Pmytrung
Site Admin
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am Bài viết: 715 Đến từ: Hải quan Đồng Nai
|
Hãy đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng Việt Nam
Hãy đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng Việt Nam.
Hệ thực vật họ Phong lan Orchidaceae Việt Nam nằm ở trong khu vực phân bố khá phong phú. Số lượng các chi, loài Phong lan đang được phát hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, họ Phong lan Việt Nam có khoảng 137 - 140 chi và trên 800 loài, trong đó có nhiều chi loài hoàn toàn mới trong hệ thực vật toàn cầu. Lẽ dĩ nhiên, con số này còn xa so với thực tế. Xem như vậy, họ Phong lan đã trở thành một đối tượng cực kỳ phong phú và đặc sắc của hệ thực vật Việt Nam, nó chẳng những là một họ thực vật lớn nhất mà còn đóng góp nhiều mặt về giá trị sử dụng cho nền kinh tế, văn hóa của nước ta.
Đó là do nước Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt, nằm gần như ớ Trung tâm Đông nam châu Á, trong vòng đai nhiệt đới Bắc bán cầu. Với vị trí vừa gắn chặt với lục địa Âu - Á vừa thông rộng với đại dương, vừa thuộc sườn Nam, vừa thuộc sườn Đông của châu á, cùng với quá trình phát triển lịch sử lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn trầm tích, tạo sơn, trên một nền móng cổ, tuổi có thể từ thái cổ đến cổ sinh học, nên hệ thực vật họ Phong lan nước ta có được nhiều nguồn giao lưu của các hệ thực vật các nước lân cận hòa lẫn với hệ thực vật bản địa đã có quá trình phát triển lâu dài. Do đặc điểm gần như ở phần cuối của lục địa châu Á nên nhiều chi, loài Phong lan Việt Nam đã được thừa hưởng việc lan tràn từ phương Bắc và tây Bắc xuống, trong đó nhiều loài bắt nguồn từ chân của dãy Hymalaya, và từ Nam Trung Hoa, hai cái nôi rất phong phú cây cỏ và Phong lan cho các hệ thực vật phương Nam nói chung.
Các loài Phong lan gần gũi với luồng di cư từ phương Bắc này đều tập trung ở vùng núi cao Bắc Việt Nam, nhiều loài rất đặc sắc chỉ phân bố hẹp. Tuy nhiên, môi trường sống miền Bắc Việt Nam rất đa dạng và phong phú nên nhiều loài đã lan tràn xuống vùng núi thấp, các đồi vùng trung du, và phân hóa trở thành nhiều loài mới đặc trưng cho vùng núi cao ẩm ướt và lạnh của nước ta. Các loài Phong lan này còn lan theo dãy Trường Sơn và có nhiều loài đi xuống khá xa về phương Nam. Mặt khác, do Việt Nam có một vùng bờ biển trải dài trên 3.260 km qua nhiều vĩ độ khác nhau, uốn quanh bởi đại dương, lại được gió mùa Đông nam luôn hoạt động, nên nước Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp xúc với luồng di cư cây cỏ từ các nước châu Á nhiệt đới khác từ phương Nam. Các loài Phong lan Việt Nam có nhiều loài trùng hợp với hệ thực vật Phong lan các nước như là Malaysia, Indonesia... Các loài Phong lan này phân bố ỡ các cánh rừng nhiệt đới phương Nam vùng đất thấp hay lên vùng đồi núi cao và là các loài hoàn toàn nhiệt đới.
Nét dặc trưng hơn cả của Phong lan nước ta là các loài cây đặc hữu. Đó là do địa hình nước ta khá phức tạp. Vùng đồi núi và bao quanh bởi các rừng già chiếm đại bộ phận diện tích của cả nước. Đồng bằng thì chiếm gần 1/2 diện tích. Địa hình vừa hẹp vừa dài qua nhiều vĩ độ, lại bị chia cắt bởi các dãy núi cao đồ sộ, vách đứng, nhiều thung lũng sâu và bồn địa rộng (địa hình bị chia cắt tương đối mạnh) làm cho việc tồn giữ các loài cây họ Phong lan đặc hữu cổ xưa mang sắc thái địa phương hẹp rất rõ rệt, từ đó sản sinh ra các loài đặc hữu và các Taxon dưới loài mới độc đáo, có khu phân bố hạn hẹp.
