Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 5 Tháng 3 28, 2024 11:36 pm



Gửi bài trả lời  [ 10 bài viết ] 
 Fansipan những khám phá chưa được ghi nhận 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Fansipan những khám phá chưa được ghi nhận
FANSIPAN NHỮNG KHÁM PHÁ CHƯA ĐƯỢC GHI NHẬN

Đã có rất nhiều người vượt qua những thử thách khó khăn để chinh phục “Nóc nhà của Đông dương” đỉnh Fansipan. Trong số đó cũng có nhiều thành viên của Website Sinh Vật rừng Việt Nam. Họ là những nhà nghiên cứu về Đa dạng sinh học. Họ đến đây để khám phá loài mới cho khoa học, tìm hiểu tập tính sinh thái các loài sinh vật đang sống và tồn tại nơi đây. Nhiều nhà nghiên cứu đã đến đây nhiều lần, do vậy họ không lạ lẫm gì với sinh cảnh và địa hình của Vườn quốc gia Hoàng Liên này. Cá nhân tôi cũng thế, đỉnh Fansipan cũng không còn xa lạ và nếu như không dám tự hào rằng địa hình, sinh cảnh nơi đây đã trở nên thân thuộc như trở về nhà mỗi khi quay lại. Nhưng càng đến với đỉnh Fansipan quanh năm sương mù bao phủ, đến với thiên nhiên hoang dã nơi đây, càng khiến cho tôi khám phá ra hết bất ngờ này đến thú vị khác. Xin chia xẻ với mọi người cuộc hành trình gian khổ và thực sự thú vị này trong một lần đi phượt cùng nhóm Fan’sfan Sài Gòn và kết hợp với nghiên cứu khoa học ở Vườn quốc gia Hoàng Liên:

1. Vẫn như mọi lần, Sapa trong những ngày cuối tháng tư thường có mưa và sương mù bao phủ khắp nơi. Thành phố chìm trong làn sương đặc quánh, bất tận và huyền ảo như cõi thần tiên. Trên các đỉnh núi cao, thỉnh thoảng bạn mới có cơ hội chiêm ngưỡng màu xanh của đỉnh núi xa mờ, khi các cơn gió mạnh cố sức đuổi mây về trời. Những ngôi nhà biệt thự cổ của người Pháp để lại với mái ngói đỏ rực cũng thoắt ẩn, thoắt hiện khiến bạn tưởng mình lạc vào một mê cung ẩm ướt và lạnh giá.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

2. Những cơn mưa nặng hạt bất chợt rơi xuống, rồi lại bất chợt ngưng. Khí hậu Sapa mùa này rất giống với kiểu khí hậu đỏng đảnh của mùa mưa ở miền Đông nam bộ. Có lẽ chiếc dù sẽ là một phần tất yếu, không thể thiếu được của mỗi người khi bước ra ngoài. Những chiếc dù nhiều màu sắc tạo thành một bức chấm phá đầy sắc màu của đường phố trong cơn mưa, hoà quyện cùng sương mù. Con đường ướt át, lầy lội, trơn trượt khiến cho việc đi bộ rất khó khăn nếu để nước mưa ngấm vào đôi giày của bạn. Để tránh ướt giày bạn có thể chọn dịch vụ thuê dép, dịch vụ này luôn đáp ứng nhu cầu của du khách … nếu cần.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

3. Thỉnh thoảng bầu trời lại bừng nên một chút nắng, rồi lại biến mất thật nhanh như những cơn mưa. Thời tiết lạnh ở phía Bắc mùa này đã bớt lạnh, nhưng ở độ cao hơn 1.000m nhiệt độ vẫn khiến cho những vị khách đến từ phương Nam ấm áp không khỏi chạnh lòng. Mọi người co ro trong căn phòng ẩm ướt vì độ ẩm trong không khí quá cao. Khoác lên người nhiều lớp áo ấm để chống lạnh, nhưng tất cả đều rất háo hức khám phá thị trấn Sapa chìm trong sương mờ và những hoạt động thường nhật của người Kinh, người H'mông, người đồng bào sống chung nơi đây và trên nhất vẫn là hành trình chinh phục đỉnh Fansipan 3.143m sau gần 1 năm chuẩn bị đặt vé máy bay, dịch vụ leo núi, tập thể lực …

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

4. Từng nhóm phụ nữ H’mông sau một đêm mệt mỏi hành trình đi bộ xuống phố. Các nàng đang tụ tập nói chuyện với nhau và chuẩn bị bán những sản vật của núi rừng, các loại thực phẩm truyền thống được nuôi trồng tại gia. Ở một góc khác những cô gái H'mong tuổi teen đang chào bán những món quà handmade cho du khách làm kỷ niệm. Vừa cố gắng mời khách mua hàng, vừa vui đùa với nhau bằng ngôn ngữ địa phương khiến cho du khách lần đầu đặt chân đến nơi này không khỏi tò mò. Một điều khá bất ngờ với tôi có rất nhiều cô gái H’mông trẻ tuổi nói tiếng Anh một cách lưu loát bằng giọng Anh cực chuẩn. Họ không một chút ngại ngùng khi tiếp xúc với khách nước ngoài, khi cố gắng giới thiệu về món đồ lưu niệm mà họ muốn bán.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

