felis bengalensis
Site Admin
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 9 01, 2003 9:33 am Bài viết: 94 Đến từ: School of Chemical and Bioengineering, Ulsan University, Korea
|
Những câu hỏi thú vị về động vật (phần 1)
Những câu hỏi thú vị về động vật
Mèo con - Sưu tầm
Động vật lưỡng cư không thích biển ?
Toàn thế giới có đến gần 3.000 loài vật lưỡng cư, phân bố ở khắp nơi, từ đồng ruộng, rừng sâu đến hoang mạc, từ đỉnh núi cao vài nghìn mét đến các thác nước xối xả, thậm chí trên cả... cành cây. Nhưng dường như ở biển, chúng là vị khách cực kỳ hiếm hoi. Chúng sợ gì?
Trước khi bình luận về tâm lý "sợ biển" của ếch nhái, bạn hãy làm thí nghiệm nhỏ sau. Dùng một túi nhỏ có màng mỏng bán thấm, trong túi đựng nước muối, sau đó ngâm túi vào nước sạch, ta thấy nước liên tục ngấm vào trong túi. Nhưng nếu cho nước sạch vào trong túi, thả túi vào nước muối, nước ở trong túi sẽ không ngừng chảy ngược ra ngoài.
Thí nghiệm đơn giản này nói lên nước trong dung dịch có nồng độ thấp, định hướng thẩm thấu đến dung dịch có nồng độ cao.
Động vật lưỡng cư là các loài sống được cả trên cạn và dưới nước. Lúc nhỏ, chúng giống như cá, thở bằng mang. Khi lớn, chúng sống trên cạn, thở bằng phổi. Cơ thể của động vật lưỡng cư hiện đại được phủ một lớp da nhẵn nhụi với nồng độ muối trong thể dịch và trong máu thấp hơn rất nhiều so với hàm lượng muối trong nước biển. Nếu động vật lưỡng cư xuống biển, do hàm lượng muối ở đây rất cao, cơ thể chúng sẽ bị rút một lượng lớn nước, gây chết.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, động vật lưỡng cư dù là trưởng thành hay ấu thể, nhìn chung không thể tồn tại lâu trong nước có nồng độ muối 10 phần nghìn. Trong nước có nồng độ muối cao hơn, chúng sẽ chết rất nhanh.
Vậy mà nồng độ muối của nước biển hiện nay nói chung đều vượt 20 phần nghìn, có nơi tới 42 phần nghìn. Vì vậy, tuyệt đại đa số động vật lưỡng cư không thể vượt qua biển, thậm chí ngay cả các vịnh hẹp chúng cũng bó tay, càng không thể sống ở biển được.
Hiện nay, chỉ có một vài loài ếch biển, sống ở bãi bùn ven đảo Hải Nam và một số nước Đông Nam Á.
Nhưng tại sao trên một số đảo lại có thể gặp các động vật lưỡng cư? Lý giải cho điều này có lẽ do từ xa xưa, các đảo từng là một phần của đại lục. Sau này, chúng mới tách khỏi đất liền, thành đảo. Nói chung, giống loài của động vật lưỡng cư trên đảo, so với đất liền thì ít hơn nhiều.
Giới tính của lươn: "Hai trong một"
Ở loài lươn, người ta nhận thấy hiện tượng những con lươn to, dài đều không có trứng, trong khi đó buồng trứng lại chỉ có mặt trong những con lươn nhỏ hơn, vì sao có chuyện ngược đời vậy nhỉ?
Đó là vì tính đực và cái của giống lươn hoàn toàn khác với các loài cá. Đa số các loài cá khi mổ ra nếu không có buồng trứng (cái) thì phải có tinh hoàn (đực), dù là cá nhỏ hay cá lớn. Sự khác biệt giữa giống cái và giống đực ở các loài cá rất rõ ràng và vĩnh cửu.
Đối với lươn thì khác hẳn. Từ khi trứng lươn nở thành lươn con, con nào cũng có buồng trứng. Nói một cách khác, tất cả lươn con là lươn cái. Nhưng khi các con lươn con lớn lên phát dục và đẻ trứng xong, buồng trứng của lươn bắt đầu có thay đổi. Các mô trước đây sản sinh ra tế bào trứng sẽ chuyển hoá thành túi sinh tinh trùng. Hiện tượng này trong khoa học gọi là “chuyển ngược giới tính”. Vì nguyên nhân đó nên những con lươn lớn đều là lươn đực.
Lươn cái đều biến thành lươn đực, vậy lấy gì để duy trì nòi giống của chúng?
