Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NHỮNG LOÀI LƯỠNG CƯ KỲ QUÁI TRONG THIÊN NHIÊN VIỆT NAM

Phùng Mỹ Trung – Admin www.vncreatures.net

 

Thiên nhiên hoang dã Việt Nam không chỉ đẹp mà còn có những loài động vật thật kỳ quái. Sau đây là một số hình ảnh về những loài động vật Lưỡng cư "chẳng giống ai" được phát hiện và chụp hình trong tự nhiên để độc giả cảm nhận về tính đa dạng, kỳ thú và phong phú của thiên nhiên tươi đẹp của chúng ta.

 

1. Cóc tía Bombina maxima

Chẳng có ai trong chúng ta không biết câu ngạn ngữ “Gan cóc tía” nhưng thực tế thì có rất ít người có cơ hội chiêm ngưỡng loài động vật “sách đỏ” này. Cóc tía Bombina maxima phân bố ở độ cao trên 2000m ở đãy núi hùng vĩ Fanxipan thuộc Vườn cuốc gia Hoàng Liên. Mặc dù có thân hình xù xì, xấu xí nhưng trước mặt nàng Cóc đực, cô nàng cóc cái này vẫn là một sinh vật đẹp nhất mà chàng ta từng gặp trong thiên nhiên hoang dã.

 

 

 
 
 
Cóc tía - Bombina maxima - Ảnh: Phùng Mỹ Trung
 

 

2. Ếch cây hủi Theloderma gordoni

Chung thủy với bạn tình” đó là một cụm từ được đành để tặng cho tình yêu vĩnh cữu của loài ếch cây xấu xí nhất nhì trong các loài ếch cây ở Việt Nam Theloderma gordoni - Ếch cây hủi. Loài này sống thành đôi trong các hốc cây đọng nước trong rừng hay các hốc đá có các lá cây rụng xuống và thối rữa. Nơi ở của chúng rất nặng mùi, tuy nhiên lại là tổ ấm trọn đời của hai cá thể, chúng đẻ từ 6-10 trứng trong mùa sinh sản. Con non “nòng nọc” sống chung cùng cha mẹ cho đến khi trưởng thành chúng phải tìm nơi sống mới và tìm kiếm bạn tình để kết đôi. Mặc dù ngôi nhà “thúi hoắc” đó sẽ không thân thiện với loài khác nhưng các chất Tanin từ thân, lá, vỏ của các loài thực vật thối rữa chính là một phần quan trọng tránh làm cho con non của chúng bị “Mù mắt” vì đây là bài học quan trọng cho chúng ta nếu muốn nuôi sinh sàn loài này.

 

 

 
 
 
Ếch cây hủi-Theloderma gordoni - Ảnh: Phùng Mỹ Trung
 

 

3. Ếch sừng mắt Brachytarsophrys intermedia

Được mệnh danh là một trong những kẻ khổng lồ ngự trị nơi các dòng suối ở độ cao trên 1000m. Loài ếch sừng mắt Brachytarsophrys intermedia với một làn da nâu bóng mượt sẽ là một khám phá thú vị trong thiên nhiên hoang dã của chúng ta.  Thần hình kỳ quái cùa chúng và cái miệng rộng “toang hoác” mở ra mỗi khi chúng bị đe doạ. Đôi khi “To miệng” cũng có thể đe dọa được nay cả một con chồn đèn háu đói khi muốn tấn công chúng.

 

 

 
 
 
ch sừng mắt - Brachytarsophrys intermedia - Ảnh: Phùng Mỹ Trung
 

 

4. Ễnh ương đốm Calluella guttulata

Là loài rất hiếm vì chúng chỉ được ghi nhận mới đây ở vườn quốc gia Bù Gia Mập và là một trong những loài nhỏ nhất trong các loài ễnh ương được tìm thấy ở Việt Nam. Dù có bị kéo ra khỏi chỗ nằm nhưng các chàng ễnh ương đốm vẫn không ngớt cất tiếng gọi người tình trong mùa giao phối. Nói về khoản si tình thì chàng ta đáng được đứng nhất bảng trong các loài lưỡng cư ở Việt Nam.

 

 

 
 
 
Ễnh ương đốm - Calluella guttulata - Ảnh: Phùng Mỹ Trung
 

 

5. Nhái cây sừng Gracixalus supercornutus

Không chỉ xù xì mụn cóc mà trên cơ thể loài Nhái cây sừng Gracixalus supercornutus còn mọc ra nhiều chiếc gai nhọn. Loài này sống trên cây, phân bố ở độ cao trên 1.000m. Thân hình dị hợm, màu sắc sặc sỡ như những đám rêu. Đôi khi những chiếc gai mềm xèo kia lại có thể đánh lừa những kẻ săn mồi lầm tưởng là những cây gai sắc nhọn.

 

 

 
 
 
Nhái cây sừng - Gracixalus supercornutus - Ảnh: Nguyễn Quảng Trường
 

 

6. Cóc núi hansi Ophryophryne hansi

Nếu lần đầu bạn có dịp được đi thám hiểm cùng các nhà nghiên cứu về bò sát, lưỡng cư trong đêm tối và đâu đó trong khoảng không mù mịt của đêm đen dày đặc bạn sẽ nghe tiếng gọi bầy, gọi bạn tình của loài Cóc núi hansi Ophryophryne hansi, bạn sẽ dễ lầm tưởng đó là tiếng hót của một loài chim. Với kích thước khá nhỏ chúng thường lẩn trốn trong các lớp thảm mục thực vật trong các bụi gai mây dày đặc ở ven các con suối trên độ cao 1.000m. Khi ánh đèn pin bật lên, lập tức chúng sẽ im bặt trong đêm tối để lại một khoảng không gian vắng lặng đến rợn người.

 

 

 
 
 
Cóc núi hansi - Ophryophryne hansi - Ảnh: Nguyễn Quảng Trường
 

 

7. Ễnh ương đông dương Kaloula indochinensis

Khoảng 6 tháng mua khô khô hạn ở Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu - Đồng Nai. Loài Ễnh ương đông dương Kaloula indochinensis (loài mới phát hiện năm 2013) ngâm mình khép kín trong những chiếc ống cây lồ ồ đầy nước và khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi sẽ đánh thức chúng dậy kiếm ăn, gọi bạn tình và giao phối, đẻ trứng. duy trì nòi giống. Vòng đời tiếp nối vòng đời, thế hệ tiếp nối thế hệ trong chuỗi mắt xích sinh học của thiên nhiên hoang dã.

 

 

 
 
 
Ễnh ương đông dương - Kaloula indochinensis - Ảnh: Nguyễn Quảng Trường
 

 

8. Cóc mày mắt đỏ Leptobrachium pullum

Với một phần mắ đỏ rực rất đặc trưng, loài này là một kiệt tác của tự nhiên. Mặc dù nhiệt độ ở độ cao trên 1.500m khá lạnh nhưng với chúng mùa hè là một mùa khó khăn. Vì vậy khi những cơn mưa cuối mùa bắt đầu ngừng rơi thì cũng là lúc bạn không còn cơ hội nghe âm thanh gọi bầy của nó cũng như ánh mắt rực rỡ trong đêm tối nữa. Những tháng ngủ khô bắt đầu và chờ đợi một mùa mưa mới đến.

 

 

 
 
 
Cóc mày mắt đỏ - Leptobrachium pullum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này