Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 5 Tháng 3 28, 2024 11:55 pm



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Hành trình khám phá Hang Sơn Đoòng (Phần II) 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Hành trình khám phá Hang Sơn Đoòng (Phần II)
Bước chân đầu tiên chúng tôi đặt tới ở khu rừng nhiệt đới đặc biệt này cũng thật bất ngờ, đặc biệt như chính cái khu rừng có một không hai này. Cái cảm giác như lạc vào một thế giới khác, một thế giới trong lòng đất nhưng vẫn có ánh sáng làm nao lòng tất cả những nhà thám hiểm như chúng tôi

Ai cũng biết hang là khoảng không gian trống trong lòng đất và vì vậy, nói đến hang người ta thường nghĩ đến vẻ tối tăm, ẩm ướt đồng thời cũng là sự bí ẩn khôn lường. Trong hang thường không có ánh sáng, đồng nghĩa với việc không có sinh vật tự dưỡng quang năng là thực vật. Sinh vật sống trong hang chủ yếu là động vật và chúng thường có những thích ứng đặc biệt với cuộc sống tối tăm đó. Những con chim thường trú phần hang ít tối nhất, thường là phía cửa hang trong khi đó thì Dơi thường sống ở phần tối hoàn toàn của hang nhưng thực sự cũng không qúa xa khu vực cửa hang. Chỉ có những loài thú ăn sâu bọ và một vài loài chân khớp là có thể sống ở những khu vực sâu nhất của hang.
Vậy chúng ta nghĩ gì về việc tồn tại một khu rừng ở trong hang? Phải chăng điều kỳ diệu trên phim ảnh về một thế giới thứ hai trong lòng đất? Hay là một điều huyễn hoặc? Hành trình đi tìm rừng trong hang - the jungle forest in the cave của chúng tôi đã giới thiệu với quý vị ở kỳ trước là câu trả lời cho những thắc mắc ấy.
Vậy rừng trong hang có điều gì khác biệt không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua ghi chép của tác giả về sự hiện hữu của thế giới sinh vật ở đây nhé.
Hình ảnh
Miệng hố sụt có nhiều cây gỗ, một nguồn cung cấp hạt giống cho hệ thực vật ở hố sụt

Hố sụt thứ nhất - Đồi cỏ trong hang
Bước qua khoảng không đen tối cuối cùng của đoạn hang tối dài nhất trong hệ thống hang Sơn Đoòng, chúng tôi đã tới được hố sụt đầu tiên. Cái cảm giác như lạc vào một thế giới khác, một thế giới trong lòng đất nhưng vẫn có ánh sáng làm nao lòng tất cả những nhà thám hiểm như chúng tôi. Ngửa mặt lên trời, nhìn qua vách hang cao hàng trăm mét thấy cảnh trời xanh, nhìn ra xung quanh thấy cảnh mênh mông bát ngát của đáy hố sụt, rất nhiều loài thực vật đã mọc ở đây. Đó là điều minh chứng cho cái cảm giác lạc vào thế giới khác của chúng tôi. Nền hố sụt tương tự như nền hang ở những đoạn tối, cái hố sụt đó là kết quả của quá trình thành tạo địa chất, địa mạo, một khối lượng lớn đất đá đã bị thụt xuống trong lịch sử hình thành lòng hang, từ đó để hở ra một khoảng trống ở trần hang, nó giống như một cái lỗ khuyết hơi trên một chiếc sáo trúc vậy. Cái “cửa trời” là nơi các loài sinh vật đi vào thế giới thứ hai này. Trong suốt chuyến hành trình, chúng tôi không tìm thấy loài sinh vật nào đặc biệt mang điểm khác biệt với họ hàng của chúng ở bên ngoài, tức là không có loài lạ, loài mới. Điều đó phù hợp với lịch sử hình thành lòng hang, hiện vẫn còn trong quá trình thành tạo, chưa kết thúc, tức là quá trình xảy ra chưa đủ lâu để một loài sinh vật mới có thể được hình thành ở đây.