5. Những đứa trẻ nười Mông xuống chợ cùng mẹ đang địu em và tụ tập chơi với nhau. Bất cứ một sản phẩm bỏ đi nào của người Kinh cũng trở thành đồ chơi cho chúng. Khi tôi đưa chiếc máy ảnh lên, bọn trẻ luôn luôn nở nụ cười duyên dáng, sẵn sàng cho chụp hình. Không giống như nhiều cô gái trẻ teen teen mỗi lần không đồng ý là họ quay mặt đi. Ở một góc khuất nơi cuối nhà thờ đá, tôi phát hiện ra khuôn mặt xinh đẹp, dịu hiền và rất duyên dáng, đáng yêu của của thiếu nữ H’mông. Cô bé chắc lần đầu được cùng mẹ cho xuống phố, nên lặng lẽ ngồi coi hàng. Tôi giả bộ làm quen và mua một chiếc bóp vải Handmade, nhưng hình như cô bé không hiểu được ngôn ngữ của tôi nên cả hai cùng nhau đánh vật để trả giá và trả tiền. Sau một hồi cô bé bỏ hàng nhờ tôi trông dùm và chạy đi tìm mẹ. Khuôn mặt còn lấm lem bởi bụi đường vẫn khiến cho tôi cực kỳ ấn tượng, mặc dù không chải chuốt và son, phấn như những cô nàng nơi phố thị. Tuy chưa được lột tả hết dưới ống kính và kỹ thuật chụp hình “Chân Zung” kém cỏi của tôi. Nhưng tấm ảnh cũng đã quá đủ để bất cứ ai cảm nhận nét ngây thơ và thánh thiện như thiên thần giữa chốn này.

Hình ảnh

Hình ảnh

7. Tranh thủ chụp ké với những thiếu nữ H’mông xinh đẹp một shot để làm kỷ niệm cho chuyến đi thêm phần hấp dẫn và khoe khoang với bạn bè của tôi ở phương Nam xa xôi, những người bạn chưa có dịp một lần in dấu nơi này. Đã quá ngọ, trời cũng đã hửng nắng, mọi người quyết định đi thăm bãi đá cổ, bản Cát Cát. Chiếc máy ảnh được dịp bắn phá, ghi lại khoảng khắc những người dân tộc vùng cao đang chuẩn bị vào vụ cấy. Trên các thửa ruộng bậc thang những mảng xanh mới cấy, những mảng trắng khi thửa ruộng đã no nước và màu đỏ của đất là những đám ruộng đang cày bừa.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

8. Chào nhé thị trấn Sapa, chúng tôi lên đường khám phá, chinh phục Fansipan đây và chỉ đến khi trở về đến nhà tôi mới nhận ra: Sau ba ngày hành xác lên đỉnh 3.143 và xuống núi, mọi người mới cảm nhận, thấu hiểu được những khó khăn không thể lường trước được con đường chúng tôi chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông dương. Hình ảnh Fansipan hùng vĩ trên đường đi được ghi nhận chỉ là một phần rất nhỏ trong chuyến hành trình và chúng tôi chỉ là những sinh vật nhỏ bé khi đứng trước thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên sau tất cả, những bước chân nhỏ bé đã vượt qua chính mình.
Đây rồi đón chào những bước chân đầu tiên của chúng tôi là dòng Thác bạc. Dòng nước trắng xóa như một nét chấm phá trong khung cảnh xanh ngát một màu xanh của núi rừng. Tôi tự hỏi không biết nàng tiên nữ tóc bạc nào đã giáng trần và ngồi đây từ khi nào ? Tại sao nàng đã quên lối bay về trời ?. Phải chăng nàng đã quên cả Vua cha là Ngọc hoàng Thượng đế vì tình yêu chung thủy với một chàng trai người H'Mông đẹp trai nhất vùng ??
Trạm Tôn đây rồi !! Những bước chân lặng lẽ của chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc cật lực để tiến lên phía trước, để chinh phục nóc nhà Đông dương, để hòa mình cùng tiếng hú của vách núi, tiếng xào xạc của mưa, của những dòng thác đổ và cảm nhận hương vị của núi rừng miền Tây Bắc xa xôi.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 2 Tháng 5 24, 2010 9:22 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài 
9. Mùa này Fansipan là mùa mưa cũng là mùa của các loài Lưỡng cư thức giấc sau một kỳ nghỉ đông dài để tìm kiếm thức ăn, giao phối và sinh sản. Với những người nghiên cứu Đa dạng sinh học như tôi, đây là thời gian thích hợp nhất cho việc khám phá, thu mẫu, chụp hình, định danh. Trên con đường nhỏ, ngoằn nghèo, những bông hoa Viễn chí Polygala tricornis thuộc họ Viễn chí Polygalaceae đang khoe sắc như những chiếc chuông màu hồng lung linh trong từng cơn gió nhẹ. Hai bên đường đi, nhiều bụi Trúc đen Phyllostachys nigra , loài thực vật được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng mọc khắp. Ở đây chúng mọc khá nhiều, nhưng có rất nhiều nhà nghiên cứu thực vật học chưa một lần tận mắt chiêm ngưỡng loài cây này trong tự nhiên.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

