Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

QUI PHẠM TRỒNG RỪNG DẦU CON RÁI

.

 

QUY PHẠM KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG

 

 

DẦU CON RÁI (DIPTEROCARPUS ALATUS) (QPN 11 - 88)

 

 

(Ban hành kèm theo uyết định số 437 - QĐ/KT ngày 23 - 6 - 1988)

 

 

Chương 1. Điều khoản chung

Điều 1. Quy phạm này quy định những yêu cầu kỹ thuật thu hái hạt giống, gieo ươm, trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng dầu con rái đến khi khép tán nhằm cung cấp gỗ lớn và dầu nhựa, đảm bảo rừng không khép tán sau 5 - 6 năm.

Rừng đạt lượng tăng trưởng bình quân 5m 3 /ha /năm

Dự kiến rừng khai thác chính ở tuổi 50 - 60 năm.

Điều 2. Quy phạm này chỉ áp dụng cho các tỉnh từ Quảng nam Đà nẵng trở vào.

Điều 3. Dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và các điều khoản của quy phạm này, các địa phương cần xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng dầu con rái cho địa phương mình.

 

Chương II. Điều kiện cây trồng

Điều 4. Chỉ được trồng dầu con rái ở những nơi có điều kiện sau:

Độ cao tuyệt đối dưới 600 m.

Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 25 0 C.

Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1700 mm.

Độ ẩm tương đối cuả không khí vào mùa khô trên 70%.

Điều 5. Đất thích hợp để trồng dầu con rái là loại đất còn tính chất đất rừng, có tầng đất sâu trên 50 cm trên các loại đá mẹ: Phù sa cổ, ba zan, granit ở những nơi đất dốc trên 20 0 , sườn dốc dài trên 100 m thì chỉ trồng dầu ở 1/3 phía dưới cuả sườn dốc.

Điều 6. Không trồng dầu con rái trên các đất khô, xấu hoặc có tầng kết von cứng chặt cách mặt đất 20 - 30 cm với các dạng thực bì chỉ thị như sau:

Trảng cỏ Tranh, cỏ Mỹ ổn định từ lâu.

Trảng cây bụi gồm các loại cây có gai, lá cứng hoặc rụng lá trong mùa khô.

Các dạng rừng thưa gồm các loại cây: Dầu trà beng, Dầu lông, Cẩm liên, Cà chắc, Cà găng. . .

Không trồng dầu con rái trên các loại đất bị ngập úng và phèn ở tầng đất mặt.

 

Chương III. Thu lượm, bảo quản hạt giống và tạo cây con

Mục1. Thu lượm và bảo quản hạt giống

Điều 7. Dầu con rái có chu kỳ sai quả là 2 - 3 năm. Trái chín vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, hàng năm vào tháng 1 - 2 (mùa ra hoa) phải tiến hành điều tra, dự báo sản lượng hạt giống để chủ động bố trí kế hoạch thu lượm hạt và kế hoạch gieo ươm.

Điều 8. Chọn cây giống: Cây chọn lấy giống có tuổi từ 20 - 80 tuổi có đường kính ngang ngực 30 - 100 cm. Cây sinh trưởng tốt, tán dày, cân đối, dáng đẹp,thẳng, cây không bị tổn thương, sâu bệnh hại.

Điều 9. Chọn trái giống:Tiêu chuẩn trái giống lá trái có đường kính trên 1,5 cm, dài trên 2 cm.

Trái và cánh đều chuyển sang màu nâu. Nhân quả trái chắc, màu trắng, không bị bệnh hại.

Điều 10. Bảo quản hạt giống.

Hạt dầu con rái nhanh mất sức nẩy mầm, do đó trái dầu thu lượm về phải gieo ngay. Xử lý hạt trước khi gieo: cắt bỏ cánh, ngâm nước lã từ 2 - 3 giờ sau đó đem gieo.

Nếu chưa kịp gieo phải bảo quản như sau:

Rải thành lớp dầy không quá 20 cm ở nơi râm mát, hàng ngày dùng bình tưới có hoa sen lỗ nhỏ tưới cho đủ ẩm, không tưới ướt đẫm hoặc đọng nước.

Thời gian bảo quản không quá 20 ngày.

Điều 11. Một kg trái phải đạt được 100 cây mầm cấy vào bầu. Tỷ lệ hao hụt cho phép từ khi chăm sóc cây con ở trong vườn cho tới khi đạt tiêu chuẩn đem trồng không quá 6%.

 

Mục 2. Tạo cây con

Điều 12. Việc chọn đất và vị trí đặt vườn ươm, làm thành luống chuẩn bị đất phân phải tuân theo những nguyên tắc kỹ thuật chung cho vườn ươm:

Khi ươm cây tháng đầu phải che bóng 60 - 70% ánh sáng, tháng thứ 2 phải che bóng 40%, tháng thứ 3 dỡ dần dàn che cho tới khi cây con đem trồng.

