến đó thăm người bạn nhân tiện hỏi chỗ đi bắt cá nhưng rút cuộc chỉ mua được vài con mà thôi. Sau này tôi còn đi bắt cá ở Rạch Gòi, Phụng Hiệp, Hậu Giang rồi lại được Kiatisak tặng vài con lia thia mang xanh Kiên Giang nhưng chúng không có nhiều màu ánh kim bằng mấy con tôi mua trước đây ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Lần này tôi dự định đi bắt cá ở nơi khác, chẳng hạn như Trà Vinh, nhưng vì không sắp xếp được người hướng dẫn nên tôi quyết định trở lại Sóc Trăng. Tôi rất ấn tượng với cá lia thia ở Sóc Trăng nên muốn kiếm vài con để lai tạo vì những con tôi mua năm ngoái nhảy ra khỏi lọ chết hết trơn. Muốn kiếm cá lia thia thì bạn nên nhờ người ở địa phương dẫn đi, bằng không thì cơ hội kiếm được cá là rất nhỏ. Còn một cách nữa là quan sát xem có chỗ nào nhốt… gà đá thì vô đó hỏi về cá lia thia. Đúng như lời của cụ Vương Hồng Sển: “Mùa hạn, thì chơi gà. Mùa ướt, gà đổ lông, thì day qua đá cá”, hễ đá gà thì thường “kiêm” luôn đá cá (gọi “tay gà, tay cá” là vậy). Chọn những nơi đó mà hỏi thì khả năng tìm được thông tin về cá lia thia là rất cao, thậm chí họ còn có thể biết đồng nào thì có cá đá hay, đồng nào có cá đá dở. Đương nhiên, vì mình sưu tầm để nuôi làm cảnh nên chỉ quan tâm chỗ nào có cá đẹp thôi. Chiều thứ năm 13-9-2007, tôi bắt chuyến xe đêm về Sóc Trăng. Đi buổi tối vừa nhanh, mát mẻ mà lại có thể tranh thủ thời gian để hôm sau khởi hành đi bắt cá từ sáng sớm. Xã Phú Tâm – Huyện Kế Sách Sáng hôm sau 14-9-2007, tôi và người bạn đi xe máy đến xã Phú Tâm, cách trung tâm Sóc Trăng khoảng 10 km. Thông tin từ “cơ sở” báo rằng ở đó có hội đá cá lia thia, chúng tôi hy vọng có thể hỏi thăm và kiếm người dẫn đi bắt cá lia thia đồng. Từ đường lộ, chúng tôi quẹo phải vào chợ xã rồi băng qua cây cầu nhỏ đến một cửa hàng bán phân bón và thuốc trừ sâu nằm đối diện với chợ qua bờ kênh. Người báo tin là con trai của chủ cửa hàng bận công chuyện đột xuất nên chúng tôi ngồi đợi ở đó. Một góc chợ xã Phú Tâm. Một ngôi nhà cổ gần trăm năm tuổi. Một lát có cô gái đến dẫn chúng tôi vô xóm sâu ở bên trong để gặp mấy anh em chơi cá đang tụ tập uống cà phê. Chúng tôi bèn bắt chuyện làm quen và hỏi thăm về cá lia thia đồng. Sau vài phút dè dặt ban đầu, mọi người trở nên cởi mở hơn vì đều có mối quan tâm chung. Tôi tin là nếu Dthong ở đó, anh sẽ thu thập được rất nhiều thông tin thú vị về hoạt động đá cá ở địa phương. Cao hứng, vài người còn dẫn chúng tôi đi thăm chỗ nuôi cá của họ, mỗi người trữ xấp xỉ hai chục con lia thia đồng mang xanh để dành đá độ. Đàm đạo về cá lia thia bên ly cà phê. Một "trang trại" cá. Cá lia thia được nuôi trong đủ mọi loại lọ chẳng hạn chai nước biển cắt cổ (phần cổ cắt rời được sử dụng làm nắp đậy). Một kệ đặt lọ cá. Lưu ý vợt vớt cá nhỏ treo ở dưới được làm từ dây kẽm và bao nhựa đen. Chúng tôi làm quen với anh Tín, tài xế xe tải, vì hôm đó không có chuyến hàng nên tôi nhờ anh dẫn đi bắt cá lia thia đồng. Chúng tôi đi dọc theo con đường dẫn đến trung tâm huyện Kế Sách, một bên là kênh lớn, một bên là ruộng lúa và nhà dân. Tín khoát tay chỉ vào rạch nước bên cạnh các ruộng lúa và nói rằng ở đấy có rất nhiều cá lia thia đồng. Được một đoạn anh biểu ngừng trước nhà người quen, anh nói cá lia thia ở ao rau muống cạnh nhà rất “tốt tướng” tức màu sắc, kì cờ rất đẹp. Đúng là thứ cá mà chúng tôi tìm kiếm. Anh nhờ chủ nhà bắt dùm một số cá lia thia đồng, sau đó chúng tôi