Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Khỉ vàng
Tên Latin: Macaca mulatta
Họ: Khỉ Cercopithecidae
Bộ: Linh trưởng Primates 
Lớp (nhóm): Thú  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    KHỈ VÀNG

KHỈ VÀNG

Macaca mulatta (Zimmermann, 1780)

Cercopithecus mulatta Zimmermann, 1780

Macaca siamica Kloss, 1917.

Họ: Khỉ Cercopithecidae

Bộ: Linh trưởng Primates

Đặc điểm nhận dạng:

Toàn thân màu nâu vàng. Con trưởng thành mặt có màu đỏ. Lông trên đỉnh đầu rất ngắn. Phía sau thân màu nâu nhạt hơn phía trước ( Fa, 1985). Đuôi có độ dài trung bình ngắn hơn 3/4 chiều dài đầu và thân, được phủ một lớp lông tốt. Vùng mông ngoài và đùi có màu hung đỏ. Da quanh chai mông tròn, không có lông.

Sinh học, sinh thái:

Khỉ vàng sống trong điều kiện dao động rất lớn của nhiệt độ môi trường, lượng mưa cũng như độ cao. Từ vùng rất lạnh tới vùng nóng gần 500 C, từ nơi rất khô gần sa mạc tới nơi có lượng mưa hàng năm 10000 mm và từ độ cao so với mặt nước biển tới 3050m (Richie et. al, 1978). Southwick et.al (1961a; 1964) cho rằng khỉ vàng sống thành nhóm tới 50 cá thể. Fooden (1971) đã quan sát được 20 cá thể trong một nhóm khỉ vàng ở Thái Lan năm 1967. Tuổi thành thục 42 - 48 tháng (Melnik, 1987). Thời gian mang thai 164 ngày. Khoảng cách giữa các lần sinh 12 - 24 tháng (Ross, 1992). Thời gian sống 29 năm (Ross, 1991). Thời gian sinh sản trong năm khoảng 3 - 6 tháng (Melnik, 1987).

Thức ăn chủ yếu là quả, hạt, lá, nõn cây, cỏ, một số Bộ: phận khác của cây và một số động vật không xương sống (Rochard, 1989). Gần 100 loài cây được dùng làm thức ăn (Lindburg, 1977). Là loài hoạt động ban ngày, phần lớn dưới đất, một phần trên cây (Seth, 1986). Cấu trúc đàn dạng nhiều đực, nhiều cái. Trong đêm thường con cái sống tập thể. Con đực đầu đàn tuy có dẫn đầu nhưng thường ở phía ngoài của nhóm (Parker, 1990). Số lượng cá thể trong đàn thường lớn 10 - 50 con có khi tới 90 con (Seth, 1986). Chúng thích sống trong các khu rừng nguyên sinh, thứ sinh, rừng khô, rừng hỗn giao, rừng tre nứa, rừng ngập nước, rừng thưa nhiệt đới, rừng thông, cây bụi, rừng ẩm nhiệt đới, gần khu nông nghiệp. Chúng sống tới độ cao 3000m (Parker, 1990). Nước là yếu tố ngăn cản của sự phân bố.

Phân bố:

Trong nước: Phân bố từ biên giới phía Bắc tới các tỉnh Tây Nguyên.

Thế giới: Nam và Đông nam Á.

Giá trị:

Được sử dụng trong sản xuất vacxin chống bệnh bại liệt trẻ em, làm vật mẫu, đối tượng nghiên cứu khoa học. Hiện nay đã được Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội (Bộ Y tế) tổ chức nhân nuôi tại Đảo Rều (Quảng Ninh) với số lượng hàng nghìn con để sản xuất vacxin. Cần có biện pháp bảo vệ tốt trong thiên nhiên để giữ nguồn gen quý.

Tình trạng:

Trước năm 1975, loài này còn gặp rất phổ biến ở các khu rừng các tỉnh phía Bắc tới Tây Nguyên trên diện tích ước tính khoảng >20.000km2. Từ năm 1975 trở lại đây tình trạng của loài thay đổi rõ rệt. Số lượng quần thể giảm mạnh. Số lượng tiểu quần thể hiện nay khoảng 50. Nguyên nhân biến đổi là do: Nơi cư trú bị xâm hại, rừng bị chặt phá, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và đây là đối tượng săn bắt để lấy thịt, nấu cao, buôn bán và xuất khẩu.

Phân hạng: LR nt

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ). Cần tiến hành tốt việc thực thi pháp luật, các quy chế, nghị định của chính phủ về công tác bảo vệ động vật hoang dã. Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên và các chương trình quản lý các loài động vật hoang dã nói chung và các loài bị đe doạ nói riêng.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 40.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Khỉ vàng

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này