QUI PHẠM XÂY DỰNG RỪNG GIỐNG VƯỜN GIỐNG (PHẦN 1)
.
|
QUY PHẠM KỸ THUẬT |
|
|
XÂY DỰNG RỪNG GIỐNG VÀ VƯỜN GIỐNG (QPN 15 - 93 |
|
|
(Ban hành kèm theo Quyết định số 804 - QĐ/KT ngày 02/11/1993) |
|
Phần một. Các vấn đề chung
Chương I. Điều khoản chung
Điều 1. Quy phạm này quy định những yêu cầu kỹ thuật xây dựng rừng giống và vườn giống từ khâu chọn xuất xứ cho đến khi bắt đầu thu hái hạt giống, nhằm cung cấp hạt giống có chất lượng được cải thiện.
Điều 2. Các cơ sở trồng rừng giống và vườn giống phải tiến hành thiết kế, định rõ vị trí, diện tích từng lô, khoảnh cần trồng rừng giống và vườn giống, xác định các biện pháp kỹ thuật cụ thể cần thực hiện trong quá trình trồng rừng giống và vườn giống.
Điều 3. Rừng giống và vườn giống phải được xây dựng theo những biện pháp kỹ thuật đặc biệt và đầu tư cao.
Điều 4. Nghiêm cấm dùng nguồn hạt không rõ xuất xứ hoặc lấy từ xuất xứ không phù hợp, hoặc hạt xô bồ để xây dựng rừng giống.
Nghiêm cấm dùng cây hom hoặc cây ghép từ cây mẹ không được chọn lọc để xây dựng vườn giống.
Điều 5. Qui phạm này chỉ áp dụng cho việc trồng rừng giống từ cây hạt hoặc cây hom được chọn lọc hổn hợp và trồng vườn giống từ cây hạt, cây hom, cây ghép được chọn lọc theo dòng dõi (chọn cá thể).
Chương 2. Điều kiện gây trồng rừng giống và vườn giống
Điều 6. Chỉ được gây trồng rừng giống và vườn giống ở những nơi có đủ các đIều kiện sau đây:
Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho ra hoa, kết quả và các hạt chắc.
Nơi chưa xảy ra dịch bệnh và không bị lũ lụt làm ngập rừng giống và vườn giống (trừ các loại rừng trên đất ngập).
Phải cách li với các rừng trồng kinh tế có cùng loại cây với cự ly ít nhất là 150 m. Đối với loài cây thụ phấn nhờ gió thì rừng giống và vườn giống có thể nằm trên hướng gió chính trong mùa nở hoa mà không cần cách ly. Việc cách ly cũng có thể được thực hiện bằng cách trồng cây khác loài không có khả năng lai giống tự nhiên với cây trong rừng giống và vườn giống.
Có điều kiện chăm sóc bảo vệ và thu hoạch quả thuận lợi.
Điều 7. Diện tích tối thiếu cho rừng giống và vườn giống lấy hạt là 1 ha. Diện tích tối thiểu cho vườn giống lấy hom là 0,1 ha.
Chương 3. Chọn xuất xứ, chọn và quản lý cây mẹ
Điều 8. Chọn xuất xứ: vật liệu để gây trồng rừng giống (hạt, hom) phải được lấy từ xuất xứ tốt nhất đã được khảo nghiệm (có năng suất cao, chất lượng tốt, không bị sâu bệnh), phù hợp với điều kiện sinh trưởng của vùng gây trồng, có khả năng ra hoa kết hạt tại nơi gây trồng rừng giống. Hạt cuả những xuất xứ có thể nhập từ nơi khác.
Điều 9. Chọn cây mẹ lấy giống:
Cây mẹ lấy giống để gây trồng rừng giống và vườn giống là những cây trội được chọn lọc trong các rừng trồng từ những xuất xứ tốt nhất đã được xác định, hoặc từ rừng tự nhiên nhằm mục đích lấy giống.
Số lượng cây mẹ cần thiết để lấy giống dùng cho xây dựng rừng giống tùy thuộc vào qui mô cải thiện giống, song ít nhất là 20 cây.
