GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA BÁI TỬ LONG VIỆT NAM
Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm trong Vịnh Bái Tử Long, sát cạnh Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Từ truyền thuyết đến chính sử, cũng như từ huyền thoại đến hiện thực, đều chứng tỏ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long là một thể thống nhất, với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tự nhiên nổi trội.
Đồng thời những lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, địa mạo đã tạo cho Vườn quốc gia những giá trị đặc sắc riêng có, nơi lưu giữ những đặc trưng của hệ sinh thái biển- đảo vùng Đông Bắc, môi trường và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Đây chính là những tiềm năng và lợi thế cho việc phát triển du lịch sinh thái để hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên và cải thiện sinh kế cho người dân đang sống ở vùng lõi và vùng đệm của Vườn.
Trong công tác bảo tồn và phát triển, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của UBND và các ngành của tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn; sự hỗ trợ của các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước như: Frontier Việt nam, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới -IUCN, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên-WWF, Quỹ môi trường toàn cầu-GEF/SGP, Tổ chức tình nguyện bảo tồn sinh viên Nhật Bản-JSCV, Quỹ môi trường toàn cầu Nhật Bản-JGFE, Hiệp hội Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam –VNPPA và Trung tâm Vườn quốc gia-NPC.
Vị trí địa lý: Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm trên địa bàn huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, được thành lập ngày 01/06/2001 theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg, trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Đây là một trong bảy vườn quốc gia của Việt Nam vừa có diện tích trên cạn vừa có diện tích biển.
|
|
|
|
Một góc Vườn quốc gia Bái Tử Long - Ảnh: Phạm Thế Cường |
|
Toạ độ địa lý: từ 20 độ 05' đến 21độ 15' vĩ độ bắc và từ 107độ 30' đến 107độ 46' kinh độ đông
Quy mô diện tích: Tổng diện tích 15.783 ha (diện tích các đảo 6.125ha, mặt biển 9.658ha) Trong đó khu sinh thái đảo Ba Mùn, xã Minh Châu là vùng lõi của vườn quốc gia. Các loài động thực vật sinh sống trong vườn rừng và vùng biển tại khu vực Vườn Quốc gia Bái Tử Long rất phong phú, quý hiếm, có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen.
Cơ quan/cấp quản lý: Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh trực tiếp quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long
Hoạt động du lịch: Bái Tử Long là một điểm du lịch hấp dẫn, nằm trong tổng thể du lịch của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Với nhiều tuyến du lịch sinh thái rừng và biển.
Các giá trị đa dạng sinh học:
Hệ thực vật:
Thực vật ưu thế ở đây gồm các loài thuộc họ Vang Caesalpiniaceae, Chè Theaceae, Dầu Dipterocapasceae, Trâm, Myrtaceae , Sến Sapotaceae. Bái Tử Long còn có hơn 150ha rừng ngập mặn phân bố ở phía tây đảo. Thực vật rừng khá phong phú và đa dạng, đến nay đã ghi nhận được 398 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 4 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như Kim giao Podocarpus fleuryi, Ba kích Morinda officinalis, Giác đề và Thổ phục linh Smilax glabra.
Trong số các loài cây ở vùng rừng ngập mặn của VQG Bái Tử Long, nhóm cây ngập mặn thực sự chỉ có 7 loài thuộc 7 chi, 5 họ. Mặc dù chỉ chiếm 14,29% tổng số loài của rừng ngập mặn nhưng các loài này có số lượng cá thể nhiều, đóng vai trò quan trọng trong các quần xã thực vật của rừng ngập mặn nơi đây.
Các loài cây ngập mặn thực sự ở VQG Bái Tử Long chỉ chiếm 2% tổng số loài cây ngập mặn thực sự ở Việt Nam. Trong đó gặp nhiều nhất phải kể đến các loài cây như Sú Aegyceras corniculatum , Trang Kandelia candel, Đước vòi Rhizophora stylosa, Vẹt dù Bruguiera gymnorrhiza. Ở đây Sú Aegyceras corniculatum được coi là loài cây ngập mặn tiên phong trong quá trình lấn biển. Ngoài ra còn có các loài khác như Cóc đỏ Lumnitzea littore, Ô rô nước Acanthus ilicifolius. Tra làm chiếu Hibiscus tiliaceus, Su ổi Xylocarpus granantum, Hếp Scaevola taccada.
Hệ động vật:
Theo các ghi chép trước đây Bái Tử Long có một hệ động vật có xương sống rất phong phú và đa dạng nhưng hiện nay đã bị suy giảm nghiêm trọng. một số báo cáo thì Lợn rừng Sus scorofa và Hoẵng Muntiacus muntjak, Khỉ vàng Macaca mulatta , Sơn dương Capricornis sumatraensis vẫn còn xuất hiện, nhưng những loài thú lớn như gấu thì không còn được phát hiện.