Cùng với khí hậu đặc sắc hoàn toàn nhiệt đới gió mùa, và địa hình trải dài từ Bắc xuống Nam, sự có mặt của dãy Trường Sơn nằm dọc theo hình thể đất nước đã tạo ra các hoàn cảnh sống đặc biệt cho sự phân bố họ cây Phong lan nước ta, phù hợp với sự thay đổi của khí hậu từ Bắc vào Nam. Ví như ở các tỉnh phía Nam hay vùng cao nguyên Nam trung bộ (Tây Nguyên), khí hậu gió mùa nhiệt đới, quanh năm nóng và có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, thì ở các tỉnh phía Bắc hay vùng núi cao Bắc trung bộ khí hậu cũng là gió mùa nhiệt đới nóng có mùa đông lạnh kèm theo mùa xuân mưa phùn ẩm ướt. Thành phần họ Phong lan ở phương Nam, đều bao gồm các chi loài, đặc trưng cho vùng khí hậu 2 mùa, nên có hai mùa sinh trưởng rõ rệt: vào mùa khô các loài Phong lan mọc ở đất hay trong các hốc đá (và 1 phần Phong lan sống phụ) đều rụng lá và sự tăng trưởng chậm lại, chỉ khi mùa mưa đến, chúng mới mọc ra các chồi, lá mới và cuối cùng nỡ ra các chùm hoa muôn màu, ngát hương. Trong khi đó các chi loài Phong lan phương Bắc hầu như không rụng lá và sự tăng trưởng chậm dần vào mùa Thu - Đông, để vào mùa xuân ẩm ướt và có nắng ấm, Phong lan mới cho chồi, lá và ra hoa.
Nhìn chung, từ Bắc vào Nam, t.ừ vùng đồng bằng thấp lên vùng núi cao, hệ thực vật họ Phong lan nước ta vô cùng phong phú, một số chi loài chỉ xuất hiện ỡ các tỉnh phía Bắc, một số chỉ phân bố ở các tỉnh phía Nam và một số ít chi loài phân bố rộng từ Bắc vào Nam làm cho sự phân chia về phân bố khá phức tạp và khó khăn.
Các nhà sưu tầm Phong lan nước ta đã phải ghi chép đầy đủ các địa phương có thu mẫu để thấy sự phong phú của hệ thực vật Phong lan nước ta bao gồm những loài dặc hữu, các loài di cư từ phương Bắc xuống và phương Nam lên. ỡ đây gần như có mặt đầy đủ các chi loài hoàn toàn nhiệt đới chuyển sang các loài Á nhiệt đới vùng núi, thậm chí còn mang dáng dấp của Phong lan vùng ôn đới Đông nam châu Á. Tuy nhiên có thể sơ bộ chia sự phân bố đó làm 6 khu vực sau :
1. Khu Đông Bắc
Chiếm toàn hoàn về phía Bắc, nơi có vĩ độ cao nhất nước ta, chạy dài tới vịnh Bắc bộ đến tả ngạn sông Hồng, có khí hậu lạnh nhất toàn quốc. Khu Đông bắc là trung tâm phân bố của các chi, loài Phong lan Á nhiệt đới, cũng như nhiệt đới chịu ảnh hưởng rất lớn về thành phần loài từ khu vực Hymalaya, Nam Trung Hoa, ví như các loài trong chi Cymbidium (Lan kiếm), Phalaenopsis (Lan hồ điệp), Vanda (Lan vân đa), Paphiopedilum (Lan hài) và các loài chịu được lạnh của chi Dendrobium (Lan hoàng thảo), Coelogyne (Lan thanh đạm)...
2. Khu Tây Bắc
Từ hữu ngạn sông Hồng (chân núi Con Voi) đến các vùng núi giáp nước Lào. Mặc dù cũng nằm ỡ vĩ độ cao như khu Đông Bắc, nhưng do có nhiều dãy núi lớn làm bình phong, ngăn chặn gió lạnh phương Bắc và ở sâu trong lục địa, ít ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc nên ỡ đây ít lạnh hơn, ngược lại mùa hạ lại nóng sớm, kèm theo gió Lào. Các chi loài Phong lan ở đây có khả năng chịu nóng hơn, như các loài trong chi Eria (Lan len), Bulbophyllum (Lan lọng), Rhynchostylis (Lan ngọc điểm), Dendrobium (Lan hoàng thảo)... và gần gũi với hệ thực vật họ Phong lan vùng thượng Lào.
