Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Hoàng liên ô rô lá dày
Tên Latin: Mahonia bealei
Họ: Hoàng mộc Berberidaceae
Bộ: Mao lương Ranunculales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    HOÀNG LIÊN Ô RÔ LÁ DÀY

HOÀNG LIÊN Ô RÔ LÁ DÀY

Mahonia bealii (Fortune) Pynaert, 1875

Berberis bealii Fortune, 1850

Họ: Hoàng mộc Berberidaceae

Bộ: Mao lương Ranunculales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây bụi, cao 1,5 - 3m. Vỏ thân lúc non nhẵn, sau dày lên, có lớp bần màu xám trắng. Đường kính thân 2 - 4 cm. Gỗ thân và rễ có màu vàng. Lá kép lông chim lẻ, dài 15 - 35 cm; mỗi bên có 4 - 7 lá chét không cuống; lá chét trên cùng to hơn, có cuống; phiến lá chét hình bầu dục biến dạng hoặc hình trứng lệch, cỡ 3 - 9 x 2,5 - 4,5 cm, cứng, dày, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đỉnh nhọn hoắt thành gai, mép khía 3 - 7 răng nông, nhọn sắc ở đầu; gân chính 3, gân phụ nổi rõ ở mặt trên. Cụm hoa mọc ở ngọn, gồm 1 - 5 nhánh, hình bông, có thể phân nhánh. Hoa nhiều; 15 - 25 hoa trên một bông, hoa màu vàng, hoa gần như không cuống, đường kính hoa 0,4 - 0,5. Lá bắc 1, nhỏ; đài 9, xếp 3 vòng, vòng ngoài nhỏ. Cánh hoa 6, nhỏ hơn những lá đài vòng trong. Nhị 6; bao phấn gần hình vuông, dài hơn chỉ nhị. Bầu hình trụ, phình ở giữa. Quả hạch, gần hình cầu, chín màu tím đen. Hạt 1, nhỏ.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa tháng 10 - 11, quả tháng 11 - 3 (năm sau). Nhân giống tự nhiên bằng hạt. Có khả năng tái sinh sau khi bị chặt phát. Cây chịu bóng, ưa ẩm; thường mọc ở ven rừng núi đá vôi, hoặc từ các hốc đá ở gần đỉnh núi, tầng trên có cây gỗ thưa, ở độ cao 1400 - 1500 m.

Phân bố:

Trong nước: Lào Cai (Bát Xát), Hà Giang (Quản Bạ: Bát Đại Sơn, Tùng Vài).

Nước ngoài: Trung Quốc, Nhật Bản.

Giá trị:

Nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam. Thân và rễ có chứa berberin (khoảng 2%); dùng làm thuốc chữa rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy, kiết lỵ, sốt và chữa đau mắt đỏ.

Tình trạng:

Loài có phạm vi phân bố rất hẹp. Bị xâm hại do nạn phá rừng. Điểm phân bố phát hiện ở Tùng Vài (1969), đến năm 2000 đã bị mất; điểm ở Bát Đại Sơn hiện có số cá thể rất ít. Nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao.

Phân hạng: EN A1a,c,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "đang nguy cấp" (Bậc E). Điểm phân bố ở Bát Đại Sơn nay đã được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng vẫn cần quan tâm bảo vệ triệt để những cá thể còn sót lại. Thu thập hạt giống và cây con (nếu có) đưa về nghiên cứu trồng bảo tồn ngoại vi (Ex situ) tại nơi phù hợp (Vườn của Trung tâm Khoa học kỹ thuật giống cây trồng Phó Bảng - Hà Giang).

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 130.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Hoàng liên ô rô lá dày

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này