Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA CÁT BÀ VIỆT NAM

 

Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, huyện Cát Hải - Thành phố Hải Phòng (cách trung tâm thành phố 60 km). Được thành lập theo quyết định số 237-CT ngày 01/08/1991 của Chủ tịch hội đồng bộ trưởng phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn quốc gia Cát Bà Thành phố Hải Phòng. Với tổng diện tích 16.196,8ha, Vườn mang nét đặc trưng của cả 3 hệ sinh thái điển hình của Việt Nam là: hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển. Đây là các hệ sinh thái có tính đại diện cao về đa dạng sinh thái và nguồn gen quý hiếm, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, gồm cả các loài đặc hữu có giá trị nổi bật toàn cầu

Toạ độ địa lý: Từ  20 độ 43' đến 20 độ 51' vĩ độ bắc và từ 106 độ 58' đến 107 độ 05'

Quy mô diện tích:  15.200 ha (diện tích rừng núi là 9.800 ha,  mặt nước là 5.400 ha) . Vùng đệm:   Là dải đất và phần mặt nước quanh Vườn rộng từ 1 -3 km tính từ ranh giới Vườn.

Mục tiêu, nhiệm vụ:  Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn. Bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của vườn (Kim giao, voọc đầu trắng, tu hài, cá heo, chim caocát...). Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di tích khảo cổ và văn hoá lịch sử. Phục hồi hệ sinh thái rừng tại những điểm đã bị tác động, phục hồi các loài động thực vật bản địa. Nghiên cứu cơ bản và thực địa phục vụ yêu cầu bảo tồn. Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, quản lý vùng đệm.

Cơ quan/cấp quản lý:  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban quản lý:  Đã có ban quản lý, trong vườn bố trí 11 trạm kiểm lâm.

 

 

 
Một góc vườn quốc gia Cát Bà - Ảnh: Nguyễn Quảng Trường
 

 

Các giá trị đa dạng sinh học:  Đảo cát bà có hệ động, thực vật khá phong phú và đa dạng. Theo điều tra bước đầu, nơi đây có 620 loài thực vật bậc cao phân bố thuộc 438 chi và 123 họ. Với kiểu rừng nhiệt đới thưòng xanh mưa mùa ở đai thấp.Với nhiều kiểu phụ rừng như: Rừng trên sườn núi đá vôi, rừng trên đỉnh, rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi và rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn nằm ở phía tây Bắc đảo với chủ yêu các loài họ đước, O zô, ráng, cỏ roi ngựa, thầu dầu, trang, sú...

Thực vật:
Rừng ở đây có một kiểu chính là kiểu rừng mưa nhiệt đới thường xanh, nhưng do điều kiện địa hình, đất đai và chế độ nước nên ở đây có một số kiểu rừng phụ: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi. Rừng ở đây cũng có nhiều kiểu sinh thái rừng với các loài thực vật gồm: Thổ phục linh Smilax glabra, Lát hoa Chukrasia tabularis, Kim giao Podocarpus fleuryi, Sến mật Madhuca pasquieri, Trai lý Garcinia fagraeoides, Nghiến Excentrodendron tonkinense. Nhóm cây làm thuốc có 661 loài như Bổ cốt toái Drynaria fortunei, Xạ đen Ehretia asperula ... Ðặc biệt ở khu vực Trung Trang có rừng kim giao, một loại cây đặc hữu sống thành tập đoàn trên một diện tích hàng chục ha giữa trung tâm vườn

Động vật:

Đối với động vật rừng, đã ghi nhận được 338 loài động vật có xương sống ở cạn hiện tồn tại ở Cát Bà. Trong đó: lớp thú 53 loài thuộc 7 bộ, 17 họ; lớp chim 205 loài thuộc 17 bộ, 51 họ; lớp bò sát 55 loài thuộc 2 bộ, 14 họ; lớp ếch nhái 25 loài thuộc 1 bộ, 7 họ…Mặc dù có các loài động vật hết sức phong phú, nhưng có tới 36 loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn, gồm 26 loài trong Sách đỏ Việt Nam… Riêng hệ động thực vật biển đã phát hiện được 1.313 loài, trong đó đã xác định được: 196 loài cá biển, 538 loài động vật đáy, 89 loài động vật phù du,
Ðặc biệt quần đảo Cát Bà có đến 60 loài đặc hữu quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như: Voọc đầu trắng Trachypithecus francoisi, Quạ khoang Corvus torquatus, Sóc đen Ratufa bicolor, Mèo rừng Felis bengalensis, Cầy hương Viverricula indica… Theo khảo sát mới đây, ở Cát Bà hiện chỉ còn hơn 60 con voọc đầu trắng - loài đặc hữu duy nhất ở nước ta và trên thế giới.

 

 

Thạch sùng mí cát bà Goniurosaurus catbaensis Ảnh: Phạm Thế Cường

 

Hoạt động du lịch:  Cát Bà được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, tài nguyên thiên nhiên rừng và biển rất phong phú. Cảnh rừng xanh nhiệt đới nằm giữa một vùng trời nước với hàng trăm đảo lớn, nhỏ. Từ trung tâm vườn du khách có thể lựa chọn một trong 5 tuyến để khám phá nét đẹp của thiên nhiên, những cánh rừng với các cây cổ thụ nghìn năm tuổi, nhiều tầng, tán. Cơ sở hạ tầng tại Vườn quốc đã được nâng cấp. Du khách có thể nghỉ lại trong Vườn hoặc ngoài Thị trấn với đầy đủ khách sạn, nhà nghỉ. Từ Hải Phòng bạn có thể đến đảo Cát Bà bằng tầu cao tốc, hay đi ô tô.

Các dự án có liên quan:  Năm 1999-2000 được sự trợ giúp tài chính của Sứ quán Hà Lan, tổ chức WWF phối hợp với Vườn quốc gia thực hiện chương trình tăng cường giáo dục môi trường.

Năm 2000 được sự tài trợ của Sứ quán Vương quốc Anh, tổ chức động vật thể giới triển khai chương trình Nâng cao nhận thức cho cac đối tượng có lợi ích liên quan tham gia sự nghiệp bảo tồn Vườn quốc gia.

Dân số trong vùng: Tổng số dân là 10.673 người (70% sống tại Thị trấn). Đảo Cát bà chủ yếu là dân di cư từ đất liền đến. Đời sống dân cư dựa chủ yếu về đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản và kinh doanh dịch vụ. Noi chung đời sống dân cư khá ổn định tuy vậy còn một số bộ phận người dân vẫn còn nghèo, họ sống bắng săn bắt chim, thú..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Nguồn: Vườn quốc gia Cát Bà Việt Nam

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này