|
THỔ TẾ TÂN
THỔ TẾ TÂN
Asarum caudigerum
Hance,
1881.
Họ Mộc hương
Aristolochiaceae
Bộ:
Mộc hương
Aristolochiales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây thảo, sống nhiều
năm; cao 15-25 cm. Thân rễ tròn, có đốt, phân nhánh; mang nhiều rễ con, vò nát
có mùi thơm đặc biệt. Lá gồm 2-5 cái,
lá mọc so le, ó cuống màu nâu tím, có lông ngắn. Phiến lá dày, hình tim nhọn
đầu, 11-14 x 8-10 cm; mặt trên xanh, có thể có đốm màu xám trắng, mặt
dưới nhạt màu hơn, phủ lông dày; mép nguyên. Hoa 1-3 cái, mọc riêng lẻ ở kẽ lá
hay ở ngọn; cuống ngắn, có lông, thường mọc rủ xuống. Lá bắc 1-2 cái, sớm rụng.
Bao hoa màu nâu nhạt, họng hơi vàng, có các vạch màu nâu đỏ; chia thành 3 thuỳ
hình bầu dục, đầu kéo dài và nhọn dần. Nhị 12,
chỉ nhị ngắn, trung đới hình mác cong vượt lên trên bao phấn. Vòi nhuỵ hình
ống, ngắn bằng 1/2 bao phấn, đỉnh tách ra thành 6 đầu nhuỵ. Quả phát triển trong
bao hoa tồn tại, màu lục nhạt phớt tím, có những hàng lông ngắn mọc dọc theo
quả. Hạt nhỏ, màu nâu đen, nhẵn.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 3-5, quả
tháng 5-7 (8). Hạt phát tán gần, có nhiều cây con mọc xung quanh gốc cây mẹ. Cây
đẻ nhánh khoẻ,
thân rễ bò lan tạo thành khóm lớn. Các nhánh con có thể tách ra để trồng.
Cây ưa ẩm, ưa bóng; thường mọc thành đám dọc theo bờ khe suối dưới tán rừng kín
thường xanh ẩm trên núi cao hoặc còn sót lại ở một vài điểm trong rừng trồng
Thảo quả ở Hoàng Liên Sơn, ở độ cao từ 1400-1800 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai
(Sapa: xã Sa Pả, Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Bát Xát: xã Dền Sáng), Hà Giang,
Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Tây.
Thế giới: Trung Quốc.
Giá trị:
Loài tương đối hiếm ở
Việt Nam, vì mới chỉ thấy ở một số điểm, dọc theo sườn đông-bắc núi Hoàng Liên
Sơn. Rễ và thân rễ dùng làm thuốc ho, chữa viêm họng, cảm sốt; có tác dụng làm
nóng khi bị cảm lạnh.
Tình trạng:
Tại 2 điểm phân bố
thuộc xã Tả Giang Phình và Bản Khoang mặc dù có số lượng cá thể nhiều, nhưng do
mọc ở rừng trồng Thảo quả nên thường xuyên bị phát bỏ (chăm sóc Thảo quả). Điểm
phân bố ngay tại thị trấn Sapa đã bị mất do mở rộng quy hoạch đô thị.
Phân hạng:
VU
A1a,c,d
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (V) và Danh mục Thực vật
rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ -
CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương
mại. Bảo vệ nguyên vẹn một khu vực có loài mọc tương đối tập trung thuộc rừng
Suối Đôi (xã Bản Khoang - Sapa). Đã thu thập về trồng tại vườn Trại thuốc Sapa
(Viện Dược liệu), cây sinh trưởng tốt.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 95.
|
|