Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 5 Tháng 11 21, 2024 5:56 pm



Gửi bài trả lời  [ 3 bài viết ] 
 Những câu hỏi thú vị về côn trùng (phần 1) 
Người gửi Nội dung
Site Admin

Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 9 01, 2003 9:33 am
Bài viết: 94
Đến từ: School of Chemical and Bioengineering, Ulsan University, Korea
Gửi bài Những câu hỏi thú vị về côn trùng (phần 1)
Những câu hỏi thú vị về côn trùng
Mèo con - Sưu tầm

Vì sao ong chúa sống lâu gấp 10 lần ong thường?
Có thể bạn sẽ nói rằng, ong chúa sống lâu bởi nó to gấp 3, gấp 4 lần những con ong thợ khác. Hoặc vì nó có nhiệm vụ đẻ trứng và duy trì nòi giống cho cả đàn, nên không được phép chết non... Tuy nhiên, không hẳn đúng như vậy.
Trong đàn thường có 3 loại ong: Thứ nhất là ong thợ. Đó là những con cái không có khả năng sinh đẻ. Chúng chiếm số lượng đông nhất trong đàn, và chuyên đảm nhận những công việc nặng nhọc như xây tổ, kiếm mồi, chăm sóc ong con, chống kẻ thù. Loại thứ hai là ong đực. Chúng cũng phải kiếm ăn và xây tổ, nhưng ít nặng nhọc hơn ong thợ. Và thứ ba là ong chúa.
Trong đàn chỉ có ong chúa là có quyền đẻ trứng. Vì thế, nó được nâng niu và bảo vệ rất cẩn thận. Trong khi các con khác phải bươn trải bên ngoài để kiếm thức ăn, thì ong chúa chỉ nằm trong tổ, "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu". Nó được cung phụng loại mật hoa ngon nhất. Cho dù cả đàn ong phải nhịn đói thì ong chúa vẫn no đủ. Cả cuộc đời, ong chúa hầu như không phải chạm trán với kẻ thù. Có lẽ vì vậy mà ong chúa có thể sống hết tuổi thọ của nó (5-6 năm), trong khi các con ong khác chỉ sống được 6 tháng đến một năm mà thôi.

Vì sao trong bụng nhặng xanh có rất nhiều dòi ?
Khi bạn dùng vỉ đập chết một con ruồi nhà, trong bụng nó không có gì. Nhưng khi đánh một con nhặng xanh thì từ bụng nó thường chui ra rất nhiều dòi. Có người nói rằng vì nhặng xanh ăn phân, bụng thối rữa nên mới sinh ra nhiều dòi như vậy...
Có người lại bảo nhặng xanh ăn phải trứng ruồi, và trứng này nở thành dòi trong bụng chúng. Thực ra, cả hai cách nói này đều sai.
Ruồi nhà và nhặng xanh khác nhau ở chỗ: Ruồi nhà đẻ trứng còn nhặng xanh "đẻ con". Nói đúng ra, nhặng xanh không đẻ trứng mà đẻ ra ấu trùng: dòi. Bởi thế, trong bụng một con nhặng mẹ thường có rất nhiều dòi.
Trong thế giới côn trùng, hiện tượng "đẻ con" như nhặng xanh không phải hiếm. Ví dụ, loài rệp cây ký sinh trên các cây lương thực cũng đẻ ra ấu trùng. Tuy nhiên, hiện tượng "mang thai" của côn trùng khác hẳn với các loài động vật có vú. Trứng của động vật có vú rất nhỏ, nhỏ đến mức mắt thường khó nhìn thấy. Nhưng khi được thụ tinh, trứng này sẽ phát triển thành phôi, và phôi ngày một lớn dần thành thai non. Còn trứng của côn trùng lớn hơn rất nhiều, chất dinh dưỡng bên trong đủ nuôi để con non phát triển, không cần mẹ. Thực tế, hiện tượng "đẻ con" của côn trùng chỉ là giả, và về bản chất, nó không khác gì đẻ trứng, chỉ khác chăng một đằng là con non nở trong bụng mẹ, một đằng là nở ở ngoài mà thôi.