Tiêu chuẩn chung của cây trội là cây ở tuổi thành thục công nghệ, khỏe mạnh, tán lá phát triển cân đối, không bị sâu bệnh, có sản phẩm theo mục đích kinh tế cao.
Tiêu chuẩn cụ thể phải căn cứ vào mục tiêu trồng rừng để lựa chọn.
Đối với cây lấy gổ: sinh trưởng nhanh, đoạn thân dưới cành dài, thân cây thẳng tròn đều, không xoắn vặn, cành nhánh nhỏ, góc phân cành lớn.
Đối với cây lấy củi là sinh trưởng nhanh, nhiệt trị của gỗ lớn, nhiều gỗ, có khả năng nẩy chồi mạnh.
Đối với cây lấy lá, lấy vỏ phải là cây sinh trưởng nhanh có nhiều vỏ hoặc nhiều lá, hàm lượng các chất cần dùng trong vỏ hoặc trong lá cao.
Đối với cây lấy quả phải là cây nhiều quả, quả to, tỷ lệ nhân nhiều và hàm lượng các chất cần thiết trong nhân cao.
Đối với cây lấy nhựa phải là cây nhiều nhựa.
Đánh giá cây trội:
Các cây trội được lựa chọn ban đầu theo đặc điểm bên ngoài nói ở điểm 1 được coi là cây trội dự tuyển. Chỉ sau khi đã qua đánh giá mới được coi là cây trội chính thức để lấy vật liệu giống.
Đối với rừng đều tuổi thì cây trội là cây có chỉ tiêu chọn giống trực tiếp theo mục tiêu kinh tế vượt trị số trung bình cuả đám rừng hoặc các lâm phân ít nhất là 1,5 - 2 lần độ lệch chuẩn (tức X (bình quân) = 1,5 đến X (bình quân) + 2 hoặc X (bình quân) + 1,5Sx đến x (bình quân) + 2Sx) 1 .
Đối với rừng tự nhiên khác tuổi cây trội được đánh giá theo phương pháp quan sát,
Chọn cây trội để xây dựng rừng giống thì yêu cầu các chỉ tiêu này có thể thấp hơn chọn cây trội để xây dựng rừng giống.
Sau khi cây trội được đánh giá thì được gọi là cây trội chính thức. Vật liệu xây dựng rừng giống và vườn giống phải được lấy từ cây trội chính thức,
Điều 10. Quản lí cây trội (cây mẹ lấy giống).
Cây trội phải được ghi chép vào phiếu theo mẫu chung theo phụ lục 1.
Cây trội phải được đánh số theo một hệ thống chung trong các đơn vị kinh doanh.
Mỗi cây trội được sơn một vòng sơn tương phản với màu sắc của vỏ cây (đỏ, vàng hoặc trắng). Vòng sơn có chiều rộng 2cm, được sơn ở độ cao 1,5m. Phía dưới viết số hiệu cây trội theo cùng một hướng.
Những cây trội đã được hội đồng giống công nhận thì được đánh thêm một vòng sơn như vòng sơn trước và đánh số phía trên theo một hệ thống chung trong từng tỉnh (theo lọai cây).
Cây trội là một tài sản quốc gia. Phải có biện pháp bảo vệ đặc biệt.
Chương 4. Thu hái, bảo quản hạt giống để xây dựng rừng giống và vườn giống
Điều 11. Thu hái quả :
Quả được thu hái riêng rẽ cho từng cây trội và được để riêng. Cây có quả chín trước được thu hái trước, cây có quả chín sau được thu hái sau. Khi thu hái chỉ lấy những quả chín thu hoạch hoặc phần chín thu hoạch, không lấy quả non.
Điều 12. Tách hạt:
Hạt tách khỏi quả được để riêng theo từng cây. Hạt phải được làm sạch tạp vật, loại bỏ các hạt lép và hong phơi hoặc bảo quản sơ bộ theo quy trình cho từng loại hạt.
