Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá anh vũ
Tên Latin: Semilabeo obscurus
Họ: Cá chép Cyprinidae
Bộ: Cá chép Cypriniformes 
Lớp (nhóm): Cá biển  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÁ ANH VŨ

CÁ ANH VŨ

Semilabeo obscurus Lin, 1981

Pseudogyrincheilus procheilus Chevey & Lemasson, 1937

Semilabeo notabilis Mai Đinh Yen, 1978.

Họ: Cá chép Cyprinidae

Bộ: Cá chép Cypriniformes

Đặc điểm nhận dạng:

Cá cỡ trung bình, thân dài, hơi dày, dẹp bên. Đầu vừa phải. Mõm tròn tày, nhô trước. Miệng dưới. Môi trên và da mõm liền nhau, trên có nhiều mấu nhô chất thịt xếp hàng thành dải rộng. Môi dưới rất dày cũng chứa các mấu nhô chất thịt tạo thành dải rộng, hướng về phía cằm thu gọn thành hình tam giác. Có 2 đôi râu nhỏ. Mắt vừa phải. Khoảng cách 2 mắt rộng. Vây lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây bụng, không có tia gai cứng, viền sau lõm sâu. Hậu môn ở giữa vây bụng vây hậu môn. Vây đuôi phân thuỳ sâu. Vảy trên thân vừa phải, phần trước vây ngực nhỏ và vùi dưới da. Đường bên hoàn toàn, nằm giữa thân. Thân màu đen sáng, bụng trắng sữa, giữa các hàng vảy trên thân có các sọc dọc không rõ ràng. Các vây màu xám.

Sinh học, sinh thái:

Cá anh vũ thích sống ở nơi nước chảy, trong, đáy có nhiều sỏi đá ở các khe suối hoặc sông ngòi miền núi. Cá có kích thước trung bình, lớn nhất đạt tới 4 - 5kg, thường khai thác được cỡ 0,3 - 1,5kg. Tuổi cá khai thác trong nhóm 1 - 4 tuổi, chủ yếu là nhóm 1 - 2 tuổi. Cá lớn chậm: 1 tuổi dài 31 - 37cm, 2 tuổi dài 40 - 52,5cm, 3 tuổi dài 46,5 - 60cm, 4 tuổi dài 67,5cm. Viền môi của cá có nhiều mấu nhỏ chất sừng để cạo thức ăn bám trên nền đáy hoặc đá. Thức ăn chủ yếu là thực vật bám trên đá và các loại tảo như tảo Lục, tảo Khuê. Cá phát dục ở 2 năm tuổi. Sức sinh sản của cá cao. Cá cái dài 40 - 50cm, nặng 1.5 - 1.7kg có sức sinh sản tuyệt đối là 30.00 - 41.000 trứng, trứng có đường 7,7 - 10,9 mm. Mùa cá đẻ từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau (Nguyến Duy Nhất, 1962; Hoàng Đức Đạt, 1963), tháng 2 - 5 (Bộ Thuỷ sản, 1996) và vào tháng 8 - 9 khi nước bắt đầu trong (Phạm Báu và cộng sự, 1999). Bãi đẻ của cá ở đáy sông, nơi có nhiều đá hoặc hang hốc và có mức nước thay đổi từ 0,5 - 2m.

Loài này rất dễ nhần lẫn với Cá dầm xanh Sinilabeo lemassoni. Sự khác biệt dựa trên các đặc điểm về hính thái để phân biệt như sau:

Sinilabeo lemassoni: Vây lưng hình rẻ quạt, thuôn đều, chóp vây lưng ngắn, vẩy có ánh xanh, ở phần miệng cá có chóp nhọn, môi mỏng, phía trong miệng không có gai, râu cá ngắn và nhỏ.

Semilabeo obscurus: Vây lưng cong hình lưỡi liềm, chóp vây lưng dài, vẩy và vây lưng có ánh đỏ, ở phần miệng cá bẹt hơn, môi rất dày, phần môi trong có gai, râu dài sát miệng.

Phân bố:

Trong nước: Các sông lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình (sông Đà), Lào Cai, Yên Bái (sông Thao, sông Chảy), Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ (sông Lô - Gâm), Cao Bằng, Lạng Sơn (sông Kỳ Cùng), Thái Nguyên (sông Cầu), Thanh Hoá (sông Mã) và Nghệ An (sông Lam).

Nước ngoài: Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên và Vân Nam).

Giá trị:

Cá anh vũ là loài quý hiếm, trước đây được dùng để “tiến vua”. Thịt cá thơm ngon được chế biến thành các món ăn đặc sản. Một số đồng bào dân tộc ở Nà Hang (Tuyên Quang) đã vớt Cá giống anh vũ ở sông suối về nuôi bước đầu có kết quả.

Tình trạng:

Cá anh vũ bị săn lùng quá mức phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Sản lượng cá giảm mạnh ở các sông chính của các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua 5 điểm khảo sát ở các triền sông vùng Đông Bắc (9/2001) cho thấy Cá anh vũ vẫn còn; đặc biệt là sông Gâm còn khá nhiều. Số lượng Cá anh vũ ở Nà Hang (Tuyên Quang) và Việt Trì (Phú Thọ) theo ngư dân đã giảm chỉ còn 30% so với những năm 1960 - 1970. Sản lượng đánh bắt Cá anh vũ ở Nà Hang thu khoảng từ 500 - 600kg/vụ. Kế hoạch Nhà nước những năm tới sẽ xây dựng đập chắn ngang sông Gâm, tạo thành hồ chứa lớn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới vùng dự trữ Cá anh vũ.

Phân hạng: VU A1c,d B2a,b.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996. Đã có quy chế khai thác Cá anh vũ và gần đây được đưa vào diện cấm đánh bắt hoàn toàn. Tuy nhiên cá vẫn bị đánh bắt nhiều và các phương tiện thông tin đại chúng vẫn quảng cáo cho việc ăn cá này. Cần điều tra kỹ loài cá này để có quy chế bảo vệ và khai thác hợp lý. Cần cấm khai thác ở các vùng trọng điểm và bãi đẻ quan trọng.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá anh vũ

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này