Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA NÚI CHÚA VIỆT NAM

 

Ninh Thuận là một tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ, chế độ khí hậu ở đây thuộc loại hình khô nóng, nắng nhiều, lượng mưa trung bình hàng năm ở một số vùng thuộc loại thấp nhất của cả nước. Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đó, tại huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc - tỉnh Ninh Thuận lại hiện hữu một khu hệ rừng khô hạn tự nhiên nằm trong vùng khô hạn nhất của tỉnh, là nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy ở nước ta và Đông Nam Á. Tuy nằm trong vùng khô hạn nhưng hệ sinh thái tại đây có nhiều tập đoàn sinh vật quần tụ rất phong phú và đa dạng về số lượng cũng như chủng loài. Theo quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ về việc thành lập 73 khu rừng cấm trên cả nước, khu vực rừng tại đây được đưa vào danh mục rừng cấm với tên gọi “rừng khô Phan Rang”.

Ngày 09/7/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 134/2003/QĐ-TTg  về việc Chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận thành Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định số 113/2003/QĐ-UB ngày 08/10/2003 về việc Thành lập Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và quyết định số 03/2004/QĐ-UB ngày 07/01/2004 về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận.

Với tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học, du lịch sinh thái ..., Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh cho chủ trương xây dựng luận chứng chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa thành Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Theo luận chứng, Vườn quốc gia Núi Chúa có tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng với diện tích rừng khô hạn rộng lớn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và diện tích rừng thường xanh cây lá rộng xen kẽ cây lá kim đặc trưng của vùng khí hậu á nhiệt đới ẩm… còn mang tính chất nguyên sinh. Qua kết quả điều tra ban đầu đã được công bố,  Vườn quốc gia Núi Chúa có 1.265 loài thực vật bậc cao có mạch và 306 loài động vật gồm lớp chim, thú, bò sát và lưỡng cư, đặc biệt có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Số liệu trên vẫn đang được tiếp tục cập nhật, bổ sung thêm số lượng vào danh lục loài động, thực vật hiện hữu tại Vườn quốc gia Núi Chúa. 

 

 

 

 
Thằn lằn ngón cao van Sung Cyrtodactylus caovansungi - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

Ngoài ra, Vườn quốc gia Núi Chúa còn quản lý Khu bảo tồn biển với vùng biển có chiều dài bờ biển 25km, chiều rộng nhất từ bờ ra biển 4.500m, biển bao bọc theo hướng Đông, Đông Nam và Đông Bắc, tạo ra hệ sinh thái biển mang tính đặc trưng của vùng. Tài nguyên biển rất đa dạng và phong phú với trên 350 loài san hô, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ, đặc biệt có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loại mới tại Việt Nam. Vườn quốc gia Núi Chúa còn được ghi nhận là nơi có quần thể Rùa biển đến sinh sản gồm 03 loài như Đồi mồi dứa Chelonia mydas, Vích Caretta caretta.....Đồi mồi Eretmochelys imbricata, Rùa xanh Chelonia mydas, Quản đồng Lepidochelys olivaecea.
Rừng đặc dụng Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận nằm trên địa giới hành chính của 04 xã thuộc 02 huyện, đó là: xã Công Hải, xã Lợi Hải, xã Bắc Sơn - huyện Thuận Bắc và xã Vĩnh Hải - huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Phía Bắc giáp huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; phía Đông Nam và phía Đông giáp biển Đông; phía Tây và phía Nam giáp quốc lộ 1A và tỉnh lộ 702.

Tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia Núi Chúa là 29.865 ha, trong đó :
- Phần diện tích trên đất liền: 22.513 hađất có rừng là 17.223 ha, đất chưa có rừng là 5.290 ha
- Phần diện tích trên biển:7.352 ha
- Vùng đệm của Vườn quốc gia Núi Chúa có diện tích 7.350 ha.

Ngày 09/9/2002, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận có công văn số 2017/KT gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônvề việc Đề nghị chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa thành Vườn quốc gia Núi Chúa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 4728/BNN-KL ngày 17/12/2002 đồng ý cho xây dựng luận chứng chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa thành Vườn quốc gia Núi Chúa.