10. Vượt qua độ cao 1.900m là những dòng suối nhỏ và những khu rừng núi cao còn khá nguyên vẹn được bảo tồn bởi nhân viên kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Hoàng liên . Thực vật tại Vườn quốc gia Hoàng Liên có 2.024 loài thuộc 200 họ, trong đó có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như Bách xanh Calocedrus macrolepis, Thiết sam Tsuga sp., Thông tre Podocarpus pilgeri, Thông đỏ Taxus chinensis, Đinh tùng Cephalotaxus hainanensis, Dẻ tùng Amentotaxus argotaenia v.v. Có tới trên 700 loài cây được dùng làm thuốc, trong đó có những cây dược liệu được khai thác và đưa vào sử dụng từ lâu như Thiên niên kiện Homalonema occulta, Đương quy, Thục địa, Đỗ trọng Euonymus chinensis, Hoàng liên chân chim, Đỗ quyên, Kim giao Podocarpus fleuryi, Thảo quả Amomum aromaticum v.v. Tại đây các nhà nghiên cứu còn tìm thấy loài nấm cổ linh chi trong đó có những tai nấm nặng trên 6kg. Khảo sát theo dọc tuyến Hoàng Liên, các nhà khoa học cũng đã phát hiện thêm nhiều loài quý hiếm, như ở độ cao 2.000 mét của khu vực các xã Séo Mý Tỷ đến Dền Thàng có rừng Pơ mu mọc liên tiếp với diện tích trên 100ha, mỗi cây có đường kính trên 1m; ở huyện Fansipan đi San Sả Hồ ở độ cao gần 3.000m, lại phát hiện rừng đỗ quyên với khoảng 60 loài trong tổng số 100 loài có mặt tại Việt Nam. Số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm tới 25% các loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam, khiến Vườn quốc gia Hoàng Liên sở hữu kho tàng gen cây rừng quý hiếm bậc nhất trong các vườn quốc gia Việt Nam

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

11. Dưới những tán rừng cây Đỗ quyên, Dẻ hàng tram tuổi là bạt ngàn những vườn cây Thảo quả Amomum aromaticum. Mùa này những bông Thảo quả vàng rực báo hiệu một mùa bội thu và những no ấm của người H’mông. Nhờ có loài cây này trồng dưới các tán rừng thường xanh núi cao, giúp cho kinh tế của người dân tộc sống nơi đây trở nên no ấm và hạnh phúc. Đây là loài cây dược liệu quí hiếm cần được quản lý và bảo tồn.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

12. Trên những cành cây cao tít là những loài hoa lan phụ sinh đua nở. Loài lan Thanh đạm Coelogyne fuscescens rực rỡ sắc cam, loài Lan hoàng thảo Dendrobium cf. moniliforme. trắng xóa với một chấm đen rất đặc trưng giữa cánh mội của loài hoa lan này. Hầu hết chúng sống bám vào các giá thể thân cây cổ thụ được phủ một lớp rêu dày. Lớp rêu sẽ giúp các loài thực vật phụ sinh giữ nước tốt và tạo mùn cho chúng vươn lên. Một số loài hoa lan bám trên các tảng đá đầy rêu, trơn trượt như muốn chọc ghẹo chiếc máy ảnh của tôi. Nhưng đoạn đường còn rất dài và còn rất nhiều cơ hội để chụp ở một địa điểm thuận lợi hơn. Tôi tiếp tục bước và lòng tự nhủ rằng “Nho còn xanh lắm”

