|
CÂY ÁO CỘC
ÁO CỘC
Liriodendron chinense
(Hemsl.) Sarg. 1903.
Liriodendron tulipiferum
var. chinense Hemsl. 1886
Liriodendron tulipiferum
var. sinense Diels, 1900
“sinensis”.
Họ: Ngọc lan Magnoliaceae
Bộ: Ngọc lan Magnoliales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây gỗ lớn, cao 15 - 25m, một số cây
có chiều cao đến 40m, đường kính 50 - 90cm. Cành non không có lông. Lá cỡ 10 -
18 x 12 - 20 cm,
phiến lá hình áo cộc, cụt ngang ở đỉnh và gốc gần tròn hay hơi hình tim,
nhẵn; mép lá lõm hoặc xẻ thuỳ; gân bên 6 - 8 đôi, tận mép;
cuống lá dài 5 - 15 cm; lá kèm to, dài 3 - 4 cm, đính ở gần gốc cuống. Hoa
dài 4 - 5 cm, mọc đơn độc ở đỉnh cành; cuống hoa dài 1 cm. Mảnh bao hoa 9, ,
hình thuôn, tù, dài 4 cm, rộng 1 - 1,5 cm, 3 chiếc ngoài màu lục, những chiếc
phía trong hơi lớn hơn, màu vàng với gốc tía. Nhị nhiều;
chỉ nhị dài 12 mm; bao phấn hình đường, dài 15 mm, không có phần phụ ở đỉnh.
Lá noãn rất nhiều, dài 2,3 cm, xếp lợp lên nhau. Quả dài tới 8 - 9 cm; phân quả
(lá noãn chính) dài 3 cm, có cánh. Hạt 1, hiếm khi 2.
Sinh học, sinh thái:
Mọc rải rác trong rừng rậm nhiệt đới
thường xanh mưa mùa ẩm, ở thung lũng, khe suối hay chân núi, ở độ cao 1500 -
1900 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sapa: Mông Xến, Bản Khoang,
Tà Phìn), Điện Biên (Tủa Chùa), Sơn La (Bắc Yên).
Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây).
Giá trị:
Gỗ dùng trong xây dựng, đóng đồ gia
dụng. Vỏ dùng làm thuốc trừ phong thấp.
Tình trạng:
Ở Việt Nam mới chỉ gặp tại 2 điểm
Mông Xến (Lào Cai) và Tủa Chùa (Điện Biên) với số lượng cá thể rất ít. Rừng ở cả
2 điểm trên đều đã bị chặt phá nhiều. Bản thân loài cũng bị khai thác lấy gỗ.
Mới đây chúng tôi đã phát hiện một
quần thể khá lớn ở Tà Phìn và Bản Khoang
Phân hạng:
VU A1c,d, B1+2b,e.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
"bị
đe doạ" (Bậc T). Không chặt đốn những cây trưởng thành còn sót lại ở các
điểm phân bố trên.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 269.
|
|