 

 

 
Một góc Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

ĐA DẠNG SINH HỌC VƯỜN QUỐC GIA NÚI CHÚA
Hệ thực vật: 
Vườn Quốc gia Núi Chúa là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn có đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và diện tích rừng thường xanh cây lá rộng xen kẽ cây lá kim đặc trưng của vùng khí hậu A nhiệt đới ẩm.… còn mang tính chất nguyên sinh. Theo đánh giá ban đầu của các nhà khoa học, cho đến nay lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa có 2 hệ sinh thái rừng là hệ sinh thái rừng khô nhiệt đới và thường xanh ẩm nhiệt đới có 1.265 loài thực vật, và 306 loài động vật, đặc biệt  có nhiều loài động thực vật quý  hiếm.
Thảm thực vật rừng của Vườn quốc gia Núi Chúa rất đa dạng, tạo nên các quần thể ưu thế ở các vùng khác nhau như:  
1/ Kiểu thực vật trên cát biển.
2/ Kiểu rừng thưa cây lá rộng hơi khô nhiệt đới.
3/ Kiểu truông gai hạn nhiệt đới.
4/ Kiểu trảng cây to cây bụi cỏ cao khô nhiệt đới.
5/Kiểu rú kín lá cứng hơi khô nhiệt đới.
6/ Kiểu rừng kín thường xanh hơi ẩm nhiệt đới núi thấp. 

Trong sáu kiểu rừng trên các nhà khoa học nghiên cứu, điều tra đã ghi nhận được 1.504 loài thực vật bậc cao có mạch trên cạn nằm trong 85 bộ, 147 họ và 596 chi thuộc 7 ngành thực vật  khác nhau ở Việt Nam có 08 ngành thực vật bậc cao có mạch hiện đang sống thì ở Vườn Quốc Gia Núi Chúa đã có đại diện của 07 ngành chiếm 87%, chỉ thiếu ngành Cỏ tháp bút. Những loài thực vật đã được ghi nhận có những giá trị khác nhau:
Thực vật đặc hữu : Thực vật  Vườn Quốc Gia Núi Chúa  không có họ đặc hữu nhưng có một số chi và 99 loài đặc hữu có tên địa danh phân bố ở Phan Rang thuộc 42 họ khác nhau, trong đó có 9 chi. Chi Cáp Cappris, chi Chan chan Niebuhria thuộc họ Màn màn Cappariaceae, Chi táo Zizyphus thuộc họ Táo  Rhamnaceae, Chi Găng Randia thuộc họ Cà phê Rubiaceae, Chi Ma dương Xantolis, chi Găng néo Manilkara thuộc họ Hồng xiêm Sapotaceae, Chi tu hú Gmelina, chi Tử châu Callicarpa, chi Ngọc nữ Clerodendron thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae. và có 05 loài mang tên địa phương Phan Rang như: Thị phan rang Diospyros phanrangensis, Dẻ phan rang Lithocarpus phanrangensis, Da phan rang Ficus phanrangensis, Vải phan rang Daphniphyllum phanrangensis, Chòi mòi phan rang  Antidesma phanrangensis.
Thực vật quý hiếm cần bảo vệ nghiêm ngặt: có khoảng 54 loài nằm trong 10 họ thực vật khác nhau. Đáng chú ý là: Trầm hương Aquilaria crassna thuộc họ Trầm hương  Thymeleaceae; Mun và Mặc nưa Diospyros spp. thuộc họ Thị Ebenaceae; Gõ cà te  Afzelia xylocarpa, Gõ mật Sindora siamensis; Trắc việt Dalbergia vietnamensis thuộc họ Đậu Fabacaae. 
Thực vật có giá trị kinh tế về gỗ: có khoảng 19 họ, 24 chi, 42 loài, một số loài điển hình: Gõ đỏ Afzelia xylocarpa thuộc họ Đậu Fabacaae, Cẩm lai mật Dalbergia dongnaiensis, Cẩm thị Diospyros maritima, Thông lông gà Podocarpus imbricatus, Kim giao trung bộ Podocarpus annamensis thuộc họ Kim giao Podocarpaceae
Thực vật có giá trị  dược liệu: có khoảng 94 họ, 309 loài, phổ biến Xá xị Cinamomum parthenoxylon thuộc họ Long não Lauraceae, Mã tiền Strychnos nux - vomica thuộc họ Mã tiền Loganiaceae, Quế chi Cinamomum lourerni thuộc họ Long não Lauraceae, Trầm hương Aquilaria crassna thuộc họ Trầm hương Thymelaeceae, Đỗ trọng trắng Parameria laevigata thuộc họ Trúc đào Apocynaceae, Sa nhân Amomum villosum thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Thực vật làm cảnh : 28 họ, 53 chi, 104 loài :Họ điển hình là họ Lan Orchidaceae, có nhiều loài có giá trị như: Quế lan hương Aerides falcatum, Lan thuỷ tiên Dendrobium farmeri, Lan vảy rồng Dendrobium lindleyi, Lan báo hỷ Dendrobium secundum. đặc biệt có nhiều loài địa lan ở đỉnh núi thuộc khí hậu bán ẩm.

