Rái cá vuốt bé có
thân hình ngắn, chắc hơn các loài rái cá khác. Màng bơi không phủ hết ngón chân
và có phủ lông. Tai có nắp che lỗ tai. Bộ lông mầu nâu nhạt hoặc xám nâu, phần
bụng mầu sáng hơn. Đặc điểm nổi bật là
vuốt chân nhỏ, không thò ra khỏi ngón.
Sinh học, sinh
thái:
Thức ăn của Rái
cá vuốt bé chủ yếu là các loài cua, ốc, côn trùng, sau mới đến ăn cá. Vùng sống
và hoạt động gắn liền với các thuỷ vực, dọc bờ biển ở những nơi có
rừng ngập mặn, ngập nước ngọt, nước lợ, dọc suối, hồ đầm. Rái cá vuốt bé
hoạt động về đêm, đôi khi gặp cả ban ngày; sống theo đàn, mỗi đàn 3 - 8 con hoặc
nhiều hơn. Mỗi năm đẻ 1 - 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Cả bố và mẹ cùng chăm sóc
con non.
Phân bố:
Trong nước:
Nơi thu mẫu và quan sát gồm Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long), Quảng Trị, Bình Phước,
Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau. Rái cá vuốt bé phân bố rộng trên toàn quốc.
Thế giới: Ấn Độ, Nêpan,
Bắc Mianma, Trung Quốc ( Hải Nam, Đài Loan), Lào, Cămpuchia, Malaixia, Inđônêxia
(Java, Xumatra, Borneo).
Giá trị:
Góp
phần điều hoà số lượng cá thể các quần thể động vật thuỷ sinh.
Có thể nuôi làm cảnh ở công viên nước, vườn thú.
Tình trạng:
Trước đây có phân
bố rộng trên toàn quốc với số lượng phong phú. Hiện nay, trữ lượng đã bị giảm
sút nhiều do săn bắt và mất nơi sống.
Đã được đưa vào
Sách đỏ Việt Nam và nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Trước mắt cần nghiêm
cấm săn bắt và phá hoại môi trường sống, tạo điều kiện cho chúng phục hồi, phát
triển.
Tài
liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam
- phần động vật – trang 31.