ra quán uống nước. Tôi thấy cá ở đó đen thui như nước ao và có rất nhiều màu ánh kim. "Bên bờ ao nhà mình". Một tổ bọt trong bẹ dừa nước. Đây chắc chắn là con cá đực dữ nhất ao. "Trong ao rau muống nhà mình". Sau đó, chúng tôi lại đi bắt cá ở một khu ruộng, mà theo lời Tín, đã bỏ hoang trên chục năm, cá lia thia ở đó nhạt màu hơn ở ruộng rau muống. Theo tôi, các màu nền ở cá lia thia mà mọi người thường gọi như lia thia mun, lia thia sáp và lia thia trắng chẳng qua là do tác động của môi trường, tất cả đều là cá lia thia mang xanh mà thôi, một khi bạn bắt và đem nuôi trong lọ thì chúng sẽ sáng dần lên, bằng không thì các thế hệ lai tiếp theo của chúng cũng sẽ như vậy. Giống như lần đi bắt cá hồi đầu năm, ruộng đó cũng có loại cỏ mà tôi gọi là “cỏ lưỡi dao”, may mà lần này cảnh giác hơn nhưng chân cũng bị cứa khá nhiều chỗ. "Đi bắt cá sướng thiệt!" Kiểm tra chiến lợi phẩm. Qua anh Tín, chúng tôi được biết hội đá cá lia thia diễn ra vào mỗi buổi chiều ở gần chợ xã. Chúng tôi chạy xe đến chợ huyện Kế Sách ăn bún nước lèo, hẹn 2 giờ trưa quay lại nhờ anh dẫn đi coi đá cá. Một hội đá cá lia thia Khoảng một giờ chiều chúng tôi trở lại nhà Tín ở xóm chợ Phú Tâm. Lúc này, trời đang đổ mưa tầm tã nên tôi hơi lo lắng không biết hội đá cá có nhóm họp nổi không. Tín cho biết vào mùa này hội đá cá trong xóm tụ tập vào mỗi buổi chiều, thậm chí có nơi còn tụ tập cả ngày! Anh giải thích trò đá cá là một hoạt động giải trí mang tính “dân gian” và “truyền thống” chớ không nhằm mục đích cờ bạc vì tiền cáp rất thấp, mỗi độ khoảng 10 – 20 ngàn thôi. Nhà Tín có một kệ cá khoảng 20 con lia thia đồng nuôi trong chai nước biển đã được cắt cổ và mài cạnh. Vào giai đoạn cao trào của mùa đá cá, có khi anh trữ đến 50 chục con mà vẫn không đủ để đem đi đá vì vậy anh thường xuyên đi săn lùng cá lia thia và tất nhiên phải biết chỗ nào có cá và chúng đá hay, dở ra sao. Cá thua trận được phóng thích ra kênh rạch còn cá thắng trận hoặc đá hay, ăn nhiều độ được đem thả ở một vị trí bí mật để năm sau quay lại vớt đem đi đá tiếp. Tín ngâm cá bằng nước lá bàng và cho ăn lăng quăng một cách có định lượng để chúng xung và săn chắc trước khi đem đi đá. Lần này, anh chọn 3 con cá “mén” tức cá non. Anh nói tuy cá nhỏ con nhưng thực ra chúng rất già tuổi do bị nuôi ép, như vậy nếu đem cáp đá với cá cùng kích thước và non hơn thì có nhiều khả năng chiến thắng. Cá đựng trong keo để chuẩn bị đem ra trường đá. Trời còn mưa lâm râm nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi ra trường đá cá. Trường cá là chòi nuôi vịt cách đó không xa. Khi chúng tôi đến thì đã có khoảng gần 20 người tụ tập sẵn ở đó rồi. Mọi người đều là hàng xóm và biết nhau hết, chỉ có chúng tôi là người lạ. Nếu coi đây là hội off thì nó được tổ chức hàng ngày, kéo dài cả buổi và hoàn toàn tự giác (không cần phải mời hay gọi điện nhắc). Một cái cối xay cũ bằng đá được đặt chính giữa vòng người, một chai nước biển (cắt cổ) có đáy đặt vừa khít với lỗ trên cối xay và bên cạnh là cục đá để dằn nắp chai. Vậy là trường đấu đã sẵn sàng, mọi người bắt đầu đem cá ra cáp. Tiếng cười nói, bình phẩm râm ran khắp nơi. Mọi người cáp cá theo cách quan sát từ bên trên và cũng làm đại khái thôi vì khi thả vô keo để đá thì tôi thấy có con bản rộng, vây xòe ra to hơn nhiều so với đối thủ. Các trận đấu thường diễn ra rất nhanh trong vòng 1-2 phút, trận lâu nhất tôi thấy cũng khoảng 