Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 6 Tháng 3 29, 2024 2:21 am



Gửi bài trả lời  [ 1 bài viết ] 
 Đau lòng…“đặc sản” núi Bà Đen 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Đau lòng…“đặc sản” núi Bà Đen
Đau lòng…“đặc sản” núi Bà Đen
Bùi Thuận - Báo Đồng Nai

Cách đây chừng hơn mười năm, trong một lần hướng dẫn chúng tôi “tour về nguồn” thăm lại R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời chống Mỹ) cùng những khu rừng di tích thời chiến tranh như: Lò Gò - Xa Mát, Chàng Riệc (nay là vườn quốc gia và công viên rừng) trở về thị xã, vừa đi ngang qua núi Bà Đen, mấy đồng nghiệp ở báo Tây Ninh hồ hởi thông báo: “Hôm nay chúng tôi sẽ chiêu đãi các bạn hai thứ đặc sản của vùng đất biên giới này, bảo đảm là thử rồi… khó quên.”


Mềm môi với thằn lằn, ốc núi
Ngay sau đó, trong một nhà hàng sang trọng thuộc vào loại nhất nhì ở tỉnh lỵ Tây Ninh, mấy nhân viên phục vụ với vẻ trịnh trọng bưng đặt lên bàn dĩa ốc núi thật to, cùng một dĩa cũng bự không kém có chừng một chục con thằn lằn núi lớn gần bằng cườm tay được chiên giòn, nóng hổi, xếp xung quanh bằng mấy lát cà chua, cải xà lách. Bên cạnh đó là một rổ đựng các loại rau xanh như: đọt cóc, lá lụa, xoi nhái, giá sống, dưa leo…. Nhìn món nhậu lạ mắt lại nghe giới thiệu một cách nhiệt tình, sôi nổi về loại đặc sản đang “hot”, cánh khách nam chúng tôi hào hứng quơ đũa gắp con thằn lằn núi to đùng, vàng rộm, chấm vào chén nước mắm me nhai rào rạo, ngon lành. Sau đó, cứ mỗi đợt thằn lằn chiên cuốn rau chấm mắm me là một đợt “dô! dô!” quá ư là… “đã”. Thế nhưng, khách nữ thì không dám đụng đũa. Mấy cô gái trẻ thầm thì với nhau: “Ghê quá! Thằn lằn núi bự hơn thằn lằn nhà, nhưng nhìn nó lại nhớ đến mấy con thằn lằn bò loằng ngoằng trên trần nhà với màu da trắng mốc mà ghê”... “Ở nhà, mấy đứa em trai tôi hay xếp dây thun bắn để cho gà ăn. Nó rớt xuống đất, văng cái đuôi ra khỏi mình mà cái đuôi vẫn còn ngo ngoe, nhìn nó dẻo ngoẹo, xanh lè thấy ghê quá”... Một đồng nghiệp Tây Ninh thấy vậy càng ra sức động viên: “Ăn thử đi, ngon lắm mà... nên thuốc nữa, bổ dưỡng lắm!”. Rồi anh quay sang đám khách nam ghé tai nói: “Món này là đặc sản núi, bổ dưỡng, ông ăn ngon miệng lại được bà khen nữa đó!”. Nhưng mấy khách nữ cũng chỉ dám chấm mút chút đỉnh một vài con ốc núi lể ra trắng mập, ăn kèm theo cọng rau răm vừa giòn, ngọt bùi, lại vừa cay cay và hưởng ứng khá tận tình những món không phải là … đặc sản. Còn chúng tôi quả là có một bữa nhậu quá đã đến nhớ hoài.
Đó là chuyện cách đây đã hơn mười năm, còn bây giờ mọi thứ đã khác lắm rồi…

Hình ảnh
Thằn lằn núi chiên giòn

Hàng cấm, mà không khó tìm
Tôi trở lại Tây Ninh lần này cùng vợ chồng một người bạn già là Việt kiều Mỹ. Sau khi tham quan Thánh thất Cao Đài, lên núi Bà Đen bằng cáp treo và xuống núi bằng đường ống trượt, ông bạn tôi hưng phấn đề nghị: “Ông đưa tôi đến quán nào có món thằn lằn núi, ốc núi, mình thưởng thức thử cho biết đặc sản Tây Ninh”. Tôi hết sức ngạc nhiên, hỏi: “Ủa sao sống ở bên Mỹ mà ông cũng biết mấy món này?”. Ông bạn tôi cười hề hề: “Thời internet mà, chuyện gì ở quê nhà mà tụi này hổng đọc được trên mạng!”

