Lá: Lá là cơ quan sinh dưỡng của thực vật có chất diệp lục giữ chức năng quang hợp và thoát hơi nước. Lá thông thường là dẹt và đối xứng hai bên, có kích thước xác định và phát triển tới hạn tùy theo từng loài thực vật. Lá phát triển từ thân hoặc cành và thường có chồi ở nách.
Lá đầy đủ thường có phiến lá, cuống lá và lá kèm. Có những loại lá không có lá kèm hoặc không có cuống. Phiến lá có đầu lá hay chóp lá, gốc lá, mép lá, hệ gân lá (gân chính, gân bên và các gân phụ) và phần thịt của lá. Ở phần lớn Thực vật một lá mầm, phần gốc cuống lá phình rộng thành hình cái bao ôm lấy thân, gọi là bẹ lá, ở hai bên bẹ lá hoặc ở hai bên gốc phiến lá, có phần kéo dài gọi là tai lá. ở mặt trên của lá, ngăn cách gốc phiến lá với bẹ lá có lưỡi bẹ (hay thìa lìa) thường ôm lấy thân cây.
Các kiểu lá: Thông thường, chúng ta hay gặp kiểu lá đơn với nhiều hình dạng khác nhau: hình kim, hình vẩy, hình dải (hay hình vạch), hình ngọn giáo, hình trái xoan, hình bầu dục, hình trứng, hình tim, hình thận, hình tam giác, hình khiên, hình mũi lao (hay hình kích).
Ngoài kiểu lá đơn, còn có kiểu lá kép. Lá kép có phiến lá phân chia thành nhiều thùy hoặc nhiều lá chét, có cuống hoặc không có cuống, đính vào cuống lá kép và thường gặp là:
Lá kép chẻ ngón: Lá kép có nhiều lá chét đính tại một điểm của cuống lá chính. Xòe ra dạng bàn tay.
Lá kép chân vịt: Lá chét có những thùy nông hoặc sâu, dạng chân vịt.
Lá kép lông chim: Lá kép có các lá chét sắp xếp hai dãy trên cuống lá chính, dạng lông chim. Thường gặp nhiều dạng khác nhau:
Lá kép lông chim chẵn: Có các lá chét mọc đối
Lá kép lông chim lẻ: Ngoài các lá chét mọc đối còn có một lá chét ở đỉnh;
Lá kép lông chim hai lần (lẻ hay chẵn): Là lá kép có hai lần dãy lá chét dạng lông chim lẻ hay chẵn. |