4-5 phút thôi. Cá lia thia khởi đầu rất từ tốn, chúng không lao vào cắn nhau ngay như cá Xiêm. Chỉ có một hai con bị cắn rách đuôi và không con nào bị thương tích nghiêm trọng, chúng thường diễu võ dương oai nhiều hơn là cắn. Đôi khi con nhỏ lại đá thắng con to hơn nên mọi người không so đo về kích thước cho lắm. Có điểm kỳ lạ đó là con cá thắng một độ được giữ lại để đá độ kế tiếp. Tôi thấy có con thắng 3 độ liên tiếp chừng đến độ thứ tư thì bị thua. Đá xa luân chiến kiểu này không con cá nào chịu nổi. Tín giải thích rằng cá đá mỗi độ khoảng 1-2 phút, nếu người chủ thấy cá chưa mệt thì để đá tiếp, bằng không muốn thì bắt ra cũng được. Cuộc vui càng lúc càng sôi nổi, tùy theo diễn tiến của trận đấu mà tiếng bình phẩm, “phóng”, “bắt” râm ran khắp trường đấu. Những người không có cá vẫn có thể tham gia cáp độ như thường, Tín gọi đó là kiểu đá “hàng xáo”. Mỗi độ, người chiến thắng nộp 2 ngàn đồng “tiền xâu” cho chủ trường. Anh nói đúng, không khí nhìn chung rất vui vẻ, không có ai đặt nặng việc ăn thua. Có ai đem lai cá lia thia với cá Xiêm để tăng độ bền không? Câu trả lời là có, mọi người đều ý thức được việc này. Cá lia thia lai hay thậm chí cá Xiêm vẫn có thể cáp được với cá lia thia như thường nhưng phải chấp về kích thước hay thời gian. Tức là cá lai hay cá Xiêm phải nhỏ hơn cá lia thia hoặc phải đá thắng cá lia thia trong một thời gian nhất định. Nếu có người lai cá biệt dạng tức trông bề ngoài giống hệt với cá lia thia thì sao? Cũng không sao, bởi nếu bạn thắng độ hoài thì mọi người sẽ chạy mặt hết. Vả lại, tiền độ không đáng kể nên không ai bỏ công lai biệt dạng làm gì cho mệt. Chừng quan sát được khoảng chục độ, cảm thấy đã mãn nhãn nên chúng tôi chào mọi người ra về trong khi cuộc vui đang vào giai đoạn cao trào. Khi đi ra, tôi thấy vẫn có người đang đem cá vào trường đấu. Chỉ tiếc không chụp được tấm hình minh họa nào vì Tín đã dặn trước rằng không nên chụp hình, kẻo mọi người lo lắng. Lâm trường Mùa Xuân Trong khi trao đổi với chúng tôi, anh Tín có nhắc đến loại cá lia thia được một ông già bắt ở rừng tràm cách đó khoảng 30 cây số đem bán dạo trong xóm. Ngày hôm sau 15-9-2007, chúng tôi đi đến chợ Phụng Hiệp để hỏi thăm về rừng tràm bởi ở miền Tây, chợ cũng là đầu mối thông tin! Hồi đầu năm chúng tôi đã đến Rạch Gòi, Phụng Hiệp bắt cá lia thia nhưng đi từ hướng ngược lại, tức là từ Cần Thơ. Hỏi lần dò rồi chúng tôi cũng biết hướng đến rừng tràm, thậm chí còn biết trong chợ đang có hội tụ tập đá cá lia thia lai. Rừng tràm nằm cách chợ Phụng Hiệp khoảng 10 km, về phía Sóc Trăng. Từ lộ chính chúng tôi quẹo vào một cây cầu giống như cầu chữ Y và đi thêm khoảng 3 km nữa là đến rìa ngoài của rừng tràm. Dọc hai bên con đường nhỏ có lác đác một số nhà dân, hỏi thăm một hồi chúng tôi cũng gặp được một gia đình chuyên bắt và bán cá lia thia. Họ cử cậu con trai nhỏ tên là Nhí đi bắt cá cho chúng tôi. Em bắt một lát được mấy chục con cá lớn nhỏ. Cá ở đấy cũng đen thui giống như cá ở ao rau muống hôm trước. Tôi thấy một con cá bị cụt đuôi nhưng nghĩ là do bị cắn nên có thể đem về dưỡng lại. Sau này tôi mới biết đó là quyết định sai lầm, con cá bị nhiễm bệnh, nó đã lây và làm một số cá khác bị chết. Tôi phải mất khá nhiều công sức cách ly và chữa trị cho chúng mà đáng ra không phải làm như vậy nếu tôi vứt con cá bị bệnh đi ngay từ đầu. “Rừng tràm” chính là lâm trường Mùa Xuân được thành lập từ sau