Hình ảnh

Hình ảnh

13. Mùa này những loài đỗ quyên đua nhau khoe sắc cánh hoa rơi rụng hồng cả mặt đất loài Đỗ quyên kloss Rhododendron klossii. Loài Đỗ quyên hồng [I]Rhododendron chunii [/I]rực rỡ trên cây như muốn mời gọi dừng chân của chúng tôi ngắm nhìn từng chùm hoa rực rỡ trong đám lá. Cao hơn một chút là loài Đỗ quyên vàng kem Rhododendron sinogrande , Đỗ quyên đỏ Rhododendron tanastylum, Đổ quyên vàng răng nhỏ Rhododendron crenulatum. Còn đây là những cánh hoa mảnh mai trắng nõn, tinh khiết, được điểm xuyết bằng nhửng chấm hồng của loài Đỗ quyên hoa trắng Rhododendron yunnanensis. Vườn quốc gia Hoàng Liên đã ghi nhận được khoảng 100 loài hoa Đỗ quyên. Nhưng tôi chỉ đủ giới thiệu cho mọi người vài loài hoa đẹp, rực rỡ nhất của các loài mà tôi ghi hình được trong hành trình tôi đã đi qua. Tất cả đang khoe sắc, mời gọi những bước chân “Kẻ lữ hành cô độc chồn rừng xanh” vượt lên phía trước. Để mang về những bức ảnh đẹp, để chia sẻ với mọi người và không để lại gì ngoài dấu chân.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

14. Thảm thực vật dưới chân chúng tôi là những thảm cỏ xanh bút tháp loài Cổ thực vật cũng chen chúc nhau và những loài cây bụi thấp đang khoe sắc dưới mưa. Tất cả tạo nên một bức tranh sắc màu của thiên nhiên, một kiệt tác được thượng đế ban tặng cho chúng ta và không có bất cứ họa sỹ tài ba nào có thể lột tả hết được sắc màu bằng nét vẽ.
Loài Hoa tím bắc bộ Viola tonkinensis biết mình nhỏ bé nên chúng lặng lẽ nép mình trong những hốc đá hay dưới gốc cây lớn mong các anh hùng che trở. Loài Tóc tiên rừng Disporum trabeculatum nở hoa trắng muốt chen trong đám lá nâu tím mơn mởn. Chùm quả vàng rực và những bông hoa trắng muốt của loài Ngấy là hồng Rubus rosaefolius chùm kín cả lối đi. Những chiếc gai dài, sắc, nhọn chi chit như muốn cản bước chân kẻ lữ hành bấm máy. Loài hoa Ban tròn Hypericum patulum vàng rực từng chum bên bờ suối nước lạnh và tôi không quên những loài nấm với đủ các sắc màu đang khoe khoang cùng nắng.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

15. Bất chợt tôi nhận ra nơi hốc đá là loài cây thuốc quí hiếm [/b]Biến hoa lớn [/i]Asarum maximum[/i][/b] và [/b]Ngọc trúc hoàng tinh [/i]Disporopsis aspera[/i][/b]. Tôi vui mừng đến độ chi biết bấm máy và bấm máy mặc cho các bạn cùng leo núi không hiểu lý do tại sao. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy chúng trong tự nhiên, nên tôi tự thưởng cho mình vài chục tấm hình đẹp.

Hình ảnh

Hình ảnh

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 2 Tháng 5 24, 2010 9:25 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài 
16. Mặc dù càng lên cao độ dốc càng đứng, không khí loãng khiến cho hơi thở của chúng tôi khó khăn hơn. Nhưng phong cảnh đẹp hùng vĩ của Fancipan và chút nắng bất chợt đã làm tan biến những bước chân mệt mỏi nặng nề của chúng tôi. Chiếc máy ảnh lại được dịp chuyển sang ống kính phong cảnh để bắn phá. Mọi người đều muốn nhanh chóng ghi lại những khoảnh khắc đủ sáng hiếm hoi trong những này mưa, sương mù và gió.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

17. Trong một gốc cây nhỏ ở độ cao 2.400m một loài lưỡng cư sắc màu đang chìm vào giấc ngủ. Với tôi đây là cơ hội tốt nhất đế đánh thức anh chàng Cóc tía Bombina maxima thức giấc làm mẫu ảnh. Đây là loài lưỡng cư nằm trong sách đỏ Việt Nam và loài này chỉ phân bố ở độ cao từ 2000 - 2600 m. Mặc dù đã chụp hàng trăm loài bò sát và lưỡng cư ở Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên may mắn tôi đã được nhìn thấy anh bạn đẹp trai này trong tự nhiên.
Bên bờ vực sâu loài thực vật sách đỏ khác cũng đang khoe sắc bằng những chum hoa vàng rực. Những chiếc là rất đặc biệt bị cắt mất phần đầu, không giống bất cứ chiếc lá của loài thực vật nào trong tự nhiên khiến chúng trở nên độc đáo và khác biệt. Có rất nhiều nhà nghiên cứu thực vật học chưa một lần được chiêm ngưỡng sắc hoa của chúng trong tự nhiên. Bởi lẽ Cây áo cộc Liriodendron chinense chỉ phân bố ở các vùng núi cao, cao ngất phía Bắc Việt Nam thì cơ hội để tìm thấy chúng vào mùa ra hoa là một công việc không dễ dàng gì.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