Bọ chét - nhà vô địch nhảy cao
Một con bọ chét dài chưa đầy 1,5 mm, nhưng chỉ bằng một cú nhảy, nó có thể tiến xa hơn 30 cm, hoặc nhảy cao tới 19 cm. Hãy tưởng tượng: Nếu là bạn, độ cao mà bạn phải vượt qua là tòa nhà chọc trời... 65 tầng!
Sức mạnh phi thường của bọ chét tập trung trong các chân sau. Chúng có thể nhảy cao gấp 100 lần chiều cao cơ thể, rất có lợi trong việc di chuyển từ "chủ" này sang "chủ" khác.
Bọ chét thường sống trong bộ lông của các động vật hoặc trên da người. Cơ thể của chúng dẹt nên luồn lách một cách dễ dàng qua các sợi lông. Lớp da của chúng rất cứng, không dễ gì đè bẹp được. Chúng không có cánh, song các chân sau rất lớn, là bộ phận đóng vai trò tạo lực nhảy.

Vì sao muỗi thích đốt người mặc đồ sẫm màu?
Đôi khi bên bàn ăn, bạn bị muỗi đốt chí tử, trong khi nhưng người khác vẫn bình an vô sự. Có thể bạn cho rằng máu mình "ngọt" hơn, nên chúng thích tìm đến. Thật ra, đó là vì màu quần áo bạn rất hợp "gu" của chúng.
Khả năng phân biệt màu sắc nằm ở đôi mắt muỗi. Đôi mắt này rất to, chiếm tới ¾ diện tích phần đầu, gồm nhiều mắt nhỏ ghép thành, gọi là “mắt ghép”. Mắt muỗi không những phân biệt được các vật khác nhau mà còn có thể nhận biết màu sắc và cường độ ánh sáng mạnh yếu.
Đa số các loài muỗi đều thích ánh sáng mờ; tối quá hoặc sáng quá đều không hợp "gu" của chúng. Khi chúng ta mặc quần áo sẫm màu, ánh phản quang hơi tối rất hợp với tập tính hoạt động của muỗi. Ngược lại, quần áo màu trắng phản quang mạnh sẽ xua đuổi muỗi tránh xa. Vì thế, người mặc quần áo sẫm màu dễ bị đốt nhiều hơn.
Đương nhiên do muỗi có nhiều loài khác nhau nên cường độ ánh sáng ưa thích của mỗi loài không giống nhau. Ví dụ, phần lớn loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày, còn các loài muỗi khác thích hoạt động vào lúc sẩm tối hoặc rạng sáng. Nhưng dù là loài muỗi nào, chúng cũng đều lẩn tránh nơi có cường độ ánh sáng cao. Ngay cả loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày thì cũng phải sau 3-4 giờ chiều mới tung hoành.
Cần phải nói rằng các cơ và gân chân của bọ chét rất khỏe. Hơn nữa, ở đó còn có một chất dạng cao su. Khi bị nén lại rồi đột ngột thả ra, chất này đã giúp cho bọ chét nhảy lên với một lực rất mạnh.

