Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Hươu xạ
Tên Latin: Moschus berezovski
Họ: Hươu xạ Moschidae
Bộ: Ngón chẵn Artiodactyla 
Lớp (nhóm): Thú  
       
 Hình: Nguyễn Quang Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    HƯƠU XẠ

HƯƠU XẠ

Moschus berezovski Flerov, 1929

Moschus moschiferus Linnaeus, 1758

Moschus caobangis Dao, 1969.

Họ: Hươu xạ Moschidae

Bộ: Ngón chẵn Artiodactyla

Đặc điểm nhận dạng:

Dạng ngoài hơi giống Cheo cheo nhưng lớn hơn nhiều, chân sau dài hơn chân trước 1/3 nên khi đứng sau cao, trước thấp, lưng gù. Đực, cái đều không có sừng, không tuyến trước ổ mắt. Trọng lượng 6 - 10kg. Bộ lông dầy; lông dài xấp xỉ 3cm, thô, hơi cứng, nhẹ, xốp, phần gốc thẳng màu trắng, phần trên uốn sóng và có băng màu nâu xám, vàng nhạt xen kẽ, tạo cho Bộ lông có màu nâu xám lấm tấm vàng rất đều; tứ chi có màu thẫm. Con đực có tuyến xạ nằm khoảng giữa rốn và cơ quan sinh dục; có răng nanh mọc dài ngoài mép.

Sinh học, sinh thái:

Ăn lá, chồi, nụ, hoa… cây rừng, các loại cỏ, đôi khi ăn quả…, không ăn động vật. Hươu cũng ưa các loại rau màu trồng trên nương, rẫy.

Hươu sinh sản gần như quanh năm; ghép đôi từ tháng 3 - 12, tập trung trong các tháng 6, 7, 8. Mang thai 185 - 195 ngày; đẻ từ tháng 9, đẻ nhiều vào tháng 12 - 2; năm đẻ 1 lứa/ 1 con.

Hươu xạ là loài hẹp sinh cảnh, chỉ ở núi đá vôi có độ cao 400-1000 m trên mặt biển, nơi có độ dốc lớn và hiểm trở. Hươu ưa rừng thưa, có tầng cỏ quyết phát triển, ít ở rừng già, hoạt động chủ yếu vào chiều hôm và rạng sáng, thường từ 9h - 16h ban ngày, 19h - 4h đêm hươu nghỉ; hươu chỉ ghép đôi vào thời kỳ động dục.

Phân bố:

Trong nước: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn.

Thế giới: Ấn Độ, Nêpan, Mianma, Mông Cổ, Trung Quốc, Nga (Sakhalin), Triều Tiên.

Giá trị:

Ở Việt Nam Hươu xạ là loài hiếm, quý vì có tuyến xạ. Xạ hương là chất định hương tuyệt hảo và là dược liệu quý. Hươu dễ thuần dưỡng, có thể gây nuôi để khai thác xạ hương.

Tình trạng:

Hươu xạ ở Việt Nam có vùng phân bố hẹp, số lượng ít lại bị săn bắt liên tục, trong 10 năm gần đây số lượng đã giảm xấp xỉ 80%, hiện tại vẫn đang bị săn lùng ráo riết. ở nhiều địa phương Hươu đã tuyệt chủng.

Phân hạng: CR A1d + 2d.

Biện pháp bảo vệ:

Cấm săn bắt động vật trong đó có Hươu xạ, Sách đỏ Việt Nam xếp Hươu xạ bậc E, tuy nhiên nhìn chung biện pháp bảo vệ còn kém hiệu lực. Một số khu bảo tồn thiên nhiên có Hươu xạ nhưng chưa có khu bảo tồn riêng cho Hươu xạ. Tăng cường hiệu lực pháp chế cấm săn, bắt buôn bán Hươu xạ; chọn vài khu có sinh cảnh thích hợp, khoanh vùng bảo tồn và nuôi bán tự nhiên Hươu xạ (tại Cao bằng, Lạng Sơn); Nghiên cứu gây nuôi khai thác xạ, cấm khai thác xạ tự nhiên.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Hươu xạ

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này