18. Không chịu kém cạnh, năm bên kia sườn đồi là một loài thực vật được cho là có hoa đẹp và sắc màu nhất ở các đỉnh núi cao Việt Nam. Có chăng loài Hồng quang Rhodoleia championii chỉ chịu khép mình trước vẻ đẹp của nàng hoa hậu Đỗ quyên trong rừng thẳm. Thực vật ở độ cao này hết sức đa dạng loài, đặc biệt là những cây gỗ, rất nhiều loài đang đơm hoa, kết trái. Nhưng tôi không thể ở lại một mình để thỏa đam mê trong khi quãng đường leo núi còn rất xa và cao. Hơn nữa không muốn làm phiền mọi người phải chở đợi. Tôi nán lại mấy phút để ghi nốt vài tấm hình về loài Hồi núi cao Illicium difengpi . Nhưng chân càng muốn bước đi bao nhiêu thì trái tim, ánh mắt lại mách bảo về loài Đinh cánh Pauldopia ghorta . Một loài thực vật sách đỏ quí hiếm đang mời gọi nơi góc rừng.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

19. Ở độ cao 2.500m những tấm hình này làm cho tôi một cảm giác buồn khó tả. Hầu như những cánh rừng nguyên sinh trên đoạn đường chúng tôi đi này bị tàn phá nặng nề, có thể do đồng bào dân tộc trước đây phá rừng làm rẫy. Hầu hết các loài thực vật thân gỗ chỉ còn là những khúc cháy lem nhem và loài Trúc lùn Bambusa sp. chiếm hầu hết các mảng rừng.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

20. Mặc dù quãng đường lên đến 2.800m còn khá dài và dốc cao, con đường uốn lượn theo các vách đá dựng đứng như thách thức ý chí của bất cứ ai muốn vượt qua những cung đường đầy dốc này. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tiến lên trời đã về chiều những tia nắng cuối ngày vàng rực trải khắp núi rừng và con đường mòn còn hun hút lên cao.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 2 Tháng 5 24, 2010 9:26 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi

Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 5 31, 2010 11:21 pm
Bài viết: 4
Đến từ: TP. HCM
Gửi bài bài viết hay quá anh Trung ợi
A đi năm nào thế ah :P. đúng là những trải nghiệm rất thú vị

_________________
hãy tìm thì sẽ gặp


Thứ 2 Tháng 5 31, 2010 11:40 pm
Xem thông tin cá nhân

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 7 21, 2010 6:37 pm
Bài viết: 3
Đến từ: Hà Nội
Gửi bài 
hà ha...anh Trung ơi còn chặng đường trở về nữa ma....

_________________
Mỹ nhân làm mềm ý chí nhưng làm cứng thân thể!


Thứ 5 Tháng 7 22, 2010 7:11 pm
Xem thông tin cá nhân Ghé thăm website của người gửi

Ngày tham gia: Thứ 6 Tháng 9 06, 2013 11:51 am
Bài viết: 2
Gửi bài Re: Fansipan những khám phá chưa được ghi nhận
Hi anh Trung
Anh cho em hỏi đây là hoa gì ạ
Hoa này e chụp trên đường leo Fan từ độ cao 2800 đến đỉnh, ngày 20/4/2013
Hình ảnh

Hình ảnh

Một số hình ảnh cả cây
Hình ảnh

http://sphotos-d.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-prn1/s720x720/936902_4782951021001_850030559_n.jpg

Hình ảnh

Những bông hoa rụng
Hình ảnh

Hình ảnh

Ngoài ra em cũng chụp khá nhiều loại hoa trên đường lên Fan mà không biết tên - ảnh tại album http://www.facebook.com/anhnguyet.ql/me ... 114&type=3, rất mong bác chỉ giáo ạ ^^

Còn đây là bài cảm nhận của em về chuyến leo Fan đó ạ https://anhnguyet.wordpress.com/2013/04 ... -len-dinh/


Thứ 6 Tháng 9 06, 2013 12:02 pm
Xem thông tin cá nhân
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Re: Fansipan những khám phá chưa được ghi nhận
Chào bạn !
Loài hoa mà bạn gửi hình hỏi chúng tôi có tên Đỗ quyên vàng kem (Đỗ quyên mũi lồi) Rhododendron sinogrande thuộc họ
Đỗ quyên Ericaceae. Đây là loài khá phổ biến ở độ cao 2300m trở lên

Chúc vui
ADMIN

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 6 Tháng 9 06, 2013 2:53 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi

Ngày tham gia: Thứ 6 Tháng 9 06, 2013 11:51 am
Bài viết: 2
Gửi bài Re: Fansipan những khám phá chưa được ghi nhận
Em cảm ơn anh đã giải đáp thắc mắc giúp em :)
Và làm cho những bạn yêu đỗ quyên hiểu hơn về tên gọi của chúng ^^


