Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Pơ mu
Tên Latin: Fokienia hodginsii
Họ: Hoàng đàn Cupressaceae
Bộ: Hoàng đàn Cupressales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    PƠ MU

PƠ MU

Fokienia hodginsii (Dunn) A. Henry & Thomas, 1911

Cupressus hodginsii Dunn, 1908

Họ: Hoàng đàn Cupressaceae

Bộ: Hoàng đàn Cupressales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ lớn, có tán hình tháp, thường xanh, cao 25 - 30 m hay hơn, đường kính thân tới 1 m. Thân thẳng, không có bạnh gốc, cành phân ngang. Vỏ thân màu xám nâu, bong thành mảng khi non, sau nứt dọc, thơm. Lá hình vẩy xếp thành 4 dãy; ở cành non hoặc cành dinh dưỡng hai lá trong ngắn và hẹp hơn hai lá bên, dài đến 7 mm, rộng đến 4 mm, có đầu nhọn dựng đứng; ở cành già hay cành mang nón, lá nhỏ hơn (dưới 1 mm), có mũi nhọn cong vào trong. Nón đơn tính cùng gốc; nón đực hình trứng hay hình bầu dục, dài 1 cm, mọc ở nách lá; nón cái gần hình cầu, đường kính 1,6 - 2,2 cm, mọc ở đỉnh cành ngắn, khi chín tách thành 5 - 8 đôi vẩy màu nâu đỏ, hoá gỗ, hình khiên, đỉnh hình tam giác, lõm giữa và có mũi nhọn. Mỗi vẩy hữu thụ mang hai hạt với 2 cánh không bằng nhau.

Sinh học, sinh thái:

Quả chín vào tháng 5 - 6. Loài thuộc yếu tố Đông Á. Trung sinh và ưa sáng, không chịu được lửa rừng, trên đất granít hoặc đá vôi, ở độ cao khoảng 900 - 2400 m, mọc rải rác hoặc tạo thành rừng thuần loại hay đơn độc ở trên sườn hoặc đỉnh núi cùng với một số loài Thông khác như: Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia), Thiết sam đông bắc (Tsuga chinensis), Thông tre (Podocarpus neriifolius) và một số loài cây lá rộng như Sồi (Quercus spp.), tái sinh từ hạt tốt.

Phân bố:

Trong nước: Gặp ở vùng Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình), Đông bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai) và các tỉnh thuộc vùng bắc, trung và nam dải Trường Sơn từ Hà Tĩnh tới Lâm Đồng (Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà).

Nước ngoài: Nam Trung Quốc, trong đó có 2 tỉnh giáp với Việt Nam là Vân Nam và Quảng Đông và Bắc Lào.

Giá trị:

Loài cho gỗ quí, có giá trị thương mại lớn, dùng trong xây dựng, trang trí nhà ở, đóng đồ gỗ cao cấp và làm hàng mỹ nghệ; trước đây người H'Mông thường dùng để lợp nhà và thưng vách vì dễ chẻ và chịu đựng được mưa nắng, không mối mọt. Than Pơ mu cho nhiệt lượng cao. Gỗ rễ dùng để chưng cất tinh dầu làm thuốc và hương liệu.

Tình trạng:

Gần đây đã phát hiện thêm nhiều vùng phân bố mới, thậm chí trong những vùng đang có kế hoạch xây dựng các Khu bảo tồn thiên nhiên mới. Mặc dù đã có nghị định của chính phủ cấm khai thác và vận chuyển loài gỗ này, song hiệu quả vẫn còn hạn chế; trên thị trường tự do vẫn có thể mua được gỗ với số lượng lớn và người tiêu dùng vẫn muốn sử dụng gỗ trong xây dựng và làm hàng mỹ nghệ. Vì vậy loài này vẫn có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu không kịp thời bảo vệ triệt để.

Phân hạng: EN A1a,c,d.

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "biết không chính xác" (Bậc K) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Nên nghiên cứu về sinh học, sinh thái, phân bố để tổ chức phát triển đối tượng này nhằm bảo tồn nguồn gen phục vụ cho việc trồng rừng. Nên thành lập khu bảo tồn loài tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 225.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Pơ mu

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này