Điều 13. Đóng gói:
Hạt để trồng rừng giống sau khi đã bảo quản sơ bộ được trộn lẫn theo nguyên tắc các cây mẹ đều có khối lượng hạt tham gia như nhau, sau đó được đóng gói cẩn thận và có phiếu ghi rõ nguồn gốc hạt, số cây mẹ, ngày và nơi thu hái.
Hạt để trồng vườn giống phải được đóng gói riêng theo từng cây và có phiếu ghi rõ số lượng cây mẹ, ngày và nơi thu hái.
Điều 14 . Bảo quản hạt:
Hạt chưa gieo ngay hoặc phải qua thời kỳ ngủ nghỉ phải được bảo quản theo quy trình quy định cho từng loại cây.
Điều 15. Kiểm nghiệm hạt:
Hạt trước khi bảo quản và trước khi gieo phải xác định tỷ lệ nảy mầm (đối với hạt lớn) hoặc số hạt có thể nảy mầm trong một đơn vị khối lượng hạt nhằm xác định số hạt cần gieo để bảo đảm có số cây cần thiết.
Phần hai. Xây dựng rừng giống
Chương 5. Gieo ươm và chăm sóc cây con
Điều 16. Chọn đất vườn ươm, xử lý hạt, gieo hạt và ươm cây để xây dựng rừng giống được thực hiện như qui định cho gieo ươm cây để trồng rừng sản xuất.
Điều 17. Trường hợp dùng cây hom cuả xuất xừ tốt hoặc cuả các cây trội chưa có quả thì kỹ thuật tạo cây hom phải tuân thủ như kỹ thuật tạo cây hom thông thường. Số lượng dòng vô tính cho mỗi rừng giống tối thiểu phải 20 dòng (tức lấy cây từ 20 cây trội).
Điều 18. Cây hom cuả các dòng vô tính được trộn đều với số lượng như nhau để tiếp tục chăm sóc trong vườn ươm : Chăm sóc cây hom được tiến hành như chăm sóc cây sau khi cấy,
Điều 19. Trước khi trồng phải chọn cây có hình thái phù hợp với mục đích và yêu cầu của cây là giống.
Cây con tạo từ hạt thì chỉ lấy một nửa số cây. Những cây được chọn để gây trồng rừng giống là những cây tốt nhất trong vườn ươm. Số còn lại có thể dùng để trồng rừng kinh tế.
Chương 6. Trồng rừng giống
Điều 20. Trước khi trồng phải có thiết kế. Thiết kế trồng rừng phải bao gồm đủ các nội dung về diện tích trồng rừng, phương thức trồng và cách bố trí cây trồng, khoảng cách trồng, quy cách đào hố, bón phân.
Khi trồng cây lá kim nhất thiết phải thiết kế băng cản lửa. Kỹ thuật căn cứ vào quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm, và một số dễ cháy khác ban hành theo quyết định 801 QĐ ngày 26/5/1986 cuả Bộ lâm nghiệp.
Đối với cây thụ phấn nhờ gió nếu trồng rừng theo băng thì hướng băng nhất thiết phải song song với hướng gió thịnh hành trong mùa nở hoa.
Điều 21. Chuẩn bị đất trồng rừng.
Đất trồng rừng giống có độ dốc không qúa 15 0 , được phát dọn sạch thực bì, cày bừa toàn diện hoặc theo bậc thang, làm sạch cỏ. Sau đó cày rạch hàng để chuẩn bị trồng cây.
Điều 22 . Kích thước hố trồng cho rừng giống phải là 50x50x50cm. Trước khi trồng phải bón lót phân hữu cơ theo yêu cầu của từng loại cây.
Việc đào hố bón lót phải làm xong trước khi trồng 1 tuần.
Điều 23. Rừng giống được trồng theo cụm 3 cây (về sau tỉa thưa chỉ để lại một cây). Các cây trong cụm được trồng cách nhau 1m theo 3 đỉnh của tam giác đều.
Khoảng cách các tâm cụm được xác định theo sự phát triển của tán của từng loài cây,bảo đảm nguyên tắc là khi rừng giống phát triển ổn định cây giống giữa các cụm vẫn không giao tán. Tùy theo loài cây mà mật độ cụm có thể thay đổi từ 200 đến 500 cụm / ha.