Thứ 6 Tháng 9 06, 2013 11:13 pm
Xem thông tin cá nhân
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Re: Fansipan những khám phá chưa được ghi nhận
21. Trong cách vách núi loài Hoa báo xuân petelot Primula petelotii rực rỡ khoe sắc trong hốc đá ẩm ướt. Đây là loài thực vật ưa bóng, chúng cần rất ít ánh sáng để quang hợp và thích mọc trong các tán rừng thường xanh núi cao hoặc trong các hốc đá. Sâu trong một hốc đá khá tối khác là màu trắng hồng rực và màu tím đậm hòa quyện vào nhau. Một chút do dự, nhưng vời con mắt nghề nghiệp thì 2 loài phong lan này chưa có trong bộ sưu tập và cũng chẳng có lý do gì để tôi phải từ chối … chụp hình. Rất có thể đây là loài lan mọc ở độ cao nhất Việt Nam và là cơ hội hiếm hoi để nhìn thấy chúng trong tự nhiên. Loài Lan kiếm lá giáo Cymbidium lancifolium [/b và loài [b] Lan lay ơn hoa to Pleione grandiflora[/b

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

22. Một bất ngờ nữa trước mắt tôi là loài [b]Hoàng liên ba gai Berberis wallichiana
đây là loài cây thuốc cực kỳ qúi hiếm trong sách đỏ Việt Nam đang mang những chùm hoa vàng khoe sắc. Tôi thốt lên lời biết ơn thượng đế và sức mạnh lòng kiên nhẫn của bản thân và sự may mắn. Đây lần đầu tiên loài này được chụp hình và cập nhật lên web sau hơn 10 năm chưa một lần gặp và chưa có tấm hình màu nào trong cuộc đời nghiên cứu của mình.

Hình ảnh

Hình ảnh

23. Ở độ cao hơn 2.600m con đường mòn rất hẹp bên hai khe núi gần như dựng đứng. Lúc này bóng nắng đã khuất, bất chợt trong một khoảnh khắc tôi nhận ra Hoàng hôn trên đỉnh Fancipan có một vẻ đẹp lạ thường khi ánh mặt trời cuối ngày xuyên những tia nắng cuối cùng qua từng đám mây mù bao quanh nhiều đỉnh núi. (tôi không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về Landscape nhưng đây có thể là một trong những khoảnh khắc khó quên trong đời) và chỉ sau vài phút mây mù lại kéo đến che khuất mặt trời, bóng đêm kéo đến, những cơn gió lạnh gào thét, chân tay chúng tôi run lên bần bật. Ở độ cao này không khí loãng khiến chúng tôi há to miệng ra hít Ôxy để thở.

Hình ảnh

Hình ảnh

24. Màn đêm bắt đầu kéo xuống rất nhanh, xung quanh tôi bóng đen và một màn sương mù dày đặc. Các bạn đồng hành của tôi đã bỏ tôi khá xa để tiến lên nơi hạ trại ở độ cao 2800m. Với tôi đường lên đỉnh Fansipan đã trở nên thân thuộc, nên tôi hoàn toàn có thể tự mình đi tới đỉnh mà không cần porters. Tôi bỏ chiếc ba lô xuống và lôi ra 2 cây đèn đầu quen thuộc. Hai cây đèn đã gắn bó với cuộc đời làm nghiên cứu của tôi suốt mười mấy năm. Là món quà của đồng nghiệp người Đức tặng và tôi luôn giữ nó như một báu vật để giúp tôi trong suốt hành trình tìm kiếm loài mới và những công bố cho khoa học.
Giờ này các loài bò sát ăn đêm bắt đầu chui khỏi nơi ẩn nấp của mình để kiếm ăn, tìm bạn tình, giao phối, đẻ trứng. Bóng đêm đồng nghĩa với sự chết choc, tàn nhẫn. Nhưng thế giới tự nhiên là vậy, loài này chết đi để loài khác tồn tại trong cuộc đấu tranh sinh tồn đầy cam go, ác liệt. Lẽ sống thuộc về kẻ mạnh, nên mỗi loài đều trang bị cho mình một vũ khí tối thượng để chiến đấu bảo vệ chính mình. Ngay nơi bụi cỏ lúp xúp, loài Rắn lục jedon Trimeresurus jerdonii , một loài rắn lục cực độc đang chui ra khỏi hang chuẩn bị kiếm ăn. Đây là loài khá phổ biến ở hầu khắp các con đường mòn lên đỉnh Fansipan và thường gặp chúng ở độ cao từ 2000 đến 2800m. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, buổi sáng chúng lờ đờ, chậm chạp như kẻ mất hồn. Nhưng khi nhiệt độ lên cao chúng có thể điều tiết được thân nhiệt, nó trở nên nhanh nhẹn lạ thường.

