Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 5 Tháng 3 28, 2024 9:00 pm



Gửi bài trả lời  [ 2 bài viết ] 
 Hành quyết "Hậu duệ Lão Tôn" 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Hành quyết "Hậu duệ Lão Tôn"
Hành quyết "Hậu duệ Lão Tôn" giữa lòng di sản
Bài viết của Minh Toản- đăng trên báo mạng Tiền Phong


Điện thoại réo. Đầu dây, một “đại ca” vùng sơn cước cộc lốc: “Này, đầu năm có dám sát sinh không?”. “Sát gì?”. “Khỉ”. [/b]
Ra Tết, tiết trời dịu ấm, mưa rây hạt dịu nhẹ. Trời đất giao hoà bừng sức sống mới. Trong một buổi sáng đẹp trời như thế, lòng người thanh thản lạ. Tự thưởng cho mình một ly cà phê ấm nóng còn thơm mùi cao nguyên và nghĩ về một điều thiện chợt chiếc điện thoại rung lên bần bật.
Đầu dây, một “đại ca” vùng sơn cước cộc lốc: “Này, đầu năm có dám sát sinh không?”. “Sát gì?”. “Khỉ”. “Khỉ ở đâu?”. “Bí mật. Có dám đi không thì bảo?”. Theo quán tính nghề nghiệp tôi buông: “Có gì mà chả dám... “.

Săn “con cháu Lão Tôn”
Hắn đặt điều kiện: “Toàn anh em chiến hữu cả, ông có “ngứa nghề” thì nhớ giấu tên cho chúng nó nhờ”.
Thế là tôi phóng xe hẹn gặp và cùng hắn lên đường. Tôi giật mình khi thấy hắn cứ nhằm hướng di sản Phong Nha-Kẻ Bàng trực chỉ. Hắn cười nửa miệng và bảo: “Săn hậu duệ Lão Tôn không lên Hoa quả sơn Phong Nha thì đi đâu nữa”.
Trong một quán cóc nhỏ giữa vùng Di sản, hắn gọi ra một chai rượu đế và rút điện thoại bấm nhoay nhoáy. Chừng mươi phút sau có 2 thanh niên dáng thấp đậm, cơ bắp cuồn cuộn phi xe máy tới.
Một gã đầu đinh và một gã tóc dài như người rừng. Hắn giới thiệu gọn lỏn: “Chiến hữu”. Có lẽ nhóm bạn của hắn là khách quen của cái quán không biển hiệu này. Chủ quán cao gầy và đen nhẻm. Hắn ra hiệu đưa đồ mồi.
Cũng chừng mươi phút, một đĩa muối ớt chỉ thiên và một đĩa thịt khô hun khói mang ra. Cả bọn xé thịt, chấm muối và uống rượu như uống nước. Tôi tham gia cầm chừng. Miếng thịt khô hun khói kia cứ nằm mãi trong vòm miệng có mùi vị thật lạ, tanh tanh, ngai ngái, hăng hắc.
Tôi chưa thể đoán ra được đó là thứ thịt gì. Hắn nhìn tôi rồi giới thiệu 2 chiến hữu rồi chỉ gã đầu đinh: Thằng này nổi tiếng sát thú. Trong rừng có con gì vào tầm ngắm của nó coi như là tiêu mạng”.
Hướng mắt vào gã người rừng: “Thằng này có thể đưa thú đi bất cứ nhà hàng, khách sạn nào có nhu cầu. Chưa bị “bể mối” lần nào...”. Đĩa mồi và chai rượu đế hết veo. Trời cũng đã chạng vạng tối. Hắn lệnh: “Lên đường”.