Điều 13. Có 2 tiêu chuẩn cây con đem đi trồng là:

a) Cây con 3 tháng tuổi ( 2 - 3 tháng )

b) Cây con 1 năm tuổi ( 12 - 14 tháng )

Tiêu chuẩn cây con 3 tháng tuổi đem đi trồng:

Đường kính gốc = trên 3 mm

Chiều cao = trên 20 cm

Cây khoẻ, cân đối, không cụt ngọn, không bị sâu bệnh hại.

Tiêu chuẩn cây con 1 năm tuổi đem đi trồng:

Đường kính gốc = trên 5 mm

Chiều cao = trên 50 cm

Cây khoẻ, cân đối, không cụt ngọn, không bị sâu bệnh hại.

 

Chương IV. Kỹ thuật trồng

Điều 14. Có 2 phương thức trồng

1. Chặt trắng, đốt dọn trồng dầu con rái cây con 3 tháng tuổi kết hợp với cây nông nghiệp trong thời gian 3 - 4 năm, nếu không có điều kiện trồng cây nông nghiệp thì trồng cây đậu chàm, keo lá tràm, muồng đen làm cây con phủ ban đầu thay cho cây nông nghiệp.

Điều kiện áp dụng phương thức chặt trắng:

Rừng tàn kiệt, đất rừng dầy (độ dày tầng đất trên độ ẩm, tỷ lệ mùn cao, độ dốc dưới 10 0 ).

Đủ nhân công trồng nông lâm kết hợp hoặc cây hỗ trợ.

2. Chặt theo rạch, trồng cây con 1 năm tuổi.

Rừng kiệt, hoặc cây bụi rậm rạp, đất rừng có tầng đất sâu 50 - 70 cm, độ dốc trên 10 0 .

Không đủ nhân công để chặt trằng và trồng rừng theo phương thức trên.

Điều 15. Kỹ thuật làm rạch:

a) Đối với thực bì là rừng kiệt: Chặt hết cây cao trên 10 m, giữ lại toàn bộ cây bụi, cây nhỡ, mở rạch, có chiều rộng là 3m, dọn sạch cây bụi, thảm tươi trong rạch.

Tâm cuả rạch nọ cách tâm rạch kia là 10m.

b) Đối với thực bì là cây bụi rậm rạp:

Mở rạch rộng 2m, dọn sạch cây bụi, thảm tươi trong rạch, tâm cuả rạch nọ cách tâm rạch kia là 10m.

Điều 16. Làm đất.

Đào hố trồng:

a) Đối với phương thức trồng bằng cây con 3 tháng tuổi. Đào hố kích thước 30 cm x 30 cm x 30 cm.

b) Đối với phương thức trồng bằng cây con 1 năm tuổi. Đào hố kích thước 40 cm x 40 cm x 40 cm.

Khi đào hố phải để phần đất mặt 1 bên và phần đất đáy hố 1 bên.

Điều 17. Mật độ: Có 3 mật độ (đối với cây dầu)

833 cây/h hàng cách hàng 4m, cây cách cây 3m.

600 cây/h hàng cách hàng 6m, cây cách cây 3m.

400 cây/h hàng cách hàng 10m, cây cách cây 2,5m.

Điều 18. Khi bứng cây đem đi trồng ruột bầu phải ẩm nhưng không bị ướt nhão.Không được làm vỡ bầu khi bứng cây.

Điều 19. Vận chuyển cây con: Khi vận chuyển cây con phải tránh làm vỡ bầu, khi vận chuyển cây bầu đi xa phải che gió che nằng, mưa. Khi chưa trồng ngay được phải đặt cây trong râm mát và tưới ẩm cho bầu.

Điều 20. Trồng cây: Phải xới đất trong hố cho tơi trước khi đặt bầu vào trong hố, lột bỏ túi bầu, lấp đất và nén chặt đất lấp.

Điều 21. Thời vụ trồng: Phải trồng ngay từ đầu mùa mưa. ở Nam bộ bắt đầu từ tháng 5 phải kết thúc vào cuối tháng 6.

Điều 22. Trồng dặm: Sau khi trồng một tháng nếu cây nào chết phải trồng lại ngay. Năm thứ 2 nếu số cây sống không đạt 80% thì phải trồng dặm. Phải trồng bằng cây con có bầu và tiêu chuẩn cây con yêu cầu chất lượng cao hơn cây đem đi trồng.

 

Chương V. Chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng cây trồng

Điều 23. Rừng sau khi trồng phải được chăm sóc 5 năm. Năm thứ nhất: 2 lần.

Lần 1. Ngay sau khi trồng 1 - 1 tháng rưỡi gồm các công việc sau: làm cỏ xới đất xung quanh gốc trong phạm vi đường kính 1m. Phát cỏ dại mọc ven lô trồng, đem cỏ dại tập trung ở giữa đường lô đốt. Khi đốt phải có người trông không để cháy lan.