Hình ảnh

Hình ảnh

25. Bên cạnh hố nước nhỏ âm thanh gọi tình của loài Nhái bén nâu Hyla annectans. Đây là loài nhái bén trong giống Hyla phân bố ở độ cao nhất Việt Nam. Bên dưới là loài loài Rắn sãi kukai Amphiesma bitaeniatum đang chờ đợi một cơ hội tốt nhất đển đánh chén một bữa tối thịnh soạn. Cao hơn một chút loài Ếch cây douboi Rhacophorus duboisi lặng lẽ tấn công một ổ kiến. Nó vừa thưởng thức bữa tối ngon lành, vừa lắng nghe những rung động xung quanh để kịp thời trốn chạy bằng những cú phóng nhanh, mạnh qua cây khác trước khi kẻ săn mồi kịp ra tay.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

26. Mặc dù đã phải đi bằng Chân, Tay, Mông và có khi cả bằng Lưng để tiến lên nhưng còn hơn 1km nữa mới đến lán nghỉ 2.800m. Lúc này quãng đường còn lại đối với chúng tôi có thể dài bằng cả quãng đường từ Trạm tôn đến 2.600m. Đường đi dốc đứng, trơn trượt, mọi người phải mò mẫm trong bóng đêm để tiến lên chỗ nghỉ. Tưởng rằng chỉ còn một mình tôi cùng bóng đêm, sương mù và con đường. Nhưng đằng sau lưng tôi vẫn còn những tiếng thở dốc, than vãn rất gần của những chàng trai và những cô gái trẻ muốn chinh phục chính bản thân mình.
Tôi gần như kiệt sức sau một ngày mệt nhọc và cuối cùng với những bước chân chỉ còn trong tiềm thức cũng đến được độ cao 2.800. Đồng hồ chỉ 8 giờ tối, hầu như các lều trại ở đây đã dựng xong. Tôi bước vào lán của mình thấy cả nhóm đang ăn tối vui vẻ trong bếp lửa bập bùng. Mọi người ai cũng cố cuốn vào người những chiếc áo ấm căng phồng. Bữa tối gồm mì gói, cơm, trứng, thịt bò, gà rất thịnh soạn nhưng ở độ cao này độ sôi không đủ 100 độ, nên thức ăn chỉ chín tái. Thức ăn chín hay tái cũng mặc, lúc này đã là 9 giờ đêm nên không gì có thể ngăn được cơn đói cồn cào trong chiếc bao tử rỗng tếch của tôi.

Hình ảnh

Hình ảnh

27. Thật quá may mắn khi các đồng đội Kiểm lâm của tôi cho mượn 1 chiếc giường khoảng 4m vuông để chứa 11 con người, vì lượng khách du lịch mùa này quá đông. Lần đầu tiên cả đám ngủ ngồi co ro trong từng cơn gió lạnh buốt gào thét bên ngoài, mặc dù trên mình là 4 chiếc áo ấm. Để chống lạnh, cả nhóm nghĩ ra một chiêu lạ bằng cách mặc ngoài 4 lớp áo ấm thêm một chiếc áo mưa dày cộp. Ngoài kia, bóng đêm dày đặc, sương mù phủ kín và những cơn mưa bất chợt vẫn bất chợt đổ xuống. Thỉnh thoảng các túp lều bên cạnh bật ra những tiếng rên rỉ của du khách vì lạnh và ướt. Tất cả đều cảm thấy chạnh lòng, nhưng chỉ biết cảm thông trong bất lực...

