felis bengalensis
Site Admin
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 9 01, 2003 9:33 am Bài viết: 94 Đến từ: School of Chemical and Bioengineering, Ulsan University, Korea
|
Những câu hỏi thú vị về thực vật (phần 1)
Những câu hỏi thú vị về thực vật
Mèo con - Sưu tầm
Chúa tể của các loài hoa
Một ngày nào đó, lang thang trong rừng mưa nhiệt đới của Malaysia và Indonesia, bạn có thể sẽ sửng sốt khi đập vào mắt bạn là một bông hoa chói lọi, khổng lồ với đường kính gần…1 mét. Đó là Rafflesia, một dạng hoa loa kèn lớn nhất thế giới. Thật kỳ lạ, từ “báu vật của tạo hoá này”, có thứ mùi kinh khủng không ngừng bốc ra - mùi thịt thối.
Dân địa phương do vậy gọi nó là hoa xác chết. Tuy vậy, thứ mùi đó lại có vai trò sống còn với hoa rafflesia, chúng hấp dẫn ruồi nhặng đến làm chức năng thụ phấn.
Tên đầy đủ của loài hoa này là Rafflesia arnoldi. Hoa mọc ngay trên mặt đất, đường kính tới 1m, màu đỏ chói lọi. Cây Rafflesia là một loại cây ký sinh, dạng sợi, đường kính thân bé như sợi chỉ. Thật ngược đời, hoa của cây to bao nhiêu thì thân cây lại bé bấy nhiêu.
Rafflesia chui vào các mô rễ của một cây chủ có dạng thân leo và hút chất dinh dưỡng từ đó. Nó không có lá, không có cuống, không có rễ. Cuối cùng, cái vi thể ăn bám nhỏ bé đó sẽ tạo ra một cái nướu, to dần lên thành hình một chiếc bắp cải. Chính cái “bắp cải” này về sau sẽ nở ra bông hoa khổng lồ Rafflesia arnoldi, mọc ngay trên mặt đất.
Các hạt của cây Rafflesia rất nhỏ, được bọc trong một lớp vỏ cứng. Các nhà khoa học cho rằng chính các động vật đã truyền hạt này đi xa khi đi lang thang trong rừng. Hạt giắt vào móng chân của chúng và thế là được tha đi khắp nơi.
Loài Rafflesia đầu tiên và lớn nhất được phát hiện ở đảo Sumatra. Các nhà khoa học đã lấy tên người phát hiện ra nó, một người châu Âu có tên Thomas Stamford Rafflesia, cũng là người đã thành lập nước Singapore ngày nay, đặt cho cây. Từ đó đến nay, người ta đã đặt tên cho hơn 12 loài Rafflesia khác.
Không phải mọi loài Rafflesia đều có mùi thối rữa của thịt thối. Ở Indonesia cũng có loài cây này, người dân gọi là bunga patma, có nghĩa là hoa sen.
Máy dự báo thời tiết sống
Lỡ quên không nghe dự báo thời tiết, bạn không cần phải quá lo âu. Xung quanh bạn, còn vô số những "đài phát thanh" đưa tin kịp thời và chính xác không kém. Chẳng hạn quả thông - "chiếc máy" đáng tin cậy nhất: Khi thời tiết khô ráo, những cánh vảy của quả thông xoè ra. Còn nếu như chúng khép lại, ấy là dấu hiệu cho cơn mưa sắp tới.
Nguyên do là khi trời khô ráo, những cánh vảy khô cứng lại và duỗi cong ra. Khi trời ẩm thấp, các vảy thông hấp thụ hơi nước, trở nên mềm đi làm cho quả thông khép lại hình dạng vốn có.
Lông cừu xoắn báo trước: Lông cừu rất nhạy cảm với độ ẩm của không khí. Khi trời khô ráo, lông cừu thường xoắn lại và xốp. Khi trời sắp mưa, không khí chứa độ ẩm cao, lông cừu thường duỗi thẳng ra.
Dế báo thời tiết: Các côn trùng như cào cào, châu chấu, dế rất nhạy cảm với thời tiết. Mỗi khi trời nóng lên, chúng đua nhau gáy vang ing ỏi. thực ra, không phải chúng cất tiếng gáy, mà âm thanh phát ra do chân sau của chúng cọ sát liên tục vào đôi cánh cứng phía trên.
Ngày nắng ráo mở ra: Hoa phiên lộ đỏ tươi thường được xem là “ống kính thời tiết của người nghèo”. Những cánh hoa nhỏ xíu của nó thường nở rộ vào ngày nắng ráo, nhưng lại khép kín ngay khi trời sắp mưa.
