SỰ XÂM LĂNG KINH HOÀNG CỦA LOÀI CÁ HOÀNG ĐẾ CICHLA OCELLARIS Ở HỒ TRỊ AN
Phùng Mỹ Trung - WEBADMIN
Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống trên khắp các cánh rừng phục hồi thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu - Đồng Nai như muốn tắm gội tiết trời oi ả nóng bức của những tháng, ngày mùa khô, khô hạn. Trên bề mặt con suối cạn trơ trọi những tảng đá nóng bỏng khô khát, giờ là dòng nước đục ngàu như muốn cuốn phăng đi những đám thảm mục thực vật. Từng đàn cá Trắng Puntius binotatus, Cá rô Anabas testudineus, Cá ngựa nam Hampala macrolepidota tung tăng bơi lội trong dòng nước chảy xiết kiếm mồi, thỉnh thoảng một vài chú cá nghịch ngợm lại lao mình lên khỏi mặt nước kéo theo từng bầy đông đúc "bay" theo. Bao quanh những cánh rừng mưa nhiệt đới là một vùng lòng hồ Trị An mênh mông là nước. Cơn mưa bất chợt dù mạnh đến mấy cũng chỉ đủ để làm cho mặt hồ gợn những cơn sóng nhẹ lăn tăn vỗ bờ. Nơi đây, Trị An đã được ghi tên mình vào không ít ca từ của những ca khúc sống động một thời.
Theo danh lục cá mới đây nhất được công bố năm 2006 thì có 97 loài cá đã được ghi nhận phân bố trên dòng sông Đồng Nai. Có rất nhiều loài được đưa vào vào Sách đỏ Việt Nam như Cá ét mọi Morulius chrysophekadion, Cá còm Notopterus chitala hay như loài Cá rồng Scleropages formosus là loài được coi như là tuyệt chủng ở Việt Nam đã được tìm thấy chúng vẫn còn tồn tại nơi đây. Sự đa dạng về loài được ghi nhận vào bậc nhất nhì ở Việt Nam vì đây là dòng sông lớn duy nhất bắt nguồn và uốn mình trọn vẹn trong lãnh thổ nước ta nên có rất nhiều loài đặc hữu, quí hiếm.
|
|
|
Sau khi xây dựng xong đập thuỷ điện Trị An, một số lượng cá giống thuộc loài như Trắm cỏ Ctenopharyngodon idellus, Mè Hypophthalmichthys molitrix, Trắm đen Mylopharyngodon piceus được thả xuống nhằm làm sạch lòng hồ thì số lượng loài được tăng lên. Do nhu cầu kinh tế của một số người dân sống trong vùng lòng hồ Trị An họ đã xây dựng ao thả một số loài cá bản địa có nguồn lợi kinh tế lớn và và có lẽ đây là nguyên nhân bắt nguồn của những thảm họa về môi trường xảy ra. Thảm hoạ đáng kể nhất là loài Cá chim trắng Colossoma brachypomum một loài cá ăn thịt đáng sợ trong họ Cá hổ Characidae du nhập từ Nam Mỹ được nuôi ở các ao hồ nơi đây. Rất nhiều cá thể của loài này đã vượt khỏi tấm kiểm soát của con người thoát ra vùng lòng hồ. Chúng tấn công ăn thịt rất nhiều các loài cá bản địa, chúng là nỗi khiếp sợ của các loài lưỡng cư, bò sát và ngay cả một số loài thú nhỏ. Những ghi nhận mới nhất tại huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai là Cá chim trắng được nuôi trong ao đã cắn đứt một ngón tay út của một người phụ nữ trong lúc giặt quần áo ở cầu ao. Tuy nhiên, một điều may mắn nhất đối với thảm hoạ về môi trường nơi đây là loài cá Chim trắng Colossoma brachypomum hầu như không có khả năng sinh sản trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam. Tưởng chừng như thảm hoạ này là lời cảnh báo rõ nhất cho những con người sống trong khu vực lòng hồ nhưng điều đó hầu như không được một chút đếm xỉa mảy may của con người mà họ còn khuyến khích việc nuôi thịt loài cá khủng khiếp này và rồi cũng chính con người lại đem đến nơi đây thêm một loài cá ăn thịt không kém phần ghê rợn như loài Cá chim trắng. Loài cá mới này cũng được du nhập từ Nam Mỹ. Một loài cá rất đẹp và có cái tên cũng rất mỹ miều mà ngư dân lòng hồ đặt cho nó CÁ HOÀNG ĐẾ.