Hệ động vật: 
Kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, thực hiện năm 2001 đã ghi nhận được 306 loài động vật hoang dã có xương sống thuộc 89 họ, 29 bộ của 4 lớp động vật. Trong 306 loài hiện diện, có 29 loài cho dược liệu, 60 loài cho thịt, 18 loài cho da lông, 21 loài có thể làm cảnh. Ngoài ra còn có một số loài có lợi cho sản xuất Nông nghiệp vì chúng có khả năng ăn côn trùng có hại, tiêu diệt chuột, tham gia thụ phấn, phát tán hạt giống cây rừng. 

Khu hệ động vật ở Vườn quốc gia Núi chúa chưa được điều tra, nghiên cứu đầy đủ nhưng theo một số nhà khoa học nơi đây vẫn tồn tại nhiều loài động vật quý hiếm như: Chà chân đen Pygathrix nigripes, Gấu ngựa Ursus thibetanus, Rùa da Dermochelys coriacea, Đồi mồi dứa Chelonia mydas, Vích Caretta caretta ....Nhiều loài chim qúy hiếm vẫn còn hiện diện như: Cốc biển bụng trắng Fregata andrewsi, Gà lôi Lophura nythemera, Phướn đất Carpococcyx renauldi, công Pavo muticus...chứng tỏ mức độ đa dạng nơi đây vẫn còn khá cao.

Bò sát lưỡng cư: Là một khu vực có hai kiểu rừng rất đặc biệt là khô hạn và thường xanh nên Vườn quốc gia Núi Chúa có hệ bò sát lưỡng cư hết sức đa dạng. Trong những năm qua các nhà nghiên cứu bò sát lưỡng cư đã công bố 2 loài bò sát mới ở Vườn quốc gia này gồm: Thằn lằn ngón cao văn sung Cyrtodactylus caovansungi, Thằn lằn chân lá arronbauer Dixonius aaronbaueri ...

3. Tài nguyên biển: 
Ngoài việc bảo tồn tài nguyên rừng khô hạn, một nhiệm vụ quan trọng của VQG Núi Chúa là bảo tồn tài nguyên biển trong vùng biển giới hạn từ Mũi Đá Vách phía bắc cửa Đầm Vĩnh Hy, kéo dài đến Hòn Chông, với chiều dài đường bờ biển khỏang 24,5 km và nơi có chiều rộng nhất từ bờ ra là 4,5 km. Là nơi phân bố của nhiều loài sinh vật biển với thành phần như sau:
+ San hô: Tổng cộng có khoảng 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ. Trong đó có 46 loài được ghi nhận phân loài mới tại ViệNam. Hầu hết các dãy rạn san hô đều trong tình trạng khá tốt, với độ che phủ san hô cứng trung bình là 30%, phân bố từ dưới 10% đến ở 50%. Độ che phủ cao nhất ở những điểm nước cạn như Hòn Đeo, Bãi Lớn. 
+ Rùa Biển: Vùng biển xã Vĩnh Hải - Ninh Hải Ninh Thuận được xem là vùng có quần thể Rùa biển lớn thứ 02 ở Việt Nam sau VQG Côn Đảo, với 03 loài: Rùa xanh Chelonia mydas; Quản đồng Lepidochelys olivaecea; Đồi mồi Emretmochelys imbricata

 
BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG RỪNG - VƯỜN QUỐC GIA NUÍ CHÚA
 

 

 

Vườn quốc gia Núi Chúa - Một nửa châu Á, một phần châu Phi

Nguồn: Vườn quốc gia Núi Chúa Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này