Có thật kiến là những kẻ lao động gương mẫu?
Nhiều người từng ca ngợi kiến chăm chỉ, có tinh thần tập thể cao, là tấm gương sáng mà con người cần học tập! Sai. Thực tế, kiến không hề biết có bạn bè, mà con nào con nấy chỉ biết chăm chăm vào việc của mình, cản trở lẫn nhau. May thay, định luật tổng hợp lực đã giúp những hành động hỗn loạn của chúng thành ra có vẻ hợp lý.
Trong cuốn "Bản năng", nhà động vật học Elaxit viết: "Nếu có hàng chục con kiến tha miếng mồi trên mặt đất phẳng lỳ, thì hết thảy bọn chúng đều cố gắng như nhau, và nhìn bề ngoài, ta tưởng rằng chúng đồng tâm hiệp lực lắm. Nhưng khi miếng mồi ấy, con sâu chẳng hạn, vướng phải một cọng cỏ hoặc một hòn đá nhỏ, không thể kéo thẳng đi được, mà phải kéo vòng quanh, thì bạn sẽ thấy ngay rằng con nào con nấy chỉ biết việc của mình, không biết phối hợp với nhau để vượt chướng ngại vật. Con kéo về bên phải, con kéo về bên trái, con về đằng trước, con kéo giật lùi. Chúng chạy lăng xăng từ chỗ này qua chỗ khác, cắn vào mình sâu, chú nào chú nấy cứ thế đẩy và kéo theo ý riêng. Đến khi tình cờ chúng tìm ra một hợp lực vì 6 con đẩy về một phía, còn 4 con kéo về một phía khác, thì rốt cục mồi di chuyển về phía đẩy của 6 con kiến kia. Thế là chúng tìm được lối thoát, dù 6 con cứ việc đẩy còn 4 con kia cứ việc cản".
Bây giờ chúng ta có một miếng phó mát và 40 con kiến tha miếng phó mát ấy. 20 con ở đầu A, 10 con ở đầu B, và mỗi bên có 5 con. Người ta có thể tưởng tượng ra một kiểu cộng tác lý tưởng là 20 con ở đầu A kéo, 10 con ở đầu B đẩy, còn 10 con ở hai bên thì huých vai, cùng đưa miếng phó mát về phía trước. Tuy nhiên, khi dùng con dao gạt hết 10 con kiến ở phía sau đi thì miếng phó mát lại chuyển động nhanh hơn! Thì ra 10 con ở phía sau không đẩy mà cứ kéo miếng phó mát về phía mình. Kiến chẳng hợp tác gì cả, mà con nào cũng ra sức kéo miếng mồi về phía nó theo bản năng chiếm hữu. Thực tế, để tha miếng phó mát chỉ cần 10 chú kiến biết hợp sức kéo về một phía là đủ, 40 con kiến chỉ cản trở nhau thêm.
Trong một truyện ngụ ngôn, Mark Twain đã kể về cuộc gặp gỡ giữa hai con kiến và một cái càng châu chấu như sau: "Mỗi con cắn một đầu và ra sức kéo về hai phía ngược nhau. Cả hai đều nhận thấy tựa hồ có gì không ăn khớp, nhưng rút cục chúng chẳng hiểu tại sao. Thế rồi chúng cãi nhau và đánh nhau... Về sau, chúng làm lành với nhau và lại bắt đầu cái công việc cộng tác vô nghĩa này.
Nhưng bây giờ người bạn bị thương trong cuộc đánh lộn lại trở thành một chướng ngại vật: Nó không chịu bỏ mà cứ bám chặt lấy miếng mồi. Con kiến khoẻ mạnh kia phải gắng hết sức mới tha được cả miếng mồi lẫn người bạn bị thương về tổ".
Kết thúc câu chuyện, Mark Twain châm biếm: "Chỉ qua con mắt của những nhà vạn vật học thiếu kinh nghiệm, toàn đưa ra những kết luận mơ hồ, thì kiến mới là kẻ lao động gương mẫu".

Vì sao ruồi bay có tiếng, nhưng bướm lại không?
Khi ruồi muỗi lượn quanh, từ xa, bạn đã nghe thấy tiếng “động cơ” vo vo của chúng. Nhưng bướm thì dù có ghé sát tai vào bạn cũng không thể nghe được gì cả. Phải chăng ruồi muỗi có cơ quan "phát thanh" đặc biệt?
Thật ra, tiếng kêu đó chỉ là do dao động do cánh gây ra mà thôi. Để chứng minh vấn đề này, chúng ta hãy làm thí nghiệm sau: lấy một mảnh tre mỏng rồi khua lên khua xuống trong không khí. Nếu khua nhẹ, bạn sẽ không nghe thấy gì, nhưng nếu khua mạnh, sẽ có tiếng vù vù rất rõ.
Âm thanh truyền đến tai ta là do tai cảm nhận được các dao động trong không khí. Tuy nhiên, ta chỉ có thể nghe được những rung động có tần số từ 20 đến 20.000 lần mỗi giây. Nếu thấp hoặc cao hơn khoảng này chúng ta đều không nghe thấy. Điều đó giải thích vì sao mảnh tre khua chậm thì im hơi lặng tiếng, nhưng khi khua nhanh sẽ tạo ra tiếng xé gió vù vù.
Côn trùng khi bay phát ra âm thanh cũng giống như nguyên lý kể trên. Các nhà khoa học cho biết, mỗi giây, ruồi nhặng vỗ cánh từ 147-220 lần, muỗi là 594 lần, thậm chí có loài còn vỗ 1000 lần, ong mật vỗ 260 lần. Nhưng bướm trắng thì chỉ lập lờ có... 6 lần, bướm gai 5 lần. Chính vì thế mà chúng bay hoàn toàn yên lặng.