|
|
|
Cá Hoàng đế có tên tiếng Anh: Peacock Bass, Tên khoa học: Cichla ocellaris chúng thuộc họ cá Hoàng đế Cichlidae và bộ cá Vược Perciformes. Cá Hoàng đế có thân thon dài. vây lưng dài hình chữ V. Miệng rộng, Hàm dưới nhô ra dài hơn hàm trên. Một đốm đen khá lớn rất đặc trưng với viền màu bạc lớn bao quanh rộng đến tận vây đuôi. Vây lưng màu xám bạc vây bụng có màu trắng vàng, với 3 vạch lớn màu đen quanh thân, giữa các vạch đen là những chấm đen. Tia vây lưng thứ nhất, vây đuôi trên và vây ngực có màu xám hoặc đen, tia vây hậu môn vây đuôi dưới có màu đỏ. Một vài các đốm trắng ở các tia vây lưng thứ nhất và vây vây đuôi. Những cá thể trưởng thành thường có các dải màu vàng cam kéo dài từ miệng cho đến vây đuôi. Mắt màu đỏ
Về sinh học, loài này thường gặp ở vùng nước ngọt. Tuy nhiên, theo báo cáo của Shafland (1993,1995) chúng có khả năng chịu mặn ở nồng độ 18 phần ngàn. Ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường của loài này là chịu lạnh kém so với với hầu hết các loài thuộc họ Cichlidae. Theo báo cáo của Swingle (1966), đối với cá dài 80mm chúng không sống được ở nhiệt độ dưới 16oC. Với cá có chiều dài 85-140mm ngưỡng nhiệt độ gây chết là dưới 15.6 độ C và trên 37.9 độ C (Guest và cộng sự, 1976). Ở môi trường nước có nồng độ muối 10 phần ngàn, một vài cá thể có thể chịu đựơc nhiệt độ 13.5oC.
Trong điều kiện đủ thức ăn, cá có thể đạt đến chiều dài 250-300 mm và đạt độ trưởng thành sinh dục khoảng dưới 12 tháng (Shafland,1996). Con đực lớn hơn con cái (Shafland,1996)
Về sinh sản, cá Hoàng đế sinh sản hữu tính, mỗi lần đẻ từ 2000-3000 trứng (Schroeder và Zaret, 1977; Shafland, 1995). Cá bố mẹ sẽ canh ổ trứng trong khoảng 9 tuần, sau đó bầy cá con di chuyển đến vùng bờ nơi có nhiều thực vật. Cũng giống như hầu hết các loài thuộc họ Cichlidae, cá bố mẹ phân chia lãnh thổ và rất hiếu chiến (Zaret and Paine, 1973).
Về thức ăn, cá Hoàng đế là loài cá ăn thịt (mồi sống - chưa có ghi nhận chúng ăn các loài đã chết). Chúng kiếm ăn ban ngày và không hoạt động về đêm. Chúng bắt mồi nhờ vào tốc độ truy đuổi nhanh, ngược lại với cách săn mồi phục kích thường thấy ở các loài cá ăn thịt khác (Erdman in Shafland, 1995). Ở những khu vực không phải vùng bản xứ của chúng như Barro, đảo Colorado, Panama, chúng ăn các loài thuộc họ Atherinidae, Poecilidae, Characidae, eleotridae và các loài cichlidae khác(Zaret and Paine, 1973). Ở Florida, spotted tilapia và Tilapia mariae là thức ăn chính của chúng (Shafland, 1993, 1995). Ngoài ra thức ăn của chúng còn có các loài như Oreochromis mossambicus, và Lepomis macrochirus (Shafland, 1993). Ở Việt Nam trong quá trình theo dõi của chúng tôi thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ như Mè dinh Puntius gonionotus, cá trắng Puntius binotatus, Cá lòng tong đá Rasbora argyrotaenia … Kích thước tối đa của loài này có thể đạt tới chiều dài 500-600mm (Axelrod và cộng sự, 1971; Zaret và Paine, 1973)
Loài cá Hoàng đế ngoài nơi cư trú bản xứ, chúng còn được tìm thấy ở vùng Amazon, Orinoco, và vịnh La Plata ở Nam Mỹ (Schroeder and Zaret, 1977). ở vịnh Mexico, chúng sống ở các kênh đào phía Nam Florida (Courtenay et al., 1991; Shafland, 1996).