Tôi ngồi nép sau tấm lưng to bè của hắn nín thở trước tốc độ chạy xe kinh hoàng. Hình như ở cái vùng sơn cước này, phản xạ đầu tiên của các tay lâm tặc khi cầm lái là tốc độ cao để tránh các cuộc vây bắt rượt đuổi. Gió thổi bên tai vù vù.
Chiếc xe ngược trở ra đường Hồ Chí Minh nhắm hướng sân bay Khe Gát phóng nhanh. Đến đoạn tiếp giáp giữa nhánh Đông và nhánh Tây xe rẽ theo con đường bê tông nhánh Tây đi vào hướng Trộ Mợng. Cách trạm Kiểm lâm Trộ Mợng chừng 500 m, gã đầu đinh pha đèn ra hiệu dừng lại.
Cả bọn giấu xe và tiếp tục lội bộ dọc theo một nhánh sông Son, men theo những vách núi đá dựng đứng. Tôi vẫn cứ bám sát sau gã và hổn hển hỏi: “Lúc nãy nhậu thịt gì mà tanh thế?”.
Hình ảnh
Ảnh - Hoàng Nam
Hắn tỉnh queo: “Khỉ. Khỉ ép khô hun khói. Đặc sản đấy”. Một cảm giác cứ lợn cợn trong vòm họng. Lại hỏi: “Đi đâu thế này?”. Hắn giải thích: “Đi thăm bẫy khỉ. Lúc này Kiểm lâm đang ăn cơm họ không để ý. Khỉ thường dính bẫy vào tầm chiều. Chạng vạng tối lên gỡ, tập kết lại một nơi an toàn, tối lên chở về đi giao hàng...”.
Hình như đã đến nơi, hắn bảo tôi: “Ông ngồi tạm ở đây để bọn tôi đi thăm bẫy. Ông đi không quen dễ bị ngã và lạc lắm...”. Tựa lưng vào một gốc cây cao, bóng đêm đã bắt đầu phủ xuống giữa điệp trùng rừng thẳm nguyên sinh, một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Cái miếng thịt khỉ ban chiều lại ám ảnh tôi.
Mấy năm trước, khi Phong Nha - Kẻ Bàng đang làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, trong một chuyến đi điền dã vào vùng rừng núi Phù Minh- Phù Nhiêu chúng tôi bàng hoàng khi thông tin của một đoàn khảo sát về hệ động thực vật vùng này cho hay rằng: Phong Nha - Kẻ Bàng là Vương quốc của loài linh trưởng, chiếm đến hơn 25% linh trưởng của cả nước.
Và qua 3 tháng nằm tại đây, họ đã đưa ra một con số giật mình: Chỉ riêng vùng này thôi, thì mỗi năm đã đưa ra thị trường khoảng 11 tấn thịt khỉ ép khô (10 kg tươi mới có được 1 kg khô).
Phương thức săn bắt chủ yếu của người dân nơi đây là dùng nỏ bắn và đặt bẫy treo. Tôi không hiểu, lúc này đây gã đầu đinh đang dùng phương thức gì để đoạt mạng”hậu duệ Lão Tôn”?...
Nhìn đồng hồ, hơn 30 phút đã trôi qua. Đã nghe tiếng bước chân và tiếng vạch lá rào rào ở phía trước. Tiếng của hắn: “Được 3 con. Hai vàng, một lợn. Chuyến này ít nên đưa về luôn....”.
Gã đầu đinh và gã người rừng kéo lê một chiếc lồng sắt mà bọn họ đã giấu sẵn trong rừng. Trời tối, tôi không thể nào nhìn rõ và nhận diện 3 tù binh “con cháu của Tôn Ngộ Không” bị nhốt trong lồng, chỉ có thể nghe tiếng kêu đau đớn phát ra từ đó.

