|
CẨM LAI
CẨM LAI
Dalbergia oliveri
Gamble ex Prain, 1897.
Họ: Đậu Fabaceae
Bộ: Đậu Fabales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây gỗ thường xanh, có tán hình ô,
cao 20 - 30m, đường kính thân 0,5 - 0,6m. Vỏ thân màu xám, có đốm trắng hay
vàng, không nứt nẻ; phần trong của vỏ có mùi sắn dây.
Lá kép lông chim một lần, lẻ, dài 15 - 25cm, có 11 - 15 lá chét. Lá chét
hình ngọn giáo - thuôn, dài 4 - 8cm, rộng 1,5 - 3cm, chóp lá tù đến nhọn, gốc
lá tù hay tròn, hai mặt nhẵn, gân bên 9 - 12 đôi. Cụm hoa hình chuỳ ở đỉnh cành
hay ở nách lá phía đỉnh cành, dài 10 - 15cm. Lá bắc sớm rụng. Hoa nhỏ, màu lam
nhạt, dài 12 mm. Đài có ống dài 4 - 5 mm, nhẵn hay có lông, 5 răng. Tràng 5,
cánh cờ hình tròn, lõm sâu dài và rộng 7 mm. Nhị 10, hàn liền thành 2 bó. Bầu 2
- 3 ô, có lông.
Quả đậu dài 10 - 12cm, rộng 2 - 2,5cm, dẹt, hơi thắt eo ở nơi có hạt. hạt
thường 1, đôi khi là 2 trong mỗi quả, hình
thận, dẹt, dài 8 - 10 mm, rộng 5 - 6 mm, màu đen nhạt.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 12 - 1 (năm sau), quả
chín tháng 2 - 4 (năm sau), tái sinh bằng hạt, cây sinh trưởng chậm. Cây gặp rải
rác trong rừng, nơi ẩm, đất bằng phẳng hoặc có độ dốc nhỏ, tầng đất dày, thoát
nước, ở độ cao đến 800 - 900 m.
Phân bố:
Trong nước: Kontum (Sa Thầy), Gia Lai, Đắk Lắk (EaSup,
Lắk), Đắk Nông (Đắk Mil), Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước,
Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thế giới: Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Giá trị:
Gỗ quí đặc biệt, bền, chắc, có màu
sắc và vân đẹp, được dùng đóng đồ cao cấp trong gia đình (bàn, ghế, tủ, giường...),
sản xuất các đồ mỹ nghệ, khắc, trạm, tiện, vv...
Tình trạng:
Vì là gỗ quý nên
gỗ cẩm lai là đối tượng săn lùng, khai thác, đến nay rất khó tìm
thấy những cá thể trưởng thành có đường kính lớn như trước đây. Mặc dù khu phân
bố rộng nhưng bị chia cắt cũng như do tác động chặt phá rừng nên nơi cư trú bị
xâm hại nghiêm trọng, nhiều khu vực gần như không còn tìm thấy Cẩm lai.
Phân hạng:
EN A1a,c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt
Nam (1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (Bậc
V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy
cấp, quý hiếm (nhóm 2) của
Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai
thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Đã được bảo vệ trong một số khu
bảo tồn thiên nhiên, thường vẫn bị khai thác trộm, cần có biện pháp bảo vệ
nghiêm ngặt. Là đối tượng gỗ cấm khai thác. Cần được bảo vệ đồng thời tìm nguồn
giống đưa vào trồng rừng.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 194.
|
|