Xin trả lời: Lươn nhỏ khi mới nở (đều là lươn cái) sau khi trưởng thành chỉ đẻ trứng một lần rồi biến thành lươn đực. Số lươn đực này sẽ giao phối với số lươn cái ra đời sau một thế hệ. Xét cả họ nhà lươn thì năm nào cũng có một lứa lươn cái đẻ trứng và mỗi năm đều có một thế hệ lươn cái nở từ trứng ra. Nhờ đó nòi giống lươn mới được duy trì.
Hiếm có nhưng không phải là duy nhất
Ở các động vật khác, hiện tượng thay đổi giới tính rất hiếm xảy ra. Trong giới động vật tuy cũng có hiện tượng này, nhưng chỉ xảy ra ở cá biệt một vài sinh vật.
Trong các loài cá, ngoài lươn có hiện tượng “chuyển ngược giới tính” còn có một vài loài cá tồn tại cả hai giới tính đực cái trong một cơ thể như cá thu, cá bướm. Cơ thể chúng có hai cơ quan sinh dục đực và cái. Loại cá này có thể tự thụ tinh và đẻ trứng. Ngay cả cá mè, đôi khi người ta cũng thấy có hiện tượng trong một con cá có cả một buồng trứng nằm trong túi tinh trùng. Hiện tượng lưỡng tính kiểu này rất phổ biến trong các loài động vật bậc thấp.
Tại sao chuột có đuôi dài?
Lẹ làng như các diễn viên xiếc thiện nghệ, họ nhà chuột chạy thoăn thoắt trên dây thừng hay trên một bề mặt hẹp. Để có thể giữ thăng bằng, chuột đã sử dụng chính chiếc đuôi của nó, đôi khi, dài bằng cả cơ thể. Rất nhanh, nó không ngừng đập đuôi sang hai bên.
Đuôi chính là công cụ thăng bằng tốt nhất của chuột. Cũng bằng chiến thuật này, họ nhà mèo đã "mọc" chiếc đuôi khá lê thê, hỗ trợ cho việc đi bộ trên hàng rào của chúng.
Một công dụng đặc biệt quan trọng khác của chiếc đuôi dài là điều hòa nhiệt độ cơ thể. Chuột có các mạch máu đặc biệt kiểm soát lượng máu lưu thông tới đuôi của nó. Khi trời nóng, trên lớp da đuôi có ít lông, máu chảy tới mang theo nhiệt độ, sau đó nhiệt sẽ toả ra khỏi cơ thể.
Chuột có thể đưa khoảng 0,1-10% lượng máu ra khỏi tim xuống đuôi. Trong điều kiện lý tưởng, nó có thể mất tới 20 % nhiệt trao đổi chất theo cách này. Ngược lại, trong thời tiết lạnh, nó sẽ hạn chế máu xuống đuôi để giảm sự mất nhiệt.
Thú vị là chiều dài đuôi của chuột một phần do môi trường nó sinh sống quyết định. Với người, thoát nhiệt dưới da cũng đóng một vai trò chính trong việc điều khiển nhiệt độ cơ thể.
Vì sao gà mái biến thành gà trống?
Thời Trung Quốc cổ đại có truyện “Đỗ kê tư thần” kể rằng, một buổi sáng có con gà mái đột nhiên gáy ò ó o khiến mọi người đều kinh sợ... Ngày nay khoa học có thể giải thích chuyện này, và thực tế gà mái quả là có thể biến thành gà trống thật!
Thực tế, không chỉ ở gà, mà ở nhiều loại động vật khác, thậm chí ngay cả ở người cũng có thể xảy ra hiện tượng này. Các nhà khoa học gọi hiện tượng chuyển hoá đực cái là “chuyển ngược tính biệt”.
Gà mái biến thành gà trống xảy ra sau khi buồng trứng của gà bị bệnh, không thể sản ra kích tố giới tính cái để ức chế túi tinh phát dục. Kết quả là túi tinh vốn bị thoái hoá lại có điều kiện phát triển và tiết ra kích tố đực, khiến cho gà mái mọc lông như gà trống, rồi cất tiếng gáy và thế là gà mái biến thành gà trống. Đây là hiện tượng phát dục tính biệt.
Nói chung sự phát dục tính biệt, cũng giống như mọi tính trạng khác, đều là kết quả tác động lẫn nhau giữa di truyền và ngoại cảnh. Ở những sinh vật có phân hoá đực cái đều có nhiễm sắc thể giới tính xác định chúng là cái hay đực. Nhưng khi còn nhỏ, sinh vật có thể phát dục theo cả hai hướng đực hoặc cái. Nếu môi trường trong và ngoài đặc biệt có lợi cho sự phát dục theo giới tính ngược lại, nó sẽ sản sinh ra kết quả “quái dị”. Đó là hiện tượng chuyển ngược tính biệt.
Chuyển ngược tính biệt có thể di truyền được không?