Dế có kêu bằng miệng không?
Buổi tối mùa thu, trong lùm cỏ, dưới góc tường thường phát ra tiếng tuýt tuýt của con dế. Điều thú vị là tiếng kêu này không phải được phát ra từ miệng của nó, mà thông qua sự ma sát lẫn nhau của đôi cánh.
Dế trưởng thành đều có hai đôi cánh. Cánh trước tương đối cứng, có tác dụng phát tiếng kêu và bảo vệ cơ thể. Cánh sau mềm có tác dụng bay lượn. Cánh trước của dế đực thông thường có các loại gân cánh đan xen ngang dọc hoặc song song, giữa gân cánh hình thành cửa sổ cánh trong suốt. Một đường gân của hai cánh trước rất to, trở thành cơ quan phát âm của loài dế. Còn phía dưới gân ngang của cánh phải trước có một loạt mấu răng cưa nổi lên, hình thành âm răng.
Khi dế đực kêu, âm răng của cánh phải trước và gân ngang của cánh trái trước không ngừng cọ xát vào nhau, lôi kéo sự cộng hưởng của cửa sổ cánh trong suốt, làm phát ra âm thanh (giống như chiếc cung của đàn violon không ngừng ma sát vào dây đàn). Khi dế sống ở trong hang, khe gạch, kẽ đá, nhờ tác dụng phóng thanh của nơi ở, tiếng kêu sẽ càng vang hơn.

Tại sao đa số côn trùng không thể đi đường thẳng?
Với 2 chân, gà đi hơi lắc lư, nhưng vì khoảng cách giữa các bước khá đều, nên nó đi thẳng. Có 4 chi bằng nhau, dê, lợn trâu, bò, ngựa cũng đi rất "nghiêm chỉnh", do hai cặp chân trái phải hoạt động ăn ý. Tuy nhiên, đại đa số côn trùng lại đi theo đường zíc zắc.
Côn trùng là động vật có 6 chân, phân đều ở hai bên (mỗi chân lại chia thành 5 mấu nhỏ). Trong số đó, có một đôi chân ngắn phía trước, một đôi chân dài phía sau và một đôi ở giữa. Khi chúng bò, 6 chân này vừa không thể di chuyển đồng thời, cũng không thể cùng lúc di chuyển 3 chân ở một phía của cơ thể, nếu không thì sẽ làm cho cơ thể treo lơ lửng trên không hoặc là nghiêng ngả.
Chính vì thế, côn trùng đã khéo léo phân 6 chân thành 2 nhóm: Nhóm 1 gồm: một chân phải phía trước, một chân trái giữa và một chân phải sau. Nhóm 2 gồm: một chân trái trước, một chân phải giữa và một chân trái sau.
Khi côn trùng bò lên một bước, cơ thể được một nhóm chân đỡ, nhóm chân còn lại hơi nhấc lên khỏi mặt đất, tiến về phía trước. Như vậy, cơ thể của côn trùng giống như được một chiếc "kiềng 3 chân" rất vững chắc và cân bằng.
Trong một bước như vậy, chân trên cùng trong nhóm duỗi ra phía trước, móc của nó bám chặt vào các chỗ lồi lõm trên mặt đất, có tác dụng kéo về phía trước. Chân giữa ở phía bên kia, và đặc biệt là chân sau ở cùng phía với chân trước liền hết sức duỗi các đốt ra, đẩy cơ thể lên phía trước. Do chiều dài của chân trước và chân sau không giống nhau, khi chân sau dùng sức đưa về phía trước thì sẽ đẩy chân giữa và cơ thể rời khỏi mặt đất lệch khỏi đường thẳng, làm cho trục giữa của cơ thể nghiêng đi. Khi chân trước của nhóm kia nhấc lên, làm cho cơ thể tiến lên phía trước, thì nó duỗi theo hướng ngược lại với cơ thể, chân sau dùng sức đẩy lên, lại xoay cơ thể theo hướng khác. Như thế, côn trùng đã bò về phía trước ngoằn ngoèo thành hình ziczắc.
Côn trùng rời khỏi mặt đất, khi bò lên thân cây tương đối xù xì cũng ngoằn ngoèo không thành đường thẳng. Nếu cành cây tương đối nhỏ, thì nó bò xoay tròn về phía trước trên cành cây. Đây đều là do khoảng cách giữa chân trước và chân sau đẩy về phía trước không giống nhau gây ra.

