Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Thạch sùng mí cát bà
Tên Latin: Goniurosaurus catbaensis
Họ: Tắc kè Gekkonidae
Bộ: Có vảy Squamata 
Lớp (nhóm): Bò sát  
       
 Hình: Ngô Ngọc Hải  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    THẠCH SÙNG MÍ CÁT BÀ

THẠCH SÙNG MÍ CÁT BÀ

Goniurosaurus catbaensis Thomas Ziegler et al., 2008

Họ: Tắc kè Gekkonidae

Bộ: Có vảy Squamata

Đặc điểm nhận dạng:

Loài bò sát hang động có thân hình mảnh dẻ, dẹp, dài thân 84 - 111mm; chi dài và mảnh; mống mắt màu nâu vàng; lưng màu nâu với những vệt màu xám, có nhiều đốm màu vàng phần giáp với sườn; có một dải màu vàng nhạt hình vòng cung ở phía sau gáy, có 3 - 4 dải màu vàng nhạt chạy ngang lưng; vảy thân dạng hạt; có 16 - 21 lỗ trước hậu môn.

Loài này khác với các loài khác sau: Thân và chân mảnh. Vạch gáy mỏng, kéo dài về phía sau. Ba (hoặc bốn) sọc thân lưng mảnh, màu thuần khiết, nằm giữa khoảng cách các chân, không có đốm thâm. Mặt lưng và chân có đốm thâm. Đầu có hoa văn tối màu. Đồng tử màu nâu cam. Thiếu vảy sau mõm (gian mũi), các vảy trên mũi gặp giữa đường giữa sau đường viền mõm. 5 - 6 vảy quanh lỗ mũi. Có hàng nốt sần mở rộng ở vùng trên ổ mắt. Mặt ngoài của mí mắt trên có vảy nổi hột cùng kích thước với những vảy trên đỉnh đầu và có hàng dài 6 - 9 nốt sần lớn. 52 - 55 vảy riềm mí mắt. 8 - 9 vảy môi trên và 6 - 8 vảy môi dưới. Vảy thân nổi hột, có 8 - 11 vảy nổi hột bao quanh nốt sần thân. Túi nách sâu. Ngón chân mảnh, dài, có màng khớp rộng và móng được bọc bởi 4 vảy. 16 - 21 lỗ trước huyệt.

Những khác biệt chủ yếu về hình thái của các loài Thạch sùng mí Goniurosaurus sp. ở Việt Nam như sau:

A. Mút mõm của Goniurosaurus catbaensis thiếu vảy sau mõm (gian mũi) và hai vảy trên mũi nối liền nhau.

B. Mút mõm của Goniurosaurus lichtenfelderi có một vài vảy gian mũi.

C. Vạch gáy của Goniurosaurus huuliensis khác vảy gáy của Goniurosaurus catbaensis.

D. Vạch gáy của Goniurosaurus catbaensis khác vảy gáy của Goniurosaurus lichtenfelderi.

E. Vạch gáy của Goniurosaurus catbaensis khác vảy gáy của Goniurosaurus luii.

F. Vạch gáy của Goniurosaurus luii thuôn tròn chữ V ra phía sau nhưng không nhọn như Goniurosaurus huuliensis.

G. Lỗ trước huyệt và cơ quan sinh dục đôi lồi lên của Goniurosaurus luii ở con đực và hai nốt sần sau huyệt.

H. Lỗ trước huyệt mờ của Goniurosaurus lichtenfelderi ở con cái và chỉ có một nốt sần sau huyệt ở mỗi bên.

Sinh học, sinh thái:

Sống trong các khe đá và hang động trên các vách núi đá vôi. Thức ăn là những loài côn trùng sống trong khu vực phân bố, kiếm ăn đêm, nên chúng có đôi mắt rất lớn với độ mở rất lớn để ánh sáng lọt vào nhiều nhất giúp chúng nhìn thấy kẻ thù để chạy trốn và con mồi để tấn công cho nên chúng có gờ mí mắt nổi rõ hơn hẳn. Chiếc đuôi nguyên bản chỉ hơi phồng ở gốc, nhưng khi chúng bị đứt đuôi chiếc đuôi tái sinh sẽ phồng lên lớn hơn so với bình thường và rất rõ. Đuôi tái sinh là một quá trình tái tạo đặc biệt của một số loài tắc kè thuộc Họ Tắc kè Gekkonidea, đuôi tái sinh không chỉ phát triển hệ cơ, mạch máu, hệ xương mà còn cả hệ thần kinh.

Phân bố:

Loài mới phát hiện ở Việt Nam được công bố tháng 05 năm 2008. Hiện tại mới chỉ ghi nhận loài thằn lằn này ở Khu sinh quyển Cát Bà, Hải Phòng. Đây cũng là loài Thạch sùng mí thứ tư thuộc Giống Goniurosaurus hiện biết ở Việt Nam.

 

Mô tả loài: Nguyễn Quảng Trường, Phùng Mỹ Trung, Phạm Thế Cường - WebAdmin.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Thạch sùng mí cát bà

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này