Chương 7. Chăm sóc, bảo vệ và quản lý rừng giống
Điều 24. Rừng giống sau khi trồng phải được chăm sóc liên tục cho đến lúc vẫn còn thu hái quả . Tùy điều kiện đất đai và thực bì mà năm đầu chăm sóc 2 - 3 lần, năm thứ hai chăm sóc 1 - 2 lần, năm thứ ba chăm sóc 1 lần, từ năm thứ tư trở đi cứ hai năm chăm sóc một lần.
Điều 25. Nội dung chăm sóc:
Nơi không làm nông lâm kết hợp thì nội dung chăm sóc chủ yếu là làm cỏ quanh gốc (nếu cần), bón phân và vun gốc.
Việc bón phân chỉ tập trung cho các cây định giữ lại để làm cây giống.
Điều 26. Phải thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp có hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, lửa rừng và sự phá họai của con mgười cho đến lúc rừng còn thu hái quả .
Điều 27. Rừng giống phải có hồ sơ ghi chép rõ ràng nguồn giống, thời gian và phương thức trồng, mật độ trồng, biện pháp kỹ thuật đã xử lý và các diễn biến khác.
Chương 8. Tiả thưa rừng giống và thu hái quả.
Điều 28. Tiả thưa cho rừng giống phải được thực hiện từ lúc cây trong cụm khép tán. Số lần tỉa thưa từ 1 đến 2 lần là tùy theo đậc điểm sinh trưởng và phát triển của loài cây và theo điều kiện lập địa cụ thể.
Điều 29. Cây tỉa bỏ là cây sinh trưởng kém, bị sâu bệnh, không đáp ứng yêu cầu làm giống.
Cây được giữ lại làm cây giống phải là cây sinh trưởng và phát triển cân đối, có sản phẩm theo mục tiêu kinh tế cao, không sâu bệnh, có khả năng ra hoa kết hạt (xem điều 9).
Điều 30. Khi bài cây, trước hết phải đánh dấu cây giữ lại để làm giống. Dùng sơn có màu sắc tương phản với vỏ cây được để lại. Cây bài cần chặt được đánh dấu theo màu sắc khác. Dấu bài cây được đánh ở hai vị trí, một dấu ở phần sát gốc, một vị trí 1,3 m, để dễ kiểm tra sau khi chặt.
Điều 31. Mùa chặt tỉa thưa tốt nhất là trước mùa sinh trưởng. Sau khi chặt tỉa thưa phải dọn vệ sinh rừng và kết hợp chăm sóc bón phân cho những cây giữ lại làm cây giống.
Điều 32. Nghiêm cấm chặt lợi dụng tỉa thưa để khai thác cây đạt kích thước lớn trong rừng.
Việc bài cây tối thiểu phải do cán bộ kỹ thuật đã qua huấn luyện tiến hành.
Điều 33. Khi có điều kiện cần thực hiện tốt việc tỉa bỏ những cành không có hiệu quả (cành không có khả năng ra hoa, đậu quả) để tập trung chất ăn cho những cành hữu hiệu.
Điều 34. Thu hái quả từ rừng giống để cung cấp giống cho trồng rừng sản xuất theo phương thức thu hái chung cho những cây có quả chín thu hoạch cùng thời kỳ và chỉ thu hái từ vụ quả thứ ba trở đi. Nghiêm cấm việc chặt cành lấy quả.
Phần thứ ba. Xây dựng vườn giống
Chương 9. Tạo cây ghép
Điều 35. Tiêu chuẩn cây để làm gốc ghép.
Cây để làm gốc ghép phải là những cây còn ở tuổi vườn ươm sinh trưởng khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, có đường kính phát triển để phù hợp với kích thước cuả cành ghép. Kỹ thuật tạo cây làm gốc ghép như kỹ thuật tạo và chăm sóc cây con.
Điều 36. Cành ghép lấy từ các cây trội đã được chọn lọc và đánh giá hoặc được hội đồng giống cuả ngành lâm nghiệp công nhận. Khi cắt khỏi cây mẹ cành ghép phải được cắt bớt phiến lá và được bảo quản trong điều kiện ẩm mát.