Đã có người lấy ếch châu Phi để thí nghiệm. Dưới ảnh hưởng của kích tố cái, toàn bộ ếch con đực phát triển thành ếch cái và chúng đều có thể đẻ trứng hoặc thụ tinh. Nhưng, nhiễm sắc thể giới tính của chúng vẫn là đực như cũ. Nếu cho những con ếch cái này giao phối thụ tinh, chúng sẽ đẻ ra toàn ếch đực. Bởi vì những con ếch cái chuyển ngược tính biệt này chỉ có thể sản sinh tế bào trứng mang nhiễm sắc thể Z, trong khi những con ếch đực bình thường cũng chỉ có thể sản sinh tinh trùng mang nhiễm sắc thể Z.
Vì vậy sau khi giao phối, chúng chỉ sản sinh ra trứng thụ tinh ZZ, phát triển thành ếch đực. Cho nên, sự phát dục giới tính chịu ảnh hưởng của kích tố làm biến đổi ngược. Đây chỉ là sự thay đổi kiểu hình, còn cơ sở di truyền của nó nằm trong nhiễm sắc thể giới tính vẫn giữ nguyên không đổi.
Gà mái biến thành gà trống cũng vậy, chỉ biến đổi kiểu hình, trong khi nhiễm sắc thể giới tính vẫn không thay đổi gì.
Vì sao chim ngủ trên cành cây không bị ngã?
Bất đắc dĩ khi ngủ trên cây, các nhà leo núi thường phải tìm cái chạc ba thật chắc chắn, hoặc chí ít phải buộc mình vào cành cây. Về khoản này loài chim hơn hẳn. Chúng đứng im trên cây, vẫn ngủ ngon lành mà chẳng hề lộn cổ rơi xuống.
Té ra, cấu tạo ngón chân ở loài trên cây rất thích hợp để nắm chặt các cành cứng. Chịu khó quan sát kỹ tư thế của chúng, bạn sẽ thấy, khi đáp xuống cành cây nó cong xương ống chân và xương bàn chân, rồi nằm phục trên cành. Lúc này, sức nặng của thân đều tập trung trên xương bàn chân, dây chằng ở sau xương bàn chân thít chặt, đồng thời kéo cong dây chằng trên xương bàn chân, thế là bàn chân cong xuống, nắm chặt cành cây. Vì vậy, chim ở trên cành cây, dù có ngủ, nhờ sức nặng của cơ thể mà nắm chặt lấy cành cây. Khi nào chim đứng thẳng lên, thì đầu mút bàn chân sẽ duỗi ra.
Ngoài ra, vì não bộ của chim phát triển hơn não bộ của động vật bò sát, bán cầu đại não tuy chưa có nếp nhăn, nhưng kích thước so ra đã tăng lên nhiều. Tiểu não phát triển nhất, thuỳ thị giác rất lớn, đặc điểm này không chỉ thích nghi với đời sống bay lượn giỏi mà còn điều tiết vận động và thị giác, giữ cho cơ thể thăng bằng thật tốt cho nên chim ở được trên cành cây.
Bí quyết đeo bám của tắc kè
Nhìn tắc kè thoăn thoắt leo dọc trên mọi bờ vách, những tay leo núi thượng thặng nhất cũng phải bái phục. Nó còn có thể leo lên vách thuỷ tinh với tốc độ 1 m/giây mà không hề để lại dấu vết nhớp nhúa nào. Chỉ riêng lực bám trên một chân của nó thôi cũng đủ để nâng bổng một em bé hai tuổi!
Thoạt nhìn hay sờ vào, bàn chân tắc kè chẳng có gì đặc biệt cả vì chúng không hề tiết ra keo dính. Nhưng nhóm nghiên cứu của Kellar Autumn ở Đại học Lewis & Clark (Portland - Mỹ) đã nghiên cứu kỹ các cấu trúc ngón chân của chúng và khám phá ra sự bám dính là nhờ các lực liên kết phân tử.
Nhìn bằng mắt thường, ngón chân tắc kè có nhiều hàng vảy song song. Dưới kính hiển vi, người ta nhận thấy mặt trên mỗi chiếc vảy gồm rất nhiều sợi lông, chính xác hơn là 5.000 sợi trên mỗi milimét vuông. Như thế, mỗi bàn chân của tắc kè có 500.000 sợi lông dài bằng chiều rộng hai sợi tóc người. Nếu nhìn gần hơn nữa, ở mức độ nhỏ hơn bước sóng ánh sáng nhìn thấy, mỗi sợi lông tận cùng bằng một túm gồm vài trăm sợi liti có dạng thìa.