Hình ảnh
Hạt của cây gỗ (Cứt ngựa) nảy mầm thành công dưới đáy hỗ sụt thứ nhất
Với việc đáy hố sụt bị khoét rộng theo nhiều phía, vách hang gần như cũng là trần hang của các khu vực rìa và ở đó có nhiều măng đá được hình thành, nhiều đến nỗi nó to như một quả đồi và đã được rêu, địa y cùng với nhiều loài cây thân thảo bao phủ. Trong điều kiện ẩm ướt và vi khí hậu mát ẩm gần như ổn định quanh năm tồn tại ở trong lòng các hố sụt, sự phong hóa xảy ra rất nhanh làm dầy lên tầng phong hóa của bề mặt, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của hệ thực vật. Bởi thế ở đây có rất nhiều các loài cây thân gỗ mọc rải rác tuy chúng mới chỉ là những cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ. Với sự hỗ trợ của nhiều loài thực vật một lá mầm mọc ưu thế bằng bộ rễ ăn nông, lan rộng như Bồng bồng, Dứa dại, Ráy… trong một tương lai không xa, bề mặt sẽ bị thực bì nhanh và lúc đó chắc chắn không chỉ thấy các loài cây gỗ lớn hơn mà có thể sẽ hình thành lên một rừng cây gỗ. Hiện tại, xét một cách tổng thể thì các loài thân thảo là những sinh vật ưu thế nhất và bởi vậy, lòng hố sụt này nhìn chẳng khác gì một đồi cỏ, điều khác biệt là đồi cỏ này lại nằm trong hang mà thôi.

Hình ảnh
Một "ngọn núi" tạo nên bở nhũ đá ở hố sụt thứ nhất
Ở phía trên của vách hang, cách miệng hố sụt khoảng 15-30m, có khá nhiều các loài cây gỗ nhỏ, dạng thân lùn bám vách đua tán ra ngoài, thi nhau chiếm dụng phần không gian trống của miệng hố. Tuy thế, với điều kiện rất hạn chế về dinh dưỡng và giá thể, những cây đó không thể bám chắc mãi và cũng không thể phát triển to ra được, đã có nhiều cây lớn tới hạn và không thể chịu đựng được sức kéo của trọng lực, bật gốc và rơi xuống nền hang.
Ở ngay mép miệng hang có rất nhiều các loài cây thân gỗ mọc chen chúc nhau, cấu trúc giống như rừng trên các giông núi đặc trưng của núi đá vôi khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với sự ưu thế của các loài gỗ cứng như Táu, Thị…