3. Khu Trường Sơn Bắc (bao gồm cả vùng đồng bằng Bắc bộ)
Từ hữu ngạn sông Cả tới Quảng Nam). Đây là vùng chuyển tiếp của khu hệ Phong lan miền Bắc và miền Nam, Ngoài các ngọn núi cao còn có phân bố ít nhiều các chi, loài của hệ thực vật Phong lan Tây Bắc và Đông Bắc, phần lớn đại bộ phận bao gồm các chi loài Phong lan mang tính chất hoàn toàn nhiệt đới như Habenaria (Lan kiến cò), Phaius (Lan hạc đính), Spiranthes (Lan bàn long), Flickingeria (Lan thạch hộc), Dendrobium (Lan hoàng thảo), Corymborkis (Lan lá dừa)... rải rác trên các dãy núi đá vôi cao còn phân bố ít loài của Paphiopedilum (Lan hài), Cymbidium (Lan kiếm).
4. Khu Trường Sơn Nam
Gọi chính xác hơn là khối núi Cao Nguyên - Nam Trung bộ, có điều kiện khí hậu đặc sắc, địa hình chia cắt mạnh, làm cho các chi loài Phong lan ở đây rất phức tạp, vừa là phẩn còn sót lại của các loài có tính Á nhiệt đới vừa bao gồm các loài mang tính chất nhiệt đới núi cao như Pholidota (Lan tục đọan), Coelogyne (Lan thanh đạm), Aerides (Lan giáng hương), Eulophia (Lan luân), Calanthe (Lan bầu rượu), Goodyea (Lan gấm đất), Anoectochilus (Lan sứa),... Đặc biệt với các kiểu rừng tương phản nhau, cũng xuất hiện các loài Phong lan sống ở đất cũng như sống phụ đặc trưng ở rừng khô rụng lá (rừng khộp), xuất hiện nhiều loài có củ giả lớn, Sống được qua mùa khô, nóng kéo dài như Bulbophyllum (Lan lọng), Eria (Lan len), Eulophia (Lan luân), Cleisostoma (Lan miệng kín), Liparis (Lan tai dê)... Cùng với các loài của Dendrobium (Lan hoàng thảo), Habenaria (Lan kiến cò)... hoàn toàn rụng lá vào mùa khô. Ngược lại ở các vùng rừng ẩm, đầm lầy, ven nước lại phân bố các loài Phong lan chịu ẩm cao như Bromheadia (Lan đầm lầy), Calanthe (Lan bầu rượu)...
5. Khu đồng bằng miền Nam
Nằm trong khu tam giác của sông Mêkong với các vùng đồi núi thấp là phần kéo dài và còn sót lại của dãy Trường Sơn. Khí hậu ở đây .hoàn toàn nhiệt đới với hai mùa mưa và khô rõ rệt. Thành phần các chi loài Phong lan nhiệt đới cũng khá phong phú, tập trung ở các chi Bulbophyllum (Lan lọng), Agrostophyllum (Lan càng cua), Acampe (Lan bắp ngô). Trichoglottis (Lan lưỡi tóc) Acriopsis (Lan tổ yến)... và các loài hoàn toàn nhiệt đới của chi Dendrobium (Lan hoàng thảo), Eria (Lan len)...
6. Khu đảo
Nước Việt Nam có đến hàng ngàn các đảo và quần đảo, lớn nhỏ khác nhau, trải dài trên nhiều vĩ tuyến, có các đảo lớn như Phú Quốc, Côn Lôn... Nhìn chung thành phần chi loài Phong lan ở đây đều thuộc hệ thực vật nhiệt đới (mặc dù có núi cao), vì chịu ảnh hưởng khí hậu Đại dương rõ rệt... Các loài thường gặp đều thuộc chi Bulbophyllum (Lan lọng), Apostasia (Lan giả), Malaxis (Lan mai đất), Liparis (Lan tai dê), Podochilus (Lan lá kim), Eria (Lan len)...
Như vậy, các chi loài trong họ Phong lan hầu như có mãi ở hầu hết vùng trên lãnh thổ Việt Nam, trong vùng đảo qua các cánh rừng ngập mặn, rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới, lên vùng núi cao. Tuy nhiên trung tâm giàu chi loài và cá thể nhất vẫn nằm dọc theo các dãy núi phía Bắc và dãy Trường Sơn, trong đó có mặt tất cả các dạng chuyển tiếp từ khu hệ Phong lan nhiệt đới lên khu hệ Phong lan Á nhiệt đới.
Trần Hợp - Phùng Mỹ Trung
|