Vì bí ẩn của loài tắc kè hẳn phải nằm trong cái vô cùng bé nhỏ ấy nên các nhà nghiên cứu đã lấy một sợi lông để tìm hiểu về lực kết dính. Nhưng khi đo lường, dù đặt sợi lông ở bất kỳ hướng nào, nó cũng không chịu bám. Thế là quyết định làm lại từ đầu bằng cách phân tích phim quay cực nhanh sự di chuyển của tắc kè, lúc ấy họ mới nhận ra sự tài tình của nó. Nó duỗi dài các ngón chân xuống, khiến những sợi lông nằm dài ra, trước khi bị kéo nhẹ về phía sau. Bằng cách đó, có rất nhiều lông được tiếp xúc với mặt phẳng.
Với tắc kè, chẳng có gì là quá trơn
Từ quan sát trên, các nhà khoa học đã làm cho một sợi lông bám được vào bộ cảm biến để đo. Và thật là kinh ngạc: lực bám của sợi lông là 200 đơn vị. Với 500.000 sợi lông trên bề mặt một đồng xu nhỏ, có thể nâng được một đứa bé hai tuổi. Một con tắc kè chỉ nặng 40 gr, do vậy 4 chân của nó có lực bám lớn hơn cần thiết đến 1.000 lần. Tắc kè cần gì đến một lực bám lớn như thế? Ngoại trừ để chống chọi với một cơn bão.
Ý kiến này cũng được sự đồng tình của Sabine Renous ở Bảo tàng tự nhiên học Paris “Loài tắc kè sống trong rơm rác và ngọn cây rừng nhiệt đới. Ở môi trường tự nhiên của nó, tắc kè là một con vật nặng nề”. Để nhảy từ cây này sang cây khác hoặc bám một ngón chân dưới một chiếc lá trơn láng, quả thực lực bám đó chưa hẳn là thừa.
Bám được đã khó, rời ra càng khó hơn
Tuy nhiên, lực bám đó lại đặt ra một vấn đề khác, đó là khi muốn tách ra. Thật vậy, chất nhầy do con ốc sên hay con chẫu chàng tiết ra có thể giúp chúng leo trên những bờ vách trơn láng, nhưng chỉ với tốc độ rất chậm. Lực hút bám rất mạnh khiến chúng phải tốn nhiều công sức khi nhấc chân ra. Điều phi thường nơi loài tắc kè là sự nhanh nhạy khi chúng chạy trên vách bám, bám chân và giở chân khoảng 15 lần/giây. Chúng giở các ngón chân dần dần như chúng ta tháo băng keo. Dường như kích thước và số lượng khác nhau của các lông thìa trên mỗi sợi lông đã tạo sự dễ dàng cho việc này.
Kellar Autumn đang tiếp tục nghiên cứu về bản chất của lực bám bí ẩn đó. Bởi vì sự bám dính của lông vẫn hiệu quả trong chân không hoặc dưới nước, nên đó không thể là lực hút, cũng không phải là lực tĩnh điện. Thật vậy, nhiều thí nghiệm cho thấy lông vẫn bám trong môi trường bị ion hoá, trước đó đã được chiếu tia X để phá hủy các tương tác tĩnh điện.
Lực bám từ đâu?
Ông cho rằng hàng tỷ lông thìa dưới chân tắc kè có thể dùng đến các lực ở quy mô nguyên tử. Đó là lực kết nối các nguyên tử hydro và ôxy trong nước hoặc 2 nhánh ADN. Đó là lực Van der Waals. Như thế loài tắc kè di chuyển bằng năng lượng nguyên tử. Nhưng cũng có thể còn nhiều yếu tố kết dính khác tham dự vào. Bởi vì loài này sống trong các môi trường ẩm ướt, có thể những phân tử nước cũng giữ vai trò hút ở bề mặt tiếp xúc của lông và mặt nền.
“Mọi loài tắc kè đều có hệ thống lông tơ như thế, kể cả giống tắc kè hoa và rắn mối. Còn loài thạch sùng lại sử dụng một cơ chế thô sơ hơn là các vuốt”, Sabine renous cho biết. "Nếu chúng ta có thể chế ra những đôi găng và bít tất theo nguyên tắc của loài tắc kè, có lẽ chúng ta sẽ trèo lên tường được. Tuy nhiên chúng ta sẽ không đi xa hay đi nhanh được vì thể trọng quá nặng", ông nói thêm.
Trong vòng 10 năm nữa, kỹ thuật của con người sẽ có khả năng chế ra các cấu trúc tinh tế và phức tạp như lông của tắc kè. Lúc ấy sẽ có hàng đoàn robot tắc kè dọc ngang trên sao Hoả, còn một số khác sẽ được sử dụng sau các vụ động đất, kiểm tra dưới các đống gạch vụn để tìm kiếm nạn nhân.
|