Hình ảnh
Bàn bạc và giải thích một số thắc mắc về sinh thái và sinh vật với TS, nhiếp ảnh gia Peter Casten của National Geographic, ngày 14/3/2010
Các bạn phóng viên của National Geographic có hỏi tôi về gốc tích của các loài cây ở đây, tôi trả lời rằng, với tuổi đời của mình, tôi không thể biết được điều gì, nhưng tôi có thể khẳng định rằng không có loài thực vật nào ở đây là loài mới cả, điều đó có nghĩa là toàn bộ chúng đều có nguồn gốc từ bên ngoài. Bằng cách nào chúng tới được đây ư? Nhiều cách lắm, gió, chim, côn trùng… đều là những tác nhân phát tán ưa thích của nhiều loài sinh vật, nhất là thực vật. Từ miệng hố sụt, nhiều loài có phần tán vươn về không gian miệng hố có thể “thả” trực tiếp hạt của chúng xuống lòng hang. Nhiều loài vì không chịu nổi sức hút của trọng lực và không bám trục được với vách hang ở phía trên cùng đã “ngã” xuống, và bởi vì thực vật thường không bị chết sau những “cú ngã” đó, chúng mọc trở lại và chấp nhận cảnh “tù túng” ở ngôi nhà mới này. Chim và dơi thường là những loài ăn hạt, ăn quả, chúng sẽ mang quả và hạt của nhiều loài cây (Thị, Bời lời…) tới hố sụt, đặc biệt là những loài thích làm tổ ở các hang hốc tạo ra trên vách, trần của hố sụt. Chúng góp phần đáng kể vào việc phát tán và “di nhập” cho các loài cây có hoa ở đây trong khi đó, gió là tác nhân hữu ích nhất cho việc phát tán của các loài Dương xỉ và nhiều loài thân thảo một lá mầm có hạt nhỏ, khô như Phong lan, Cỏ, Cói… hay những loài quả có cánh như Táu, Chò… Trên nền hang, chúng tôi gặp khá nhiều các loại hạt khác nhau đang nảy mầm, đó là hạt của những loài như Cứt ngựa, mán đỉa, Thị, Táu… và có cả hạt, cây non của loài Lộc vừng nữa. Ngoài ra có thể có một số ít các loài tồn tại ở đây ngay từ đầu khi trần hang thụt xuống, tuy nhiên giả thuyết đó ít có khả năng vì vào thời điểm đó, có thể phần đất đá trần hang lẫn cây cỏ đều bị cuốn đi bởi lòng sông ngầm - tác nhân thành thạo chính của lòng hang và hố sụt.
Về động vật, trước khi đi chúng tôi đã hy vọng sẽ gặp được những loài kỳ lạ ở đây nhưng khi tới đây, tôi biết rằng sẽ rất khó để có nhiều loài động vật tồn tại ở đây ngoài các loài có cánh như dơi và chim. Ngay cả các loài côn trùng cũng rất hiếm, có thể do nhiệt độ ở đây thấp nên ít có các loài côn trùng ở bên ngoài, vốn đã thích nghi với khí hậu nhiệt đới, có thể tồn tại được ở đây. Chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy các loài gặm nhấm hoặc bò sát nhưng việc tìm kiếm chúng gần như tuyệt vọng và duy nhất một lần chúng tôi gặp một con rắn roi. Thật may mắn, sự tồn tại của con rắn ấy cho thấy một cách rõ ràng, hệ động vật ít nhiều có mặt ở đáy hang này bởi thức ăn của con rắn kia chính là các loài côn trùng hoặc các loài gặm nhấm - những loài có khả năng cao nhất có thể tồn tại được ở đây và rất ít khả năng là các loài chim, dơi - những loài tồn tại được ở đây nhưng lại gần như không bao giờ xuống đến nền hang để có thể trở thành thức ăn của con rắn.
Với sự nghèo nàn về sinh vật nhưng lại có được sự hứng khởi như lạc vào một thế giới khác, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều bất ngờ ở hố sụt tiếp theo, nó được giới thiệu là một “jungle forest in the cave”.

Hố sụt thứ hai - Rừng nhiệt đới ở trong hang
Tiếp tục vượt qua một đoạn hang tối với nhiều bậc thềm được tạo thành từ nhũ đá, chúng tôi tới được hố sụt thứ hai. Khi ánh dương quang phản xạ lại đường hầm, tắt đèn trên đầu, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy lấp ló phía xa gò cửa hang là những tán cây gỗ cao lớn. Đây rồi, chắc chắn là đây rồi, cái nơi mà PGS. TS. Phan Duy Ngà đã nói với chúng tôi qua lời kể của Howard, rừng ở trong hang - a jungle forest in the cave.

Hình ảnh
Hố sụt thứ hai (ảnh của Howard Clarke)
Bước chân đầu tiên chúng tôi đặt tới ở khu rừng nhiệt đới đặc biệt này cũng thật bất ngờ, đặc biệt như chính cái khu rừng có một không hai này. Nhìn mặt đất có vẻ bình thường như ở những nơi khác, nhưng khi dẫm chân lên mới thấy có sự khác lạ. Chân của chúng tôi bị thụt sâu trong lớp bột cát, theo nhà địa mạo, TS Nguyễn Hiệu thì đó là sản phẩm phong hóa của đá vôi, khu vực này trước đây chắc chắn đã có một dòng sông, có thể là sông ngầm chảy qua, và có thể chính sự thành thành hố sụt này đã cắt đứt sự liên tục của dòng sông.