Lần thứ 2 và năm thứ 3: Mỗi năm chăm sóc 3 lần:

Lần 1. Vào tháng 4, nội dung công việc: Làm cỏ xới đất xung quanh gốc trong phạm vi 0,6m, vun gốc, gỡ dây leo quấn vào cây trồng.

Chặt bỏ những cây tái sinh tiên phong lấn át và trùm lên tán cây dầu.

Lần 2. Vào tháng 6 - 9 nội dung công việc như ở lần thứ nhất.

Lần 3. Vào tháng 11 - 12 gồm các công việc sau: Làm cỏ xới đất xung quanh gốc với đường kính 1m.

Gỡ dây leo quấn vào cây trồng, phát trắng cỏ cây bụi xung quanh ven lô trồng, đem cỏ dại tập trung ở giữa đường lô để đốt. Khi đốt phải có người trông không để cháy lan.

Năm thứ 4: 2 lần.

Lần 1. Vào đầu mùa mưa (tháng 4 - 5)

Lần 2. Vào tháng 11 - 12.

Nội dung công việc cuả lần một như lần một cuả năm thứ 2, Công việc cuả lần thứ 2 như lần 3 của năm thứ 2.

Năm thứ 5: 1 lần vào tháng 11 - 12. Nội dung công việc cuả như lần 3 của năm thứ 2.

Điều 24. Phòng chống cháy rừng. Việc phòng cháy và chống cháy rừng phải tuân thủ theo các qui định cuả bản quy phạm phòng cháy chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác ban hành kèm theo quyết định số 801/QĐ ngày 26/9/1986 .

Khi thiết kế rừng trồng phải thiết kế đường băng cản lửa theo điều 7, 8, 9 (Trong chương 2). Trong những tháng khô phải có chòi canh lửa như mục 4 chương 2 đã qui định.

Điều 25. Trong 5 năm đầu phải có lực lượng bảo vệ chống người và trâu bò phá hoại và chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.

Điều 26. Phòng trừ sâu hại: Trong 4 - 5 năm đầu, nếu rừng bị sâu bệnh hại phải phòng trừ bằng các biện pháp:

Đối với bệnh đốm lá hoặc vàng lá, bệnh đốm phấn lá, dùng thuốc boóc đô (Bordeaux) nồng độ 3% hoặc thuốc Zineb 0,2 - 0,3 % để phun.

Đối với bệnh sây cuốn lá, sâu gây nốt sần ở lá thì phòng trị bằng các loại thuốc Bassa, DDVP 0,2 - 0,5% hoặc thuốc Methyl parasthion 0,2 - 0,3%. Đối với mối phá hoại võ và rễ cây làm cho cây chết khô, dùng thuốc DDT để trừ theo cách sau: Vào đầu và cuối mùa mưa, ngay sau khi làm cỏ và ới đất xong, rắc thuốc vào quanh gốc cây rồi trộn đều với đất, tưới nước ẩm vào gốc. Tùy theo tuổi và nồng độ thuốc, mỗi lần tưới từ 2 - 6 gram cho mỗi gốc cây.

Điều 27. Tỉa cây che phủ và phụ trợ: Trường hợp có trồng cây che phủ và phụ trợ ( cây dầu tràm, keo lá tràm, muồng đen) 2 năm phải tiến hành chặt ngang htân hoặc tỉa cành sao cho tán cây phụ trợ không trùm lên tán cây dầu.

Đối với cây phù trợ: Keo lá tràm, muồng đen, vào năm thứ 3 và thứ 4 phải chặt tỉa không để lấn át, chụp đầu tán cây dầu. Thời gian tỉa và cuối mùa khô, đầu mùa mưu. Cự ly tối thiểu giữa hàng cây phù trợ tới hàng dầu phải trên 2m.

 

Chương VI. Điều khoản thi hành

Điều 28. Tất cả các Sở nông lâm, hợp tác xã kinh doanh rừng, các Liên hiệp xí nghiệp lâm nghiệp có trồng rừng dầu đều phải chấp hành quy phạm này.

Điều 29. Các quy định kỹ thuật trước đây trái với nội dung quy phạm này đều bãi bỏ.

Điều 30. Những đơn vị, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc không nghiêm chỉnh chấp hành quy phạm này gây thiệt hại đến tài sản cuả nhà nước sẽ bị xử lý theo chế hiện hành.

Điều 31. Vụ Khoa học - kỹ thuật, Vụ Lâm nghiệp, Viện lâm nghiệp và các đơn vị có liên quan đến việc thi hành qui phạm chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện qui phạm, đồng thời theo dõi bổ sung cho qui phạm thêm hoàn chỉnh.

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này