CÁ LỢ THÂN THẤP
CÁ LỢ THÂN THẤP
Cyprinus multitaeniata
(Pellegrin & Chevey, 1936)
Cyprinus carpio var. multitaeniata
Pellgrin & Chevey, 1936.
Họ: Cá chép Cyprinidae
Bộ: Cá chép Cypriniformes.
Đặc
điểm nhận dạng:
Cá cỡ
nhỏ, thân cao, hơi gù, dẹp bên.
Có 2 đôi râu dài
gần bằng nhau. Miệng hướng trước. Môi dày.
Mõm
ngắn. Mắt khá lớn. Khoảng cách 2 mắt rộng. Vây lưng có khởi điểm trước khởi
điểm vây bụng. Hậu môn trước khởi điểm
vây hậu môn. Tia đơn cuối của vây lưng và vây hậu môn hoá xương cứng chắc,
phía sau có răng cưa khoẻ.
Lưng và
hông màu nâu xám, bụng xám vàng. Sau mỗi vẩy có chấm đen làm cho thân có 12 - 13
sọc đen song song với đường bên. Các vây xám, gốc nhạt hơn.
Sinh
học, sinh thái:
Cá sống
ở tầng đáy, chỗ đất cát pha bùn và có nhiều cỏ nước.
Tính thích ứng
của cá với môi trường kém, không chịu được hoàn cảnh sống khó khăn như nước
đứng, nước đục, hàm lượng oxy thấp. Cá thuộc loại ăn tạp. Thức ăn là động vật
đáy, ốc, hến, vẹm nước ngọt, giun ít tơ,
ấu trùng muỗi lắc, động vật nổi và tôm. Ngoài ra cá còn ăn cây cỏ non, các
loài hạt mềm có bột và các mùn bã hữu cơ tích tụ ở đáy.
Cá lớn nhanh, 1
năm có chiều dài 150mm, 2 năm dài 240mm, 3 năm dài 368mm, 4 năm dài 475mm, 5 năm
dài 580mm, 6 năm dài 660mm. Cá lớn nhất có thể đạt 10-15kg. Cá thành thục khi
đạt 2 năm tuổi, chiều dài 24cm trở lên. Cá tham gia đẻ nhiều ở nhóm 3 - 4 tuổi.
Lượng chứa trứng của cá cái dài 72cm, nặng 51000g có 78.500 trứng và cá dài
100cm, nặng 7.000g có 85.400 trứng. Mùa sinh sản của ca từ tháng 4 - 5. Cá thuộc
loại đẻ trứng dính. Bãi đẻ thường ở các khe suối, nơi tiếp giáp giữa các nguồn
nước, có nhiều cỏ nước và lau sậy.
Phân bố:
Trong nước:
Các sông suối miền núi phía Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang (sông Lô - Gâm), Bắc Kạn
(sông Năng - hồ Ba Bể), Yên Bái, Phú Thọ (sông Thao, hồ Thác Bà), Hoà Bình (sông
Đà, hồ Hoà Bình), Lạng Sơn (sông Trung - vùng Hữu Lũng), Thái Nguyên, Bắc Giang
(sông Cầu, sông Thương).
Thế
giới: Trung
Quốc (sông Tây Giang - Quảng Tây).
Giá
trị:
Là loài
đặc trưng của sông suối vùng núi phía Bắc Việt Nam và sông Tây Giang (Trung
Quốc). Cá có tốc độ
sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon, được dân địa phương ưa thích. Sản lượng
Cá lợ thân thấp trước đây ở một số vùng khá cao như hồ Ba Bể (Bắc Kạn), sông Lô
- Gâm (Tuyên Quang) và sông Đà (Hoà Bình) đã góp phần cung cấp nguồn thực phẩm
đáng kể.
Tình
trạng:
Cá Lợ
thân thấp hiện đang giảm sút nghiêm trọng do nơi sinh sống thu hẹp trên 80% và
sản lượng trong 10 năm gần đây giảm rất nhanh. Trong các vực nước tự nhiên hầu
như không còn loài cá này. ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Cá lợ thân thấp chiếm 3,5% sản
lượng cá năm 1962 và 1,5 - 2,5% sản lượng cá năm 1975 (Nguyễn Văn Hảo,1975) và
hiện nay không còn (Nguyễn Văn Hảo và cộng sự, 1999). Trên sông Đà, không còn
thấy Cá lợ thân thấp (Nguyễn Hữu Dực, Nguyễn Văn Hảo và cộng sự, 2001).
Phân
hạng:
EW.
Biện
pháp bảo vệ:
Đã được
đưa vào
Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc E và danh sách các loài
cần được bảo vệ của ngành Thuỷ sản trước năm 1996. Tuy nhiên cho đến nay vẫn
chưa có biện pháp bảo vệ loài cá này ở những vùng trọng điểm. Nếu thấy xuất hiện
cần tuyệt đối cấm khai thác trong vòng từ 8 - 10 năm. Cần thu gom, lưu giữ và
bảo tồn nó ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và vùng sông Gâm thuộc 2 huyện Nà Hang - Tuyên
Quang và Bắc Mê - Hà Giang. Nghiên cứu đưa cá về ao nuôi và tạo giống để bổ sung
số lượng, phục hồi nguồn lợi trong vùng nước tự nhiên.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.