SỰ DIỆU KỲ CỦA LOÀI LƯỠNG CƯ KHÔNG CHÂN !
Nguyễn Quảng Trường - Phùng Mỹ Trung - Phùng Nguyễn Trí Lâm - WEB ADMIN
Trong thế giới của các loài lưỡng cư việc thay đổi hình thái từ trứng – nòng nọc – con trưởng thành trải qua một chu kỳ hết sức phức tạp và độc đáo. Sự biến thái của nòng nọc của các loài lưỡng cư có ý nghĩa lý thuyết tiến hóa rất lớn, nó chứng tỏ lưỡng cư có nguồn gốc từ động vật ở nước giống loài cá. Nòng nọc sau khi nở ra từ trứng chúng phải trải qua một chu trình đời sống dưới nước đến khi trưởng thành chúng bắt đầu phát triển các cơ quan trên cơ thể nhằm thích nghi với đời sống trên cạn và chiếc đuôi một phần thân thể rất hữu ích khi sống dưới nước của chúng cũng dần dần biến mất. Quá trình chuyển đổi từ đời sống dưới nước lên cạn đặc biệt có ý nghĩa về mặt tiến hoá. Tuy nhiên cũng có một số loài quá trình này không xảy ra theo qui luật “như lẽ thường tình” mà chúng có nhiều sự khác biệt kỳ lạ. Đó cũng là một phần tất yếu của tự nhiên tạo nên một bức tranh sinh động, diệu kỳ và không kém phần bí ẩn cho chúng ta khám phá để tìm hiểu, chiêm ngưỡng về loài ếch không chân kỳ lạ nhất ở Việt Nam – Loài ếch giun - Ichthyophis bannanicus
DUNG NHAN KẺ KHÁC LẠ
Loài ếch giun có tên khoa học là Ichthyophis bannanicus, thuộc họ: ếch giun Ichthyophiidae và bộ không chân Gymnophiona. Loài này có cơ thể hình giun song cỡ lớn hơn. Chúng khác giun ở chỗ: Đầu có mắt như hai chấm đen. Đầu nhỏ hơi dẹp, mõm tương đối nhọn và có hàm rõ. Lưng ếch giun có màu xám xanh, bụng nhạt hơn. Phần giữa lưng và bụng có một dải màu trắng đục hay vàng chạy dài từ góc hàm tới góc đuôi. Chiều dài cơ thể ếch giun có thể tới 100mm.
Loài ếch giun thường sống ở những nơi có độ cao có thể lên tới 900 - 1000. Chúng sống chui luồn trong đất, hang chúng ở thường gặp ở những nơi đất xốp sâu khoảng từ 20 - 30cm gần ao hồ hay chui rúc dưới các tảng đá lớn nằm cạnh các con suối.Thức ăn của chúng là loài giun đất, côn trùng khác.
|
|
|
|
Ếch giun - Ichthyophis bannanicus - Ảnh: Nguyễn Quảng Trường |
|
NGƯỜI MẸ NẶNG TÌNH TRONG THẾ GIỚI LƯỠNG CƯ
Khi những cơn mưa đổ xuống vào khoảng tháng 5- tháng 6 hằng năm trên khắp các cánh rừng Việt Nam. Những cơn mưa nặng hạt, nhiều ngày đã khiến cho độ ẩm của các cánh rừng tăng lên, các con suối, bờ nước, các khu vực lớp mùn trong lớp mặt của tầng rừng trở nên ẩm ướt đó là nơi loài ếch giun sinh sống đã có được điều kiện tốt nhất để cho chúng kết đôi và sinh sản. Chúng chọn những nơi đẻ trứng ở gần chỗ có nước, độ ẫm cao với số lượng trứng trong một lứa có chừng 20-30 quả được nối với nhau bằng chất nhày và ếch giun cái có nhiệm vụ cuốn lấy trứng, để bảo vệ trứng khỏi khô, đồng thời điều tiết nhiệt độ thích hợp để cho con non phát triển. Khi gặp hiện tượng này người ta thường gọi không đúng là hiện tượng “ấp trứng”và quá trình bảo vệ, bảo quản trứng, những nàng Ếch giun cái được coi như một người mẹ nặng tình mẫu tử nhất trong các loài lưỡng cư. Hầu hết các loài trong thế giới lưỡng cứ khác sẽ phó mặc những gì mình “mang nặng đẻ đau” cho tự nhiên “hành xử” ngay sau khi hoàn tất thiên chức làm mẹ.