Điều 37. Mùa ghép được xác định theo đặc điểm sinh học, vật hậu, yêu cầu sinh thái cuả cành ghép và theo diễn biến thời tiết khí hậu cuả từng vùng.
Điều 38. Trước khi ghép phải tạo điều kiện cho cây làm gốc ghép sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, phải bảo đảm cho đất có đủ độ ẩm cần thiết. Sau khi ghép phải có biện pháp che nắng và giữ ẩm cho cây ghép phát triển thuận lợi.
Điều 39. Khi ghép mắt và ghép áp mà cánh ghép chắc chắn đã liền sinh với gốc ghép cách chỗ ghép 10 - 12 cm.
Điều 40. Phải kịp thời cắt bỏ các chồi phụ mọc từ gốc ghép trong suốt quá trình sinh trưởng cuả cây ghép.
Điều 41. Số cây ghép cuả mỗi dòng thay đổi tùy theo số dòng vô tính tham gia xây dựng vườn giống (ít nhất không dưới 20 dòng) và số lần lặp cuả chúng trong vườn giống. Khi số dòng vô tính trên cùng một diện tích vườn giống càng nhiều thì số cây ghép trong mỗi dòng càng ít.
Chương 10. Trồng, chăm sóc vườn giống và thu hái quả
Điều 42. Trước khi trồng vườn giống phải thiết kế. Nội dung và các bước thiết kế tuân thù các quy định tại phần 2 cuả quy phạm.
Điều 43. Mật độ trồng vườn giống là mật độ cuối cùng (200 - 400 cây/h hoặc 200 - 400cụm cây/ha). Tuỳ theo phát triển tán cuả các loài cây mà thay đổi khoảng cách trồng là 5m x 5m, 6m x 6m hoặc 6m x 7m hoặc 7m x 7m.
Nguyên tắc chung là cây có tán lá nhỏ thì trồng mật độ cao, cây có tán lá lớn thì trồng mật độ thấp.
Điều 44. Khi trồng bằng cây ghép (vườn giống vô tính) thì mỗi hố trồng 1 cây (theo mật độ cuối cùng).
Khi trồng bằng cây hạt (vườn giống cây hạt) thì mỗi cụm 3 cây (trồng cách nhau 1 m) được coi là một cụm cây. Khoảng cách giữa tâm các cụm cây là khoảng cách được tính theo mật độ cuối cùng.
Điều 45. Bố trí cây trong vườn giống phải bảo đảm nguyên tắc các cây cùng dòng vô tính hoặc cùng một gia đình không được trồng cạnh nhau. Sơ đồ bố trí cây theo phụ lục 2.
Điều 46. Việc lựa chọn sơ đồ bố trí cây cụ thể phải căn cứ vào yêu cầu cải thiện giống, trình độ cho phép cuả cán bộ kỹ thuật và công nhân trồng rừng tại cơ sở và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 47. Cây trồng trong vườn giống được bố trí thành nhiều khối. Trong mỗi khối chỉ trồng một cây ghép cuả mỗi dòng họ vô tính hoặc mỗi cụm cây cuả mỗi gia đình.
Điều 48. Kích thước hố trồng ở vườn giống vô tính ít nhất là 60x60x60 cm. Kích thước trồng ở vườn giống cây hạt như kích thước trồng ở rừng giống (xem Điều 22).
Phải bón lót đủ lượng phân hữu cơ trước khi trồng và phải nhiều hơn so với trồng rừng sản xuất.
Điều 49. Yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trong vườn giống như yêu cầu trong rừng giống (xem phần 2).
Điều 50. Tỉa thưa cho vườn giống cây hạt được thực hiện khi các cây trong cụm bắt đầu khép tán. Việc tỉa thưa được tiến hành từng bước cho đến khi chỉ còn lại một cây trong cụm. Cây giữ lại phải là cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đạt yêu cầu cao nhất về sản phẩm giống theo mục tiêu đặt ra. Phương pháp bài cây được thực hiện như tỉa thưa rừng giống (Xem chương VIII).
|