Cỏ thời tiết: Những người dân miền biển thường treo những túm rong biển để dự báo thời tiết rất chuẩn xác. Khi trời nắng ráo, rong biển xoắn lại, sờ vào khô tay. Nếu trời sắp mưa các lá tảo duỗi ra, sờ vào thấy ẩm ướt.
Chiếc đuôi mùa đông: Tục ngữ dân gian một số nước cho rằng, mùa đông tới sẽ khắc nghiệt nếu như trong mùa thu lũ sóc có chiếc đuôi rậm rạp và tích góp nhiều hạt trong kho. Nhưng các nhà khoa học chưa tìm ra chứng cứ chứng minh cho điều dự đoán đó.
Trâu bò nằm: Khi những con bò thích nằm trên cánh đồng, ấy là dấu hiệu báo trời sắp mưa. Rõ ràng là nó cảm thấy độ ẩm trong không khí nên muốn tìm nơi khô ráo để nằm. Ở nước ta, mỗi khi trời nồng, trâu bò thường thích dầm mình trong nước.
Dân gian cổ xưa có câu: Ráng đỏ chiều hôm biển yên sóng lặng. Ráng đỏ về sáng lo lắng ngắm trời. Có nghĩa là nếu hoàng hôn cháy đỏ thì sáng hôm sau trời đẹp, nếu bình minh đỏ rực thì sẽ có bão táp.
Phi lao không có lá?
Nếu có ai bảo phi lao không lá, ắt bạn sẽ là người phản đối đầu tiên. Thì đấy, trên cành chẳng um tùm những lá là gì? Nhưng đây quả là một trường hợp ngoại lệ của tạo hoá. “Lá phi lao” như mọi người thường quan niệm thực chất là “cành”, hay nói một cách chính xác hơn là “nhánh” của cây.
Thực ra, cây phi lao vẫn có lá như mọi cây khác nhưng lá đã bị thoái hoá và biến thành các vảy nhỏ màu nâu xung quanh các nhánh. Các lá này không chứa chất diệp lục, không làm nhiệm vụ quang hợp để nuôi cây mà nhường chức năng đó lại cho các “nhánh” nói trên.
Phi lao thuộc loại cây thân gỗ, môi trường sống của nó là các vùng cát trắng dọc bờ biển, hoặc các vùng sa mạc. Rễ của nó đâm xuống rất sâu nên có thể hút được các chất dinh dưỡng ở các tầng đất bên dưới. Điều kiện gió cát và hơi nước mặn ven biển khiến lá của chúng phải co lại, lâu dần mất đi chức năng quang hợp, biến thái thành vảy.
Vì sao ớt cay?
Cái vị bốc lửa của ớt thực ra là một mẹo tiến hoá được dùng để chặn đứng các con thú định ăn quả và phá huỷ hạt của chúng. Nhưng khéo thay, tạo hoá vẫn còn chừa lại loài chim, vốn "tỉnh bơ" trước vị cay, có thể ăn được thứ quả khó nuốt này và truyền nòi giống của ớt đi xa hơn.
Điều này giúp đảm bảo sự sống còn của họ nhà ớt. Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Montana và Đại học Bắc Arozina (Mỹ) đã tìm thấy trong ớt chất capsaicin khiến nó có vị cay nóng đặc biệt. Chất này kích thích các vùng da và lưỡi, vốn là nơi cảm nhận cái nóng và đau, đánh lừa não rằng nó đang “đốt cháy” da. Capsaicin khiến thú phải chạy xa nhưng lại không hề hấn gì với chim.
Khi tìm hiểu thói quen ăn uống của động vật sống xung quanh vùng có nhiều ớt mọc ở miền Nam Arizona, người ta đã thấy chuột và các loài gặm nhấm sa mạc không hề động đến thứ quả này nhưng lại chén ngon lành các hoa quả khác. Trong khi đó, chim gần như độc quyền với món ớt.
Phát hiện này có thể mở ra những phương thức mới kiểm soát hiệu quả các loài chim gây hại cho cây trồng, hoặc chế ra thứ hạt đặc biệt để tiêu diệt động vật có hại mà không ảnh hưởng đến các loài chim.
Vì sao tre nứa không tiếp tục to mãi?
Có những loài cây dường như không có tới hạn lớn. Trẻ đã đành, nhưng già rồi mà chúng vẫn không ngừng phình ra. Xà cừ Khaya senegalensis chẳng hạn, lúc mới trồng chỉ bằng chiếc đũa, rồi mỗi năm một to cao hơn. Sau 10 năm, phải 2 người mới ôm hết vòng thân của nó. Tre nứa không thế, chúng lớn đến một mức nào đó rồi... "chột", chỉ già đi mà thôi.