Về đa dạng loài: Hiện nay đã thống kê được 1.909 loài động thực vật. Trong đó hệ sinh thái rừng có: 1.028 loài gồm các nhóm: thực vật bậc cao có mạch, thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Hệ sinh thái biển có 881 loài gồm: thực vật ngập mặn, rong biển, thực vật phù du, động vật phù du, giun đốt, thân mềm, giáp xác, Da gai, san hô, cá.
Tổng số loài quý hiếm lên đến 60 loài, trong đó có 52 loài trong sách đỏ Việt Nam (1996); 10 loài có tên trong Nghị định 32/2006/CP-NĐ của Chính phủ quy định danh sách các loài động thực vật quý hiếm cần bảo vệ (NĐ 32) và 2 loài có tên trong cả 2 danh sách
|
|
|
|
Thạch sùng mí Goniurosaurus lichtenfelderi - Ảnh: Phạm Thế Cường |
|
Dân số trong vùng: Trong Vườn quốc gia không có dân cư sinh sống, nhưng tại 3 xã vùng đêm (Minh Châu, Quan Lạn và Bản Sen) mật độ dân cư khá thấp chỉ 41người/km 2.
Hoạt động du lịch:
Phát triển Du lịch sinh thái là một trong các nhiệm vụ của VQG Bái Tử Long. Mặc dù tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng nhưng Du lịch sinh thái ở đây mới đang ở giai đoạn chuẩn bị cho sự phát triển bền vững để đạt đựợc các mục miêu kinh tế cũng như bảo tồn và phát triển các giá trị của Vườn. Hiện tại Vườn đang tập trung vào công tác bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường. Năm 2005, ban quản lý VQG đã phối hợp với huyện Vân Đồn triển khai xác định ranh giới VQG trên cả bản đồ và trên thực địa, tổ chức cắm 27 mốc giới xác lập ranh giới VQG với 5 xã nằm trong khu vực bảo tồn và vùng đệm: Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Hạ long và Vạn Yên. Hiện nay Vườn đã xây dựng xong 1 hạt kiểm lâm ở tại Cảng Minh Châu và 3 trạm kiểm lâm trên các đảo. Vườn đã được trang bị 3 tàu và thường xuyên tổ chức tuần tra trên tuyến biển nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm hại đến tài nguyên, bảo tồn nguyên vẹn giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan và lịch sử văn hóa .
Vườn đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học và viện nghiên cứu để điều tra, đánh giá đa dạng sinh học. Đây là cơ sở để triển khai các dự án bảo tồn và nghiên cứu khoa học, cũng như phát triển du lịch sinh thái ở những điểm có sức hấp dẫn với du khách .
Vườn đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục môi trường cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn các xã trong vườn cũng như các xã vùng đệm. Chương trình giáo dục môi trường đã được đưa vào vào giảng dạy ở nhiều trường. Các chủ đề giáo dục môi trường bao gồm: Môi trường và tầm quan trọng của môi trường, đa dạng sinh học và vai trò đối với cuộc sống, tầm quan trọng của nước, hiểm họa môi trường do sự bùng nổ dân số và ô nhiễm môi trường, làm thế nào để bảo vệ môi trường. Cho đến nay, đã có 1600 học sinh được học các bài giảng về môi trường. Vườn cũng đã tổ chức cuộc thi “ tìm hiểu môi trường sinh thái vịnh Bái Tử Long” và cuộc thi “ bảo vệ môi trường biển”. Trung tâm VQG Bái Tử Long đã được xây dựng ở xã Minh Châu. Đây là trung tâm giáo dục cộng đồng và cung cấp thông tin cho khách du lịch.
Từ năm 2006 đến nay, Hiệp hội VQG và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm VQG, Quỹ Môi trường toàn cầu Nhật Bản và Tổ chức tình nguyện sinh viên Nhật Bản đã phối hợp với VQG Bái Tử Long triển khai nhiều hoạt động để phát triển du lịch sinh thái như:
- Điều tra đánh giá các tài nguyên du lịch, khảo sát các đường mòn thiên nhiên
- Xác định các điểm hấp dẫn du lịch, xác định các tuyến du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái.
- Tổ chức các khóa tập huấn/đào tạo để nâng cao kiến thức và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch sinh thái cho cán bộ của Vườn và một số Công ty du lịch ở huyện Vân Đồn.
- Xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Minh Châu: Người dân đã được tập huấn để nâng cao nhận thức về DLST, xây dựng kế hoạch phát triển DLST, xây dựng sản phẩm DLST và được đào tạo về các nghiệp vụ du lịch như: Nấu ăn, lễ tân, nhà nghỉ, cứu nạn, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Tổ chức Hội thảo xúc tiến du lịch sinh thái cho VQG Bái Tử Long với sự tham gia của các bên liên quan.
|
|
Nguồn: Vườn quốc gia Bái Tử Long Việt Nam
|
|
|