Hình ảnh
Ốc núi lên bàn nhậu. Ảnh: T.L
Thế nhưng, khi chúng tôi ghé vào mấy cái nhà hàng cũng như mấy cái quán ăn có treo bảng hiệu khá bề thế, thì nơi nào cũng lắc đầu ngoầy ngoậy: “Hổng có nơi nào bán món thằn lằn núi, ốc núi đâu. Nhà nước cấm mấy năm nay rồi. Với lại, người ta bắt quá, lớn nhỏ gì cũng bắt, bắt ròng rã suốt nhiều năm trời như vậy thì thằn lằn, ốc núi nào còn…”
Thấy tình thế không ổn, tôi bèn gọi điện cầu cứu K., một người quen lâu đời ở Tây Ninh. K.là một dân chơi có hạng và cũng là “thổ địa” của cả một vùng biên giới này. Vừa nghe gọi, K. đã vui vẻ có mặt và đưa chúng tôi đến đường Nguyễn Trãi trong thị xã. Bước vào một quán đặc sản không tên, K. lớn tiếng kêu: “Một dĩa thằn lằn núi chiên giòn. Lấy loại lớn nghen!”. Người phục vụ trong quán dạ rân và vội vã bày ra chén, ly, đũa. Tôi để ý, lúc đó trước cửa quán có hai thanh niên đi xe gắn máy mang bảng số TP.Hồ Chí Minh dừng lại hỏi: “Bữa nay có thằn lằn núi sống không, tụi này mua 5 ký!”. Bà chủ quán bước ra nhìn từ đầu xuống chân hai vị khách rồi lắc đầu: “Quán tui đâu có bán thằn lằn núi”(!?).
Tuy K. đã dặn là “làm thứ lớn” nhưng mấy con thằn lằn chiên giòn đem ra chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái một chút, vậy mà ai cũng tỏ ra khoái khẩu kêu thêm một dĩa thằn lằn bằm nhuyễn xúc bánh đa. K. còn cho biết: “Quán này còn có món cháo thằn lằn núi, nhậu đã rồi húp cháo ngon bá cháy!”
Quất mấy ly rượu và...“chữa cháy” bằng bia Sài Gòn đỏ, tôi tranh thủ lúc đang chờ mồi mới, bước ra phía sau quán giả vờ đi tiểu thì thấy một cái lồng lưới sắt có che bên trên tấm vải nhựa xanh, trong lồng hàng trăm con thằn lằn núi đang đeo bò lổn ngổn. Đứng cạnh sàn nước, một người đàn ông (chắc là đầu bếp) với vẻ thành thạo đang lôi từng con thằn lằn núi ra... bóp đầu rồi thọc dao vào bụng… làm sạch ruột. Động tác thật lanh lẹ, dứt khoát để không làm gãy mất đuôi.

Chết vì… mùi sung chín

Kết thúc bữa nhậu, tôi quyết định ôm sau xe K. để đến Ninh Sơn - cái xã nằm trải dài dưới chân núi Bà Đen thuộc huyện Dương Minh Châu để làm quen với mấy “thợ săn” thằn lằn núi chuyên nghiệp. Trong cái nôi của “làng nghề” săn thằn lằn núi này, K. quen thân với ông Chín Th. là người thâm niên nhất và cũng là bậc thầy trong việc câu thằn lằn núi. Ông Chín Th. cho biết, cái xóm nghèo sống dưới chân núi này bao đời nay chuyên làm nghề bán nhang đèn, nước giải khát, trái cây… cho khách thập phương lên núi cúng Bà. Vào thời cực thịnh của việc săn bắt thằn lằn núi, ốc núi, hầu như mọi việc mua bán đều do phụ nữ đảm nhận, hàng trăm đàn ông, thanh niên trong xóm lao hết vào việc khai thác “đặc sản” đang hút giá. Lợi thế của dân ở đây là có đôi chân dẻo dai nhờ leo núi mỗi ngày từ nhỏ, còn chuyện câu thằn lằn núi thì thật dễ dàng, chỉ cần trang bị một cần câu gắn sợi nhợ có thắt nút thòng lọng là đi làm ăn được. Mồi để nhử thằn lằn núi là trái sung chín bóp nát ra tỏa mùi thơm bỏ trên phiến đá. Chúng rất mê sung chín, nghe mùi là từ trong hang lóc nhóc bò ra, tranh nhau ăn. “Thợ” chỉ việc chọn con nào to đang ngẩng cao đầu đưa thòng lọng vào giật bắt. Khéo tay, một ngày câu 5-7 kg thằn lằn là chuyện thường. Có bao nhiêu, đem ra ngoài thị xã các quán lấy hết trơn mà bán lại được giá, nên thời đó rẫy bái ở đây bỏ hết, mọi người đều chạy theo… “lộc Bà”. Những con chết đem làm khô bán cho du khách mua về làm quà. Riêng việc bắt ốc núi thì cực hơn, phải dùng đến xà beng nạy các tảng đá to để tìm nơi chúng ẩn náu.
Thằn lằn núi chiên giòn