Lý do vì tre nứa là cây một lá mầm, còn các cây thân gỗ khác phần lớn là cây hai lá mầm. Cấu tạo của hai loại cây này rất khác nhau. Điểm chủ yếu nhất là thân cây một lá mầm không có lớp thượng tầng.
Nếu cắt một lát mỏng ngang qua thân cây hai lá mầm, dưới kính hiển vi có thể quan sát thấy từng bó mạch gỗ. Lớp ngoài bó mạch gỗ là phloem, lớp trong là xylem, giữa lớp phloem và xylem là lớp thượng tầng. Đừng coi thường lớp thượng tầng mỏng đó, thân cây to lên được là nhờ có nó. Lớp thượng tầng rất năng động, hàng năm nó đều phân chia tế bào, sản sinh ra lớp phloem và xylem mới nên thân cây cứ mỗi năm lại to dần ra.
Còn nếu cắt ngang một lớp mỏng qua thân cây một lá mầm, ta cũng sẽ thấy các bó mạch gỗ, lớp ngoài cũng là lớp phloem, bên trong cũng là lớp xylem nhưng lại không có lớp thượng tầng, vì thế thân cây một lá mầm chỉ phát triển từ khi bắt đầu mọc ra, đến một mức độ nhất định sẽ không to thêm nữa.
Tre nứa to đến mức nào? Ở huyện Phụng Tân, tỉnh Giang Tây Trung Quốc, có một cây bương cao 22 m, chu vi vòng ngọn là 58 cm, chu vi vòng gốc là 71 cm, có thể coi là vua của loài tre nứa. Ngoài tre nứa ra, lúa mỳ, lúa nước, cây cao lương, cây ngô đều là cây một lá mầm, cho nên thân cây phát triển đến một mức độ nhất định sẽ không to thêm nữa.
Lá cây màu đỏ quang hợp bằng cách nào?
Với nhiều người, hễ là thực vật thì hiển nhiên là có lá xanh. Vì lá xanh tức là có chất diệp lục, nhờ đó chúng mới quang hợp, tạo ra chất hữu cơ để sống chứ! Ấy thế mà có kẻ lại chơi trội. Rau dền đỏ, gỗ thích... chẳng hạn. Lá của chúng đỏ tía tai. Chúng sống bằng gì, khí trời chắc?
Đương nhiên là chúng cũng dùng rễ hút dinh dưỡng và dùng lá để quang hợp rồi. Tạo hoá màu mè chút thôi. Bởi vì những lá này tuy màu đỏ, nhưng trong lá vẫn có chất diệp lục. Còn sở dĩ có màu đỏ vì nó chứa chất antocyan màu đỏ. Tỷ lệ chất này trong lá so với diệp lục nhiều đến nỗi nó át cả màu xanh của diệp lục. Để chứng minh hiện tượng này, người ta chỉ cần nhúng lá đỏ vào nước nóng - nó sẽ bộc lộ chân tướng ngay lập tức.
Khác với chất diệp lục, antocyan rất dễ bị hoà tan trong nước nóng.Vì vậy, khi bị luộc, chất antocyan sẽ tan dần và lá cây chuyển từ đỏ thành xanh. Vậy là, tuy lá cây có màu đỏ, nhưng nó vẫn chứa chất diệp lục như thường.
Vì sao đêm đến hoa huệ mới toả hương ngào ngạt?
Tục ngữ ta có câu "hoa không phơi nắng không thơm", ấy là vì khi ánh nắng rọi xuống, nhiệt độ tăng lên, làm dầu thơm trong cánh hoa thoát ra nhiều. Nhưng đêm thì làm gì có nắng, vậy mà hoa huệ lại toả mùi thơm hơn cả ban ngày. Tại sao vậy?
So với các loài hoa nở ban ngày, hoa huệ có cấu tạo cánh khá đặc biệt. Mỗi khi không khí có độ ẩm cao, những khí khổng (lỗ trao đổi khí) trên cánh hoa tự động mở to để dầu thơm thoát ra ngoài. Ban đêm tuy không có nắng, nhưng độ ẩm không khí lại cao hơn ban ngày, cho nên các khí khổng mở to cho mùi thơm thoát ra. Vì vậy, tuy ban ngày hoa huệ chỉ toả hương thoang thoảng, nhưng ban đêm nó lại thơm ngào ngạt.
Cũng vì hoa huệ toả mùi thơm theo độ ẩm, nên nếu chú ý bạn sẽ thấy không chỉ ban đêm, mà ngay cả ban ngày, vào những hôm có mưa, độ ẩm không khí cao, hoa huệ cũng thơm hơn ngày nắng. Vì lẽ đó, hoa huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm ban đêm) hoặc vũ lai hương (thơm lúc mưa).
