Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Lúa trời
Tên Latin: Oryza rufipogon
Họ: Cỏ Poaceae
Bộ: Cỏ Poales 
Lớp (nhóm): Cây thân rỗng  
       
 Hình: Lê hoàng Hải  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    LÚA TRỜI

LÚA TRỜI

Oryza rufipogon Griff., 1851

Oryza fatua Koenig ex Trin, 1889

Oryza sativa ssp. rufipogon (Griff.) De Wet, 1891

Họ: Cỏ Poaceae

Bộ: Cỏ Poales

Đặc điểm nhận dạng:

Cỏ hàng năm, thân rỗng, nằm rồi đứng, cao 1,5 - 3 m, đường kính thân 4 - 6 mm, lóng giữa các đốt dài 9 - 10 cm. Phiến lá thuôn hẹp, dài 25 - 50 cm, rộng 0,8 - 1,2 cm, không có cuống, gốc ôm thân; 2 mặt lá đều có lông tơ; những lá ở phía dưới phần gốc tiếp giáp với thân mép có rìa lông. Xét vềĐặc điểm di truyền, loài này có mối quan hệ rất gần gũi với Lúa trồng Oryza sativa L. khi cây chưa trưởng thành nhìn bên ngoài rất giống Lúa (Oryza) trồng cả hình dáng lẫn mầu sắc. Cụm hoa dạng chùm bông đứng, cao 10 - 20 cm, gồm nhiều nhánh, mỗi nhánh mang nhiều gié hoa, cuống gié dài 1 - 3 mm; mỗi gié dài 7 - 9 mm, rộng 1,8 - 2 mm; vỏ trấu bao ngoài khi chín mầu nâu nhạt, mặt ngoài có lông cứng đặc biệt ở sườn vỏ; đỉnh gié có 1 lông gai nhọn dài 9 - 11 cm tồn tại rất khó rụng kể cả khi đã chín già lâu ngày. Dĩnh quả (hạt gạo) dài 5 - 6,5 mm, rộng 1,5 - 2 mm, mầu trắng đục, có lớp vỏ lụa mỏng bao ngoài.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa tháng 9 - 10, có quả tháng 11 - 12. Tái sinh bằng hạt và chồi mầm. Hạt có thể sống ở tong đất 3 - 4 năm, khi gặp điều kiện thuận lợi là nẩy mầm phát triển. Sống ở vùng nước ngập, nơi đất chua phèn hoang hoá, mùa nước nổi lớn lên theo chiều cao của mức nước.

Phân bố:

Trong nước: Long An (Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Hưng), Tiền Giang (Tân Phước), Đồng Tháp (Tam Nông), Kiên Giang, Cà Mau.

Nước ngoài: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan.

Giá trị:

Nguồn gen độc đáo vì rất gần với lúa trồng, có thể chịu được nước ngập rất sâu, không bị sâu bệnh, đặc biệt thích nghi với nơi đất xấu, nước chua phèn. Có thể là vật liệu để lai tạo giống mới.

Tình trạng:

Hầu hết đất hoang vùng Đồng Tháp Mười đã được khai phá ngọt hoá, thay chua rửa phèn, vì vậy diện tích và số lượng Lúa trời giảm nhiều. Nơi cư trú rải rác, chỉ còn gặp ở các rạch và ruộng trũng sâu. Loài đang bị đe doạ mất dần do môi trường sống thay đổi.

Phân hạng: VU A2c, B1+2c.

Biện pháp bảo vệ:

Khoanh bảo vệ một diện tích cần thiết của khu vực ngập sâu Đồng Tháp Mười như ven Tràm chim huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) để chúng sinh trưởng phát triển tự nhiên, như vậy mới bảo vệ được nguồn gen quý này. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chính Lúa trời đã góp phần cứu đói cho người dân vùng Đồng Tháp Mười. Hạt gạo cứng nấu lâu chín nhưng ăn thì ngọt cơm.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 477.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Lúa trời

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này