Hình ảnh
Những gốc sung rừng trên núi Bà Đen. Ảnh: B.T
Ông Ba T. cũng là một tay câu thằn lằn núi thuộc vào hàng cự phách ở xã Ninh Sơn, và ông còn được ông Chín Th. khen là người làm món thằn lằn núi khìa để nhậu ngon... số dzách Tây Ninh. Chỉ một con thằn lằn núi ông khìa ra cho 3 người ngồi… cưa đứt một lít rượu đế Trảng Bàng như chơi. Với kinh nghiệm câu thằn lằn núi: “Thả câu phải thật nhẹ nhàng, đừng để đồng loại nó phát hiện. Khi bắt phải bóp chặt cổ vì nếu không cẩn thận, nó cắn rất đau để thoát thân”. Ông Ba T. cho rằng : “Thật lạ nghen, chỉ có trên núi Điện Bà (dân ở đây kiêng kỵ không gọi là Bà Đen) mới có loại thằn lằn bự chảng, mập tròn như vầy, mà lạ nữa là nó chỉ ăn trái sung chín và rất mê loại trái mọc đầy rẫy trên núi”. Nghe vậy, tôi sực nhớ đến những khu rừng sung cổ thụ mọc khắp sườn núi Bà Đen và nhận ra không có núi nào mà sung rừng mọc nhiều như ở đây. Chính rừng sung này là nguồn thực phẩm dồi dào bao đời nay đã nuôi dưỡng nên loài thằn lằn núi. Nhưng xem ra loại đặc sản sống nhờ hồng phước “lộc Bà” đang trên đà tuyệt diệt. Phải cụng đến rất nhiều ly, hai thợ câu lừng lẫy dưới chân núi Bà Đen mới thổ lộ: “Tụi tui đã giải nghệ rồi! Với lại, thằn lằn núi cũng đâu còn nhiều. Hồi trước tụi tui câu, chỉ chọn con lớn bằng cả cườm tay, còn bây giờ tụi nó lớn nhỏ gì cũng bắt, mà bắt độc địa lắm chớ hổng phải như câu đâu! Vì đi câu phải xách theo cần thì thế nào cũng bị kiểm lâm chận bắt. Tụi nó dùng xô nhựa do vợ đem theo để bán hàng trên núi rồi lấy trái sung chín chà bên ngoài, bỏ vào bên trong… lén đem đặt vào những nơi còn thằn lằn sống để nhử chúng mò đến ăn lọt vào xô không ra được đặng bắt cả lớn lẫn nhỏ”.

Thì ra là vậy, giờ tôi mới biết vì sao việc cấm bắt thằn lằn núi đã có từ lâu và trái sung rừng trên núi Bà Đen quá dư thừa cứ chín khô đi, vậy mà các quán đặc sản ở Tây Ninh vẫn cứ lai rai hoạt động, còn ở TP.Hồ Chí Minh thì có quán còn công khai quảng cáo: “Thằn lằn núi, ốc núi Tây Ninh” cho dù những loại đặc sản này chỉ còn có chút xíu.

Để biết về loài này vui lòng bấm vào links sau: http://www.vncreatures.net/chitiet.php? ... =1&ID=5690

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 5 Tháng 10 20, 2011 10:17 am
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 1 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến5 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010