Những món nhậu rùng mình
Ngược trở ra ngã ba Khe Gát, xe tăng tốc, lại chạy theo đường HCM vào hướng Nam. Gần đến khu vực chợ Troóc, xe chạy chậm lại và tấp vội vào một nhà hàng bên đường.
Ngước nhìn biển hiệu: Nhà hàng T.H với các món nhậu đặc sản và bình dân. Đương nhiên biển hiệu này không hề ghi có món “Khỉ đặc sản”. Gã đầu đinh và gã người rừng khệ nệ đưa hàng vào nhập.
Dưới ánh đèn, trong chiếc lồng sắt kia tôi thấy 2 chú khỉ lưng có lông màu nâu vàng và một chú khỉ lông màu xám trắng. Ước lượng mỗi con độ từ 7-10 kg.
Hắn giải thích: “Con có màu xám trắng kia là khỉ đuôi lợn. Còn con vàng nâu là khỉ vàng...”. Việc giao nhận hàng diễn ra chóng vánh. Hắn nhìn tôi bảo: “Nhậu luôn chứ?”. Tôi gật.
Hắn vẫy tay gọi chủ quán, một trung niên, tầm thước, ngăm đen: “Cho tay chân và cháo”. Nhà hàng này gồm nhiều phòng và sâu hút vào phía sau. Có một dãy chuồng trại nhỏ ở cuối vườn, nơi “giam giữ và hành quyết chư hầu”.
Một đống lông khỉ vàng, nâu, xám vừa mới được thải ra chưa kịp khô, chứng tỏ vừa có một cuộc “hành quyết”. Lách chân vào một phòng đệm nhơm nhớp nước, tôi tá hoả.
Trên chiếc mẹt còn vương vấy máu là thân thể của một con khỉ chừng mươi ký vừa mới xả thịt. Những mảng da bị thui cháy vàng cùng với một khuôn mặt nhăn nhó nhe răng trắng ởn.
Tôi rùng mình quay vào. Bàn nhậu đã được bày ra. Trên một chiếc đĩa to nhờ nhờ 4 bàn tay khỉ đã luộc chín như 4 bàn tay con trẻ. Hắn dùng dao xẻ từng ngón cho vào từng bát một. Lại rượu đế. Bọn họ nhậu xem chừng đắc ý lắm.
Hắn bảo: “Ngoài óc khỉ ra thì tay chân của nó là quý nhất. Ông cứ ăn vào sẽ thấy sung mãn và hưng phấn lên ngay. Nhà hàng này chủ yếu phục vụ các “Đại gia” từ Đồng Hới lên và một vài quan chức ở đây. Dân nghèo trong vùng lấy gì ra tiền mà nhậu món đặc sản”.
Qua vài tuần rượu, gã đầu đinh bắt đầu mặn chuyện: “Đi săn khỉ, dễ bắt nhất là khỉ vàng. Chúng thường đi theo đàn vài ba chục con. Háu ăn và thường ra ăn hoa màu trên các rẫy. Chúng kiếm ăn ban ngày, còn tối đến thường ngủ trên cây hoặc trong hang đá. Khó săn nhất vẫn là loài Voọc gáy trắng (Voọc Hà Tĩnh-PV).
Rất khôn. Cảnh giác và thường ngủ trong các hang nhỏ ở vách đá dựng đứng”. Gã đầu đinh cứ thế nói một tràng về cả khỉ mốc, khỉ cộc, khỉ đuôi lợn cứ như gã là một nhà động vật học thực thụ...Hết món tay chân. Món cháo cũng được bưng lên.
Tôi hỏi giá. Gã người rừng vanh vách: “Bán ngay vùng này rất rẻ. Một kg thịt khỉ tươi: 80 ngàn đồng. Một cái mật khỉ chỉ dao động 60-80 ngàn. Một lạng cao khỉ toàn tính 60-70 ngàn. Một con khỉ ép khô tuỳ lớn nhỏ cũng từ 500-800 ngàn đồng”.
Chiếc xe phóng như bay quay về Đồng Hới. Hắn hỏi vọng ra sau: “Thế nào, ông ấn tượng chứ?”. Tôi rùng mình!
Lật giở những tài liệu liên quan đến hệ linh trưởng của vùng di sản, thật khó diễn tả được cảm xúc. Khỉ cộc (Macaca arctoides), Khỉ Mốc (Macaca assamensis), khỉ Đuôi lợn (Macaca leonina), khỉ Vàng (Macaca mulatta), Voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus laotum hatinhensis)... đều nằm ở trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới với mức độ đang nguy cấp, sẽ nguy cấp và đang bị đe dọa.
Trong một tài liệu tổng quan về Phong Nha - Kẻ Bàng, người ta cũng đã đánh giá rằng: Nghề nấu cao khỉ ép khô đã có giảm nhưng vẫn còn một vài lò nấu.
Mỗi mẻ ít nhất nấu 3 con và tuần nào cũng có nấu. Có lẽ đánh giá trên trong thời điểm này đã là lạc hậu. Theo như những thông tin chúng tôi có được, thì tình trạng săn bắt loài linh trưởng ở vùng di sản đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Ẩm thực món khỉ tươi đang là “mốt”. Với chỉ một nhà hàng đó thôi thì mỗi ngày giết mổ từ 3-5 con vật trong sách Đỏ, Một làn sóng ngầm săn bắt linh trưởng, loài nhiều, đa dạng, dễ bắt và lợi nhuận cao đang diễn ra ngay giữa lòng di sản.
Liệu những người quản lý ở đây có biết thực trạng này? Liệu họ có đang mải mê chăm chú hoàn tất hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản lần 2 về tiêu chí đa dạng sinh học, đến khi giật mình bừng tỉnh thì loài linh trưởng đã biến mất khỏi những cánh rừng thẳm?

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 3 Tháng 12 08, 2009 10:01 am
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 2 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến4 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010