Khả năng tác động môi trường, hiện tại cá Hoàng đế ở các kênh đào và vùng hồ thuộc Nam Florida và thức ăn chính của chúng là các loại cá ngoại lai. Tuy nhiên, cá Hoàng đế được mô tả như 1 loài cá ăn thịt có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái nơi nó được du nhập.
Báo cáo của Shafland (1993) cho thấy sự suy giảm của quần thể các loài cá ăn thực vật thuỷ sinh ở các kênh đào có cá Hoàng đế sinh sống. Ước lượng sự suy giảm của loài spotted tilapia khoảng 51 kg/ha (40%) từ 1985-88 và 654 con/ha (58%) từ 1989-1992. Zaret và Paine (1973) thả cá Hoàng đế vào hồ Gutan, Panama để nghiên cứu sự ảnh hưởng của loài này với các loài bản địa. Loài này đã tác động nghiêm trọng đến các loài khác, làm biến mất 8 loài bản địa phổ biến nhất trong hồ và góp phần làm gia tăng số lượng các loài không phổ biến trước đó. Qua đ ó, Zaret và Paine cho rằng chính sự xuất hiện của cá Hoàng đế đã làm thay đổi thành phần loài của hệ sinh thái.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Shafland(1931,1995), có những ảnh hưởng tích cực đối với việc du nhập cá Hoàng đế. Ông nhận thấy có sự liên hệ giữa cá Hoàng đế và sự phong phú của các loài Lepomis microlophus và Micropterus salmoides. Shafland kết luận sự gia tăng số lượng của các loài bản địa là nhờ vào cá Hoàng đế ăn các loài ngoại lai khác và làm giảm số lượng của chúng. Do đó, rõ ràng loài cá ăn thịt to lớn này có tầm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường nơi chúng cư trú. Nếu cá Hoàng đế tiếp tục gia tăng sự phân bố của chúng khắp Nam Florida, hệ động vật hoặc các hệ sinh vật khác ở vùng Everglades có thể bị đe doạ.
|
|
|
Phân bố địa lý của nhiều loài được giới hạn bởi các hàng rào do chính các yếu tố môi trường, khí hậu. Do vậy các loài động vật ở Bắc Mỹ không thể vượt qua biển để đến châu Á được. Các loài cá nước ngọt ở ao hồ châu Phi không thể vượt cạn để sang các ao hồ khác. Các sa mạc, dòng sông, dãy núi chính là những hàng rào di chuyển sự phát tán của các loài. Do cách ly về mặt điạ lý nên quá trình tiến hoá được phân ly theo nhiều hướng khác nhau tại các vùng của trái đất. Những nơi cư trú biệt lập, cách ly hoàn toàn có xu hướng phát triển thành những loài đặc hữu. Tuy nhiên, nhân tố con người đã làm thay đổi cơ bản đặc tính này bằng việc di chuyển và phát tán các loài trên nhiều vùng khác nhau. Có nhiều loài được con người vận chuyển một cách không chú ý trong khi có rất nhiều loài được du nhập một cách chính thống (Ốc bươu vàng Pomacea caniculata, cá Chim trắng Colossoma brachypomum) vì mục đích phát triển kinh tế. Phần lớn các loài du nhập không sống được tại những nơi mới đến do môi trường không phải lúc nào cũng phù hợp. Mặc dù vậy, vẫn có một tỷ lệ nhất định các loài nhập cư thiết lập được sự sống trên vùng đất mới và rất nhiều loài trong số đó còn vượt trội, xâm lấn các loài bản địa. Các loài du nhập này còn cạnh tranh với các loài bản địa để có được nguồn thức ăn và nơi sống ít ỏi. Một số loài du nhập còn ăn thịt các loài bản địa đẫn đến tuyệt chủng hay làm thay đổi thay đổi nơi cư trú đến mức nhiều loài biến mất.
Tại sao các loài du nhập lại có thể dễ dàng xâm nhập và chiếm lĩnh các nơi cư trú và thay thế các loài bản địa đến vậy? Vấn đề ở chỗ là nơi cư trú mới chưa có loài thiên địch của chúng các loài động vật là kẻ thù, các loại côn trùng, động vật ký sinh, nấm bệnh đe doạ, cho nên không có bất cứ biện pháp nào hữu hiệu để kiểm soát và khống chế sự phát triển của chúng. Do vậy có thể coi các loài ngoại lai là mối đe doạ nghiêm trọng bậc nhất đối với các loài sinh vật bản địa. Tác hại mà chúng gây ra bởi nơi cư trú bị tàn phá chia cắt, ô nhiễm dịch bệnh ... Khi chúng đã định cư thì việc tách chúng ra khỏi quần xã là điều không thể làm được (Coblentz, 1990) vì sự xâm nhập sâu của chúng vào quần xã khiến cho việc loại bỏ chúng trở nên khó khăn cực kỳ và tốn kém.