Quyền lực của ong chúa nằm ở đâu?
Khi xem xét đặc điểm xã hội của loài ong, các nhà khoa học đã ngỡ ngàng về vai trò tuyệt đối của ong chúa đối với vài chục vạn thần dân của mình. Nhưng, khi người ta làm cho tuyến nước bọt của ong chúa ngừng hoạt động, mọi quyền hành của nó cũng biến mất…
Thì ra, “vũ khí bí mật” khiến ong chúa có uy lực rất mạnh để không chế và điều khiển thần dân chính là… nước bọt của nàng !
Các nhà côn trùng học ở Viện Bảo tàng tự nhiên Paris đã phát hiện ra điều này từ những 1960. Họ cho biết tuyến nước bọt của ong chứa chứa đựng một kho các chất hóa học. Khi được “bức xạ” vào không gian của loài ong, các chất này sẽ truyền tải thông tin đến từng con ong và mệnh lệnh sẽ được chấp hành triệt để. Thành phần của các hóa chất nước bọt vô cùng phức tạp. Người ta mới chỉ phân tích và biệt lập được trên 30 trong số hàng trăm chất khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã thử tước bỏ vũ khí bí mật của ong chúa, bằng cách làm ngừng trệ sự hoạt động của tuyến nước bọt. Kết quả là mọi quyền hành của nữ chúa biến mất, và lũ ong thợ cũng lập tức làm ngơ vị chúa tể của mình. Nhưng làm thế nào mà loại vũ khí ghê gớm kia tác động vào đàn ong? Điều này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Những năm 1990, một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Australia đã đặt nghi vấn về một thứ “vũ khí hóa học bí mật” đang ẩn giấu ở cơ thể con người. Khi nghiên cứu các đoàn thám hiểm sống lâu trên Bắc cực, những nhà khoa học thấy họ không thể ngủ được vào ban đêm, đầu óc thiếu sáng suốt, bị phân tán vào ban ngày và hiệu quả công việc rất thấp. Tuy nhiên, mọi biểu hiện trên sẽ được khắc phục nếu trong đoàn thám hiểm có vài thành viên là phụ nữ! Nhiều thử nghiệm được tiến hành, và kết luận được rút ra, là nếu toàn bộ cộng đồng nào đó đều có cùng giới tính, nghĩa là thiếu hẳn “bức xạ của các phức hợp hóa chất khác giới”, cộng đồng ấy sẽ rơi vào trạng thái lao đao không kiểm soát nổi chính mình.
Các chuyến bay vũ trụ dài ngày của những nhóm nam phi hành gia cũng gặp phải tình trạng y như ở đoàn thám hiểm. Và khi được bổ sung nữ phi hành gia, thì những “chứng bệnh vũ trụ” của các nam đồng nghiệp đều biến mất.
Như vậy, thứ “vũ khí hóa học” tương tự của nữ ong chúa có lẽ cũng đã tồn tại cả ở cơ thể người. Một khi khoa học giải mã được những bí mật của thứ vũ khí tuyệt vời đó, chúng ta sẽ có cơ hội cải thiện đời sống của loài người theo hướng có lợi nhất cho cộng đồng. Ví như, hướng mọi hoạt động của từng cá thể theo một chiều nhân văn nào đó, hay thu hút đám đông hành động vì lợi ích chung…


Thứ 5 Tháng 9 06, 2007 12:54 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi

Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 8 28, 2007 8:53 am
Bài viết: 3
Đến từ: CLB Em yêu thiên nhiên
Gửi bài 
cám ơn nhiều, em sẽ lấy mấy bài này là tư liêu. Khà khà khà


Thứ 6 Tháng 9 14, 2007 7:08 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi

Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 8 24, 2008 6:18 pm
Bài viết: 21
Đến từ: TPHCM
Gửi bài 
cho trả lời thêm câu hỏi số 1 dzới: con ong chúa sở dĩ sống lâu hơn là do nó có ưốn 1 thứ gọi là sữa ong chúa (em ăn rồi, mùi cực kì kinh dị nhưng khoẻ lắm :D)sữa này ngoài ong chúa ra không con nào khác được ưống ,sữa ong chúa cực kỳ bỏ và giúp sống lâu hơn nên nó sống lâu gấp 10 lần ong khác là bình thuờng


Chủ nhật Tháng 8 24, 2008 6:35 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 3 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010