Hình ảnh
Có nhiều Tổ điều bì sinh cho thấy không khí ở đây khá ẩm
Hố sụt thứ hai rất rộng, rộng cả về diện tích cũng như khoảng không gian ở miệng hố. Nếu đứng ở một góc của hố thì chắc chắn rằng người ta sẽ nghĩ đây chỉ là một cái thung lũng, hay đáy một cái vực sâu mà thôi. Chỉ khi nào đi hết được toàn bộ chu vi của lòng hố sụt tôi mới dám nghĩ rằng, nó thực sự là một cái hố và ở một số nơi, cái hố đó có cửa hang đi vào các đường hầm sâu thẳm. Đó là niềm hy vọng mà tôi gửi gắm vào cuộc khám phá này, một điều mới gì đó mới lạ về các loài sinh vật sống ở đây.
Theo Howard, lần khám phá trước, có người đã gặp một loài cây nắp ấm ở đây. Nắp ấm là cây ăn thịt, là một điều khá thú vị nếu gặp nó ở đây, vì thế mà nhiếp ảnh gia của National Geographic, Peter Casten đã rất hào hứng cùng với chúng tôi kiếm tìm trên từng mét vuông của khu vực. Rất tiếc là chúng tôi đã không có được sự may mắn để tìm ra cái cây đó, hoặc giả là có người đã nhầm cái nắp ấm đó với bao mo của một loài Nưa vốn mọc khá phổ biến ở đây. Nhưng chính sự tìm kiếm đến từng chi tiết đó, đã giúp tôi có được cái nhìn tổng quát về toàn bộ khu vực cũng như những nguyên nhân, lý do đủ để giải thích cho các đặc điểm của thảm thực vật, sinh vật ở khu rừng nhiệt đới trong hang này.
Cũng bởi cái sự rộng rãi của lòng hang, miệng hố sụt, thêm vào đó là sự tồn tại của con sông trong quá khứ, thảm thực vật ở đây khá phong phú, đa dạng, mang dáng vẻ của một khu rừng nhiệt đới điển hình như bao khu rừng nhiệt đới khác của thung lũng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhiệt độ ở khu vực này cao hơn so với ở hố sụt thứ nhất trong khi đó thì độ ẩm có vẻ giống nhau. Ở đó có nhiều loài cây gỗ mọc thẳng đứng, có những loài tán vượt lên trên hẳn so với tầm cao trung bình của các loài cây gỗ khác, đó là những loài vượt tán như: Thị, Náng, Táu… Những cây thân gỗ có tán lớn như Móc là những loài ưu thế nhất của tầng tán.
Vậy điều gì là sự khác biệt của khu rừng nhiệt đới trong hang này so với các khu rừng khác? Trong quá trình khám phá và đi tìm câu trả lời cho đoàn làm phim của iTV, chúng tôi xác định được rằng, lớp phủ thổ nhưỡng của khu vực khá mỏng.

Hình ảnh
Chân chúng tôi thường bị thụt trong lớp bột cát như thế này
Ở khu vực xung quanh, trên nền bột cát, các loài thực vật chủ yếu là thân bụi hoặc bụi trườn có gai, một dạng sống điển hình trong điều kiện thiếu nước như Mùng quân, Găng, Bồ ngót, phèn đen…
Trên mặt đất ở phần trung tâm, đất ít nhiều được hình thành trong các khe, hốc đá, ở đó có rất nhiều cây thảo đặc trưng cho vùng đá vôi nhiệt đới ẩm như Môn, Phu lệ, Cao hùng, Han, Gai, Ráy… chúng bao phủ gần như toàn bộ bề mặt.
Trên những cành cây cao có khá nhiều tổ điểu - một loài dương xỉ sống bám bì sinh trên cao trông giống như những chiếc tổ chim.
Như vậy, không khí của khu vực hố sụt có độ ẩm cao nên các loài thân thảo vốn có bộ rễ ăn nông cùng với Tổ điểu bì sinh phát triển mạnh, trong khi đó, trên lớp bộ cát và sâu dưới tầng mùn ở phần trung tâm, không có nước cho bộ rễ để đảm bảo cho sự phát triển của thực vật. Thêm vào đó, mặc dù độ ẩm cao nhưng lượng ánh sáng ít nên sinh trưởng của thực vật ở đây bị giới hạn. Các loài cây gỗ ở đây không thể đạt được kích thước tối đa giống với đồng loại của chúng ở bên ngoài, điều đó một phần bị giới hạn bởi ánh sáng - chúng muốn phát triển mạnh phải vươn lên thật cao, vượt qua các loài che bóng để đón ánh sáng trực tiếp từ mặt trời vào một khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày (từ 19h đến 14h). Tầng đất quá mỏng và gần như không có nước để chúng có thể phát triển cao lớn. Có rất nhiều thân cây gỗ bị đổ được xác định chủng loại thuộc về các loài Táu, Thị, Nang và tất cả chúng chỉ có kích thước trung bình. Điều đó có nghĩa là, các loài cây gỗ ở đây đã cố gắng phát triển thật nhanh về chiều cao nhưng khi chiều cao vừa đủ để chúng lấy được ánh sáng mặt trời một cách tốt nhất thì chúng cần phát triển bề ngang và bộ rễ để đảm bảo có thể tồn tại được lâu dài. Nhưng thật khó xảy ra với điều kiện thổ nhưỡng và ánh áng ở đây, sự hạn chế về bộ rễ và nước (nước trong đất trên đá vôi thường xuyên bị ngấm hết xuống các tầng đá mẹ bên dưới) đã quật ngã những cây gỗ to nhất ngay khi chúng còn chưa đạt được kích thước tối đa.

