Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG LOÀI CHIM BÓI CÁ

Nguyễn Hào Quang - Viện sinh học nhiệt đới

 

Là một trong những nhóm chim cổ đã chiếm lĩnh hầu hết các vùng đất ngoại trừ hai địa cực, các hóa thach cổ xưa nhất của chim bói cá được tìm thấy cách đây khoảng 30-40 triệu năm tuổi. Hiện nay, chim bói cá có số lượng khoảng 90 loài trên toàn thế giới, riêng ở nước ta đã phát hiện được 12 loài. Trong đó có loài chim bí ẩn “Bồng chanh rừng Alcedo hercules” đã được liệt vào sách đỏ thế giới!

KIẾM ĂN THEO CÁCH TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG NHẤT
Có thể nói chim bói cá là những loài chim thành công nhất trong việc tiết kiệm năng lượng khi đi săn. Hầu hết các loài chim nhỏ đều mất khá nhiều thời gian và năng lượng để leo trèo, chuyền cành, bay đi bay lại. Các loài chim lớn như đại bàng mặc dù đã biết lợi dụng sức gió và luồng khí nóng bốc lên những khi trời nắng gắt để chao lượn và tìm mồi nhưng vì kích thước cơ thể khá nặng, chim vẫn phải tiếp tục đập cánh trong khi tìm kiếm con mồi. Để săn được mồi, chim bói cá chọn cách an toàn nhất và tiết kiệm năng lượng nhất “lựa một cành cây nhỏ trong góc khuất và kiên nhẫn đậu ở đó chờ con mồi xuất hiện”.  Chim vừa có thể tiết kiệm năng lượng vừa lẩn tránh kẻ thù được, trừ những nơi ít có kẻ thù thì chim bói cá mới xuất hiện ở những chổ trống trải để săn mồi.

TRANG BỊ TỐI TÂN
Có thể nói vũ khí hữu hiệu nhất của chim bói cá chính là chiếc mỏ. Mỏ chim bói cá thường to, dài và sắc nhọn, khi chim bói cá phát hiện con mồi, nó lao thẳng về phía con mồi và dùng chiếc mỏ xuyên qua thân nạn nhân, con mồi thường giãy chết nhanh hơn với cách dùng mỏ đế kẹp lấy con mồi ở các loài chim khác. Trang bị thứ 2 cũng cực kì hữu ích đó chính là bộ lông không thắm nước giúp chim bói cá giữ được nhiệt độ cơ thể ổn định khi phải liên tục lao mình xuống nước. Ngoài chim bói cá biết dùng mỏ để xuyên thủng con mồi, các loài chim trong họ cò cũng có năng khiếu tương tự.

CHIM BÓI CÁ KHÔNG CHỈ LÀ LOÀI CHIM ĂN CÁ
Hầu hết các loài chim bói cá đều ăn cá tuy nhiên một vài loài do điều kiện môi trường sống thay đổi qua quá trình tiến hóa lâu dài, chim cũng dần chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác như rắn, rết, chuột bọ, côn trùng…Chim Bồng chanh đỏ Ceyx erithacus là một ví dụ điển hình chuyên ăn côn trùng.
Loài Bồng chanh rừng Alcedo hercules được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1917 bởi Laubmann ở Ấn Độ. Kể từ lần đầu tiên được phát hiện cho đến nay chỉ có những ghi nhận sơ sài của các nhà thám hiểm là đã từng thấy loài này ở Myanmar, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và nước ta nhưng số lượng vô cùng hiếm. Nếu tìm kiếm trên google thì các kết quả về loài chim này cũng khá nhiều vì được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm, thế nhưng số lượng thông tin và ảnh chụp của loài chim này thì hầu như chỉ đếm được trên đầu ngón tay và các ảnh chụp đều có chất lượng không tốt chứng tỏ cơ hội gặp được loài này là cực kì thấp. Là một người nghiên cứu về chim, tôi cũng có cơ hội được đi đến nhiều vùng rừng núi của đất nước nhưng cho đến nay chỉ có hai địa điểm mà chúng tôi đã phát hiện được loài chim này cách đây khá lâu đó là Vườn quốc gia Bạch Mã và Bi Đúp. Hiện nay, loài chim này đã không còn gặp được ở Bạch Mã, các cuộc điều tra chim ở Bi Đúp gần đây, loài chim này cũng bặt vô âm tín! Rất mong nhận được bất kì thông tin đóng góp nào từ phía độc giả về loài chim này và cũng xin giới thiệu cùng bạn đọc hình ảnh của loài chim bí ẩn Bồng chanh rừng và một số loài khác trong họ bói cá ở nước ta:

 

 

 

 
Loài chim bí ẩn Bồng chanh rừng Alcedo hercules chụp tại Vườn quốc gia Bi Đúp-tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Khắc Quyết
 

 

 

 

 
Sả mỏ rộng Halcyon capensis chụp tại khu vực quần đảo Bà Lụa-tỉnh Kiên Giang, loài này rất khó gặp. Ảnh: Phùng Bá Thịnh.
 

 

 

 

 
Sả đầu nâu Halcyon smyrnensis được chụp tại Vũng Tàu, đây là loài chim bói cá nhưng ít ăn cá, chim thường kiếm ăn ở các vùng đất trống trải. Rắn, chuột, côn trùng là món ăn khoái khẩu của chim. Ảnh: Nguyễn Hào Quang.
 

 

 

 

 
Bồng chanh tai xanh Alcedo meninting được phát hiện trong chuyến Khảo sát đa dạng sinh học các loài chim tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Ảnh: Nguyễn Hào Quang.
 

 

 

 

 
Bồng chanh đỏ Ceyx erithacus một đại diện của nhóm chim bói cá chuyên ăn côn trùng và sống lẩn khuất ở tầng thấp của các cánh rừng già. Chim được phát hiện gần biên giới Việt Nam-Campuchia-tỉnh Bình Phước. Ảnh: Nguyễn Hào Quang.
 

 

 

 

 
Bồng chanh thường Alcedo athis đây là loài chim bói cá duy nhất phổ biển khắp thế giới và cũng là loài chim thường gặp nhất ở nước ta. Ảnh: Nguyễn Hào Quang
 

:

 

 

 

Sả đầu đen Halcyon pileata đây là loài chim bói cá sống ở rừng ngập mặn khá hiếm ở nước ta. - Ảnh: Mikhail.

 

 

 

 

 

Bói cá lớn, Ceryle lugubris đây là loài chim bói cá sống ở rừng ngập mặn ở nước ta. - Ảnh: Arun P.Singh

 

 

 

 

 

Sả khoang cổ Halcyon chloris đây là loài chim bói cá sống ở rừng ngập mặn ở nước ta. - Ảnh: Phùng mỹ Trung

 

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này