năm 1975 trên vùng đất hoang, nghe nói nó tiếp giáp với lâm trường Phương Ninh, tức “Lung Ngọc Hoàng” khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở tỉnh Hậu Giang. Người ta đào kênh dẫn nước xung quanh và ngang dọc lâm trường để cung cấp nước cho cây và chữa cháy, lâu ngày lục bình, cỏ dại mọc đầy ở đó làm thành nơi trú ngụ lý tưởng cho cá lia thia. Một vài gia đình chuyên bắt cá lia thia để bán cho dân đá cá quanh vùng. Theo lời Tín, cá ở lâm trường đá cũng tàm tạm, không hay, không dở. Em Nhí nói xung quanh xóm đó không có ai đá cá hay lai cá đồng với cá Xiêm nên tôi hy vọng cá ở đấy còn thuần chủng. Tôi sẽ gửi cá này cho Dthong làm giống. Cầu chữ Y ở Hậu Giang, đường đi vào lâm trường. Lâm trường Mùa Xuân, Phụng Hiệp, Hậu Giang. Em Nhí đang bắt cá. Cá lia thia đồng rặt ở đâu? Trước đây tôi từng nghĩ rằng không còn ai đá cá lia thia mà chuyển sang đá cá Xiêm hết. Điều đó không đúng bởi vì ngày càng có nhiều thông tin cho thấy hoạt động đá cá lia thia vẫn diễn ra âm thầm trong các thôn xóm trong vùng phân bố của cá lia thia. Các trận đấu cá lia thia vui hơn vì diễn ra rất chóng vánh thay vì kéo dài lê thê như đá cá Xiêm. Nhưng nếu có chỗ nào đá độ ăn tiền lớn thì tôi tin rằng người ta sẽ chọn đá cá Xiêm. Hoạt động đá cá lia thia lại là động lực thúc đẩy việc lai tạp với cá Xiêm. Một mặt người ta muốn trận đấu diễn ra chóng vánh, nhưng một mặt người ta lại muốn cá của mình đá dai hơn cá đối phương để giành phần thắng. Ban đầu có thể chỉ một số ít người biết nhưng nay thì điều này không có gì là bí mật nữa. Chính anh Tín cũng gửi một bầy cá lai ở nhà người bạn để năm sau có cá đem đi đá. Bầy cá lai được quây trong một cái hố rộng mỗi chiều khoảng 1 m ở ngay cạnh ao rau muống. Điều gì đảm bảo rằng chúng không thoát ra ao rau muống bên cạnh? Như vậy, trong khi hoạt động đá cá góp phần “bảo tồn” cá lia thia thì nó cũng đồng thời hủy hoại nguồn gen lia thia thuần chủng. Môi trường sống của cá lia thia ngày nay bị thu hẹp rất nhiều, chúng trú ngụ xen kẽ trong các khu dân cư nơi diễn ra các hoạt động đá cá. Có thể tạm kết luận rằng, cá lia thia ở những nơi như vậy đều là cá lai tạp. Cá lai được nuôi trong hố riêng bên cạnh ao rau muống, nơi có cá lia thia sinh sống. Vài hình ảnh về cá lai F1. (Trái) Cá lai với miệng và đầu rất to. (Phải) Cá lai bị nhiễm quá nhiều màu đỏ lên nắp mang và các vây. Vậy ở đâu có cá lia thia rặt tức lia thia đồng thuần chủng? Theo suy luận của tôi, chỉ có những khu rừng nguyên sinh tức không có người sinh sống cả trăm năm nay mới có thể còn cá lia thia thuần chủng. Tôi đem ý kiến này hỏi một chuyên gia về rừng thì được biết ở miệt đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn hai nơi hội đủ điều kiện như vậy là Cà Mau và U Minh. Cà Mau gần biển, nguồn nước bị nhiễm mặn nên đương nhiên không có cá lia thia, vì vậy cá lia thia đồng rặt nếu còn chỉ có thể ở sâu trong rừng U Minh mà thôi. Nếu có dịp, chắc tôi phải về đó một chuyến! |
Người gửi: | phieu110910 [ Thứ 7 Tháng 9 25, 2010 11:17 am ] |
Tiêu đề bài viết: | Re: Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng |
cá lia thia này có phải là loại cá mà bọn trẻ con hay nuôi để chơi đá cá phải ko vậy bác? mini bins heating and cooling scarborough |
Bạn đang xem trang 1 / 1 trang | Thời gian được tính theo giờ UTC + 7 Giờ |
Powered by phpBB © 2000, 2002, 2005, 2007 phpBB Group http://www.phpbb.com/ |