Hình ảnh
Cấu trúc rừng có phân tầng nhưng tán không khép vì cây gỗ thường có tán rất hẹp
Về tổng thể, khu rừng tồn tại ở ¾ diện tích của hố sụt, nó mang dáng dấp của một khu rừng nhiệt đới nhưng độ che phủ của tầng tán thấp bởi các loài cây gỗ bị giới hạn về nước và ánh sáng nên tán của chúng hẹp. Cây gỗ có xu hướng “gầy”, tức là chỉ phát triển được chiều cao, và nhanh bị đổ do bộ rễ không bám sâu, chắc được vào nền đất.
Song song với quá trình khám phá hệ thực vật, chúng tôi cũng luôn tìm kiếm sự hiện hữu của các loài động vật. Ngoài một số loài chim, chúng tôi không gặp bất kỳ loài nào khác. Tuy nhiên, có một số bộ xương của linh trưởng và gặm nhấm ở phía cửa hang. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, bộ xương đó là của loài Voọc hà tĩnh. Tôi đã cố gắng sắp xếp lại cấu trúc bộ xương của một đống xương của loài Voọc này do các thành viên đoàn thám hiểm lấy được ở một nhánh hang bắt nguồn từ hố sụt này. Đống xương đó được lấy từ cùng một chỗ và thật bất ngờ bởi chúng thuộc về hai cá thể Voọc khác nhau. Một giả thiết được đặt ra, có hai con Vọc đánh nhau rồi cùng rơi xuống hố sụt và cùng chết ở nhánh hang này, nhưng sẽ khó hiểu nếu biết rằng chúng lại dắt nhau và phía sâu trong hang để chết cùng một chỗ. Giả thiết tin cậy nhất là chúng có quan hệ gần gũi với nhau kiểu như vợ chồng hoặc cha con, mẹ con. Khi rơi xuống hố sụt này, chúng đã không thể quay trở lên và đành sống lại ở đây rồi cùng chết ở một chỗ phía sâu trong hang. Như vậy, sự tồn tại của các loài động vật ở đây là rất khó khăn, nếu vô tình một cá thể nào đó rơi xuống và may mắn sống sót thì cũng không có cơ hội thoát trở ra bởi đến như Voọc hà tĩnh giỏi leo trèo mà vẫn bỏ mạng ở đây. Không giống như thực vật, động vật cần khác giới và cùng lứa tuổi thì mới sinh sản được, vì thế cơ hội để các loài động vật không biết bay tồn tại ở khu rừng nhiệt đới đặc biệt này lại càng nhỏ nhoi.

Hình ảnh
Cây trong hỗ sụt có xu hướng phát triển "gầy"
Tuy vậy, qua hai hố sụt của hệ thống hang Sơn Đoòng - một điều gần như có một không hai trên thế giới, chúng tôi tin rằng, trong tương lai, thực vật nói riêng và hệ sinh thái nói chung của các hố sụt có xu hướng giống với bên ngoài nhưng rất có thể sẽ có những điều đặc biệt bởi vi khí hậu và sự cô lập của từng hố sụt là hoàn toàn khác với bên ngoài. Cái đặc biệt đó chính là cốt lõi tồn tại một rừng nhiệt đới ở trong hang.

Bản quyền Bài và ảnh của anhtai.bvn,
không được phép copy, sao, chụp khi chưa được phép của tác giả
email: [email protected]

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 10 11, 2011 3:26 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010