|
TRĨ SAO
TRĨ SAO
Rheinartia ocellata
(Elliot, 1871)
Argus
ocellata
(Elliot, 1871)
Họ: Trĩ Phasianidae
Bộ: Gà Galliformes
Đặc điểm nhận
dạng:
Trĩ sao là một
trong số các loài thuộc họ Trĩ có kích thước lớn của một số loài họ Trĩ. Con đực
trưởng thành có mào lông ở đỉnh đầu dài tới 60mm, màu nâu tối với các chấm trắng
nâu hung đen.
Lông
mày rộng, kéo dài màu trắng.
Mặt lưng và đuôi
nâu thẫm, đôi chỗ phớt hung. Mặt bụng gần giống lưng nhưng lẫn nhiều màu hung
thẫm hơn. Đuôi dài, hai lông đuôi giữa phát triển dài tới 1500mm. Con cái tương
tự như con đực nhưng kích thước nhỏ hơn. Mào lông thưa và ngắn hơn ở con đực.
Đuôi cũng ngắn hơn và không có hai lông đuôi giữa dài như con đực. Mỏ màu hồng,
mắt nâu, giò nâu thẫm phớt hồng, có cựa. Cựa của con đực phát triển hơn ở con
cái.
Sinh học, sinh
thái:
Dẫn liệu sinh sản
của trĩ sao trong tự nhiên còn biết ít. Mùa sinh sản của trĩ sao bắt đầu từ
tháng 3 - 7. Trĩ sao nuôi ở Vườn thú Hà Nội mỗi lứa đẻ 2 - 3 trứng, hình bầu dục,
một đầu to một đầu nhỏ, vỏ trứng màu nâu nhạt có nhiều chấm nâu ở đầu to. Kích
thước trung bình (6,53 x 5,48mm), trọng lượng trung bình của 3 quả là 75,17g,
thời gian ấp là 24 ngày (Đặng Gia Tùng, 1997).
Thức ăn
của trĩ sao là các loại quả, hạt quả cây, hạt cỏ. Trong đó chúng thích nhất là
các loại quả mềm cỡ nhỏ thuộc giống (Ficus), ngoài ra chúng còn ăn thêm côn
trùng, giun đất...
Trĩ sao
sống và kiếm ăn ở các khu rừng nguyên, thứ sinh ẩm thường xanh trên các đỉnh và
sườn đồi có độ dốc khác nhau ở độ cao từ 100 - 1000m , phổ biến thường là dưới
700m. Có thể nghe được tiếng kêu của Trĩ sao ở khoảng cách rất xa cả ban ngày
lẫn ban đêm. Nhất là khi có tiếng động to đột ngột. Đầu mùa sinh sản con đực hay
múa khoe mẽ, tạo thành “bãi múa” ở trong rừng, giúp cho người quan sát dễ dàng
phát hiện.
Trong cùng sinh
cảnh cũng có thể gặp được các loài Gà tiền, Gà rừng, Gà lôi, Gà so... Trĩ sao
cũng có tập tính như các loài trĩ khác ban ngày kiếm ăn trên mặt đất, ban đêm
bay lên các cành cây đậu ngủ.
Thường
chúng ngủ ở các cành có độ cao nhất so với các loài trong nhóm chim trĩ.
Phân bố:
Trong nước: Chỉ
có một phân loài R. o. ocellata, phân bố ở Nghệ An (Con Cuông, Quỳ Châu...),
Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình
Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng ( núi Bi Đúp).
Thế giới: Phân
loài trên còn gặp ở Trung Lào, phân loài thứ 2 gặp ở Malaixia.
Giá trị:
Loài quý hiếm,
phân loài đặc hữu của Việt Nam có giá trị khoa học, thẩm mỹ.
Tình trạng:
Hiện nay còn gặp
Trĩ sao ở nhiều vùng rừng từ bắc Trung Bộ vào đến nam Trung Bộ. Gặp Trĩ sao
nhiều ở rừng của Nghệ An (Vườn quốc gia Pù Mát), Hà Tĩnh (khu vực rừng xung
quanh hồ Kẻ Gỗ, Cát Bịn huyện Cẩm Xuyên) kéo dài đến ngang phía bắc tỉnh Quảng
Bình, Thừa Thiên - Huế. Vườn quốc gia Bạch Mã, vùng rừng chạy dọc đèo 41 huyện A
Lưới, Gia Lai (Kon Hà Nừng, Kon Cha Răng, Kon Ka Kênh), Lâm Đồng (vùng núi Bi
Đúp huyện Lạc Dương), Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Đắk Rông và ở độ cao
500-700m của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa. Song do việc phá rừng và
săn bắt bừa bãi vẫn xẩy ra nên số lượng của Trĩ sao nước ta đã bị giảm đáng kể.
Phân hạng;
VU A1b,c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Đã được đưa vào
Sách Đỏ Việt Nam từ (1992- 2000), Danh Lục Đỏ IUCN (1996, 2000), Sách Đỏ Chim Châu
Á (2001) bậc VU (sẽ nguy cấp), Nghị định18/HĐBT (1992), 48/NĐ-CP (2002), và Phụ
lục I công ước CITES. Đặc biệt Vườn quốc gia Bạch Mã có mật độ Trĩ sao lớn ở
nước ta, được bảo vệ tốt nhất nên số lượng sẽ tăng nhanh trong tương lai. Tuy
nhiên cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức bảo vệ có hiệu quả
cao hơn trong nhân dân.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 269. |
|