Trong những năm gần đây loài ếch giun đã phát hiện loài này ở vài địa điểm phân bố mới ở Việt Nam: Xuân Sơn (Phú Thọ), Ba Vì (Hà Nội) Hòa Bình (Tân Lập) Phú Thọ (Xuân Sơ, Thanh Sơn) … nhưng với số lượng rất ít. Loài này chỉ sống ở những nơi đất ẩm xốp nên dễ bị đe doạ bởi rừng bị thu hẹp, đất bị xói mòn, do sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, do lũ lụt kéo dài dễ làm chúng chết ngạt trong đất. Do là loài hiếm gặp nên Ếch giun đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam và các nghị định của chính phủ nhằm bảo vệ loài lưỡng cư kỳ lạ này trong tự nhiên.
PHÁT HIỆN MỚI VỀ LOÀI ẾCH GIUN Ở VIỆT NAM
Các nhà khoa học Nhật Bản và Nga đã phát hiện và công bố một loại ếch giun mới dựa vào ba tiêu bản thu được trong chuyến khảo sát thực địa tại vùng Cao nguyên Kon Tum, miền Trung Việt Nam vào năm 2006. Mô tả của loài này được đăng trên Tạp chí Current Herpetology của Nhật Bản, số 31 năm 2012. Loài ếch giun mới có tên là Ếch giun nguyễn Ichthyophis nguyenorum Nishikawa, Matsui & Orlov 2012, được đặt tên theo tên của hai nhà nghiên cứu về bò sát và ếch nhái của Việt Nam, Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) và Nguyễn Thiên Tạo (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam), những người đã có nhiều đóng góp trong việc phát hiện nhiều loài mới ở Việt Nam. Đây cũng là loài ếch giun thứ hai được ghi nhận ở Việt Nam bên cạnh loài Ichthyophis bannanicus ghi nhận ở miền Bắc.
|
|
|
|
Ếch giun nguyễn - Ichthyophis nguyenorum - Ảnh: Nguyễn Quảng Trường |
|
Theo mô tả của Nishikawa và các đồng tác giả (2012) thì loài ếch giun mới có chiều dài toàn bộ cơ thể khoảng 265−307 mm, cơ thể hình trụ, hơi dẹp ở mặt bụng; dài đuôi 2,5−3,1 mm, rộng đuôi 3,4−4,3 mm, mút đuôi tròn, không có núm che; số đốt dọc thân khoảng 312−318 trong đó có 4 đốt ở phần đuôi, số răng trước hàm và răng hàm trên khoảng 27−37, số răng lá mía-vòm miệng khoảng 23−28, số răng chính thức 24−28, số gờ răng khoảng 21−25. Mặt lưng có màu tím đen, dưới bụng nhạt hơn màu hoa cà, hai bên sườn có sọc màu vàng liên tục, không đứt quãng, chạy từ khoảng giữa hàm trên (mấu xúc-tu) đến gần mút đuôi. Mắt có viền mỏng màu trắng đục.Ếch giun sọc Ichthyophis nguyenorum khác biệt so với các loài ếch giun sọc khác như sau: So với Ichthyophis bannanicus thì loài mớicó tổng số đốt ít hơn (312-318) và sọc màu vàng dọc thân liên tục (Ichthyophis bannanicus có số đốt nhiều hơn 340 và sọc vàng dọc bị đứt đoạn ở phần sau cơ thể). So với hai loài Ichthyophis kohtaoensis và Ichthyophis supachaii thì Ichthyophis nguyenorum có phần thân chắc mập hơn với tỉ lệ tổng chiều dài cơ thể/chiều rộng thân <25, sọc màu vàng rộng hơn >3.4 mm còn ở hai loài Ichthyophis kohtaoensis và Ichthyophis supachaii có tỉ lệ tổng chiều dài cơ thể/chiều rộng thân >25 và sọc màu vàng hẹp hơn (thường < 2.3 mm).
|