Hình ảnh

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 10 31, 2017 8:30 am
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Re: Fansipan những khám phá chưa được ghi nhận
28. Mệt mỏi, rã rời trong cái lạnh, nhưng tôi vẫn nghĩ đến công việc buổi tối. Là người nghiên cứu độc lập, nên tôi phải chắt chiu từng cơ hội tiếp cận, thu được các mẫu vật và chụp những tấm hình đẹp. Tôi quyết định cùng hai poters người H’Mông tiến lên đỉnh cao nhất (3.143 m) ngay trong đêm mặc cho hiểm nguy rình rập. Dĩ nhiên chi phí cho buồi tối phải trả gấp 2 lần ban ngày là điều đương nhiên. Con đường lầy lội trơn trượt thỉnh thoảng lại khiến tôi trượt ngã. Những cơn gió lạnh ào ào thổi ở độ cao gần 3.000 m, cùng những hạt mưa lất phất và sương mù dày đặc khiến hai hàm răng của tôi "đánh vào nhau" liên hồi, không dứt. Ở độ cao 2.900 m, nơi con suối cạn được lấp đầy bởi các tảng đá mẹ rêu phong và rất nhiều những bụi cây thuộc họ Tre nứa (Poaceae). Khi ánh đèn quét gần qua lớp sương mù đặc quánh, ông Tôi phát hiện ra hai con cóc núi đang tình tự và ông đã thu thập mẫu mang về. Biết là đã quấy rầy giây phút hạnh phúc của cặp cóc, nhưng nhận thấy, chúng có đặc điểm của loài mới và là cơ hội hiếm để nhìn thấy chúng lần nữa, nên tôi lấy mẫu phục vụ cho nghiên cứu khoa học".
Khi đó cái lạnh đã thấm sâu vào cơ thể khiến bước chân tê cứng của tôi mách bảo đến giới hạn của điểm dừng. Ở độ cao này cái lạnh sẽ rất dễ đưa bạn về với đất, tôi quyết định quay về ngay trong đêm cho dù khó khăn thế nào cung phải về được đến lán trại, (Loài cóc mới hiên nay đã được công bố trên tạp chí danh tiếng của Mỹ Copia với tên khoa học là Cóc núi sterling Oreolalax sterlingae nhằm vinh danh nữ tiến sỹ người Mỹ Dr Sterling vì những đóng góp của bà trong những nghiên cứu các loài động vật núi cao ở Việt Nam.

Hình ảnh

Hình ảnh

29. Khi những tiếng ồn ào đánh thúc tôi dậy, ngoài trời vẫn còn mưa, những cơn gió ào ào qua những đám cây Trúc cao rít lên từng hồi. Ánh sáng lờ mờ bởi những đám mây mù phủ khắp, nhìn đồng hồ đã 7:10 mọi người kêu nhau ăn sáng và chuẩn bị hành trình đoạn cuối lên đỉnh 3143m. Bữa sáng ở đây thật là thú vị, với nhiều người có thể đây là bữa sáng ở độ cao nhất mà họ có cơ hội được thưởng thức. Mặc dù bước chân vẫn còn rất mỏi vì căng cơ sau gần một ngày, đêm vượt độ cao quá sức. Chúng tôi vẫn phải vượt qua chặng đường cuối cùng để chiến thắng chính bản thân minh. Sau hơn 2 tiếng với những bước đi nặng nề và mệt mỏi đến gần 3000m. Bất chợt, vâng ! lại bất chợt đâu đó trong một khe đá hẹp, nước lạnh tê tái một tiếng kêu nhỏ của một loài sinh vật nào đó phát ra. Tiếng kêu rất giống một loài chim chích thường sống trong bụi rậm. Theo cảm nhận của bản thân thì rất ít các loài lưỡng cư có thể sống trong môi trường nước lạnh như ở đây và dường như kinh nghiệm nghề nghiệp, con tim mách bảo một điều gì đó rất lạ lẫm. Tôi im lặng lắng nghe, sau một hồi cố sức săm soi, bới, tìm, lại im lặng lắng nghe. Tôi gần như hét lên vì sung sướng vì bắt được cặp Cóc mày gai mí “mãi sau này tôi mới biết đó là loài Xenophrys palpebralespinosa đang giao phối và đẻ trứng.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

30. Cuối cùng thì mọi người đã tới đỉnh. Chúng tôi cùng nhau ai cũng gào, thét, hét lên vì sung sướng và hạnh phúc vì mình đã vượt qua chính mình. Vâng “IT’S ME, IT’S ME” và ôm nhau nhảy lên như những đứa trẻ, mặc cho mưa, gió lạnh rít lên từng hồi. Chúng tôi tất cả cùng nắm tay nhau, dù rất nhiều người chưa từng biết nhau một lần. Chẳng sao cả nỗi buồn chia đôi thì còn một nửa, nhưng niềm hạnh phúc chia đôi sẽ hạnh phúc gấp đôi. Ngay cả cặp vợ chồng người Anh cũng chia sẻ niềm vui với chúng tôi bằng ánh mắt rạng ngời và tự hào được ngồi cùng nhau trên nóc nhà của Đông dương – Một nơi mà không phải ai cũng có cơ hội được đến đây để ghi lại dấu ấn trong đời.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Chào tạm biệt nhé Fansipan chúng tôi đã chinh phục được đỉnh cao nhất 3.143m bằng ý chí, niềm tin, sức mạnh, lòng kiêu hãnh. Vì chúng tôi biết rằng để được đứng trên mỏm đá cao ngất này không phải ai cũng có cơ hội. Không phải ai cũng dám vượt qua thử thách bằng nghị lực của chính mình và biết đâu trong cuộc đời sẽ còn có vài dịp khác chúng tôi sẽ quay trở lại nơi này. Để cảm nhận được cảm giác khi mình đứng trên đỉnh cao nhất của nóc nhà Đông dương.

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 10 31, 2017 2:00 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 10 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến5 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010