Có lẽ mối nguy hiểm khủng khiếp nhất là loài nhập cư là các loài có quan hệ gần gũi với các loài bản địa. Khi chúng lai ghép với các loài bản địa thì các genotyp dộc nhất của loài bản địa có thể bị loại trừ khỏi các quần thể địa phương, sự khác biệt về hình thái trong các con lai sẽ phát sinh ra một thảm họa mới. Sự xuất hiện của loài cá Hoàng đế ở hồ Trị An chắc chắn sẽ là một thảm hoạ cho môi trường và các loài cá bản địa lòng hồ Trị An. Theo quan sát của chúng tôi trong 2 năm qua (tháng 11/2006 đến nay) cho thấy sự phát triển bùng nổ về số lượng cá thể một cách kinh khủng vào tháng 11 năm 2006 cá thể bắt được có kích thước chiều dài khoảng 10-14cm và số lượng bắt được rất hiếm trong hàng trăm kg cá mồi (các loại cá nhỏ dùng làm mồi nuôi cá lóc bè) thì đến nay kích thước chiều dài của chúng khoảng 180 đến 200mm. Cá thể lớn nhất bắt được vào ngày 8/6/2007 cân năng 0,83kg. Chúng sinh sản rất nhanh do nguồn thức ăn dồi dào và môi trường sống thích hợp. Có thể mua dễ dàng từ một đến vài chục ký cá Hoàng đế do ngư dân đánh bắt được mỗi ngày tại chợ cá Vĩnh An. Thức ăn của Cá hoàng đế được ghi nhận là các loài cá trắng Puntius binotatus Cá mè vinh Puntius gonionotus và một loài cá Lòng tong khác. Cách tấn công con mồi của chúng rất nhanh và gọn do vậy nguy cơ tiềm ẩn về một số loài bản địa bị tuyệt chủng chỉ còn là vấn đề thơi gian.
Sau cơn mưa, ánh mặt trời lại rực sánh trên sóng nước mênh mông của lòng hồ Trị An. Mặt hồ lung linh như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những tia nắng chiều gay gắt. Sự bình lặng vẫn hiện hữu ở nơi đây từ bao đời cũng như sự bình lặng của những loài cá bản địa đã thích nghi với điều kiện sống và chọn lọc tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này. Nhưng bên dưới tầng nước sâu kia chắc chắn đang xảy ra một cuộc đấu tranh sinh tồn không khoan nhượng giữa các loài bản địa với những kẻ ngoại lai xâm hại như cá Hoàng đế, cá Chim trắng, cá Lau kiếng hay còn những loài nào nữa mà cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa phát hiện và không biết đến bao giờ chúng ta mới nhận ra đây là thảm hoạ của môi trường đối với vùng lòng hồ vốn dĩ nó đã được đặt tên là Trị An.
Tài liệu tham khảo:
-
Axelrod, H.R., C.W. Emmens, D. Sculthorpe, W.V. Winkler, and N. Pronek. 1971. Exotic Tropical Fishes. TFH Publications, Inc. Jersey City, NJ.
-
Courtenay, W. R., Jr. and C. R. Robins. 1973. Exotic aquatic organisms in Florida with emphasis on fishes: A review and recommendations. Transactions of the American Fisheries Society 102(1):1-12.
-
Courtenay, W. R., Jr., D. P. Jennings, and J. D. Williams. 1991. Appendix 2, exotic fishes. Pages 97-107 in Robins, C. R., R. M. Bailey, C. E. Bond, J. R. Brokker, E. A. Lachner, R. N. Lea, and W. B. Scott, editors. Common and scientific names of fishes from the U.S. and Canada. Special Publication 20, American Fisheries Society, Bethesda, Md..
-
Courtenay, W. R., Jr., H. F. Sahlman, W. W. Miley, II, and D. J. Herrema. 1974. Exotic fishes in fresh and brackish waters of Florida. Biological Conservation 6(4):292-302.
-
Đa dạng sinh học - Phạm Bình Quyền - Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội - 2002
-
Guest, W. C., B. W. Lyons, and G. Garza. 1979. Effects of temperature on survival of peacock bass fingerlings. Proceedings of the Annual Conference of the Southeastern Association of Fish and Wildlife Agencies 33:620-627.
|