Mặt khác, hoa huệ thơm về đêm cũng vì một lẽ rất đơn giản, ấy là đa số các giống huệ đều nở về đêm. Tập tính này của huệ có lẽ đã hình thành qua nhiều thế hệ tiến hoá. Bình thường, hoa tỏa ra mùi thơm để mời côn trùng đến thụ phấn, duy trì nòi giống. Đa số hoa thụ phấn nhờ vào các loại côn trùng hoạt động vào ban ngày, vì vậy chúng nở vào ban ngày để quyến rũ ong bướm. Tuy nhiên, hoa huệ thụ phấn nhờ bướm đêm, nên nó phải chuyển giờ nở sang đêm để chiều lòng "khách" vậy.
Vì sao hoa trên núi có màu sắc sặc sỡ?
Cũng là hoa, nhưng nếu lên các đỉnh núi cao, bạn sẽ thấy chúng rực rỡ, nhiều màu sắc lạ kỳ. Ngoài điều kiện không khí trên núi trong lành, ít bụi nên màu hoa "nguyên chất hơn", nhưng còn yếu tố gì nữa mới khiến chúng muôn màu như thế?
Nguyên do là tia tử ngoại trên núi cao chiếu rất mạnh, làm cho nhiễm sắc thể của tế bào thực vật bị phá huỷ, gây trở ngại cho sự tổng hợp chất nucleotid, phá hoại phản ứng trao đổi chất của tế bào, rất bất lợi cho sự sống của cây. Trải qua quá trình đấu tranh lâu dài với môi trường sống khắc nghiệt đó, cây trên núi cao đã tạo ra nhiều chất dạng caroten (trong đó có carotin và carotinol) để chống đỡ, vì hai chất đó hấp thụ nhiều tia tử ngoại, làm cho tế bào dần thích ứng với môi trường.
Việc tạo ra nhiều chất dạng caroten và antocyan đồng thời cũng khiến màu hoa vô cùng sặc sỡ, bởi vì các caroten làm cho hoa hiện màu da cam, màu vàng tươi rực rỡ, còn antocyan làm cho hoa có màu đỏ, lam, tím… Trong hoa có nhiều sắc tố như vậy, dưới ánh sáng càng trở nên rực rỡ hơn.
Vì sao lá trên ngọn rụng cuối cùng?
Ở miền ôn đới, mỗi khi mùa thu đến, cây thay màu lá từ xanh sang vàng, cuối cùng trút nốt chiếc áo này, trần trụi đón mùa đông tới. Nếu chú ý một chút, bạn sẽ thấy lá trên cành chính đổi màu trước tiên, sau đó lan dần đến ngọn cây, ngọn cành. Rụng lá cũng vậy, rụng ở dưới trước, càng lên trên ngọn, lá càng rụng chậm.
Có thể bạn sẽ nói, đó là hiện tượng tự nhiên của giới sinh vật, già trước chết trước. Lá phía dưới ra trước lá đầu cành nên rụng sớm hơn. Đây cũng là một cách giải thích, nhưng còn có cách hiểu sâu hơn.
Trong quá trình sinh trưởng, mọi cây cối đều vươn tới sự phát triển đầy đủ nhất, cho nên nó luôn đưa nhiều thức ăn lên ngọn để tăng nhanh sự sinh trưởng. Ngọn cành do được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên vươn dài mãi ra, khi ấy lá cây cũng mọc dần theo, lá cũng lại phát huy tác dụng tạo ra chất dinh dưỡng. Khi ngọn cây lớn đến một mức độ nhất định, sinh trưởng sẽ chậm dần lại. Lúc này cây rụng lá là do hai điều kiện: Bên trong, việc cung cấp dinh dưỡng bị hạn chế và bên ngoài, điều kiện thời tiết thay đổi theo chiều hướng không có lợi, chức năng tổng hợp thức ăn của lá kém dần, lá không tồn tại được nữa, rơi lả tả.
Nhưng mặc dù vậy, bộ phận ngọn cây vẫn được ưu tiên chăm sóc, thức ăn được cung cấp nhiều nhất, nên dù cây ngừng đưa thức ăn lên ngọn, nhờ vào lượng dự trữ nó vẫn sinh tồn thêm một thời gian. Đồng thời trong lúc đó, chất diệp lục trong lá cây chưa bị phá huỷ, vẫn tổng hợp được một số chất dinh dưỡng. Như vậy, lá trên ngọn cây sẽ rụng muộn hơn ở các bộ phận khác trên cây.
|